Mình có một vài góp ý muốn trao đổi cùng với Thớt như sau:
1/ Đặc thù của các Cty xây dựng, để từ đó bạn có thể thấy sự khác biệt với các Cty khác:
a/ Phân loại các loại hình Cty đa dạng, phong phú:
- Theo quyền sở hữu đối với vốn của doanh nghiệp:
Doanh nghiệp xây dựng Nhà nước, vốn kinh doanh do Nhà nước cấp.
Doanh nghiệp xây dựng tư nhân , vốn kinh doanh của chủ tư nhân.
Công ty xây dựng cổ phần , vốn kinh doanh của các cổ đông.
Công ty trách nhiệm hữu hạn về xây dựng, vốn kinh doanh của các thành viên thành lập doanh nghiệp.
Công ty liên doanh về xây dựng, vốn kinh doanh do các bên tham gia liên doanh đóng góp.
- Theo quy mô sản xuất kinh doanh:
Doanh nghiệp xây dựng có quy mô lớn : Các Tổng công ty xây dựng , Các Tập đoàn xây dựng.
Doanh nghiệp xây dựng có quy mô vừa : Các công ty xây dựng…
Doanh nghiệp xây dựng có quy mô nhỏ : Các doanh nghiệp xây dựng tư nhân, các công ty trách nhiệm hữu hạn về xây dựng.
Quy mô của doanh nghiệp xây dựng thường được đánh giá thông qua vốn đầu tư , tình hình trang bị TSCĐ và số lượng lao động cho doanh nghiệp.
-Theo ngành kinh tế kỹ thuật trong xây dựng :
Doanh nghiệp xây dựng dân dụng
Doanh nghiệp xây dựng giao thông vận tải ….
-Theo cấp quản lý đối với doanh nghiệp:
Doanh nghiệp xây dựng trung ương.
Doanh nghiệp xây dựng địa phương.
- Theo tính chất hoạt động ( mục đích của doanh nghiệp theo yêu cầu của xã hội hoặc cơ chế thị trường ).
Doanh nghiệp xây dựng phục vụ cho mục đích công cộng.
Doanh nghiệp xây dựng vì mục tiêu lợi nhuận.
Việc phân loại trên chỉ mang tính chất tương đối, khái quát, trong thực tế các doanh nghiệp xây dựng hoạt động kinh doanh mang tính chất tổng hợp, đa ngành hoặc có sự đan xen nhau nhiều chủ sở hữu về vốn tạo lập doanh nghiệp.
Trên phương diện quản lý vĩ mô của một quốc gia , các doanh nghiệp xây dựng đều được thành lập theo phép của cơ quan có thẩm quyền , tổ chức quản lý hoạt động theo pháp luật quy định để đạt được mục đích của mình.
b/ Đặc thù về sản phẩm xây dựng:
- Sản phẩm xây dựng tuy là sản phẩm công nghiệp, nhưng nó có đặc thù riêng, đặc thù đó quyết định tới quá trình tổ chức quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh trong doanh nghiệp.
- Sản phẩm xây dựng mang tính chất đơn chiếc, đối với sản phẩm xây dựng thường được sản xuất theo đơn đặt hàng thông qua hợp đồng kinh tế giữa người mua và người bán đó là những công trình kiến trúc. Trong khi sản phẩm của những ngành khác thường sản xuất hàng loạt, trong điều kiện ổn đinh. Sản phẩm xây dựng được phân bố ở khắp mọi nơi tuỳ theo địa điểm yêu cầu của người mua do vậy dẫn tới các chi phí cũng khác nhau cho cùng một loại sản phẩm.
- Nơi sản xuất sản phẩm xây dựng cũng là nơi tiêu thụ sản phẩm : Các công trình xây dựng đều được sản xuất , thi công tại một địa điểm nơi đó đồng thời gắn liền với quá trình tiêu thụ và thực hiện giá trị sử dụng. Địa điểm thi công xây dựng thường do chủ đầu tư quyết định để thoả mãn các giá trị sử dụng của sản phẩm.
- Sản phẩm xây dựng chịu ảnh hưởng của các điều kiện tự nhiên, kinh tế , xã hội, môi trường…của nơi tiêu thụ. Sản phẩm xây dựng bao giờ cũng gắn với địa điểm của một địa phương nhất định do vậy phải lựa chọn công trình phù hợp với điều kiện địa lý, khí hậu, phong tục tập quán, môi trường. Đặc điểm này chi phối tới các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp xây dựng như là khảo sát, thiết kế , thi công.
- Sản phẩm xây dựng thường kéo dài thời gian sản xuất, yêu cầu kỹ thuật và mỹ thuật cao. Thời gian sử dụng sản phẩm xây dựng thường kéo dài, nhiều công trình kiến trúc có thể tới hàng trăm năm hoặc lâu hơn nữa. Xuất phát từ mục đích của công trình xây dựng không những chỉ phục vụ cho mục đích hiện tại mà còn phục vụ cho tương lai. Do vậy khi tiến hành sản xuất sản phẩm xây dựng chất lượng được coi là hàng đầu.
