BIDV tuyển nhân viên qua tửu lượng

Các bạn banker tương lai ngoài học chuyên môn thì phải tập nhậu nhẹt nhé.
Tôi viết bài này không nhằm bài xích rượu – thức uống yêu thích của nhiều người và trong chừng mực nào đó thì nó giúp vui và rất tốt cho sức khỏe. Tôi chỉ muốn lên án cái tư tưởng cổ hủ của Việt Nam dùng rượu làm thước đo bản lĩnh, văn hóa và nhân cách của con người. Mời (thật ra là ép) uống dù người ta muốn hay không, dù nam hay nữ. Hơn nữa, một bộ phận lãnh đạo dùng tửu lượng để tuyển dụng nhân viên và khơi nguồn cho nhiều điều tiêu cực khác.

Tôi xin chia sẻ chuyện người thật, việc thật của chính mình. Sau khi tốt nghiệp Thạc Sĩ tài chính ở Pháp và làm việc được 2 năm, có lần tôi đã muốn về cống hiến cho nước nhà nên đã thử sức thi tuyển vào Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Ngân hàng Đầu Tư và Phát Triển Việt Nam tại Cần Thơ. Sau khi qua ba vòng hồ sơ, thi viết và phỏng vấn, tôi đã được nhận.
Trước lúc hồi hương, vì lý do cá nhân phải thu xếp nhà cửa, công việc ở Pháp nên tôi đã thương lượng với giám đốc (ông Nguyễn Thế Kế) 3 tuần sau mới chính thức bắt đầu. Thiết nghĩ khoảng thời gian đó không có gì là quá đáng trên luật lao động nên ngài giám đốc đã đồng ý và ghi nhận. Sau buổi ra mắt giám đốc, ngay trưa hôm đó cả 5 lính mới được mời đi ăn tiệc để giới thiệu với các đồng nghiệp khác tại quán Sáu Đời 3. Tôi rất vui vì được dịp giao lưu làm quen với nhiều tiền bối đáng kính. Song tôi lại được chứng thực cái gọi là Văn hóa mời rượu của Việt Nam.

Có câu «Miếng trầu là đầu câu chuyện» nhưng thực tế hơi men mới là chủ cuộc chơi. Khi chỉ mình tôi không uống rượu, khác biệt với khoảng 20 anh chị khác, tôi đã được nghe những quan điểm rất quan ngại và cũng rất Việt Nam : «Học giỏi, làm giỏi mà không uống rượu là không có kỹ năng xã giao, không ai thành công nổi». « Đó là văn hóa chúng ta mà, ở bất cứ đâu, cơ quan nào cũng phải uống thôi». «Ví dụ sếp bận việc nhờ mình tiếp khách mà không biết uống, coi sao được ?». «Đến chị ABC đang có thai mà còn uống 1 ly nè»… Tôi không nói những điều mình không biết, nhưng chỉ tính ở nước Pháp, hãy thử nói những điều trên ở 1 công ty nào đó và nghe ý kiến của họ.

