Các ngân hàng đang tái cơ cấu nguồn nhân lực ra sao?

thanhtung_ora

Verified Banker
Trong một NHTM có người phải nghỉ việc, người được tuyển dụng thêm, nhưng về tổng thể số lượng người nghỉ việc vẫn lớn hơn số người tuyển dụng mới.

Thực hiện Đề án Tái cơ cấu các Tổ chức tín dụng theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, cùng với việc cơ cấu lại mạng lưới, quản trị điều hành, xử lý nợ xấu..., các Ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam đang thực hiện cơ cấu lại nguồn nhân lực.

Tất cả các giải pháp đó đều có liên quan mật thiết với nhau và tập trung ở vấn đề con người, theo hướng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Tái cơ cấu mạng lưới và bộ máy gắn với tái cơ cấu nguồn nhân lực

Những năm trước đây, các NHTM chạy đua tăng vốn điều lệ theo lộ trình quy định của pháp luật và định hướng nâng cao năng lực cạnh tranh trước yêu cầu hội nhập. Bên cạnh đó, các NHTM cũng cạnh tranh phát triển mạng lưới với tốc độ nhanh, bao gồm cả chi nhánh và phòng giao dịch, kể cả thành lập thêm nhiều phòng ban, bộ phận thuộc trụ sở chính, công ty trực thuộc... nên nhu cầu tuyển dụng hàng quý, thậm chí hàng tháng là khá lớn. Quy mô cán bộ, nhân viên của các NHTM cổ phần hàng năm tăng cao.

Tuy nhiên, trong giai đoạn tái cơ cấu hiện nay, một mặt NHNN không cho mở thêm mạng lưới đối với nhiều NHTM cổ phần, mặt khác, nhiều ngân hàng khác thấy chưa hiệu quả nên không mở rộng thêm. Vì vậy, tại nhiều NHTM hầu như không có tuyển dụng mới, hoặc nhân sự “có vào và có ra”.
Khi các NHTM đang trong giai đoạn tốc độ phát triển mạng lưới nhanh, thì trong các mục tuyển dụng thường rất hay tuyển chuyên viên quan hệ khách hàng, giao dịch viên... Tuy nhiên, hiện nay, nhiều NHTM cổ phần đang tích cực tuyển giám đốc chi nhánh, giám đốc phòng giao dịch. Các yêu cầu tuyển dụng đều ưu tiên những người có kinh nghiệm, đặc biệt là kinh nghiệm ở vị trí tương đương.

Ngoài ra, nhiều NHTM còn xem xét lại quá trình người tuyển dụng làm việc tại ngân hàng trước đây, nhất là vấn đề nợ quá hạn, những sai sót về quy trình nghiệp vụ, vi phạm đạo đức nghề nghiệp hay những thành tích về quan hệ khách hàng, về kinh doanh nói chung.... Đây là một tất yếu để sàng lọc, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong quá trình tái cơ cấu NHTM.
Nhìn chung, hiện nay nguồn tuyển dụng có tính chiến lược, hay tiêu chuẩn quan trọng đầu tiên là người đã có kinh nghiệm thực tiễn tại các ngân hàng khác. Điều này không quá khó hiểu bởi ngân hàng ưu tiên những người đã làm ở ngân hàng khác để tận dụng kinh nghiệm, rút ngắn thời gian đào tạo, tiết kiệm chi phí đào tạo, đặc biệt là tận dụng các mối quan hệ, khách hàng đã hình thành. Điều này cũng đặc biệt đúng với các cấp quản lý, điều hành mà không chỉ ở hai vị trí như nói trên.

Thực tế, thời gian qua, chúng ta chứng kiến cả sự luân chuyển công tác từ NHTM cổ phần này sang NHTM cổ phần khác ở cấp tổng giám đốc. Ví dụ: Tổng giám đốc của Techcombank sang làm Tổng giám đốc của VP Bank. Trong khi đó, Tổng giám đốc VPBank sang giữ cương vị tương tự tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong. Việc luân chuyển này ở cấp Phó Tổng giám đốc, Giám đốc và Phó Giám đốc chi nhánh, Giám đốc khối, Trưởng phòng ban hội sở chính của các NHTM diễn ra nhiều hơn.