- Mặt khác sản phẩm xây dựng cần phải có tính thẩm mỹ cao , bởi vì sản phẩm xây dựng là những ngôi nhà , khách sạn, sân bay…càng cần vẻ đẹp bề ngoài để gây sự chú ý, thu hút lòng người. Tính thẩm mỹ của các công trình còn là cơ sở quan trọng để đánh giá trình độ phát triển kinh tế, khoa học kỹ thuật, phong tục tập quán của một quốc gia.
- Sản phẩm xây dựng thường có giá trị lớn , tốn nhiều chi phí . Chi phí đầu tư cho một công trình thường dải ra trong một thời gian dài, có thể do nhiều nguồn vốn hình thành. Sản phẩm tuy đơn chiếc nhưng do nhiều hạng mục công trình hợp thành do vậy có thể do nhiều bộ phận tiến hành, do đó công tác hạch toán chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm cũng khác biệt với các ngành khác.
2/ Những điểm cần lưu ý khi phân tích BCTC doanh nghiệp xây dựng:
- Phân tích các chỉ tiêu thanh toán:
+ Khả năng thanh toán ngắn hạn
+ Khả năng thanh toán nhanh
+ Khả năng thanh toán tức thời
+ Vốn lưu động ròng
- Phân tích hiệu quả sản xuất kinh doanh:
+ Hiệu suất sử dụng tài sản
+ Hiệu suất sử dụng TSCĐ
+ ROA
+ ROE
- Phân tích sự biến động của tài sản và nguồn vốn:
+ Các khoản nợ ngân hàng
+ Các khoản phải thu, phải trả
+ Tồn kho
v.v...
*** Note: Để đi sâu vào BCTC của DN xây dựng, bạn cần đặc biệt chú ý đến các tài khoản chi phí của doanh nghiệp, đây là những tài khoản sẽ quyết định được phần nào đó "kết quả cuối cùng" của Doanh nghiệp mà bạn đang muốn hiểu rõ về nó.
Ví dụ: Kế toán về Chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm doanh nghiệp XD:
Kế toán chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm của các đơn vị XD
1. Đối tượng hạch toán chi phí sản xuất: Các công trình, hạng mục công trình
2. Phương pháp hạch toán chi phí sản xuất
2.1 Hạch toán chi phí nguyên vật liệu trực tiếp
Bao gồm: Chi phí vật liệu chính; vật liệu phụ (xi măng, sắt, thép, gạch, cát, vôi, sỏi đá…)
Nợ TK 621
Có TK152; 111; 112; 331; 141
2.2 Hạch toán chi phí nhân công trực tiếp
Bao gồm: Tiền lương, tiền công của công nhân trực tiếp sản xuất. Các khoản trích theo lương của công nhân trực tiếp sản xuất không được tính vào TK 622.
Nợ TK 622
Có TK 334;141
2.3 Hạch toán chi phí sử dụng máy thi công
2.3.1. Trường hợp đơn vị xây dựng có đội máy thi công riêng biệt
Nợ TK 623
Nợ TK 133 (nếu có)
Có TK 334, 111; 112; 153; 142; 214
2.3.2. Trường hợp đơn vị xây dựng không có đội máy thi công mà phải thuê hoặc mua dịch vụ máy của đơn vị khác
Nợ TK 6237
Nợ TK 133 (nếu có)
Có TK 111; 112; 331
2.3.3. Trường hợp đơn vị xây dựng có đội máy thi công nhưng hạch toán độc lập
a. Hạch toán chi phí NVL trực tiếp
Nợ TK 621
Có TK 111; 112
b.Hạch toán chi phí Nhân công trực tiếp
Nợ TK 622
Có TK 334; 331
c. Hạch toán chi phí sản xuất chung
Nợ TK 627
Nợ TK 133
Có TK 111; 113; 331
d. Cuối kỳ tập hợp chi phí để tính giá thành dịch vụ máy thi công
Nợ TK 154
Có TK 621; 622; 627
2.4. Hạch toán chi phí sản xuất chung
Bao gồm: tiền lương, bảo hiểm của nhân viên đội, bao gồm cả BHXH, BHYT, KPCĐ của công nhân trực tiếp sản xuất, chi phí công cụ dụng cụ, chi phí dịch vụ khác…
Nợ TK 627
Có TK 334; 338; 153; 111; 112…
3. Tập hợp chi phí để tính giá thành công trình
Nợ TK 154 (Chi tiết cho từng công trình)
Có TK621; 622; 623; 627
4. Bàn giao công trình hoàn thành cho chủ đầu tư
Nợ TK 632
Có TK 154
5. Xác nhận doanh thu
Nợ TK 131; 111; 112
Có TK 511
Có TK 3331
P/s: Có gì bạn tham khảo, bổ sung nhé 