Trước hết, tôi khẳng định rằng tôi biết uống nhưng không thích uống rượu. Và đây là lời giải thích: Tôi rất thích sầu riêng, bạn không chịu nổi mùi của nó nhưng không có nghĩa bạn là người xấu. (Đừng nói là sầu riêng có mùi nồng còn rượu «không» có mùi nhé, vấn đề là bạn cảm thấy mùi đó thế nào). Đối với đại đa số người, gương sen là thức ăn bình thường vô hại, nhưng những người mắc Hôi chứng sợ lỗ nhỏ (Trypophobia) xem đó là cơn ác mộng dù họ cũng không phải là loại tệ nạn xã hội gì. Vậy đó, những thứ thuộc về khẩu vị và tình cảm thì không ép buộc được.
Bàn về phép lịch sự: Bạn nói mời rượu để chung vui, bạn nói đối tác xã giao phải uống rượu. Hợp tác trên cơ sở bình đẳng đôi bên cùng có lợi. Song những điều đó còn ý nghĩa gì khi bạn không tôn trọng tôi ở một việc bé tẹo (thậm chí không chạm đến quyền lợi của bạn), đó là bắt người khác dùng thứ họ ghét chỉ để thỏa mãn con mắt của bạn? Thật ra uống rượu không hề khó. Nếu cần tôi có thể nhắm mắt nốc cạn ly như uống thuốc thôi. Nhưng vấn đề đó không chạm vào dạ dày mà là lòng tự trọng và kỷ luật của bản thân tôi. Tôi không cấm cũng không hề kỳ thị nếu bạn uống/ thích rượu, vậy tại sao bạn không tôn trọng quyền và ý thích của tôi? Nếu cứ mời là uống, suy rộng ra tôi có thể dùng thử thuốc lá, thuốc phiện, ma túy… hay giảm 75% giá khi được đối tác nài nỉ?
Tôi ở Pháp 7 năm mà không uống rượu. Người Pháp uống rượu còn nhiều hơn người Việt. Truyền thống và công nghiệp rượu bia của Pháp mạnh hơn Việt Nam. Có điều họ biết tách biệt «Nhậu» và «Làm việc». Họ cũng mời rượu nhưng biết tôn trọng người khác: Khi nói «Non» họ hiểu là «Không» chứ không phải là «Để em thử nhấp môi xíu»; khi có tiệc, dù chuyện công hay tư, đều có phần đồ uống không cồn cho những ai không uống rượu bia hoặc lái xe về. (Tất nhiên là đừng vào hộp đêm mà gọi trà lipton nhé!)
Kết quả buổi tiệc, vài bạn trẻ vì cả nể uống đến tím mặt, ói mửa. Vài người có thể hiểu đó là «Nam tính, giỏi xã giao, chịu chơi, hòa đồng». Trong từ điển của tôi, hành động đó được dịch là «Không biết kềm chế trước cám dỗ, không có bản lĩnh đàn ông, không tự lượng sức». Bên cạnh đó, việc ói mửa mất vệ sinh, hẳn chúng ta có cùng ngôn ngữ.

Đáng buồn hơn, 3 tuần sau, ngay lúc tôi sắp lên máy bay về Việt Nam để bắt đầu công việc yêu thích của mình, thì anh Hùng ở Ngân hàng BIDV gọi đến bảo (Lý do thứ nhất) vì nhân sự cần người gấp nên đã tuyển người khác thay tôi. Nếu ngài giám đốc đã đồng ý hẹn tôi 3 tuần sau đến làm thì vì sao ngày cuối cùng mới tuyên bố lý do đó. Sau đó tôi gọi điện hỏi, thì anh ấy lại nói (Lý do thứ hai) vì qua buổi phỏng vấn ngài giám đốc đã đánh giá nhầm (!!?), tôi còn thiếu khả năng giao tiếp nên không đạt tiêu chuẩn của Ngân hàng BIDV. À, hóa ra buổi uống rượu thử tửu lượng mới là vòng 4 – vòng quyết định của việc tuyển dụng ở Ngân hàng này. Và ngài giám đốc phải chờ đến giây phút cuối cùng mới ngẫm ra được rằng tôi khiếm khuyết, không giao tiếp được với người Việt Nam. Tôi có thể cụng ly coca rồi đàn guitar, hát 3 thứ tiếng Anh, Pháp, Việt để giúp vui cho tập thể. Đó là kỹ năng mềm; tài xã giao của tôi, đó không đủ để đo bằng vài trăm ml rượu.
Thật ra việc nhận tôi vào làm chưa thành văn hay ký kết gì cả nên thực chất không có giá trị pháp lý. Tôi cũng không có cơ sở để miễn cưỡng. Song tôi thiết nghĩ, lời nói của một vị lãnh đạo, trước khách hàng, trước tập thể, và lời hứa hẹn của ban Nhân Sự sau khi đã duyệt hồ sơ của thí sinh..v.v ít nhất phải có một chút trọng lượng. Đùa nhau à? Là người lớn với nhau, làm ngân hàng với nhau, hứng lên thì hứa, buồn thì xù sao? 2 lý do trên sao BIDV không thể xác định và báo trước từ đầu, để qua 1 cuộc ăn nhậu chán chê mới xì ra, và hứa cho người khác đợi?
Hay.. phải chi chỉ cần tôi chịu hạ mình uống vài ml rượu ngày trước chiều lòng giám đốc thì đã có khả năng xoay chuyển càn khôn ? Hay vì uy tín của người Việt mình chỉ phảng phất theo hơi rượu ? Hay.. hay ?
Các bạn hẳn cũng hiểu đặc trưng cơ bản hình thành Ngân hàng là chữ Tín. Một ngân hàng hàng đầu của Việt Nam mà hành động như vậy. 3 tuần, chiết khấu giá trị thời gian và tiền bạc của nó là bao nhiêu ? Nếu không phải là việc tuyển dụng mà là một giao dịch nghìn đô thì bạn có vui lòng nghe lời từ chối khiếm nhã cùng những lý do « rất logic » của phía đối tác vào phút cuối, khi bạn đã đầu tư một khoảng lớn về thời gian và tiền bạc rồi không?