Đây là mục tiêu săn đón bởi ngoài kinh nghiệm, kiến thức, họ còn có những "giá trị vô hình" khác đã được dày công gây dựng. Tất nhiên trong đó có yếu tố, vị CEO “không hợp với ông chủ” của NHTM này thì sẽ phát huy được tại NHTM CP khác. Điều đặc biệt là, chính các CEO rút kinh nghiệm từ ngân hàng này sang điều hành, quản lý ngân hàng khác có khi lại tốt hơn.
Một NHTM cổ phần lớn có trụ sở chính ở TPHCM trong quá trình tái cơ cấu nhân sự từ cuối năm 2011 đến nay đang dư ra 200 cán bộ, nhân viên do kế hoạch mở rộng mạng lưới dừng lại. Trước áp lực chi phí lương, thưởng, phụ cấp, chi phí khác cho nhân viên, NHTMCP này đưa ra quy định trong 3-6 tháng nếu cán bộ, nhân viên nào không hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh sẽ phải nghỉ việc.
Nhiều NHTM phải sáp nhập, giải thể một số phòng ban, bộ phận, nên nhiều cán bộ, nhân viên sẽ phải dôi dư. Trong khi đó, có bộ phận vẫn phải tuyển thêm vào khi tiến hành sắp xếp lại mô hình tổ chức do tái cấu trúc. Bởi vậy, trong một NHTM có người phải nghỉ việc, người được tuyển dụng thêm, nhưng về tổng thể số lượng người nghỉ việc vẫn lớn hơn số người tuyển dụng mới.
Ngân hàng TMCP Hàng Hải ( Maritime Bank - MSB) đã dừng tuyển dụng trong tám tháng qua và hầu như chỉ điều chuyển nhân viên trong nội bộ hệ thống.

Ngân hàng TMCP Kỹ thương (Techcombank - TCB) sau thời kỳ tuyển dụng mạnh các năm 2006 - 2010 nay cũng đã bắt đầu dừng tuyển dụng và cắt giảm nhân sự đáng kể. Tại NHTM cổ phần này, nhiều người ở vị trí nhân viên giao dịch, chuyên viên tuy không bị cắt giảm nhưng có lợi thế về chiều cao, về hình thức, về kinh nghiệm, hay chưa hài lòng về thu nhập, hoặc chưa hợp lý về đi lại... nên cũng chủ động chuyển sang NHTM khác với nhiều thuận lợi hơn hay phù hợp hơn. ACB cũng tuyển dụng dè dặt hơn so với trước do không được mở thêm chi nhánh mới theo quy định của NHNN, chỉ tuyển những cá nhân thật sự xuất sắc.
Tại VPBank đã tuyển thêm một số lượng nhất định cho mạng lưới trong cả nước tính từ đầu năm 2012 đến nay do ngân hàng đang trong thời kỳ chuyển đổi, thay đổi cơ cấu theo tư vấn quốc tế và thực hiện sắp xếp lại nhiều bộ phận, tăng cường mở rộng bộ phận bán lẻ theo yêu cầu điều hành. Số lượng tuyển dụng thêm vài trăm nhân viên được sử dụng cho lĩnh vực bán hàng trực tiếp. Tuy nhiên, hiện nay, VPBank đã dừng việc tuyển dụng lại để sàng lọc, tức là tiếp tục có thể phải tinh giảm biên chế hiện tại.

Cắt giảm chi phí gắn liền với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Ví dụ tiêu biểu cho trường hợp này đó là tại Ngân hàng TMCP có trụ sở chính tại Hà Nội đang triển khai kế hoạch cắt giảm 20% nhân sự. Đây là NHTM cổ phần đã từng có mặt bằng thu nhập vào loại cao nhất thị trường nguồn nhân lực tài chính – tiền tệ. Đương nhiên những người thuộc diện cắt giảm đều có tiêu chí rõ ràng được đưa ra công khai trong hệ thống ngân hàng này.

Cùng với đó, khác với những năm trước, tại ngân hàng nói trên, hiện nay đã có những biện pháp quản lý nguồn nhân lực theo hướng hiệu quả hơn, kiểm soát nhân viên chặt chẽ hơn như chấm công, chấm giờ đi làm, tính điểm năng suất lao động theo KPI (Key Performance Indicator - chỉ số đo lường hiệu suất). Những phòng ban có nhiệm vụ, chức năng gần như nhau được sáp nhập lại, đánh giá hoạt động thường xuyên và cắt giảm ngay nếu thấy không hiệu quả.

Không riêng ngân hàng nói trên, một số NHTM cổ phần có quy mô lớn khác cũng có sự sụt giảm về tuyển dụng nhiều nhất trong 10 năm qua. Trong nhiều tháng gần đây, các ngân hàng này cắt giảm nhân sự ở một số vị trí như trợ lý giám đốc, lễ tân, nhân viên hành chính, ngân quỹ.... Một số vị trí cho nghỉ gián tiếp như không phân công công việc (nếu không tự xin nghỉ thì xem như không có việc để làm), có những trường hợp không kí tiếp hợp đồng lao động, chấm dứt hợp đồng khi không đạt đủ điểm KPI... diễn ra ngày càng nhiều hơn.

