Thẩm định sự trung thực của các số liệu trên BCTC

anhntnan

Verified Banker
Chào cả nhà!
Mình là nhân viên mới vào nghề nên còn nhiều bỡ ngỡ. Xin cả nhà cho minh hỏi: Làm thế nào để thẩm định trung thực của số liệu trên BCTC như: tài sản? vốn chủ sở hữu? doanh thu? lợi nhuận?....
Trân trọng cảm ơn và mong nhận được sự giúp đỡ!
 
Các số liệu trên báo cáo tài chính có mối liên hệ chặt chẽ với nhau giữa BCĐKT, BCKQKD, LCTT, TMBCTC... chỉ cần tính các tỷ lệ và so sánh số liệu trong sổ cái các tài khoản phải thu, phải trả, tồn kho, tài sản cố định, tiền vay là biết được ngay số liệu có hợp lý không. Ngoài ra còn thuộc vào lĩnh vực và hoạt động sản xuất kinh doanh chính của doanh nghiệp là gì để đánh giá số liệu nữa. Thực tế các số liệu báo cáo ngân hàng không có một báo cáo nào là chuẩn cả, nhưng ngân hàng có thể xem xét tính phù hợp của BCTC và phương án kinh doanh, đánh giá TSBĐ để cho vay theo từng trường hợp cụ thể
 
lúc mới vào nghề mình cũng giống bạn, Ko biết đánh giá tính trung thực của báo cáo tài chính thế nào :-s
Sau gần 1 năm đi làm, cũng tự mình đúc kết đc 1 vài kinh nghiệm.
Bạn nên tính toán các chỉ số, đọc các số liệu có sự tăng giảm bất thường ở báo cáo tài chính
So sánh các số liệu với các báo c áo về HTK, phải thu, phải trả, tờ khai thuế....
Quan trọng nhất là đọc báo cáo tài chính pải đặt vào đúng lĩnh vực ngành nghề kinh doanh và quy mô của đơn vị đó.

Cố gắng bạn nhé
 
Không biết các Ngân hàng khác thế nào, còn bên mình do là Ngân hàng nhỏ nên các doanh nghiệp vay vốn cũng thường là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Khi thẩm định các doanh nghiệp này thường có 02 Báo cáo là Báo cáo Nội bộ và Báo cáo thuế.

Đối với BCT thì mọi người cũng biết rồi, số liệu thường lởm khởm, số liệu mà doanh nghiệp cung cấp chủ yếu là để đối phó với cơ quan thuế nên không phản ánh đúng hoạt động thực sự của doanh nghiệp. Tuy nhiên theo mình khi phân tích cũng có thể đối chiếu với BCT để xem xét, vì dù sao những con số trên thuế thường dễ kiểm tra và xác minh nhất.
Đối với BCNB phản ánh tình hình kinh doanh thực sự của khách hàng, tuy nhiên báo cáo này cũng dễ chế biến nhất nếu NVTD không phân tích được tình trạng thực sự của công ty. Cách mình thường làm là đối chiếu các số liệu giữa BCT và BCNB. Nếu số liệu trùng khớp với nhau thì ok, còn nếu không giống nhau cần phải tìm ra nguyên nhân dẫn đến sự sai khác này. Và khi thẩm định Báo cáo tài chính công ty, mình thường chỉ thẩm định tài sản có và nợ vay. Vì đây là các thành tố dễ xác minh nhất. Còn VCSH chỉ cần lấy hiệu của 02 số liệu này là ra.

