Xử lý nợ xấu thông qua AMC và kinh nghiệm cho Việt Nam

cocghe266

Administrator
Công ty xử lý nợ nhà nước thông thường rất có hiệu quả khi vấn đề nợ xấu mang tính hệ thống và khung pháp lý đối với việc xử lý nợ vẫn còn yếu. Hơn nữa, việc Chính phủ mua lại các khoản nợ xấu thông qua các công ty xử lý nợ của nhà nước có thể tạo ra cơ hội cho Chính phủ áp đặt các điều kiện giúp các ngân hàng tái cấu trúc lại vấn đề tài chính và cơ cấu hoạt động của mình.

Cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997 đã làm cho hệ thống ngân hàng các quốc gia khu vực này lâm vào khủng hoảng nợ nần và buộc các nước Thái Lan, Hàn Quốc, Indonesia và Malaysia thành lập các công ty xử lý nợ xấu của ngân hàng. Trung Quốc cũng thành lập 4 công ty để xử lý nợ xấu cho 4 ngân hàng thương mại quốc doanh.

Không chỉ các nước Châu Á thành lập các công ty quản lý tài sản (AMCs) mà ngay cả các nước đã phát triển như Mỹ và các nước Châu Mỹ La Tinh cũng có các công ty chuyên về xử lý nợ xấu của ngân hàng.


Vấn đề đặt ra là liệu các công ty quản lý tài sản có hoạt động hiệu quả không? Liệu sự có mặt của các AMCs có cải thiện được hành vi và hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng không?

Các mô hình AMC

Có nhiều loại mô hình công ty mua bán nợ: có thể là công ty nhà nước góp vốn hoặc công ty do tư nhân góp vốn. Công ty xử lý nợ nhà nước thông thường rất có hiệu quả khi vấn đề nợ xấu mang tính hệ thống và khung pháp lý đối với việc xử lý nợ vẫn còn yếu. Hơn nữa, việc Chính phủ mua lại các khoản nợ xấu của ngân hàng thông qua các công ty xử lý nợ của nhà nước có thể tạo ra cơ hội cho Chính phủ áp đặt các điều kiện giúp các ngân hàng tái cấu trúc lại vấn đề tài chính và cơ cấu hoạt động của mình.

Các công ty xử lý nợ quốc doanh có thể bỏ qua dễ dàng các thiếu sót về khung pháp lý thông qua các quyền hạn đặc thù. Đặc biệt, trong các quốc gia đang phát triển, thành phần quốc doanh có thể quản lý tốt quá trình kiểm soát các nguồn hơn là các công ty tư nhân.

Tuy nhiên, việc thiết lập các công ty xử lý nợ tập trung đòi hỏi Chính phủ phải đầu tư với số lượng vốn lớn. Việc thiếu nguồn nhân lực cũng là một trở ngại lớn cho việc thiết lập các công ty xử lý nợ tập trung này. Điều này cũng khiến nhiều quốc gia có khủng hoảng nợ xấu miễn cưỡng thiết lập các tổ chức xử lý nợ tập trung này.

Các đặc điểm của AMCs Châu Á

Trong suốt thời kỳ khủng hoảng tài chính ở Châu Á, Chính phủ các nước như Indonesia, Malaysia, Hàn Quốc và Thái Lan đã thành lập các AMC để xử lý nợ, thu hồi và cơ cấu lại các khoản nợ xấu của ngân hàng: IBRA (Indonesia), DANAHARTA (Malaysia) và KAMCO (Hàn Quốc). Riêng Thái Lan mãi đến năm 2001, Thái Lan mới chính thức thành lập TAMC – Thai Asset Management Company.

Một đặc điểm chung của 4 công ty xử lý nợ ở Châu Á là tất cả đều được Chính phủ tài trợ vốn và được tổ chức tập trung hơn là sử dụng một mô hình chỉ dựa vào ngân hàng. Mô hình công ty quản lý tài sản tập trung mang tính khả thi cao do nhiều ngân hàng không đủ nguồn lực để tự tái cấu trúc các khoản nợ xấu khổng lồ của mình thông qua các đơn vị trực thuộc hay các công ty con của ngân hàng. Pháp lý so với các chuẩn mực thế giới vẫn còn nghèo nàn lạc hậu trong các quốc gia này cũng góp phần tạo ra sự cần thiết phải có công ty quản lý tài sản tập trung.

Các công ty xử lý nợ tập trung cũng có các quyền hạn đặc biệt để cắt giảm các thủ tục pháp lý. Ví dụ như trường hợp của DANAHARTA, nó có quyền xử lý tất cả các khoản nợ xấu chuyển giao mà không cần phải xin phép các chủ tài khoản. TAMCO cũng sử dụng quyền hạn của mình để buộc các con nợ phải ngồi vào bàn đàm phán cho việc thanh toán các khoản nợ vay của mình. KAMCO thì không có thể hiện rõ đặc quyền của mình, có thể một phần là do cơ sở pháp lý của Hàn Quốc hoàn thiện hơn cơ sở pháp lý của các nước còn lại.

