Ý nghĩa đằng sau mỗi câu hỏi phỏng vấn

Có lẽ bạn đã quen thuộc với những câu hỏi phỏng vấn kiểm tra kinh nghiệm hay kiến thức chuyên môn. Đôi lúc bạn quá tập trung “phô diễn” kinh nghiệm mà thiếu sự chuẩn bị cần thiết cho những câu hỏi “dễ mà khó” khác. Dễ vì những câu hỏi này bạn vẫn thường gặp. Khó vì ẩn chứa đằng sau mỗi câu hỏi là một bài kiểm tra về thái độ, tính cách, khả năng chịu áp lực hay một số “bẫy” mà bạn không nhận ra.
Những câu hỏi kiểm tra mục tiêu nghề nghiệp và niềm đam mê:
1. Vì sao bạn rời bỏ công việc hiện tại?
2. Vì sao bạn muốn công việc này?
3. Hãy mô tả công việc lý tưởng của bạn.
Dĩ nhiên phải có lý do bạn mới nghỉ việc. Nhưng bạn nhìn sự việc đó một cách tích cực hay tiêu cực? Bạn có xác định rõ ràng bước đi kế tiếp của mình hay chỉ muốn thoát khỏi công việc hiện tại? Nhà tuyển dụng (NTD) đánh giá cao những ứng viên có mục tiêu rõ ràng cho sự nghiệp và có thái độ tích cực. Niềm đam mê với công việc sẽ thể hiện qua ánh mắt, gương mặt và cảm xúc khi bạn nói về việc làm bạn yêu thích.
Những điều nên tránh:
- Than phiền về công việc. Cho dù bạn chỉ muốn thoát khỏi công việc hiện tại càng sớm càng tốt, bạn cũng không nên than phiền vì chẳng ai muốn tuyển một người suy nghĩ tiêu cực vào đội ngũ của mình.
- Không biết mình muốn gì. “Tôi muốn được thử thách” là một câu trả lời sách vở. Nếu NTD tiếp tục xoáy sâu vào câu trả lời này và bạn không đưa ra lời giải thích hợp lý, bạn sẽ bị mất điểm.

Những câu hỏi kiểm tra thái độ:
1. Những thất bại/ thành công lớn nhất của bạn?
2. Kiểu đồng nghiệp nào bạn ghét nhất?
3. Mâu thuẫn gần đây nhất giữa bạn và đồng nghiệp là gì?
Kinh nghiệm có thể tích lũy, kỹ năng có thể rèn dũa, nhưng thái độ khó có thể thay đổi. NTD tìm kiếm những ứng viên có thái độ tích cực, chuyên nghiệp, sẵn sàng học hỏi và đam mê công việc hơn là những ứng viên nhiều kinh nghiệm, giỏi kỹ năng nhưng suy nghĩ tiêu cực, đố kị hay chỉ biết than phiền.
Những điều nên tránh:
- Không thừa nhận sai lầm vì sợ bị đánh giá thấp. “Tôi chưa từng thất bại” là câu trả lời không thành thật. Tuy nhiên, nếu có nói về thất bại cũng đừng đổ lỗi cho sếp hay đồng nghiệp; hãy kể câu chuyện một cách khách quan, tích cực và đề cập những điều bạn đã học được từ thất bại đó.
- Tạo ra câu chuyện không thật. Hãy kể câu chuyện của chính bạn. Nếu bạn chưa có một thành công lớn, hãy kể những kết quả nhỏ. Đừng cố lấy thành tựu của người khác và biến mình thành nhân vật chính. NTD sẽ nhận ra qua ngôn ngữ cử chỉ vì chỉ những ai kể câu chuyện của chính họ mới thể hiện được cảm xúc thật.

Những câu hỏi dưới dạng tình huống, kiểm tra khả năng ứng biến và tư duy logic:
1. Nếu trở thành bộ trưởng giao thông vận tải, bạn sẽ làm điều gì trước tiên?
2. Nếu không phải lo lắng về mặt tài chính, bạn sẽ chọn công việc gì?
3. Giả sử bạn được tuyển, bạn sẽ làm gì trong 90 ngày đầu tiên?
Một số vị trí yêu cầu ứng viên khả năng chịu áp lực tốt và khả năng xử lý vấn đề nhanh nhạy. Cách kiểm tra khả năng này tốt nhất là đưa ra tình huống giả định để bạn xử lý. Quan trọng là bạn biết cách lý giải logic cho từng giải pháp vì không có câu trả lời đúng hay sai trong những trường hợp này.
Những điều nên tránh:
- “Tôi chưa bao giờ ở trong tình huống này nên tôi chưa nghĩ ra mình phải làm gì.” Câu trả lời này sẽ đặt dấu chấm hết cho tất cả vì chẳng ai muốn có một nhân viên không có khả năng giải quyết vấn đề.
- Suy nghĩ lâu vì bạn muốn 1 câu trả lời hoàn hảo. Trên thực tế không có câu trả lời hoàn hảo nên nếu bạn dành quá nhiều thời gian suy nghĩ, NTD sẽ đánh giá bạn không nhanh nhạy trong giải quyết vấn đề.