Mình lấy một Ví dụ như thế này: Hôm nọ mình có phân tích Báo cáo tài chính của 01 công ty về sản xuất và cho thuê giàn giáo cốp pha xây dựng. Trên BCT đang ghi nhận HTK là 25 tỷ đồng, trong khi đó BCNB chỉ ghi nhận có 14 tỷ đồng. Khoản phải thu trên BCT là 9,8 tỷ đồng, còn trên BCNB chỉ có gần 3 tỷ đồng. Như vậy số liệu giữa 02 Báo cáo này sai lệch rất lớn. Sau đó mình trao đổi lại với kế toán công ty thì được biết là đối với lĩnh vực cho thuê giàn giáo cốp pha xây dựng, thường các công ty xây dựng sẽ có 01 người đi tìm kiếm nguồn để thuê. Giả sử yêu cầu là phải tìm giàn giáo cốp pha thép với số lượng 3000 đơn vị, tuy nhiên khi đi thuê, người này chỉ thuê 2000 đơn vị đúng tiêu chuẩn. Còn 1000 đơn vị người này sẽ đi thuê ngoài bằng gỗ để kiếm thêm lời. Khi đó để hợp thức hoá giấy tờ, người này sẽ nhờ khách hàng bên mình xuất hoá đơn giúp phần 1000 đơn vị kia. Chính vì điều này sẽ làm tăng khoản phải thu so với thực tế.

Về phần Hàng tồn kho, đây là khoản mục mình có thể thẩm định một dễ dàng hơn. Mình có đến kiểm đêm trực tiếp tại kho của khách hàng 02 lần, và khi mình ước lượng giá trị hàng tồn kho cũng gần với số liệu mà công ty Báo cáo. Như vậy có thể tin tưởng được về số liệu Hàng tồn kho. Tuy nhiên, HTK thực tế lại ít hơn so với Báo cáo thuế. Lý do là: ĐỐi với các công ty thương mại thông thường, mỗi khi xuất hoá đơn bán hàng thì lượng hàng tồn kho sẽ giảm xuống tương ứng. Tuy nhiên, với công ty này do đặc thù là cho thuê giàn giáo cốp pha, nên đến khi hết thời hạn cho thuê, hàng hoá sẽ được chuyển vào kho. Nhu vậy do việc xuất hoá đơn hộ khách hàng của công ty, sẽ làm cho lượng hàng tồn kho của công ty tăng lên tương ứng. Các bạn có thể thắc mắc, vậy công ty sẽ làm thế nào để có thể cân đối được giữa hoá đơn đầu vào so với đầu ra. Mình trả lời như sau: Thực tế, đối với lính vực sản xuất giàn giáo cốp pha, không có 1 quy định nào quy định cụ thể về định lượng để sản xuất. Nên khi sản xuất công ty sẽ dễ dàng điều chỉnh lượng hàng hoá sản xuất ra. Ví dụ, 100kg tôn cuộn theo đúng định mức có thể sản xuất ra 3 tấm cốp pha, tuy nhiên để phù hợp trong báo cáo thuế, công ty ghi nhận thành 4 tấm, vì không có quy định nào cụ thể. Như vậy công ty có thể dễ dàng đối phó với thuế.
Khi đó mình yêu cầu khách hàng cung cấp một số phụ lục hợp đồng và hoá đơn liên quan, thì việc xác mình số liệu của công ty là có thể tin tưởng được.

Như vậy việc hiểu ngành nghề kinh doanh của công ty như các bạn đã nói trên là rất quan trọng khi phân tích. Mong mọi người chia sẽ tiếp.
 
hầu hết các BCTC của các công ty gửi cho NH đều là số liệu ảo, ngay cả BCTC có con dấu của cơ quan thuế, vì thế phải thực sự hiểu KH, rồi sau đó mới quay sang đánh giá BCTC bạn ah. Như mình khi cho vay thì những số liệu trên BCTC chỉ là con số phụ trong quá trình phân tích thôi, không phải là vấn đề lớn...
 
Mình đồng ý, tuy nhiên theo quan điểm của mình thì khi quyết định cho vay đối với 01 khách hàng, cần phải dựa vào một cơ sở nào đó có thể lượng hoá được. Theo mình đó là các BCTC, còn mức độ trung thực đến đâu thì mình cần phải thẩm định. Còn nếu nói khách hàng tốt mà không chỉ ra được tốt như thế nào, hay không đo lường được thì cũng khó mà ra quyết định.
Không biết bên bạn khi ra quyết định cho vay sẽ dựa vào yếu tố gì?
 