Tôi đã đọc nhiều tranh luận về việc du học sinh nên «đi» hay «ở». Tôi không «quơ đũa cả nắm»; thôi thì tùy tình huống cụ thể, mỗi cá nhân sẽ nghiệm ra được câu trả lời cho mình.
Đến đây có bạn sẽ bảo vì tôi bị bất lợi nên đem rêu rao lên mạng xã hội? Rằng tôi mới đi du học vài năm đã lên giọng chỉ trích quê hương? Xin thưa, tôi không sính ngoại. Ngược lại tôi rất trọng lễ giáo truyền thống Việt Nam. Tôi chịu trách nhiệm về việc phát ngôn của mình. Tôi thiết nghĩ con người ở nước nào cũng cần được tôn trọng, được giữ tín nghĩa trong công việc; và tôi được biết báo chí là để phát huy quyền tự do ngôn luận, nếu những bất cập nhỏ mà giấu đi thì quan ngại lớn vẫn còn mãi.
Thay lời kết, sự thật là nhiều người Việt cũng không thích rượu, nhưng 1 bộ phận quá cả nể, và không dám bày tỏ quan điểm (tôi xin mạn phép nói hộ bức xúc của các bạn vậy), nên làm nền tảng cho hủ tục dùng độ cồn đo độ cứng và, suy rộng ra là những hệ quả xấu của rượu bia mà thôi. Những bạn cổ súy cho văn hóa mời rượu này, xin hãy dành 1 phút nghĩ lại, bạn có thật sự muốn chén thù chén tạc đến ói mửa ? Hay «lúc đầu không biết uống nhưng ép mình tập riết rồi quen» (như một anh nhân viên tâm sự với tôi). 12 năm trung học tôi không được học văn hóa này. Bây giờ tôi bị cú sốc văn hóa khi quay về chính quê hương của mình.
Và, những người Việt có tâm huyết đến bao giờ mới vượt qua rào cản này để được cống hiến thật sự? Để văn hóa Việt thực sự là đáng quản bá khấp năm châu?

Huỳnh Nguyệt Thanh
Paris 30/08/2016
 
Tình trạng là em đang làm ở BIDV xa nhà; sau này em muốn thi chuyển về chi nhánh gần nhà. Việc xin GĐ 2 bên vs HSC điều chuyển phức tạp lắm ạ, em tính thi tập trung như nhân viên mới luôn.(Chế độ bảo lưu em không cần nữa) Sau khi đỗ thì làm đơn xin nghỉ việc ở chi nhánh cũ.
Vấn đề là bạn đang làm khó cho chi nhánh đã tuyển dụng bạn, sẽ ảnh hưởng đến công tác nhân sự, bạn nên khéo léo trình bày với GĐ chi nhánh, sau đó liên hệ trực tiếp Ban tổ chức cán bộ HSC để được thi tuyển ở đợt tiếp theo. Tuy nhiên lý do bạn muốn chuyển về chi nhánh gần nhà là chưa thuyết phục (bạn đã chấp nhận làm xa nhà trước khi thi tuyển vào chi nhánh hiện tại, trừ trường hợp bạn lập gia đình hoặc thay đổi chỗ ở do sự cố ngoài ý muốn). Bên cạnh đó cách tính của bạn có nhiều điểm bất lợi: Vd bạn thi tuyển nhưng nghiệp vụ hoặc phỏng vấn không đạt, bạn sẽ tiếp tục làm ở chi nhánh cũ? đồng nghiệp của bạn sẽ đánh giá năng lực của bạn thế nào? uy tín của những người đã tuyển dụng và đang sử dụng nhân sự như bạn?
 
Đến bây giờ thằng này vẫn còn cái thói ăn nhậu. Như kiểu BIDV Q6 49 Kinh Dương Vương giờ là cái Tửu lầu hơn là cái Bank
 

Tin tuyển dụng mới nhất

Thống kê MXH

Tổng số chủ đề
34,574
Số bình luận
528,077
Tổng số thành viên
351,222
Thành viên mới nhất
milfnutlife
Back
Bên trên