HOT Các vị trí trong ngân hàng thương mại cổ phần – Những điều cần biết

1. Các vị trí trong ngân hàng.jpg


Chào tất cả các bạn.
Trong thời gian Bankers Talk lên sóng, chương trình đã nhận được rất nhiều những thắc mắc của các bạn về các vị trí trong ngân hàng mà sinh viên mới ra trường, ít kinh nghiệm có thể thi tuyển được. Bankers Talk nhận thấy một thực tế rằng, rất nhiều bạn còn rất mơ hồ về các vị trí mà mình sẽ ứng tuyển. Nhằm cung cấp cho các bạn những hiểu biết nhất định về các vị trí khi thi tuyển trong ngân hàng. Bankers Talk tuần này với chủ đề “Các vị trí trong ngân hàng – Những điều cần biết” hi vọng sẽ giúp các bạn sẽ có một cái nhìn rõ ràng hơn, một sự định hướng rõ ràng hơn trên còn đường chinh phục bank và trở thành một banker chuyên nghiệp.
Trong ngân hàng có rất nhiều vị trí. Tuy nhiên các vị trí mà những bạn sinh viên mới ra trường hoặc các bạn ít kinh nghiệm có thể thi được thì giới hạn trong một số vị trí. Do vậy, Bankers Talk sẽ tập trung đi sâu vào các vị trí này.

I. Vị trí giao dịch viên.
1. Mô tả công việc.

Là vị trí làm việc tại quầy, tiếp xúc, xử lí các giao dịch trực tiếp với khách hàng. Các công việc của một GDV bao gồm các công việc sau:
- Tìm hiểu nhu cầu, tư vấn khách hàng đối với các sản phẩm tiền gửi
- Tư vấn, bán chéo các sản phẩm của ngân hàng
- Thực hiện các nghiệp vụ kế toán giao dịch, kho quỹ.

2. Yêu cầu chung.
Đây là được xem là vị trí “Mặt da hoa phấn” của ngân hàng. Do vị trí này phải tiếp xúc phải khách hàng trực tiếp, là đại diện cho hình ảnh của một ngân hàng. Do vậy vị trí giao dịch viên ngoài những yêu cầu về nghiệp vụ, chuyên môn còn có thêm những yêu cầu nhất định về ngoại hình. Cụ thể như sau:

- Ngoại hình: Tối thiểu 1m65 đối với Nam, 1m55 đối với nữ. ( Thông thường các ngân hàng khi tuyển dụng GDV thường yêu cầu tối thiểu 1m58. Tuy nhiên với các bạn cao 1m55 có thể đi giầy cao gót để cải thiện chiều cao, các ngân hàng vẫn chấp nhận vì chênh lệch không quá nhiều) Ngoại hình sáng.
- Chuyên môn: Tốt nghiệp các trường đai học kinh tế. Vị trí giao dịch viên không quá kén chuyên ngành học. Các bạn học kế toán, tài chính doanh nghiệp,…vẫn có thể thi và làm giao dịch viên. Tuy nhiên các bạn phải trang bị cho mình kiến thức bộ môn kế toán ngân hàng.
- Kĩ năng giao tiếp tốt, không nói ngọng. Trung thực, cẩn thận, tỉ mỉ.

3. Áp lực của vị trí GDV.
Khác một chút với vị trí quan hệ khách hàng, vị trí giao dịch viên không bị áp lực về mặt doanh số hoặc ít ( Nếu có) Tuy nhiên, vị trí GDV sẽ có áp lực gắn với đặc trưng công việc . Hãy thử tưởng tượng, bạn là là người trực tiếp xử lí giao dịch với khách hàng, là người cầm tiền của khách hàng, hạch toán với khách hàng. Áp lực bạn phải đảm nhận tính trách nhiệm, xử lí giao dịch trong thời gian nhanh nhưng vẫn phải chính xác nhất.

4. Những ai phù hợp với vị trí GDV.
- Hình thức khá
- Trung thực, cẩn thận, tỉ mỉ
- Thích những công việc ít đi lại
- Hòa nhã, ưa thích giao tiếp.

