Tiền thân là Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam, BIDV được thành lập theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, với chức năng ban đầu là cấp phát và quản lý vốn kiến thiết cơ bản từ nguồn vốn ngân sách phục vụ tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Ngày 27/4/2012 Ngân hàng BIDV chính thức chuyển đổi thành Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam với số vốn điều lệ là 23.012 tỷ đồng.
Đến ngày 6/8/2013, Ngân hàng BIDV tăng vốn điều lệ lên 28.112 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức và chào bán cổ phần phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu.
Bản cáo bạch của BIDV cho biết, trong cơ cấu cổ đông nắm vốn BIDV hiện nay, gần 96% vốn cổ phần thuộc sở hữu của của Nhà nước và 4,23% vốn của cổ đông khác.
Về mạng lưới hoạt động của BIDV tính đến thời điểm 30/09/2013, ngoài Hội sở chính, BIDV có 118 chi nhánh, 463 phòng giao dịch, 105 quỹ tiết kiệm, 1.297 máy ATM và trên 7.000 máy POS... BIDV có 5 Công ty bao gồm Công ty Cổ phần Chứng khoán BIDV (BSC), Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm BIDV (BIC), Công ty cho thuê tài chính TNHH Một thành viên BIDV (BLC), Công ty TNHH Quản lý nợ và Khai thác tài sản BIDV (BAMC), Công ty TNHH BIDV Quốc tế tại Hong Kong (BIDVI).
Khối liên doanh, BIDV có 6 đơn vị liên doanh: Ngân hàng liên doanh VID Public Bank (VPB), Ngân hàng liên doanh Việt-Nga (VRB), Công ty liên doanh quản lý đầu tư BIDV-Việt Nam Partners (BVIM), Ngân hàng liên doanh Lào – Việt (LVB), Công ty liên doanh Tháp BIDV, Công ty liên doanh Bảo hiểm Lào-Việt (LVI).
Khối các đơn vị liên kết gồm Công ty Cổ phần Cho thuê Máy bay Việt Nam (VALC), Công ty Cổ phần Phát triển Đường cao tốc BIDV (BEDC).