Khó hợp nhất công ty tài chính với ngân hàng

Ngoại trừ Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC) đang chọn lối thoát hiểm bằng việc hợp nhất với một ngân hàng khác, đa phần công ty tài chính đang bế tắc trong tìm hướng ra.
Lối thoát nhìn từ PVFC

Cho đến cuối tuần qua, PVFC vẫn từ chối việc Đề án hợp nhất giữa công  ty này với  một ngân hàng thương mại cổ phần đã được Thủ tướng Chính phủ  phê duyệt. Tuy nhiên, một nguồn tin từ phía đối tác của PFVC cho biết,  thông tin trên là chính xác. Nếu đúng như vậy, trên thị trường sắp có  thêm một ngân hàng lớn, với vốn điều lệ 9.000 tỷ đồng, tổng tài sản hơn  100.000 tỷ đồng.

Hợp nhất với một ngân hàng được coi là hướng đi khả dĩ nhất cho PVFC,  bởi với vốn điều lệ 6.000 tỷ đồng, tổng tài sản trên 93.000 tỷ đồng,  tương đương với quy mô một ngân hàng thương mại lớn, song phạm vi nghiệp  vụ bị bó hẹp.

Về lý thuyết, việc hợp nhất này sẽ giúp hai bên phát huy được một số  yếu tố như tận dụng nguồn lực, nghiệp vụ cho vay đầu tư dự án của PVFC,  tận dụng mạng lưới, kinh nghiệm bán lẻ của đối tác. Tuy nhiên, ngân hàng  hợp nhất cũng đối mặt với rất nhiều khó khăn, nhất là việc đưa bộ máy  hoạt động của hai bên vào chung một guồng, do trước đó, hoạt động của  công ty tài chính và ngân hàng thương mại hoàn toàn khác nhau.

[B]Khó nhân rộng mô hình tái cơ cấu của PVFC[/B]

TS. Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam,  nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho rằng, việc hợp nhất với  ngân hàng thương mại và chuyển sang hoạt động theo mô hình ngân hàng  thương mại là một hướng tái cơ cấu của các công ty tài chính. Tuy nhiên,  không phải công ty tài chính nào cũng có thể hợp nhất với ngân hàng  theo hướng mà PVFC đang đi. “Trong số các công ty tài chính hiện nay,  chỉ có PVFC và Công ty Tài chính cổ phần Điện lực (EVN Finance - vốn  điều lệ 2.500 tỷ đồng) là có quy mô lớn, còn hầu hết rất nhỏ bé, với vốn  điều lệ chỉ vài trăm tỷ đồng. Vì vậy, việc một công ty tài chính chủ  động tìm kiếm ngân hàng để hợp nhất như PVFC là khó”, ông Kiêm phân  tích.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, hợp nhất công ty tài chính và  ngân hàng thương mại không phải là lựa chọn tốt nhất. Lý do là, mục đích  hoạt động của hai tổ chức này hoàn toàn khác nhau và việc kết hợp này  có thể làm rối thêm cơ cấu sở hữu chéo trong lĩnh vực ngân hàng.

Theo lộ trình tái cơ cấu các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước, đến năm  2015, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước phải thoái vốn đầu tư  ngoài ngành, nhất là lĩnh vực tài chính. Nếu khả năng này xảy ra, trong 3  năm tới, các công ty tài chính sẽ đứng trước 3 khả năng: hợp nhất, sáp  nhập với ngân hàng thương mại; hoạt động đúng mô hình công ty tài chính  như trên thế giới hoặc đóng cửa.


  [RIGHT][B]Hà Tâm - Đầu Tư[/B]

[/RIGHT]