5. Những ai không phù hợp với vị trí GDV
Không muốn làm những công việc chỉ ngồi một chỗ, thích đi lại nhiều.




II. Vị trí quan hệ khách hàng.
1. Mô tả công việc
- Tìm kiếm khách hàng, thuyết phục khách hàng sử dụng các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng.
- Chịu trách nhiệm về doanh số bán hàng
- Thẩm định hoặc thẩm định sơ bộ khách hàng
- Chăm sóc khách hàng sau bán, quản lí khách hàng.
Vị trí quan hệ khách hàng được phân thành quan hệ khách hàng cá nhân và quan hệ khách hàng doanh nghiệp hướng tới 2 đối tượng khách hàng tương ứng là cá nhân và doanh nghiệp.
2. Yêu cầu chung.
- Ngoại hình: Chiều cao đối với vị trí này không quá khắt khe như vị trí DGV mặc dù trong bản mô tả công việc, các ngân hàng vẫn yêu cầu chiều cao, tuy nhiên các bạn thấp hơn vẫn có thể ghi trong CV chiều cao bằng với chiều cao yêu cầu, khi đi phỏng vấn các bạn có thể khắc phục bằng cách đi giầy cao gót. Đây là vị trí thường xuyên tiếp xúc với khách hàng do vậy vị trí này cũng thường yêu cầu ứng viên có ngoại hình sáng.

- Năng động, nhanh nhẹn, có khả năng chịu được áp lực công việc.
- Chịu được cường độ làm việc với áp lực cao.
- Chuyên môn: Đây là vị trí phù hợp với nhiều bạn ứng viên, kể cả các bạn học trái ngành, do vị trí này yêu cầu cao về kĩ năng, việc ôn thi nghiệp vụ không quá vất vả. Các bạn chỉ cần trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về tín dụng. Riêng đối với vị trí khách hàng doanh nghiệp, yêu cầu về nghiệp vụ cao hơn một chút. Các bạn cần có kiến thức về bộ môn phân tích tài chính doanh nghiệp.
3. Áp lực của vị trí quan hệ khách hàng
- Áp lực doanh số là áp lực lớn nhất của một chuyên viên quan hệ khách hàng do đây là vị trí chịu trách nhiệm về doanh số.
- Áp lực về thời gian và độ chính xác khi xử lí hồ sơ.
4. Những ai phù hợp với vị trí quan hệ khách hàng
- Năng động, ưa thích giao tiếp với mọi người và có khả năng giao tiếp tốt.
- Yêu thích công việc kinh doanh
- Thích di chuyển, làm việc tự do về mặt thời gian
- Thích công việc có tính tư duy logic cao
5. Những ai không phù hợp với vị trí quan hệ khách hàng
- Không thích di chuyển
- Khả năng giao tiếp kém
- Không thích áp lực về mặt doanh số
- Hạn chế về mặt sức khỏe


III. Vị trí hỗ trợ tín dụng.
1. Mô tả công việc.

Khi một chuyên viên quan hệ khách hàng đem một hồ sơ tín dụng của khách hàng về sẽ chuyển qua cho bên bộ phận thẩm định để thẩm định khách hàng, sau đó hồ sơ khách hàng được trình lên cấp có thẩm quyển để phê duyệt khoản vay. Nếu khoản vay đó được phê duyệt, hồ sơ khách hàng sẽ được chuyển sang cho bộ phận hỗ trợ tín dụng. Nhiệm vụ của bộ phận hỗ trợ tín dụng sẽ là Hỗ trợ giải ngân, ký tá soạn thảo giấy tờ, làm các thủ tục liên quan đến tài sản, kiểm tra chứng từ giải ngân,..
2. Yêu cầu chung.
- Ngoại hình: Vị trí HTTD không có yêu cao về ngoại hình, vì vị trí này chủ yếu tiếp xúc với hồ sơ khách hàng. Tuy nhiên vẫn có một số yêu cầu nhất định như không bị dị tật, có sức khỏe tốt để đảm bảo yêu cầu công việc.
- Nghiệp vụ: vị trí này yêu cầu am hiểu cơ bản về nghiệp vụ tín dụng, bảo lãnh, quy trình tín dụng, các quy định cơ bản của luật liên quan đến tài sản đảm bảo. Am hiểu checklist hồ sơ tín dụng, một chút kiến thức thanh toán quốc tế (ở mức độ cơ bản)..
- Nhanh nhẹn, cẩn thận, chịu được áp lực khi làm việc với hồ sơ giấy tờ
3. Áp lực của vị trí hỗ trợ tín dụng
Hầu hết các NH không áp chỉ tiêu kinh doanh cho chuyên viên hỗ trợ tín dụng. Do vậy chuyên viên hỗ trợ tín dụng không bị áp lực về mặt chỉ tiêu. Tuy nhiên, do đặc thù công việc là xử lí hồ sơ khách hàng nên vị trí này có áp lực về mặt thời gian hoàn thành công việc, thời gian xử lí hồ sơ.
4. Những ai phù hợp với vị trí hỗ trợ tín dụng
- Yêu thích nghiệp vụ tín dụng nhưng bị hạn chế về mặt ngoại hình ( chủ yếu là chiều cao)
- Không thích những công việc bị áp doanh số.
5. Những ai không phù hợp với vị trí hỗ trợ tín dụng
- Thích di chuyển, không thích những công việc ngồi lì một chỗ
- Thích làm việc dưới áp lực doanh số.

