Bạn cocghe266 ơi, đăng tin này giùm t với nhé,...
Thông báo tuyển dụng Công chức Tổng cục Thuế bổ sung năm 2013
Ngày 25/07/2013
Tổng cục Thuế thông báo tuyển dụng công chức bổ sung thông qua xét tuyển để làm chuyên môn nghiệp vụ, tin học và văn thư - lưu trữ được áp dụng đối với những địa phương được hưởng hệ số phụ cấp khu vực từ 0,5 trở lên theo quy định tại Thông tư liên tịch số 11/2005/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BTC-UBDT ngày 05/01/2005 của liên Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội, Bộ Tài chính và Uỷ ban Dân tộc; cụ thể:
* Tuyển dụng công chức bổ sung thông qua xét tuyển vào Cục Thuế tỉnh Gia Lai (xét tuyển dụng toàn Cục Thuế).
* Tuyển dụng công chức thông qua xét tuyển vào Chi cục Thuế các huyện hải đảo, vùng sâu, vùng cao có điều kiện khó khăn (địa bàn được hưởng hệ số phụ cấp khu vực 0,5 trở lên theo Quy định trên) thuộc 02 Cục Thuế như sau:
- Cục Thuế tỉnh Quảng Trị gồm các Chi cục: Chi cục Thuế huyện Đakrông, huyện Hướng Hoá, huyện đảo Cồn Cỏ;
- Cục Thuế tỉnh Hà Tĩnh gồm Chi cục: Chi cục Thuế huyện Hương Khê, huyện Hương Sơn, huyện Vũ Quang;
Tổng nhu cầu tuyển dụng bổ sung qua xét tuyển là: 22 chỉ tiêu, trong đó:
- Ngạch chuyên viên và kiểm tra viên thuế để làm chuyên môn nghiệp vụ là: 10 chỉ tiêu.
- Ngạch chuyên viên làm công nghệ thông tin là 02 chỉ tiêu;
- Ngạch cán sự và kiểm tra viên trung cấp thuế để làm chuyên môn nghiệp vụ là: 08 chỉ tiêu;
- Ngạch lưu trữ viên trung cấp là: 02 chỉ tiêu.
Bảng chỉ tiêu chi tiết từng đơn vị theo file đính kèm: Chỉ tiêu tuyển dụng
Mọi thông tin liên quan đến kỳ tuyển dụng (thông báo xét tuyển, kết quả xét tuyển, kết quả trúng tuyển…) được thông báo trên trang Website của Tổng cục Thuế (địa chỉ:
www.gdt.gov.vn).
I. Điều kiện, tiêu chuẩn, hồ sơ đăng ký xét tuyển:
1. Điều kiện đăng ký tuyển dụng:
1.1. Người có đủ các điều kiện sau đây không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo được đăng ký dự tuyển:
a). Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam;
b). Tuổi đời đủ 18 tuổi trở lên;
c). Có đơn dự tuyển; có lý lịch rõ ràng;
d). Có văn bằng, chứng chỉ phù hợp;
đ). Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt;
e). Đủ sức khoẻ để thực hiện nhiệm vụ;
g). Các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí dự tuyển.
1.2. Những người sau đây không được đăng ký dự tuyển:
a). Không cư trú tại Việt Nam;
b). Mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;
c). Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang chấp hành hoặc đã chấp hành xong bản án, quyết định về hình sự của Tòa án mà chưa được xóa án tích; đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục.
2. Điều kiện ưu tiên: Thực hiện quy định tại Điều 5, Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, bao gồm:
a) Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh: được cộng 30 điểm vào tổng số điểm xét tuyển;
b) Người dân tộc thiểu số, sĩ quan quân đội, sĩ quan công an, quân nhân chuyên nghiệp, người làm công tác cơ yếu chuyển ngành, con liệt sĩ, con thương binh, con bệnh binh, con của người hưởng chính sách như thương binh, con của người hoạt động cách mạng trước tổng khởi nghĩa (từ ngày 19 tháng 8 năm 1945 trở về trước), con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, con Anh hùng Lực lượng vũ trang, con Anh hùng Lao động: được cộng 20 điểm vào tổng số điểm xét tuyển;
c) Người hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ phục vụ có thời hạn trong lực lượng công an nhân dân, đội viên thanh niên xung phong, đội viên trí thức trẻ tình nguyện tham gia phát triển nông thôn, miền núi từ đủ 24 tháng trở lên đã hoàn thành nhiệm vụ: được cộng 10 điểm vào tổng số điểm xét tuyển.