Để giảm chi phí nguồn nhân lực, một số NHTM Nhà nước đã được cổ phần hóa, như Vietinbank, BIDV.... đều điều chỉnh lương thưởng theo hướng cắt giảm. BIDV sắp xếp lại lương theo vị trí, chất lượng và hiệu quả công việc chứ không còn dựa trên thâm niên như trước. Có nhiều cán bộ hưởng lương cao do thâm niên nay đã bị giảm đáng kể với lý do điều chỉnh lại mức lương sau khi cổ phần hoá và tăng hiệu quả bộ máy.

Tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - ngân hàng lớn nhất về nhân sự với gần 42.000 nhân viên, trong 9 tháng đầu năm 2012 rất hạn chế tuyển dụng. Một số vị trí lãnh đạo cấp trung bị điều chỉnh lại thu nhập.

Xử lý nợ xấu gắn liền với tái cơ cấu nguồn nhân lực

Tại nhiều NHTM đã có phương pháp xử lý với cán bộ liên quan đến nợ xấu. Điều dễ nhận thấy đó là những trường hợp để xẩy ra tỷ lệ nợ xấu cao, phải rời vị trí cũ để chuyển sang bộ phận chuyên thu nợ, tập trung là cán bộ tín dung, lãnh đạo chịu trách nhiệm về tín dụng, cho vay...

Tuy nhiên, trong thực tế thì phải có cách làm phù hợp để mục đích cao nhất là thu hồi được nợ, đảm bảo uy tín và gắn trách nhiệm của người để xảy ra nợ xấu. Đối với cán bộ cấp quản lý, điều hành, lãnh đạo thì cách chức, điều chuyển về bộ phận xử lý nợ để tập trung giải quyết nợ xấu, nhưng với cấp chuyên viên tín dụng, cán bộ cho vay thì điều này khó hơn nhiều. Họ có thể thôi việc, ra đi và để lại những khoản nợ xấu rất lớn. Xử lý trách nhiệm thế nào đối với các chuyên viên này có thể họ cũng bị điều chuyển về xử lý nợ, bồi thường. Nhưng trên thực tế, cũng rất khó đòi hỏi bồi thường.

Mới đây, một NHTM cổ phần có trụ sở chính tại TP. HCM đã khởi kiện cựu giám đốc một chi nhánh của mình về bồi thường trách nhiệm do để nợ xấu tăng cao, nhưng đã thua kiện bởi không có văn bản pháp luật nào quy định rõ giám đốc chi nhánh phải có trách nhiệm bồi thường khi xảy ra nợ xấu và không thu hồi được nợ xấu. Còn xử lý hình sự thì các ngân hàng thường không muốn vì sợ cơ quan điều tra vào sẽ rắc rối, chi phí phát sinh thêm, lại bị ảnh hưởng đến uy tín đối với dư luận.
Cùng với các biện pháp nói trên, tại tất cả các NHTM đang rà soát lại các quy định nội bộ, thắt chặt khâu kiểm tra và kiểm soát nội bộ, gắn liền với tăng cường giáo dục nhận thức cho cán bộ, nhân viên để hạn chế và phòng ngừa rủi ro đạo đức. Việc tiếp tục đào tạo và đào tạo lại, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ bằng nhiều hình thức khác nhau,... cũng được các NHTM đẩy mạnh trong quá trình tái cơ cấu nguồn nhân lực của mình.
Ts. Nguyễn Đắc Hưng
Theo NHNN
(Nguồn cafef.vn)
 
Chỉnh sửa lần cuối bởi người điều hành:
10 ý kiến đưa ra thì đến 9 là kêu ca. Chúng ta thường có xu hướng chống lại sự thay đổi, nhưng nó vẫn băng băng diễn ra và -hoặc cuốn chúng ta theo - hoặc đá văng chúng ta ra. Mọi bank đều đang phải transform để tồn tại. Nếu bạn làm ở 1 bank thuộc loại tứ trụ triều đình --> có thể bạn mới hơi cảm nhận mát mặt 1 chút do luồng gió của sự đổi thay, còn nếu bạn đang bán máu cho 1 NH cổ phần, chắc hẳn bạn thấy gió thổi rát mặt.

Nhưng nếu transformation không diễn ra thì sao? Xu hướng khủng hoảng, downside, những vụ phanh phui, ... nói chung xu thế của ngành là phú quý giật lùi - đã quá rõ ràng trong 2012-2013. Nếu không tự transform thì những từ như "mua lại"/ "sát nhập" / "sập" sẽ tràn đầy các trang nhất. Rõ ràng là như thế còn tệ hơn.

