Cách trả lời Phỏng vấn hay nhất cho câu hỏi: "Anh/Chị/Em đề xuất mức lương bao nhiêu?"

phong van xin viec ngan hang.png

Câu hỏi nào là khó trả lời nhất khi phỏng vấn xin việc? Hầu hết mọi ứng cử viên đều trả lời đó chính là câu "Anh/Chị/Em đề nghị mức lương bao nhiêu?".

Câu chuyện hay và những bài học kinh nghiệm:

Từ trước đến giờ, không kể các dạng làm theo hợp đồng, tôi có apply vào tổng cộng 3 công ty. Hầu như lần nào tôi cũng đề nghị một mức lương thấp hơn tôi dự tính rồi nhận một mức lương thấp hơn tôi xứng đáng được nhận.

1. Công ty đầu tiên đầu tiên của tôi là FPT Telecom, hồi cuối năm 2003. Lúc người phỏng vấn hỏi câu trên, tôi đã rất thành thật khai báo mất lương hiện tại của tôi là 2.500.000/tháng (lúc đó tôi làm cộng tác viên cho Tuổi Trẻ Online) và chỉ muốn nhận bằng khoản lương đó.
Bài học đầu tiên: Mỗi lần đổi công việc là mỗi lần phải được tăng lương, nghĩa là bạn phải yêu cầu một mức lương cao hơn công việc cũ, coi như là chi phí để làm quen với môi trường mới.

2. Công ty thứ hai là Mai Linh, đầu năm 2004. Lúc thỏa thuận vấn đề lương bổng, tôi đã không thống nhất một con số cụ thể mà lại chỉ thỏa thuận phần lương cứng quá thấp (còn thấp hơn ở FPT Telecom), phần còn lại tính theo từng dự án.
Bài học thứ hai: Nên thỏa thuận một con số cụ thể, chí ít con số này phải đủ nuôi sống bạn theo cách bạn muốn, trước khi bàn đến những nguồn thu nhập khác.

3. Công ty thứ ba cũng chính là công ty hiện tại, hồi cuối năm 2004. Lần này tôi đã có nhiều kinh nghiệm hơn rồi, thành ra lúc phỏng vấn, tôi đã mạnh miệng đề nghị một mức lương cao gần gấp ba so với mức lương ở công ty trước. Nếu bạn nghĩ bạn xứng đáng, hãy mạnh dạn đề nghị mức lương của mình, không có việc gì phải e dè.

Các sếp đồng ý với mức lương mà tôi đề nghị, dẫu vậy, họ yêu cầu trong thời gian thử việc, tôi chỉ nhận được 70% mức lương đó (và sau hơn 2 năm tôi mới được tăng lên đúng mức lương mà tôi đề nghị).

Bài học thứ ba: Phải thỏa thuận thời gian thử việc là bao lâu để tránh trường hợp làm hoài mà lương không thấy tăng về mức thỏa thuận ban đầu.

4. Công ty hiện tại cũng cho tôi một bài học khác về việc tăng lương.

Bài học thứ tư: Phải thỏa thuận hoặc biết chính xác chính sách tăng lương và chế độ thưởng của công ty là như thế nào trước khi ký hợp đồng. Thường các công ty 6 tháng tăng một lần tùy theo từng đối tượng, cũng có công ty 3 tháng một lần và công ty 2 năm một lần như ở chỗ tôi đang làm. Còn thưởng thì vô chừng, nhất là đối với các công ty đã cổ phần hóa.

Một vấn đề nhỏ khác cũng cần phải lưu ý là khi thỏa thuận mức lương, bạn phải chắc chắn rằng đây là lương mà bạn sẽ được nhận, sau khi trừ đi tất cả các khoản khác như thuế thu nhập cá nhân, bảo hiểm y tế...

Từ đầu đến giờ tôi đề cập đến những kinh nghiệm rút ra được từ những lần thỏa thuận lương bổng mà chưa đề cập đến lý do tại sao trước đây khi đi phỏng vấn, tôi lại thường có xu hướng chọn mức lương thấp hơn dự tính. Tôi thấy đây không phải là vấn đề của riêng tôi, mà là vấn đề của khá nhiều người, nhất là những bạn chưa có kinh nghiệm đi làm.