Liên quan đến việc lựa chọn tài sản để xử lý, các AMC có những chiến lược riêng cho mình.

IBRA tiếp nhận tất cả các khoản nợ xấu của ngân hàng mà không có sự lựa chọn nào trước cả. Việc này là do IBRA thực hiện theo chỉ định của Chính phủ trong chương trình hỗ trợ các ngân hàng vượt qua khủng hoảng bao gồm hỗ trợ thanh khoản, tái cấu trúc ngân hàng, xử lý nợ xấu và ổn định các cổ đông ngân hàng. Các tài sản được mua lại với mức giá trị cũ nhưng Chính phủ sẽ gánh phần thua lỗ cho ngân hàng.

KAMCO không có các tiêu chí đặc thù đối với tài sản được mua lại nhưng nó sẽ mua lại các tài sản ở mức chiết khấu cao. Tháng 11 năm 2003, mức giá chiết khấu bình quân của KAMCO khoảng 64%. Cụ thể hơn, nó đưa ra một mức giá chiết khấu cho các khoản nợ xấu thông thường tương đương 40% của tổng giá trị tài sản được thế chấp, 3% của mệnh giá nếu các khoản cho vay không có tài sản thế chấp; trong khi đó, các khoản nợ xấu đặc biệt sẽ được định giá bằng phương pháp hiện giá thuần của dòng tiền dự án.

Ngược lại, DANAHARTA và TAMC hạn chế mua lại các khoản nợ xấu có giá trị ghi sổ tối thiểu lần lượt là 5 triệu Rin-gít và 5 triệu Bath. TAMC hạn chế việc mua lại các khoản nợ xấu từ các ngân hàng tư nhân nhưng đối với các ngân hàng quốc doanh thì nó có thể mua các khoản nợ có giá trị từ nhỏ tới lớn, miễn là có hơn 2 chủ nợ (ngân hàng) tham gia vào. DANAHARTA cũng làm tương tự kể cả các tài sản ngân hàng mà do DANAMODAL đã bơm vốn vào trước đây. Hơn nữa, hai công ty quản lý nợ này định giá nợ xấu theo giá thị trường nhưng sẽ thương lượng phần lãi hoặc lỗ với các định chế tài chính. Đối với DANAHARTA, giá trị thu hồi vượt mức trên chi phí mua lại cộng với chi phí phân bổ trực tiếp sẽ được chia theo tỷ lệ 80:20, trong đó, 80% thuộc về các định chế tài chính. Trong trường hợp có lãi, TAMCO và ngân hàng trước hết chia 20% lợi nhuận có liên quan đến giá chuyển nhượng, phần còn lại sẽ thuộc về ngân hàng nhưng cũng không được vượt quá giá trị chuyển nhượng. Trong trường hợp thua lỗ thì cả 2 đều phải gánh chịu nhưng ngân hàng phải chịu 30% của mức giá chuyển nhượng.

Tổng kết kinh nghiệm xử lý nợ xấu trong tiến trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng của các nước trên thế giới cho thấy các nước thường triển khai theo những hướng cơ bản như sau:

(i) Hỗ trợ trực tiếp từ Chính phủ thông qua việc bơm vốn: phương pháp hỗ trợ trực tiếp từ Chính phủ cho các ngân hàng và định chế tài chính khác nhằm đối phó với khủng hoảng.

(ii) Thành lập công ty quản lý tài sản (Asset Management Company - AMC)/công ty mua bán nợ để thu mua nợ xấu: cơ quan này sẽ đứng ra mua lại các khoản nợ xấu ngân hàng, sau đó xử lý để bán lại các khoản nợ đã mua này.

(iii) Tạo cơ chế thỏa thuận xử lý nợ xấu giữa các TCTD và bên đi vay: làm trung gian cho các chủ nợ (ở đây là các TCTD) và các doanh nghiệp đi vay thương lượng phương án xử lý nợ dưới nhiều hình thức như thanh lý tài sản, gia hạn hợp đồng, điều chỉnh một số điều khoản của hợp đồng.

Ở Việt Nam, việc thành lập một công ty quản lý tài sản quốc gia để xử lý nợ xấu của hệ thống NHTM cũng đã được Chính phủ giao cho NHNN nghiên cứu, xem xét.



TS. Phạm Hữu Hồng Thái (Phó Hiệu trưởng trường Đại học Tài chính Marketing)
 

Tin tuyển dụng mới nhất

Thống kê MXH

Tổng số chủ đề
34,577
Số bình luận
528,084
Tổng số thành viên
351,481
Thành viên mới nhất
Linkin Park Mer
Back
Bên trên