Mình mới tham gia diễn đàn nên không biết là Vietinbank lại hot như thế này. Ngày trước hồi còn trong nước thỉnh thoảng mình cũng nghe bạn bè nhắc đến Vietinbank, nhưng hồi đấy mình làm cho big 4 nên không để ý lắm.
Hiện nay mình đang làm finance cho một ngân hàng lớn ở Mỹ sau khi học xong master. Nếu như VN về lâu dài sau này cũng phát triển theo xu hướng như Mỹ thì mình khuyên các bạn không nên vào làm trong ngân hàng mà nên chọn một lĩnh vực nào đấy để học hỏi các kỹ năng cho phép mình chuyển sang các lĩnh vực khác dễ dàng hơn.
Sở dĩ mình có ý kiến như vậy là vì ngành ngân hàng khi đã phát triển lên mức cao thì ngoài các nhân viên làm việc tại headquarters (mà ở VN gọi là hội sở?) cho các bộ phận mang tính quản lý chiến lược, các vị trí quản lý và salespeople có lượng customers ổn định ra thì tại các branches, các vị trí giao dịch viên hoặc liên quan đến xử lý giao dịch đơn thuần đều trả lương rất thấp và "vòng đời" của nhân viên thường là ngắn. Sở dĩ như vậy là vì:
1) Tần suất xảy ra khủng hoảng trên thế giới là tương đối thường xuyên và ngành ngân hàng luôn bị ảnh hưởng trực tiếp. Khi khủng hoảng xảy ra thì chắc chắn là cắt giảm chi phí xảy ra là cần thiết. Bạn theo dõi tin tức có thể thấy các ngân hàng lớn như Citi, Chase hay Bank of America sa thải một lúc có thể đến hàng chục ngàn nhân viên. VN muốn gia nhập với thị trường quốc tế thì chỉ có thể cùng chịu ảnh hưởng khủng hoảng trong tương lai mà thôi.
2) Kể cả không xảy ra khủng hoảng, nhưng vì tính chất tập trung chuyên môn hóa cao trong ngành ngân hàng, khi lãnh đạo ngân hàng quyết định thay đổi chiến lược thì nhân viên trong line of business nào không còn mang tính chiến lược nữa thì sẽ bị sa thải không thương tiếc. Ví dụ như ngân hàng của mình hiện nay dù đang tăng trưởng rất mạnh, tuy nhiên mảng home equity không còn được chú trọng vì lãnh đạo không muốn phát triển mảng này nữa, thì chỉ trong vòng vài tháng hàng trăm nhân viên làm sales cho products này đã bị thất nghiệp. Mình làm trong finance nên khi đi họp với các sếp luôn được nghe họ nói về việc nếu như doanh thu không được như kì vọng thì sẽ thuê người mới về làm tốt hơn và đuổi hết những người "làm lâu lên lão làng" và không kịp thích ứng với môi trường và kì vọng mới của ngân hàng.
3) Khi ngành ngân hàng đã phát triển đến mức độ nhất định thì một trong những yếu tố được lãnh đạo quan tâm hàng đầu là quản lý chi phí, mà đơn giản nhân là thông qua sử dụng technology và giảm thiểu nhân sự. Hiện này các ngân hàng bên Mỹ đang triển khai mô hình mới gọi là Bank of the Future, trong đấy cả một chi nhánh sẽ chỉ có một vài nhân viên làm việc, hoặc thậm chí không có ai. Toàn bộ các giao dịch mang tính routine với khách hàng đều thông qua ATM, computer, smartphone, call center. Bản thân mình sống ở đây mấy năm rồi nhưng chắc ra ngân hàng đếm trên đầu ngón tay (khi mở, đóng tài khoản). Thử tưởng tượng sau này khi bạn 40-50 tuổi rồi và ngân hàng tại VN bắt đầu triển khai mô hình này và bạn làm trong mảng của ngân hàng thuộc diện có thể giảm thiểu, để máy móc tự động hóa và thay thế được. Lúc đấy với những kỹ năng và kinh nghiệm học được trong nghề thì bạn còn có thể làm gì khác nữa?
4) Tính transferability của các skills mà bạn học được trong ngân hàng là tương đối thấp (có thể hiểu là khả năng nhảy việc?). Vi nhu cầu quản lý rủi ro cao nên các nhân viên trong ngân hàng thường chỉ được tiếp xúc với một loại giao dịch mà thôi. Và các kỹ năng mà bạn học được cũng rất cụ thể với hệ thống và thể loại dịch vụ của ngân hàng. Nếu sau 5-6 năm bạn không thích làm việc đó nữa thì sao? Chuyển sang công ty khác ngoài ngân hàng thì bạn sẽ phải làm lại từ đầu.
Trong dài hạn, mô hình ngân hàng sẽ chuyển từ hướng đơn thuần chỉ làm các dịch vụ đơn giản như thanh toán (quốc tế), cho vay tiền chuyển sang các dịch vụ thị trường vốn (capital markets) phức tạp hơn. Nên nếu như có điều kiện làm trong các mảng về advisory, tiếp xúc với thị trường vốn, mua bán định giá doanh nghiệp thì các bạn nên tham gia. Còn nếu không thì mình không nghĩ là vào làm ngân hàng là một định hướng nghề nghiệp tốt.
Đôi lời chia sẻ với góc nhìn của mình thôi