Có lần tôi phỏng vấn một anh xin vào công ty của tôi, tôi hỏi anh câu hỏi trên, và nhận được câu trả lời thế này: "Lương đối với em không quan trọng lắm, quan trọng là được học hỏi, rèn luyện blah blah blah...".

Tôi đánh giá anh này thành thật nhưng hơi khờ. Nhà tuyển dụng sẽ không có thiện cảm với những người không đi làm vì tiền, bởi nó là một dấu hiệu của sự chưa trưởng thành. Nếu tiền đối với bạn không quan trọng, nhà tuyển dụng sẽ suy ra công việc đối với bạn cũng không quan trọng luôn, đơn giản vì mục tiêu lớn nhất của công việc là kiếm tiền.

Cứ so sánh thế này xem. Giữa một ông bố mỗi ngày phải chạy lo miệng ăn cho hai đứa con nhỏ và một anh sinh viên mới tốt nghiệp "tiền chả là cái đinh gì hết", ai sẽ làm việc chăm chỉ hơn?

Hơn nữa, trong mắt nhà tuyển dụng, những người trả lời theo kiểu trên thường là những người không có năng lực, hoặc không tự tin vào khả năng của họ, hoặc không biết được khả năng của họ đến đâu. Không có một doanh nghiệp nào muốn biến công ty của họ thành nơi thực tập miễn phí cho những người như thế cả.

Do đó, dẫu mục tiêu của bạn là học hỏi, rèn luyện kinh nghiệm (đây là một mục tiêu chính đáng), bạn vẫn phải quan tâm đến lương bổng nếu bạn muốn tìm được việc làm. Bạn phải chứng minh cho nhà tuyển dụng thấy rằng, bạn tự tin vào giá trị của mình thông qua mức lương mà bạn đề nghị.

Vậy đề nghị bao nhiêu là vừa? Tôi nghĩ mỗi người khi apply vào một công việc nào đó, cũng đã có sự lựa chọn mức lương cho mình, bằng cách tham khảo mức lương của các đồng nghiệp hoặc mức lương trung bình trên thị trường. Nói chung, nguyên tắc chủ đạo là: “Bạn phải cảm thấy vui vẻ và thoải mái với mức lương của mình” .

Nếu bạn nhận một mức lương quá cao so với giá trị của bạn (điều này hiếm khi xảy ra, vì những lý do ở trên), vô tình bạn lại tự đặt áp lực lên bản thân. Tiền càng nhiều thì trách nhiệm càng cao” mà bạn. Khi bạn nhận một mức lương thấp hơn mong đợi, bạn sẽ khó có thể toàn tâm toàn ý hoàn thành công việc của mình. “Có thực mới vực được đạo”mà bạn.

Trong cả hai trường hợp này, cả bạn và nhà tuyển dụng đều gặp nhiều thiệt hại về mặt tinh thần và vật chất; do đó để tốt cho cả hai phía, bạn nên mạnh dạn đề nghị một mức lương giúp bạn thật sự cảm thấy vui vẻ và thoải mái.

Sưu tầm
 
Chỉnh sửa lần cuối bởi người điều hành:
Hồi mới ra trường đi phỏng vấn e cũng nói nguyên câu" Lương đối với em không quan trọng bằng học hỏi kinh nghiệm". Giờ đi làm rồi và thấy hối hận dần đều :(

Giống mình quá, ko cần sau này mà khi vào vài tháng đã thấy hối hận. Lý do là mức lương thấp nhất phòng, trong khi đó nghe các anh chị nói là ko có cơ hội tăng lương dù có hoàn thành tốt đến thế nào :( Nói chung là rất hối hận khi deal lương thấp vì lý do "học hỏi kinh nghiệm" :)))
 
Nhưng mà năm nay người thất nghiệp cũng đầy, mình có đứa em mới ra trường, đang tìm việc trầy trật lắm. Phỏng vấn còn không có cơ hội nói gì thỏa thuận lương! :(
 