Trường hợp người dự xét tuyển công chức thuộc nhiều diện ưu tiên theo quy định thì chỉ được cộng điểm ưu tiên cao nhất vào kết quả xét tuyển theo quy định.
3. Hồ sơ đăng ký dự xét tuyển:
Hồ sơ đăng ký dự xét tuyển công chức bao gồm:
- Đơn đăng ký dự xét tuyển công chức (theo mẫu quy định);
- Bản khai sơ yếu lý lịch tự thuật có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền trong thời hạn 30 ngày, tính đến ngày nộp hồ sơ dự tuyển;
- Bản sao giấy khai sinh;
- Bản chụp các văn bằng, chứng chỉ và bảng điểm kết quả học tập theo yêu cầu của vị trí dự tuyển;
- Giấy chứng nhận sức khoẻ do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp trong thời hạn 30 ngày, tính đến ngày nộp hồ sơ dự tuyển;
- Giấy chứng nhận thuộc đối tượng ưu tiên trong tuyển dụng công chức (nếu có) được cơ quan có thẩm quyền chứng thực.
- Ba phong bì có dán tem và ghi rõ họ tên, địa chỉ người nhận (thí sinh hoặc người thân); 02 ảnh (cỡ 4cm x 6cm) chụp trong thời gian 06 tháng;
- Bản cam kết tình nguyện làm việc từ 05 năm trở lên tại đơn vị đăng ký dự tuyển (theo mẫu quy định).
*Lưu ý: Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển dụng công chức được nộp một trong các chứng chỉ sau thay thế chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Anh:
- Về chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Anh trình độ B (đối với thí sinh dự tuyển vào ngạch chuyên viên và tương đương):
+ TOEFL 400 trở lên (PBT), 42 trở lên (iBT);
+ IELTS 4.5 trở lên;
+ TOEIC 405 trở lên.
- Về chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Anh trình độ A (đối với thí sinh dự tuyển vào ngạch cán sự và tương đương):
+ TOEFL 347 trở lên (PBT), 19 trở lên (iBT);
+ IELTS 2.0 trở lên;
+ TOEIC 255 trở lên.
4. Điều kiện về văn bằng, chứng chỉ:
2.1. Dự tuyển ngạch chuyên viên và kiểm tra viên thuế làm chuyên môn nghiệp vụ:
a) Có bằng tốt nghiệp Đại học (cử nhân) trở lên thuộc các chuyên ngành:
+ Tài chính, Kế toán, Quản trị kinh doanh, Ngân hàng, chuyên ngành Kinh tế thuộc các trường đại học;
+ Các chuyên ngành Luật.
b) Chứng chỉ ngoại ngữ trình độ B trở lên (một trong năm thứ tiếng: Anh, Pháp, Nga, Trung, Đức);
c) Chứng chỉ tin học Văn phòng hoặc chứng chỉ tin học trình độ A trở lên.
2.2. Dự tuyển ngạch chuyên viên làm công nghệ thông tin:
a) Có bằng tốt nghiệp Đại học trở lên thuộc chuyên ngành: Khoa học máy tính, Hệ thống máy tính, Hệ thống thông tin, Truyền thông máy tính, Công nghệ phần mềm, Mạng máy tính và truyền thông, Kỹ thuật máy tính, Công nghệ thông tin, Kỹ thuật phần mềm, Toán - tin ứng dụng, Điện tử viễn thông;
b) Chứng chỉ ngoại ngữ trình độ B trở lên;
2.3. Dự tuyển ngạch cán sự và kiểm tra viên trung cấp thuế làm chuyên môn nghiệp vụ:
a) Có bằng tốt nghiệp Trung cấp hoặc Cao đẳng trở lên thuộc các chuyên ngành kinh tế của các trường Trung cấp, Cao đẳng;
b) Chứng chỉ ngoại ngữ trình độ A trở lên (một trong năm thứ tiếng: Anh, Pháp, Nga, Trung, Đức);
c) Chứng chỉ tin học Văn phòng hoặc chứng chỉ tin học trình độ A trở lên.
2.4. Dự tuyển ngạch lưu trữ viên trung cấp:
a) Có bằng tốt nghiệp Trung cấp trở lên thuộc các chuyên ngành: Lưu trữ học và quản trị văn phòng, Hành chính học, Hành chính văn thư và Văn thư – Lưu trữ;
b) Chứng chỉ ngoại ngữ trình độ A trở lên (một trong năm thứ tiếng: Anh, Pháp, Nga, Trung, Đức);
c) Chứng chỉ tin học Văn phòng hoặc chứng chỉ tin học trình độ A trở lên.