IV. Thanh toán quốc tế/ Tài trợ thương mại.
1. Mô tả công việc.

- Tiếp nhận và xử lý hồ sơ tài trợ thương mại (TTTM) và TTQT từ Khách hàng (KH), bao gồm các nghiệp vụ liên quan tới LC Nhập khẩu, LC Xuất khẩu, Bảo lãnh ngân hàng, Nhờ thu Xuất nhập khẩu và Chuyển tiền quốc tế.
- Trực tiếp giới thiệu, hướng dẫn và tư vấn cho KH về các sản phẩm TTTM và TTQT của Ngân hàng.
- Kiểm tra tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ do KH cung cấp; kiểm tra tính xác thực và hiệu lực của các đề nghị, văn bản và hợp đồng ký kết giữa KH và Ngân hàng.
Thực hiện xử lý một hoặc một số công đoạn trong quy trình xử lý giao dịch TTTM và TTQT trong phạm vi được giao
- Tiếp nhận và xử lý Bộ chứng từ xuất nhập khẩu theo quy định của Ngân hàng; lưu trữ hồ sơ theo quy định của Ngân hàng
- Thực hiện tư vấn cho KH về giao dịch và các rủi ro có thể gặp phải.
- Thực hiện tư vấn cho Đơn vị kinh doanh về quy trình, thủ tục cũng như các rủi ro có thể phát sinh của giao dịch.
- Cung cấp và thương lượng tỷ giá mua bán ngoại tệ (nếu cần) trong phạm vi được phép. Hỗ trợ cán bộ bán hàng trong việc tiếp cận Khách hàng để cung cấp các sản phẩm TTTM và TTQT nếu
2. Yêu cầu chung.
Là một vị trí nặng về nghiệp vụ, thanh toán quốc tế có yêu cầu khá cao so với các vị trí khác, đặc là về trình độ ứng viên. Cụ thể như sau:
* Trình độ:
- Tốt nghiệp Đại học trở lên chuyên ngành Kinh tế, Tài Chính, Ngân hàng, Ngoại thương.
- Am hiểu về nghiệp vụ và sản phẩm, am hiểu các quy tắc, thông lệ quốc tế cũng như pháp luật Việt Nam, quy định của Ngân hàng nhà nước về TTTM, TTQT
- Am hiểu về lĩnh vực Xuất nhập khẩu, có kiến thức tốt về hợp đồng thương mại, dịch vụ, giao nhận vận tải quốc tế, điều kiện và điều khoản bảo hiểm
- Ngoại ngữ: Nghe, nói, đọc, viết tốt Anh ngữ, ít nhất đạt 600 điểm TOEIC (hoặc mức tương đương ở các chứng chỉ IELTS, TOEFL…).
* Kỹ năng:
- Kỹ năng giao tiếp tốt
- Có kỹ năng lập kế hoạch, tổ chức, phân tích và giải quyết vấn đề
- Có thể làm ngoài giờ, làm ca theo yêu cầu
- Chủ động linh hoạt trong công việc

3. Áp lực của vị trí thanh toán quốc tế.
- Thời gian: Thường làm từ 9-10h/ ngày, thường sau 7h tối
- Công việc: Luôn phải update kiến thức vì kiến thức về trade đổi mới từng ngày, luôn đổi mới tư duy để nâng cao năng suất lao động, sức ép về thời gian và chất lượng dịch vụ cam kết với Đơn vị kinh doanh và khách hàng
4. Những ai phù hợp
- Về năng lực: Có các điểm như đề cập ở phần yêu cầu chung
- Về tính cách: Thường là con người cẩn thận, tỉ mỉ, có sự chuẩn xác và hướng nội
5. Những ai không phù hợp.
Ngược lại với phần trên
 
Chỉnh sửa lần cuối bởi người điều hành:
Vpbank đang gọi mình cho vị trí chuyên viên chăm sóc KH 24/7, trong box có ai đang làm hoặc biết rõ về nội dung công việc cũng như giờ giấc của vị trí này ko ạ?
 
Em đang quan tâm đến vị trí TTQT mà thấy vị trí này tuyển ít quá, có ai có thông tin gì chia sẻ em với ạ.
 
Back
Bên trên