Những câu hỏi tìm hiểu sự phù hợp văn hóa:
1. Như thế nào là một môi trường làm việc lý tưởng đối với bạn?
2. Bạn thích cách quản lý như thế nào?
3. Nếu có những lúc công việc yêu cầu bạn làm việc vào cuối tuần, bạn có đồng ý không?
Doanh nghiệp nào cũng muốn có được những nhân viên cùng chia sẻ giá trị với doanh nghiệp vì họ chính là những người sẽ gắn bó lâu dài và sẵn sàng vượt qua những thách thức để đạt mục tiêu chung.
Những điều nên tránh:
- Đừng lý tưởng hóa môi trường làm việc vì không có môi trường nào là hoàn hảo. Bạn nên đưa ra tối đa ba điểm bạn đang tìm kiếm; và lắng nghe NTD chia sẻ. Đôi khi bạn sẽ thấy có những điểm không phù hợp với mong muốn của mình. Bạn hoàn toàn có quyền lựa chọn những nơi phù hợp nhất với mình.
- Không có chính kiến. Nếu bạn không biết mình đang tìm kiếm điều gì, nơi nào sẽ giúp bạn phát huy tối đa khả năng cũng như đạt được mục tiêu nghề nghiệp trong tương lai, bạn không thể thuyết phục NTD bạn là một ứng viên tiềm năng.

Những câu hỏi về kỹ năng lãnh đạo:
1. Bạn đã bao giờ cho 1 nhân viên nghỉ việc chưa? Vì sao?
2. Bạn thường gặp khó khăn gì trong quá trình quản lý một nhóm?
3. Nếu một người bạn của bạn vừa được thăng chức, anh ấy đến hỏi bạn 3 lời khuyên về kỹ năng lãnh đạo. Vậy bạn sẽ cho anh ấy 3 lời khuyên gì?
Lãnh đạo là kỹ năng quan trọng nhất của những vị trí quản lý. Doanh nghiệp có những nhà lãnh đạo giỏi ở vị trí chủ chốt sẽ thành công. Chính vì vậy, khi phỏng vấn cho những vị trí này, NTD sẽ luôn kiểm tra và đánh giá ứng viên thật cẩn thận.
Những điều nên tránh:
- Coi thường nhân viên. Nếu bạn tỏ ra coi thường những nhân viên của mình chỉ vì họ chưa có kinh nghiệm hay phạm một sai lầm nào đó, bạn sẽ nhận điểm trừ. Một lãnh đạo giỏi không chỉ biết đem lại kết quả, mà còn phải xây dựng những mối quan hệ tích cực với nhân viên bằng niềm tin và sự nể trọng.
- Bối rối vì không thể nghĩ ra bất cứ lời khuyên nào. Điều này chứng tỏ bạn có một chức danh quản lý nhưng chưa phải là một người lãnh đạo thực sự. Hãy gặp và nói chuyện nhiều hơn với những người bạn nể trộng họ vì khả năng lãnh đạo để học hỏi thêm.
- Không thừa nhận khó khăn và sai lầm. Thừa nhận sai lầm ở vị trí lãnh đạo khó khăn hơn nhiều khi bạn ở vị trí nhân viên. Nhưng hãy thành thật với chính mình và chia sẻ những thất bại và bài học bạn không bao giờ quên. Chúng ta đều trưởng thành nhờ những sai lầm đó.

Thực tế là bạn sẽ “chạm trán” nhiều câu hỏi khác ngoài những câu hỏi trên. Mỗi câu hỏi đều ẩn chứa một ý nghĩa nhất định, giúp NTD chọn những ứng viên phù hợp nhất. Chính vì vậy, sự chuẩn bị nghiêm túc, kỹ lưỡng và thái độ tích cực chính là chìa khóa giúp bạn mở lối thành công trên con đường sự nghiệp.
Theo Vietnamworks
 
BÍ KÍP THI TUYỂN VÀO NGÂN HÀNG


Chào các bạn, 4 năm đại học với khối ngành kinh tế trôi qua thật là nhanh, các sinh viên năm cuối đang bắt đầu nộp đơn xin việc vào các ngân hàng. Bài viết của mình chia sẻ về những kinh nghiệm của mình cũng như của các bạn khác đã phỏng vấn thành công tại các ngân hàng.

