Cái này mình tham khảo được, hy vọng có ích với các bạn
Các quan điểm trong phần phân tích tài chính
Trong những phần trước về việc hình thành các báo cáo lưu chuyển tiền tệ từ các quan điểm khác nhau, chúng ta đã đề cập đến hai quan điểm chính đó là quan điểm tổng đầu tư và quan điểm chủ sở hữu.
Nói một cách ngắn gọn, lưu chuyển tiền tệ theo quan điểm tổng đầu tư thể hiện dòng tiền mà dự án tạo ra ra mà không xem xét đến cơ cấu tài trợ cũng như chi phí tài trợ của dự án như thế nào. Dòng tiền ròng đó sẽ được thanh toán cho các đối tượng tài trợ của dự án(các đối tượng cho vay và chủ đầu tư của dự án). Nói một cách khác, ngân hàng dưới góc độ là nhà tài trợ của dự án sẽ phân tích mức độ khả thi về tài chính của dự án dựa vào dòng tiền ròng từ quan điểm tổng đầu tư. Trong quá trình đánh giá rủi ro, nhà Ngân hàng sẽ thẩm định dòng tiền theo quan điểm tổng đầu tư rằng liệu nó có đủ để thanh toán các khoản thanh toán nợ qua các năm hay không.
Nếu chúng ta kết hợp lưu chuyển tiền tệ theo quan điểm tổng đầu tư (TIPV) với bảng kế hoạch tài trợ thì chúng ta sẽ có dòng tiền theo quan điểm chủ sở hữu (EPV). Dòng tiền theo quan điểm chủ sở hữu là dòng tiền quan trọng nhất trong việc thẩm định dự án. Chủ sở hữu sẽ là người nhận được phần còn dư từ dòng tiền của dự án và là yếu tố ra quyết định quan trọng liên quan đến việc thiết kế và mức độ hấp dẫn của dự án.
Chi phí vốn bình quân có trọng số (WACC)
Trong việc đánh giá dòng tiền, chúng ta sẽ chiết khấu dòng tiền theo quan điểm chủ sở hữu danh nghĩa bằng suất sinh lợi yêu cầu của chủ sở hữu và chiết khấu dòng tiền TIPV bằng chi phí sử dụng vốn bình quân danh nghĩa được kỳ vọng. Bởi vì dòng tiền TIPVV là tổng dòng tiền để phân phối cho cả chủ nợ và chủ sở hữu nên chúng sẽ được chiết khấu bằng WACC danh nghĩa để thể hiện hai nguồn tài trợ của dự án.
Rõ ràng, WACC là bình quân có trọng số của các nguồn tài trợ của dự án. Nếu có một chủ sở hữu và một chủ nợ thì WACC chính là bình quân có trọng số của chi phí vốn vay danh nghĩa và chi phí vốn chủ sở hữu danh nghĩa với trọng số được tính bằng tỷ trọng của nợ và chủ sở hữu so với tổng nguồn vốn.
Đối với dòng tiền TIPV, chúng ta cần quan tâm một chút đến việc tính thuế. Rõ ràng dòng tiền TIPV không bao gồm các tác động của việc sử dụng vốn vay và vì thế nó không xem xét đến khoản tiết kiệm thuế từ việc giảm chi phí lãi vay trong bảng kết quả thu nhập. Trong trường hợp này việc xây dựng bảng kết quả kinh doanh và những dự trù với các khoản phải trả về thuế sẽ không bao gồm các khoản thanh toán lãi vay để làm giảm thu nhập chịu thuế. Trong trường hợp này, như đã giải thích bên trên chúng ta phải “giảm” WACC.
Ngược lại, nếu chúng ta xét đến khoản tiết kiệm thuế trong bảng lưu chuyển tiền tệ TIPV thì chúng ta không cần phải “giảm” WACC. Trong trường hợp này, khi xây dựng bảng lưu chuyển tiền tệ và những dự trù các khoản phải trả về thuế, chúng ta sẽ bao gồm chi phí lãi như là yếu tố làm giảm thu nhập. Các khoản phải trả về thuế sẽ nhỏ hơn trong trường hợp trước.
Trong việc diễn giải WACC danh nghĩa ở công thức (1) và (2), chúng ta đã sử dụng chi phí sử dụng vốn vay danh nghĩa và chi phí sử dụng vốn chủ sở hữu danh nghĩa. Tương tự, nếu chúng ta dùng phí sử dụng vốn vay thực và chi phí sử dụng vốn chủ sở hữu thực thì chúng ta sẽ tính được WACC thực đối với dòng tiền TIPV.
Việc kiểm tra tính nhất quán đối với hai quan điểm của dòng tiền
Hộp 7.1
Trường hợp 1: Lưu chuyển tiền tệ theo TIPV chưa tính đến khoản tiết kiệm thuế
Nếu chúng ta không tính đến khoản tiết kiệm thuế trong việc tính dòng tiền theo quan điểm TIPV, khi đó công thức WACC áp dụng cho dòng tiền theo quan điểm TIPV như sau:
WACC = [D/(D+E)] x rD x (1-t) + [E/(D+E)] x rE (1)
Trong đó : rD là lãi suất danh nghĩa kỳ vọng của nợ
t là thuế suất
rE là suất sinh lợi kỳ vọng của chủ sở hữu
E là giá trị thị trường của vốn chủ sở hữu
Do chúng ta chưa tính đến phần tiết kiệm thuế trong dòng tiền, nên chúng ta phải tính đến việc tiết kiệm thuế bằng cách làm giảm WACC thông qua việc nhân (1-t) cho chi phí của nợ rD.
Trường hợp 2: Lưu chuyển tiền tệ theo TIPV tính đến khoản tiết kiệm thuế
Nếu chúng ta đã tính đến việc tiết kiệm thuế một cách trực tiếp vào dòng tiền theo quan điểm TIPV, khi đó công thức WACC áp dụng cho dòng tiền theo quan điểm TIPV như sau:
WACC = [D/(D+E)] x rD + [E/(D+E)] x rE (2)
Trong đó : rD là lãi suất danh nghĩa kỳ vọng của nợ
t là thuế suất
rE là suất sinh lợi kỳ vọng của chủ sở hữu
E là giá trị thị trường của vốn chủ sở hữu.
Trong trường hợp hai này, chúng ta không cần phải “làm giảm” WACC bằng việc nhân với (1-t) bởi vì chúng ta đã tính đến khoản tiết kiệm thuế trong dòng tiền rồi.