II. Các quy định cụ thể về thi tuyển công chức:
1. Nội dung xét tuyển công chức:
a. Xét kết quả học tập của người dự tuyển.
b. Phỏng vấn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của người dự tuyển theo yêu cầu vị trí việc làm cần tuyển dụng.
2. Cách tính điểm:
Việc chấm điểm hồ sơ được thực hiện theo quy định tại Điều 41 Quy chế thi tuyển, xét tuyển công chức Bộ Tài chính được ban hành kèm theo Quyết định số 2141/QĐ-BTC như sau:
“ Điều 41: Cách tính điểm:
1. Điểm học tập được xác định là điểm bình quân gia quyền kết quả các môn học trong toàn bộ quá trình học tập của người dự xét tuyển ở trình độ chuyên môn, nghiệp vụ theo yêu cầu của vị trí dự tuyển, được quy đổi theo thang điểm 100 và tính hệ số 2.
2. Điểm tốt nghiệp trong xét tuyển được quy đổi theo thang điểm 100 và tính hệ số 1, được xác định như sau:
a. Nếu sinh viên được làm đồ án, khóa luận tốt nghiệp thì điểm tốt nghiệp là điểm đồ án, khóa luận tốt nghiệp (điểm luận văn tốt nghiệp, điểm bảo vệ luận văn tốt nghiệp, học phần cuối khóa chuyên ngành).
b. Nếu sinh viên không được làm đồ án, khóa luận tốt nghiệp mà phải thi tốt nghiệp khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp thì điểm tốt nghiệp là điểm bình quân gia quyền kết quả các bài thi tốt nghiệp khối kiến thức giáo dục chuyên ngành.
3. Đối với những người dự tuyển tốt nghiệp các trường đào tạo theo hệ thống tín chỉ, điểm bằng chữ A, B, C, D, F..., điểm học tập và điểm tốt nghiệp được xác định như sau:
a. Trường hợp người dự xét tuyển được đào tạo theo hệ thống tín chỉ (trên bảng điểm chỉ ghi điểm học tập, không có điểm tốt nghiệp hoặc điểm bảo vệ luận văn tốt nghiệp): điểm học tập và điểm tốt nghiệp được xác định là điểm bình quân gia quyền của điểm các môn học, được quy đổi theo thang điểm 100 nhân hệ số 3 (trong đó được phân ra: nhân hệ số 2 để tính điểm học tập; nhân hệ số 1 để tính điểm tốt nghiệp hoặc điểm luận văn tốt nghiệp);
b. Trường hợp người dự xét tuyển có bảng điểm thang điểm 4, thang điểm chữ cách xác định điểm hồ sơ được thực hiện như sau: Vận dụng quy định tại Quyết định số 43/2007/QĐ-BGDĐT ngày 15/8/2007 của Bộ Giáo dục và đào tạo ban hành quy chế đào tạo đại học và cao đẳng để tính điểm hồ sơ, khi quy đổi từ thang điểm 4 sang thang điểm chữ và sang thang điểm 10 thì lấy trung bình cộng của điểm tối thiểu và điểm tối đa làm cơ sở tính điểm hồ sơ, cụ thể như sau:
Thang điểm chữ
Thang điểm 4
Thang điểm 10
A(8,5-10)
tương đương với 4
quy đổi thành 9,25
B(7,0-8,4)
tương đương với 3
quy đổi thành 7,7
C(5,5-6,9)
tương đương với 2
quy đổi thành 6,2
D(4,0-5,4)
tương đương với 1
quy đổi thành 4,7
F(dưới 4)
tương đương với 0
quy đổi thành 2,0
c. Trường hợp người dự xét tuyển có bảng điểm chỉ có các điểm chữ A+, A, B+, B, C+, C, D+, D, F và không có điểm theo thang điểm 10, thực hiện quy đổi từ điểm chữ sang thang điểm 10 như sau:
A+ (9,0-10) quy đổi thành 9,50
A (8,5-9,0) quy đổi thành 8,75
B+ (8,0-8,4) quy đổi thành 8,20
B (7,0-7,9) quy đổi thành 7,45
C+ (6,5-6,9) quy đổi thành 6,70
C (5,5-6,4) quy đổi thành 5,95
D+ (5,0-5,4) quy đổi thành 5,2
D (4,0-4,9) quy đổi thành 4,5
F (dưới 4) quy đổi thành 2,00
d. Trường hợp người dự xét tuyển có bảng điểm ghi điểm các môn học xuất sắc, tốt, rất khá, khá, đạt, không đạt và không có điểm theo thang điểm 10, thực hiện quy đổi sang thang điểm 10 như sau:
Xuất sắc: quy đổi bằng trung bình của điểm Xuất sắc là 9.5
Tốt: quy đổi bằng trung bình của điểm Giỏi là 8.5
Rất khá: quy đổi bằng trung bình của điểm Khá là 7.5
Khá: quy đổi bằng trung bình của điểm Trung bình khá là 6.5
Đạt: quy đổi bằng trung bình của điểm Trung bình là 5.5
Không đạt: quy đổi bằng trung bình của Yếu là 4.5.
