Lãi suất khó hạ vì thông tư 13?

  • Bắt đầu Bắt đầu hungviet
  • Ngày bắt đầu Ngày bắt đầu

hungviet

Founder
Ông Lê Xuân Nghĩa - Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, cho rằng NHNN nên bỏ quy định chỉ cho vay 80% vốn huy động.

Kể từ khi được ban hành, Thông tư 13 và sửa đổi là thông tư 19 tác động mạnh lên hoạt động của các ngân hàng. Theo đó thì tỷ lệ cho vay của NHTM bị giới hạn bởi tỷ lệ 80%. Nhiều ngân hàng cho rằng tỷ lệ đó khiến họ khó hạ lãi suất cho vay.
Chúng tôi đã có trao đổi với các chuyên gia tài chính ngân hàng để có cái nhìn toàn diện về vấn đề này .

Ông Lê Xuân Nghĩa - Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia: “NHNN nên bỏ quy định chỉ cho vay 80% vốn huy động”

Tôi đề nghị sử dụng mạnh mẽ công cụ thị trường để thay cho những công cụ hành chính như thông tư 13 & sửa đổi 19. NHNN nên bỏ quy định cho vay 80% vốn huy động. Tôi cho rằng như thế sẽ tốt hơn.
Việc áp dụng biện pháp hành chính, khiến các NHTM tìm cách để lách. Kết quả cơ quan giám sát cực kỳ khó khăn khi thanh tra giám sát ngân hàng. Chúng ta không thể ngồi tính được ngân hàng đã cho vay 80% vốn huy động, và trong 80% đó ngân hàng nào đã cho vay hết 25% vốn huy động không kỳ hạn của tổ chức.
NHNN lập luận cho ban hành TT 19 là như vậy lãi suất không tăng bằng việc áp dụng dự trữ bắt buộc. Theo tôi đó là sai lầm vì cả 2 đều là những công cụ hạn chế tín dụng. Tiếp theo NHNN cho rằng làm như thế thanh khoản NHTM sẽ tốt hơn. Ý tưởng này càng không đúng. Vấn đề thanh khoản khi xảy ra chỉ ở một vài ngân hàng, và chỉ ở một vài thời điểm. Để lại 20% tiền huy động ở các ngân hàng thì có thể yên tâm thanh khoản là không hợp lý.
Khi dùng công cụ dự trữ bắt buộc, lấy một phần vốn của thị trường về NHNN, và NHNN sử dụng can thiệp lúc cần khi ngân hàng gặp khó khăn. Điều này giống như mua bảo hiểm thì tất cả đều phải tham gia nhưng chỉ chi trả bảo hiểm khi có ai đó gặp tai nạn, ốm đau. Như vậy ta hoàn toàn có thể sử dụng DTBB để điều tiết thị trường mà vẫn đạt kết quả.
Đã sử dụng công cụ DTBB thì cần có sự phân biệt tiền gửi nội tệ và ngoại tệ. Trong đó DTBB với ngoại tệ phải cao hơn nhiều nội tệ. Sự chênh lệch đó đủ để lãi suất tiền gửi ngoại tệ thấp, nhưng cho vay ngoại tệ cao. Khi đó NH sẽ ko thích huy động ngoại tệ, nếu có thì chỉ huy động lãi suất thấp. Như vậy người dân sẽ không thích gửi ngoại tệ và nội tệ sẽ hấp dẫn hơn. Người dân sẽ đổi ngoại tệ sang nội tệ, giảm áp lực cho tỷ giá.

Ông Cấn Văn Lực – Cố vấn cao cấp Chủ tịch BIDV: “Thông tư 13 và 19 là nút thắt an toàn cho hệ thống ngân hàng.”

Theo tôi thông tư 13 và sửa đổi là thông tư 19 cần thiết cho hệ thống ngân hàng. Thực ra trong môi trường biến động thì cần có những nút thắt an toàn. Thông tư 13, 19 là cho hệ thống ngân hàng an toàn khi hoạt động, đó là đáp ứng một phần tiêu chuẩn Basel II được ngân hàng ban hành 2004 mà đa phần các quốc gia đã đang áp dụng.
Với hệ số cho vay 80% trên vốn huy động có nhiều tranh cãi. Quan điểm của tôi thì NHNN đã cố gắng để có sự phân biệt. Với ngân hàng là 80%, tổ chức phi ngân hàng 85% như công ty tài chính.
Tuy nhiên tôi cũng có mong muốn NHNN cần có chỉ tiêu cụ thể với từng ngân hàng. Còn nếu bảo bỏ điều kiện đó thì tôi nghĩ không nên vì khủng hoảng tài chính 97-98 cho thấy các NH trong khu vực như Thái lan, Indonesia, philipines, Malaysia, Hàn quốc khi tỷ lệ cho vay vượt quá 100% vốn huy dộng các ngân hàng có nguy cơ mất thanh khoản rất lớn. Cho nên đảm bảo tính thanh khoản của NH thì áp dụng thông tư 13&19 là cần thiết.
Tôi cũng đồng tình với ý cho rằng quản lý, điều tiết, giám sát ngân hàng trên cơ sở mức độ rủi ro của từng ngân hàng. Tôi hiểu NHNN cũng đang hướng tới việc đó. Điều này rất quan trọng. Hệ thống ngân hàng Hoa Kỳ cũng thực hiện điều kiện giám sát như vây.
Qua đó quy định hệ số CAR đối với từng ngân hàng khác nhau. Tiếp đến là hệ số cho vay nhiều hơn, ít hơn 80% cũng phụ thuộc vào độ rủi ro của từng ngân hàng. Nếu như quản lý được được từng ngân hàng thông qua hệ số rủi ro thì mức phí bảo hiểm tiền gửi cũng sẽ khác nhau giữa các ngân hàng.

Bà Lê Nguyệt Ánh – Phó phòng nghiên cứu và phân tích ACBS: “ Thông tư 13 và sửa đổi 19 tác động mạnh mẽ, khiến ngân hàng khó giảm lãi suất”

Thông tư 13 và sửa đổi 19 quy định các tỷ lệ an toàn bắt buộc đối với hệ thống ngân hàng và hạn chế một phần tốc độ tăng trưởng tín dụng. Các hạn chế này tác động mạnh mẽ đến hệ thống ngân hàng và khiến lãi suất khó giảm hơn là có thật.
Tuy nhiên, cũng như chỉ thị 03 trước đây về hạn chế cho vay chứng khoán, Thông tư 13 và sửa đổi 19 là cần thiết để đảm bảo an toàn hệ thống tài chính ngân hàng trong dài hạn.
Theo tôi, lãi suất cao vào thời điểm hiện tại là cần thiết để tăng cường thanh khoản của hệ thống ngân hàng và tăng cường tính hấp dẫn của Đồng Việt Nam nhằm hỗ trợ tỷ giá.

Cao Sơn
 
Back
Bên trên