Ý kiến của các bạn hay quá. Cách tốt nhất là mình làm Sếp, câu này càng hay. Ý nghĩa ở chỗ là khi mình làm Sếp mình hiểu cái tâm sự lớn lao của anh chàng nhân viên nhỏ nhoi mà mình đã từng kinh qua. Nói thật khi làm Sếp mới biết cũng không phải cái nào cũng theo ý mình.
Chân lý mà nhiều bạn đúc kết ở trên:
1. Làm chứ sao không, không thì chỉ có đường chết: Hết sức thực tế.
2. Làm nhưng cũng thủ cho mình (email báo cáo sếp nói nên từ chối, ghi âm lại …). Sếp mà biết được nó không tin mình thì có đường mà đi củi. Mà chẳng lẽ việc gì cũng ghi âm.
3. Không làm thì chuẩn bị đường mà đi – Thử hỏi đi chỗ khác có tránh được vỏ dưa biết đâu gặp vỏ dừa hay trượt vỏ chuối.
4. Không không, nhất định là không: rủi ro thì em không chơi- Vậy kiếm việc khác mà làm.
5. Đẩy cây, tìm cách trì hoãn, nghỉ phép chờ sếp giao cho người khác: Trì hoãn nhất thời không tránh được cả đời.
Thú thật, tôi cũng được nhiều người gọi là Sếp và cũng gọi nhiều người là Sếp. Tôi cũng từng là nhân viên tín dụng, kiểm soát viên, phó phòng, trưởng phòng rồi mới lên làm Sếp. Tôi chưa bao giờ ép nhân viên làm điều gì mà họ thấy là quá rủi ro cho họ, tuy nhiên cũng có nhiều cái do khả năng của nhân viên chưa tới mình phải giải thích cho họ hiểu, không chấp nhận thì thôi, đưa cho người khác làm nếu mình thấy an toàn. Nói thiệt, nhân viên nào mà từ chối đưa được lý do thuyết phục thì đáng khen và trân trọng, nhưng cái nào cũng từ chối vì sợ rủi ro, sợ trách nhiệm, từ chối mà không nêu được lý do hợp lý thì coi chừng bị đánh giá năng lực, tốt hơn hết kiếm việc phù hợp hơn mà làm vì Ngân hàng không phải kinh doanh tiền, ngân hàng đang kinh doanh rủi ro. Nhưng nhân viên nào đưa cái gì cũng làm, nói sếp bảo sao em làm vậy, nói cho vay là em cho vay thì nói thiệt tôi cũng sợ. Tôi thử định lượng ra dưới đây các bạn tham khảo thử nhé:
A-Điều cơ bản ở đầu tiên ở đây người bạn gọi là Sếp: là người như thế nào ?
1. Sếp tốt, mình là đệ ruột
2. Sếp khó lường lắm, mình cũng chẳng thân thiết gì.
3. Sếp hơi tệ, nhưng có gì cũng gánh đỡ cho mình.
4. Sếp xấu, chỉ có mình gánh đỡ mà thôi.
B-Điều thứ hai phải quan tâm đó là mức độ rủi ro của công việc:
1. Nói chung là có rủi ro, nhưng không mức 50/50.
2. Rủi ro, cầm chắc đường nợ xấu, nhưng cũng có khả năng thu hồi.
3. Rủi ro quá cao, sợ thu hồi không đủ vốn vay.
4. Coi chừng dính vào đường lao lý.
Phương án mà mình đưa ra đây là kết hợp hai yếu tố này để quyết định.
Lấy tổng điểm A + B để suy xét:
Nếu A + B = 2, tức là 1.A/Sếp tốt, mình là đệ ruột + 1.B/ Rủi ro có nhưng không ở mức 5 ăn 5 thua thì:Go. Vì sao, vì sếp yêu cầu chắc cũng có cái lý của Sếp. Nhưng nói gì thì nói cũng nói cho Sếp biết là nó rủi ro như thế này nhưng tùy Sếp ở trên cao thấy rõ quyết định thì em theo.
Tùy mỗi bạn, sự lựa chọn, và tùy tình thế mà hành sự.
Nhưng A + B > = 5 thì phải hết sức thận trọng. Việc gì dính vào đường lao lý thì thôi: Tam thập lục kế đào vi thượng sách.
Có một thực tế là trước đây, hiện nay và biết đâu cả sau này, nhiều nhân viên ngân hàng biết sai mà vẫn phải làm đó là chi thỏa thuận lãi suất, đó là thu chênh lệch ngoài lãi suất cho vay khi cho vay mà vướng trần … Biết sao được, vì ai cũng làm mà nếu không làm thì mất việc chứ có ai muốn đâu.