Năm đầu đại học mình đã tình cờ đọc được một bài viết mà sau đó phải chép ngay lại và giữ đến tận bây giờ. Xin chia sẻ cùng các bạn.
"HỌC để làm gì?"
(Phùng Tiến Công)
Với nhiều người thì học để cho bố mẹ yên tâm, học để sau này có một cuộc sống tốt, học để khỏi bị bỏ lại phía sau, hoặc đơn giản là "hết cấp 3 tôi chả học tiếp thì ông bảo tôi biết làm gì?". Đúng, đúng cả, nhưng học mà không có mục đích thì tôi nghĩ là sẽ rất nặng nề. Cá nhân tôi chỉ tâm niệm một điều: học để bỏ chữ "gì" đi -> học để làm.
Tôi thấy ngày càng có nhiều người sinh viên năm 2,3 đã dùng thời gian rảnh rỗi (mà cái này sinh viên khá nhiều) để đi làm thêm, nhiều người sẵn sàng làm miễn phí để lấy kinh nghiệm và xâm nhập thực tế. Rõ ràng là khi ra trường đa phần đều có bằng, ai có nhiều kinh nghiệm hơn, người ấy sẽ tự tin hơn và dễ xin được việc làm hơn. Có trường hợp làm hàng năm trời với mức lương vô cùng bèo bọt, nhưng họ được rất nhiều: được cọ xát, được nhìn cuộc sống bằng con mắt thực tế, được hiểu cái khó khăn của việc kiếm tiền, được thấy sự hữu ích của thời gian, được học những người đi trước, được mở rộng tầm nhìn...
Hình như bằng cấp ngày càng mất giá, người ta có thể chạy bằng, mua bằng, xin bằng, đổi bằng...Đồng ý là có học thì có hơn nhưng hãy thử tưởng tượng bạn và một tên khác cũng có bằng đại học như nhau, khi xin tuyển vào một vị trí ( hoặc làm một công việc cụ thể) thì ai biết cách làm mới là người được lựa chọn, đúng ko? Ở đây tôi không đề cập đến một số công việc chung chung hoặc cơ quan chỉ cần bằng cấp, tôi chỉ đang nói đến các công ty tư nhân, cổ phần và vốn nước ngoài ( nơi mà ta phải lao động thực sự và phải tạo ra sản phẩm) thì cốt lõi vấn đề nằm ở câu " Bạn làm được gì? Hãy chứng minh đi! " chứ ko phải " Bạn có bằng cấp gì? Giỏi hay khá? "
Vậy hãy học để làm, bạn định làm gì thì hãy học cái đó. Nhưng cái khó là đâu biết ta sẽ làm cái gì để mà học nhỉ? Vậy thì hãy hỏi những người đi trước, hãy học theo những nhân vật thành công trong lĩnh vực của mình, hãy làm thử xem mình thiếu cái gì. Có một lần bạn đồng nghiệp nói với tôi rằng: Khi đi làm bạn ấy mới thấy cái môn Kế toán khô khan toàn số má hoa mắt nhức đầu mà trước đây bạn ấy phải è cổ ra học thực sự ra là rất có ích. Và bạn ấy đã có thêm động lực để học.
Một kinh nghiệm nhỏ của tôi là: nếu bạn biết để làm "cái đó" thì phải học "cái gì", bạn sẽ thấy "cái gì" ấy đỡ nhàm chán hơn nhiều. Hãy bắt đầu đi nào, và mong bạn "cứ gõ, cửa sẽ mở". Chúc các bạn thành công!