. Với tôi tiền lương là nhu cầu quan trọng nhưng không phải là quan trọng nhất. Điều quan trọng nhất là tôi có thể mang lại hiệu quả gì trong công việc. Tôi luôn muốn cống hiến cho công việc trong một môi trường làm việc tốt. Là một nhân viên kinh doanh, điều quan trọng với tôi là có thu nhập theo khả năng. Tôi sẽ cố gắng nỗ lực hết sức trong công việc nhưng cũng mong muốn nhận được mức thu nhập xứng đáng. Công ty có thể cho tôi biết lương cơ bản cho vị trí này, và doanh số được tính như thế nào? Hiện nay với những người cùng làm công việc như tôi, thu nhập bình quân mỗi tháng của họ là bao nhiêu?
 
theo mình cách trả lời này khá hay:
"Quả thực, để đưa ra mức lương trước một công việc mà mình chưa biết rõ về nó thật khó. Tuy nhiên, Em mong muốn 1 mức lương tối thiểu là ...(một con số cụ thể như 5 triệu đồng), để đảm bảo cho các khoản chi phí sinh hoạt hàng ngày. Em biết rằng khi thử việc tại ngân hàng thì mức lương có thể sẽ thấp hơn 5 triệu đồng và em hoàn toàn chấp nhận điều đó, để khẳng định mình và làm quen dần với công việc"
 
"Lương đối với em không quan trọng lắm, quan trọng là được học hỏi, rèn luyện blah blah blah...". tôi cũng đã từng nói câu này. Thật là sai lầm
 
Về việc đề xuất mức lương thì còn tùy thuộc vào khả năng của bạn
- Với những bạn mới ra trường chưa có kinh nghiệm, nếu ứng tuyển vào công ty lớn hoặc ngân hàng, được hỏi câu đó bạn nên trả lời mức lương xin theo thang bảng lương của doanh nghiệp, cũng có thể đưa một con số cụ thể vừa đủ cho cuộc sống nếu bạn muốn được tuyển;
- Với những người đã có kinh nghiệm làm việc: nên đưa một con số cụ thể (nên đưa cao hơn mức dự kiến có thể chấp nhận), nếu bên tuyển dụng đã ok về nghiệp vụ của bạn, nhân sự sẽ mặc cả lương với bạn sau, lúc đó có thể giảm một chút
 
Mình thì trả lời thế này:
Với cương vị là một sinh viên mới ra trường, hầu như chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc thực tế, trước hết điều em mong muốn là một công việc mang lại cho em cơ hội sử dụng các kiến thức mình đã học và tích luỹ cho mình thêm kinh nghiệm trong công việc. Bên cạnh đó, em hy vọng một mức lương đủ để trang trải những nhu cầu thiết yếu của bản thân và làm động lực cho bản thân em phấn đấu trong công việc. Em nghĩ công ty cũng đã có dự định về mức lương cho vị trí này, nhưng nếu được đề nghị thì em hy vọng sẽ khoảng 5-6tr.
Xong rồi mình được hỏi là nếu thấp hơn em có làm ko :)).
 
Bài viết hay, hữu ích nhưng bài viết chia sẻ mà tác giả lại không nói hẳn số tiền mà mình đã nói với nhà tuyển dụng. Có j cần giấu giếm đây?
mạn phép mượn lời của anh Kiều Việt Hùng trả lời câu hỏi của binhhvnh: Theo anh, nếu ko tham khảo được mức lương chung của công ty, hãy tham khảo các mức lương của các bạn cùng trang lứa với mình. Ví dụ, hồi mới ra trường, mức lương phổ biến của các bạn anh từ 6-8tr. => Anh đã dám đưa ra mức lương 7tr với công ty đầu tiên.
Nếu ko có nguồn tham khảo đó, em hãy tự ước tính chi phí của mình + các khoản để dành cho các mục tiêu => Đưa ra mức lương phù hợp. (giống dạng bài chiết khấu dòng tiền ta học môn Tài chính doanh nghiệp đó)
 
bài viết rất hay. Tuy nhiên thực tế thì bao h mình cũng bị offer 70% so với đề xuất, thế nên là cứ offer cao và bớt đi 70% là vừa ;)
 
Back
Bên trên