Bản chất của transform là gì? Là khi kiếm được ít hơn, thì cần giảm chi phí để đảm bảo mục tiêu lợi nhuận - thứ đang trở nên xa vời dần. Giảm chi phí là gì? Có nhiều mỹ từ thường dùng như "đơn giản hóa", "tăng hiệu quả" ... nhưng chung quy lại hiểu đơn giản là tách/nhập/dẹp các đơn vị, tăng năng suất xử lý/bán. Cách nhanh nhất và dễ nghĩ đến nhất là cắt người. Tách nhập sắp xếp lại cho hiệu quả hơn đương nhiên là phải thừa 1 số người ra, đuổi họ thì những người còn lại sợ hãi mà vắt chân lên cổ để tăng năng suất. Hơn nữa hiệu quả mang lại là tức thời: một bank size vừa có 8000 người, chi phí lương mỗi tháng tầm 80 tỷ, chưa kể chi phí hoạt động khác thì kiếm đâu cho lại? Những con số lương trung bình của Vietin, Vietcom, BIDV, Military ... nhân với số người ra con số chi phí khổng lồ.

Những gì chúng ta thường nói gần đây như: ông nọ ông chai chuyển sang bank XYZ làm CEO, kéo theo cả 1 đường dây di chuyển theo, nó chỉ là vận động dịch chuyển trong nội bộ ngành, vẫn thường diễn ra cả chục năm nay. Nhưng con số người giảm trên toàn ngành mới cho thấy xu hướng transform mạnh mẽ. Nếu đã hiểu bản chất của transformation là không thể chống lại & tất yếu diễn ra --> bạn & tôi đừng chống lại nó làm gì. Khi bạn nghe thấy đâu đó từ "Chuyển đổi" hoặc "transformation" trong tổ chức của mình, hãy tự vận động hết mình để tồn tại trong đó. Nếu đã làm hết sức mà điều đó vẫn đến với mình, hãy đọc kỹ luật để được bồi thường HĐLĐ nhiều nhất có thể, và tự tìm hướng đi khác - trong cuộc đời khi 1 cánh cửa đóng lại là 1 cánh cửa khác mở ra, có khi để dắt ta tới 1 vùng đất tươi tốt hơn. Và hãy nhìn vào mặt tích cực của transformation: xu hướng chung là cắt cắt cắt, nhưng đâu đó vẫn có những vị trí mới được tạo ra, những vị trí rất tốt - dành cho những người có khả năng, mà bình thường khi mọi việc diễn ra tầm tầm & ổn định, thì họ chẳng có được những cơ hội như thế

Chúc các bạn thành công!
 
Cách đây 2 năm, mình đang làm NH, vì chán/nản/thiếu động lực nên quyết định viết đơn thôi việc (tự nguyện, ko bị ép), ra ngoài thay đổi môi trường/bươn chải/kinh doanh/xoay sở/vẫy vùng/tìm hướng đi mới. Thời điểm đó, các NH đã vào thời kì khó khăn, và sau đó thì càng ngày càng khó.
Sau một năm ra ngoài làm, mình nhận ra một điều, đơn giản, ở đâu cũng có khó khăn. Vậy, ngân hàng càng phải khó hơn. Trước đây, có lẽ tầm nhìn của mình còn hạn hẹp, chỉ thấy mỗi những khó khăn/chán nản của công việc mình làm. Đó có lẽ là vấn đề thái độ.
Cách đây một năm, mình quyết định xin đi làm NH lại (cũng khá là khó, nhung mình may mắn làm được). Mình muốn đi làm NH lại, lần này cách nhìn về NH của mình đã khác, không còn thời thượng, hot như trước kia, nhưng mình thấy bình tâm.
NH mình hiện nay, cũng như bao NH khác, liên miên là tái cơ cấu, sắp xếp...
Khó khăn/bế tắc/ nản có lẽ còn nhiều hơn cách đây hai năm. Nhưng mình thấy bình thản, không hẳn mình không có khả năng nằm trong diện sắp xếp. Đó có lẽ là vấn đề thái độ.
Các ngành khó, làm NH càng phải khó. Thay đổi là điều cần thiết và mình thấy rằng ai cũng cần nhận thức/chấp nhận/thử thách no. Mình nghĩ vậy.
 

Tin tuyển dụng mới nhất

Thống kê MXH

Tổng số chủ đề
34,574
Số bình luận
528,077
Tổng số thành viên
351,226
Thành viên mới nhất
A Girl A Gun A
Back
Bên trên