Hiện nay, bên mình đang chia thành 2 nhóm để thẩm định khách hàng. Đối với DN vừa và nhỏ, BC cho NH rõ ràng là số liệu múa ra nhiều hơn là thực; tuy nhiên, như bạn thanhtan nói đấy, nắm rõ tình hình KH rồi sau đó phân tích thì sẽ rõ hơn. Đối với DN lớn, BCTC cực kì phải rõ ràng, hầu hết đều phản ảnh trên đấy cả và thường các DN này có bộ phận kế toán quản lý khá chặt chẽ. Nhưng dù trường hợp nào thì phân tích báo cáo tài chính luôn phải kèm theo phân tích tối thiểu các khoản mục: Chi tiết HTK (đầu kì, phát sinh trong kì, cuối kì), Chi tiết phải trả, phải thu (các khoản phải thu lớn tập trung ở những đối tác nào, có phải là phải thu khó đòi hay không, trong kì có phát sinh giao dịch hay số liệu từ đầu kì), v.v...
 
Sự trung thực của BCTC tùy thuộc vào chủ quan người lãnh đạo cũng như bộ phận kế toán; nói chung nếu các doanh nghiệp muốn vay vốn ngân hàng thì cũng cố gắng làm sao cho ngân hàng thấy "sức khỏe" của mình qua các chỉ tiêu trên BCTC' "yếu" quá thì mấy ai dám mạo hiểm cho vay, hi
 