đ. Trường hợp người dự xét tuyển có bảng điểm ghi điểm bình quân học tập toàn khóa, thì không nhất thiết phải thực hiện việc tính lại điểm bình quân học tập, mà sử dụng điểm bình quân học tập (nhà trường đã tính) để quy đổi theo thang điểm 100 cho việc tính điểm xét tuyển.
Lưu ý: Không tính vào kết quả điểm học tập và kết quả điểm tốt nghiệp các môn học điều kiện (các môn học không có đơn vị học trình trong bảng điểm).
4. Điểm phỏng vấn được tính theo thang điểm 100 và tính hệ số 1.
5. Kết quả xét tuyển là tổng số điểm của điểm học tập, điểm tốt nghiệp, điểm phỏng vấn tính theo quy định tại khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này và điểm ưu tiên theo quy định.
6. Trường hợp người dự xét tuyển có trình độ đào tạo cao hơn so với trình độ đào tạo theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng, Hội đồng xét tuyển dụng công chức căn cứ kết quả học tập trong hồ sơ của người dự xét tuyển và điểm phỏng vấn về chuyên môn, nghiệp vụ để tính điểm theo quy định tại khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này”.
3. Xác định người trúng tuyển trong kỳ xét tuyển công chức:
Xác định người trúng tuyển trong kỳ xét tuyển công chức thực hiện theo quy định tại Điều 42 Quy chế thi tuyển, xét tuyển công chức Bộ Tài chính được ban hành kèm theo Quyết định số 2141/QĐ-BTC như sau:
“Điều 42. Xác định người trúng tuyển trong kỳ xét tuyển công chức
1. Người trúng tuyển trong kỳ xét tuyển công chức phải có đủ các điều kiện sau đây:
a. Có điểm học tập, điểm tốt nghiệp và điểm phỏng vấn, mỗi loại đạt từ 50 điểm trở lên;
b. Có kết quả xét tuyển cao hơn lấy theo thứ tự từ cao xuống thấp trong phạm vi chỉ tiêu được tuyển dụng của từng đơn vị tuyển dụng, từng ngạch tuyển dụng, từng vị trí việc làm.
2. Trường hợp có từ 02 người trở lên có kết quả xét tuyển bằng nhau ở vị trí cần tuyển dụng, người có điểm học tập cao hơn là người trúng tuyển; nếu điểm học tập bằng nhau thì người có điểm tốt nghiệp cao hơn là người trúng tuyển; nếu vẫn chưa xác định được người trúng tuyển thì Chủ tịch Hội đồng xét tuyển dụng công chức quyết định người trúng tuyển.
3. Người không trúng tuyển trong kỳ xét tuyển công chức không được bảo lưu kết quả xét tuyển cho các kỳ xét tuyển lần sau.”
III. Thời gian và địa điểm nộp hồ sơ:
+ Thời gian nhận hồ sơ: Thời gian tiếp nhận hồ sơ dự xét tuyển công chức Tổng cục Thuế năm 2013 là 07 ngày làm việc. Từ 8h00’ ngày 16/8/2013 đến 17h00’ ngày 26/8/2013
+ Địa điểm: tại trụ sở Cục Thuế các tỉnh Hà Tĩnh, Gia Lai và Quảng Trị (Hồ sơ không trả lại và không nhận qua đường bưu điện). Khi thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển; đồng thời nộp phí dự tuyển công chức theo quy định của Nhà nước: 140.000 đồng/thí sinh/lần dự tuyển.
IV.Thời gian và địa điểm tổ chức phỏng vấn:
Sẽ thông báo trên trang Website của Tổng cục Thuế (địa chỉ:
www.gdt.gov.vn).
Mọi liên lạc để có thông tin liên quan đến kỳ thi qua số điện thoại: 04.3972.8351./.
Tài liệu đính kèm :
ChitieuBS.xls (19 KB)