Thông thường, quy trình tuyển dụng vào ngân hàng thường bao gồm:

1. Vòng CV (thường thì các bạn sẽ điền CV theo mẫu của ngân hàng được đăng tải trên web của họ). Các bạn tham khảo bài viết kỹ năng viết CV hiệu quả TẠI ĐÂY nhé. Thông thường, đối với một sinh viên mới ra trường và chưa có kinh nghiệm, chúng ta thường nộp đơn ứng tuyển vào các vị trí giao dịch viên, chuyên viên quan hệ khách hàng cá nhân, chuyên viên quan hệ khách hàng doanh nghiệp, chuyên viên thẩm định hoặc các vị trí hỗ trợ khác.

2. Vòng thi test (BTC forum có tổng hợp một số bài test vào ngân hàng, các bạn xem TẠI ĐÂY)

3. Vòng phỏng vấn: Thông thường thì sẽ có 2 vòng phỏng vấn vào ngân hàng. Vòng 1 thường là phỏng vấn của nhân sự, vòng 2 là phỏng vấn chuyên môn được tiến hành bởi các anh chị ở các phòng ban bạn sẽ làm việc sau này. Vòng 1 – nhân sự phỏng vấn thường hỏi các câu liên quan đến những điểm mạnh, điểm yếu của bản thân, những tình hình chung về kinh tế Việt Nam và thế giới ví dụ như chính sách kiềm chế lạm phát của NHNN hiện nay? Giá vàng? … Vòng 2 mới thực sự là các kiến thức liên quan đến chuyên môn và thường sẽ được phỏng vấn với các anh chị chuyên viên lâu năm trong ngân hàng.

Dưới đây là một số kinh nghiệm đúc rút được sau quá trình tham gia phỏng vấn.
- Thứ nhất, luôn xem kỹ bản mô tả công việc xem họ yêu cầu những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm như thế nào để có thể ứng phó tốt nhất
- Thứ hai, luôn chuẩn bị một bài giới thiệu về bản thân khoảng 2 đến 3 phút bằng tiếng Anh (trong đó nêu rõ những điểm mạnh, những thành tích nổi bật của bạn trong quá trình học tập)
- Thứ ba, tìm hiểu về ngân hàng mình ứng tuyển (thông qua báo cáo thường niên của ngân hàng), cố gắng nhớ các thông tin sau:
+ Tổng tài sản
+ Vốn chủ sở hữu
+ Lợi nhuận
+ Số chi nhánh, số nhân viên,
+ Tổng dư nợ, tổng huy động, khách hàng nào lớn nhất
+ Nếu có thể, nên tìm hiểu về một số sản phẩm hiện tại của ngân hàng
- Thứ tư, tìm hiểu về nghiệp vụ, ví dụ đối với vị trí chuyên viên quan hệ khách hàng, chủ yếu về kỹ năng bán hàng và chăm sóc khách hàng, còn đối với các vị trí như chuyên viên thẩm định thì cần biết các nghiệp vụ về thẩm định tín dụng, các vấn đề liên quan đến xét duyệt tín dụng. Trong phần này, bạn có thể sẽ gặp phải một số câu hỏi như Sếp yêu cầu bạn thẩm định một dự án mà chủ đầu tư là người quen của sếp, trong khi bạn thấy dự án đó không thực sự tốt, bạn sẽ làm như thế nào?
- Thứ năm, tìm hiểu về tình hình kinh tế vĩ mô trong nước và quốc tế, chủ yếu là các tin tức và con số (ví dụ tăng trưởng kinh tế VN năm vừa rồi là bao nhiêu, lạm phát, tăng trưởng tín dụng là bao nhiêu, mục tiêu năm nay của nền kinh tế là gì? Nói chung là về các con số. Bên cạnh đó, bạn cũng cần cập nhật tình hình thế giới như giá dầu, giá vàng, khủng hoảng về nợ công của Mỹ và Châu Âu hiện tại,…)

Trong quá trình trả lời phỏng vấn, cần tự tin, lưu loát, không rườm rà, trả lời đúng trọng tâm, gặp câu nào không trả lời được thì nói là sẽ tìm hiểu thêm hoặc lấy lý do còn hạn chế về kinh nghiệm.

Các bạn nên nhớ rằng, tự tin là đã đạt được 50% thành công rồi, vì vậy hãy tự tin vào bản thân mình nhé

Chúc các bạn thành công!
 
Cảm ơn chị ạ. Bài viết rất cần thiết cho những ai đang muốn bon chen vào ngân hàng như em
 
Back
Bên trên