Mình cũng chưa hiểu ý các bạn: "Nắm rõ tình hình khách hàng rồi mới phân tích"??? - Quy trình này nghĩa là công tác phân tích trên giấy, tờ trình, hồ sơ sau khi bạn đã thẩm định khách hàng cẩn thận và đầy đủ. Thực tế khi bạn tác nghiệp, nên Phân tích để nắm rõ khách hàng.
Phân tích ở đây là mắt thấy (kiểm tra tính hiện thực), tai nghe (kiểm chứng giá trị thật sự), tay sờ (kiểm chứng chất lượng) để kiểm tra sự trung thực của số liệu, và óc suy nghĩ để cho ra các chỉ số (lượng hoá) để biết được doanh nghiệp đang ở đâu, khoẻ hay yếu, thừa gì, thiếu gì?
Dưới đây là kinh nghiệm của cá nhân mình, không có sách vở nào dạy cả, và nhiều khi cả sếp cũng chả có thời gian và sự kiên nhẫn để chia sẻ cho nhân viên.
Nếu chỉ phân tích báo cáo, tính toán số liệu và kết luận nó là tốt hay xấu thì rất nhiều sách vở đã hướng dẫn. Ở đây mình đề cập đến phân tích dựa trên Thực tế + kiểm tra số liệu trên báo cáo.
Để biết được báo cáo tài chính có trung thực hay không, trước tiên bạn phải hiểu về Báo cáo tài chính đã.
* Bảng cân đối kế toán: không có gì ngoài các chỉ tiêu về Tài sản - Nguồn vốn. Có điều rất hay là 2 chỉ tiêu này luôn bằng nhau (ai cũng biết nhưng không phải ai cũng hiểu cái hay của sự bằng nhau). Khi bạn thẩm định nên tự đặt ra câu hỏi cho mình và khách hàng (bằng nhiều cách khác nhau, ko nhất thiết phải hỏi thẳng toẹt nhé):
+ Nguồn vốn này ở đâu, từ đâu mà có? - Vốn góp các cổ đông, lợi nhuận tích luỹ, vốn vay, vốn chiếm dụng...
+ Nguồn vốn này đã đi đâu, sử dụng vào việc gì? - Đầu tư tài sản, chia cổ tức, chia các quỹ...
Tiếp tục lần mò theo đường đi của Nguồn vốn, ta đến Tài sản:
- Nguồn vốn trên đã đầu tư vào tài sản nào? Tài sản đó hiện đang ở đâu, sử dụng thế nào, giá thị trường? (Doanh nghiệp khai nguồn vốn 2 tỷ đầu tư vào 1 cái máy, nhưng bạn tìm hiểu trên thị trường, giá cái máy đó có 500 triệu thì đó là 1 điều vô lý hoặc, vốn sử dụng vào việc mua hàng hoá - nhưng bạn kiểm tra hàng tồn kho thấy số lượng được có 50% thì vậy hàng đó đang ở đâu: gửi bán, gửi kho bên khác, đang trên đường vận chuyển hay là mất rồi cũng nên (mất thật hoặc bị ăn vào lỗ - lại phải lật lại phần nguồn vốn- tại sao báo lãi?). Nếu bạn là lính mới thì chịu khó trong lúc khách hàng đang mải mê làm gì đó, e xin phép đi tham quan 1 tí, có thể đếm hàng được từ 80-90% hàng, về check lại giá trị, nếu bạn là lính cũ thì nhiều khi nhìn hàng xếp đống, cao bao nhiêu, rộng bao nhiêu, chủng loại là bạn có thể đoán ra gần chính xác số lượng và giá trị rồi). Hoặc các khoản phải thu: thu của ai, của hợp đồng nào, phát sinh từ bao giờ (xem chất lượng các khoản phải thu có khó đòi hay không?), hàng đã giao chưa (lại lật ngược lại hàng hoá), đã thanh toán bao nhiêu, bằng phương tiện thanh toán nào?.
Khi kiểm tra cân đối Nguồn vốn - tài sản bạn nên lưu ý cơ cấu của các khoản mục: Vốn ngắn hạn đầu tư ngắn hạn, vốn dài hạn đầu tư dài hạn. Đây là nguyên tắc để đảm bảo hiệu quả đòn bẩy tài chính của doanh nghiệp.
- Vốn vay là bao nhiêu? Tính chất và chất lượng khoản vay (CIC), mục đích vay vốn (hỏi luôn doanh nghiệp): Nếu vay ngắn hạn là 2 tỷ, bạn xem tổng thể quy mô tài sản ngắn hạn là 1 tỷ nhỏ hơn so với vay ngắn hạn thì nghĩa là: doanh nghiệp sử dụng vay ngắn hạn để đầu tư dài hạn (tạo sức ép trả nợ - thị trường kém thế này mà để lâu là tiêu luôn), hoặc sử dụng sai mục đích, hoặc vay hộ, vay ké... (nếu số liệu trên Báo cáo là chuẩn thì việc này thường được thể hiện bằng chỉ tiêu VCSH + Vay dài hạn < Tài sản cố định và đầu tư dài hạn).
Lưu ý các bạn là mọi hoạt động của doanh nghiệp đều có chứng từ, quan trọng là họ có cho mình xem hay không thôi, hehe...
Tạm thời thế, mình đi... ăn cơm đã.
Trên đây chỉ kiểm tra gói gọn trong Bảng cân đối kế toán. Phần sau, mình sẽ chỉ ra mối liên hệ giữa Bảng CĐKT và Báo cáo kết quả kinh doanh để xem kết quả kinh doanh của đơn vị có đúng với năng lực thực tế hay không, so với các đơn vị cùng ngành thì thế nào, khách hàng vay vốn đã đúng nhu cầu hay chưa? Ngân hàng đang cho vay thừa hay thiếu (đều ảnh hưởng cả), cần bổ sung vốn như thế nào?
Phần sau nữa sẽ là kiểm tra báo cáo lưu chuyển tiền tệ với hoạt động thu, chi, dòng tiền.
Chắc phải hệ thống lại để viết cho khoa học, dễ đọc, viết thế này tràn lan quá, thành thật xin lỗi!
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Tin tuyển dụng mới nhất

Thống kê MXH

Tổng số chủ đề
34,577
Số bình luận
528,086
Tổng số thành viên
351,489
Thành viên mới nhất
789betstyle
Back
Bên trên