zizi_thuan
Thành viên tích cực
Thành lập AMC có thể khiến các ngân hàng "lựa chọn ngược", thay vì kiểm soát cho vay các ngân hàng sẵn sàng cho vay dễ dàng để có lợi nhuận, còn nếu bị nợ xấu thì sẽ bán lại cho AMC của Nhà nước.
Nhanh chóng xử lý nợ xấu là mục tiêu quan trọng của hệ thống ngân hàng hiện nay, nhưng lựa chọn phương thức thích hợp đang là câu hỏi khó. Thành lập công ty mua bán nợ Quốc gia – AMC như nhiều nước đã làm? Hay để các NHTM đã xử lý bằng nguồn dự phòng rủi ro và Nhà nước sẽ mua phần còn lại bằng chương trình có giới hạn?
Nợ xấu mua thế nào đây?
Một mô hình được nhiều người ủng hộ là nhanh chóng thành lập công ty mua bán nợ Quốc gia (gọi tắt là AMC). Số vốn dự kiến cần là 100 ngàn tỷ, nhưng có thể ban đầu chỉ cần 20 ngàn tỷ và huy động thêm vốn thông qua phát hành trái phiếu, tín phiếu.
Cơ chế xử lý nợ xấu được một số chuyên gia đề nghị là AMC thành cổ đông doanh nghiệp theo phần nợ mua, bán nợ cho nhà đầu tư khác, chứng khoán hóa khoản nợ và cuối cùng là xóa nợ.
Dù công ty mua bán nợ Quốc gia được thành lập như thế nào, cơ chế ra sao thì cũng phải phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Nếu AMC mua nợ xấu rồi trở thành cổ đông của doanh nghiệp, trước hết gặp khó khăn bởi số lượng doanh nghiệp có nợ xấu là rất nhiều, và 1 AMC của Nhà nước khó có thể trở thành cổ đông tại hàng ngàn doanh nghiệp bởi 1 quyết định mua lại nợ xấu. Hơn nữa nhiều khoản nợ xấu đến từ DNNN, như thế AMC cũng trở thành cổ đông sở hữu cổ phần của DNNN. Điều này chắc chắn sẽ gặp nhiều vướng mắc từ chính cơ chế hiện hành, ví dụ như xung đột với nhiệm vụ của SCIC .
Có thể AMC sẽ bán lại nợ cho nhà đầu tư mới đến. Đây là ý tưởng hay nhưng tính khả thi còn phải xem xét một cách đầy đủ hơn. Nếu bán cho các nhà đầu tư trong nước thì tình hình hiện tại khó tìm được nhà đầu tư phù hợp bởi những “người có tiền” là ngân hàng còn phải bán tài sản độc hại để thu tiền về. Với nhà đầu tư nước ngoài thì vấn đề quyền sở hữu rất rắc rối. Ngay với ngân hàng khi muốn xử lý tài sản đảm bảo còn mất vài năm sau nhiều phiên tòa phân xử thì khó thuyết phục nhà đầu tư nước ngoài mua khoản nợ xấu đó của ngân hàng.
“Hãy chứng khoán hóa nợ xấu rồi bán ra thị trường”- ý kiến của một chuyên gia.
Đây là phương thức được một số quốc gia sử dụng nhưng ở đó thị trường chứng khoán rất phát triển. Các khoản nợ được phân loại, chứng khoán hóa và bán ra thị trường. Thậm chí các gói chứng khoán nợ còn được phái sinh nhiều lần để mua đi bán lại. Nhưng đó là thị trường chứng khoán phát triển còn với hiện trạng của TTCK Việt Nam, đây dường như là kế hoạch xa vời. Chưa kể đến “tác dụng phụ” của chứng khoán hóa nợ tại nhiều nước phát triển, như Mỹ, được coi là nguyên nhân cho khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Vậy thì xóa nợ ! Nếu nợ xấu được mua về và xóa đi thì tại sao phải thành lập công ty mua nợ xấu. Các khoản nợ xấu dù nằm tại ngân hàng hay tại AMC mà không thể thu hồi được vốn thì đó mãi là nợ xấu. Nó sẽ không xuất hiện trên báo cáo tài chính, bảng cân đối tài sản của ngân hàng nhưng vẫn tồn tại trong nền kinh tế. Chỉ khi nào các khoản nợ đó được bù đắp đủ tài chính thì mới thực sự xử lý hết nợ xấu.
Chưa kể xảy ra tình trạng “lựa chọn ngược” của các ngân hàng khi mà họ sẵn sàng cho khách hàng vay với điều kiện dễ dàng hơn bởi nếu bị nợ xấu họ có thể bán cho công ty AMC của Nhà nước. Mặc dù thành lập AMC được kỳ vọng sẽ nhanh chóng xử lý nợ xấu nhưng ngay tại quốc gia có nền tài chính phát triển hơn Việt Nam là Ireland thì dự kiến mất 10 năm (2009 - 2019) công ty mua bán nợ quốc gia Ireland - NAMA mới xử lý xong 100% nợ xấu của hệ thống ngân hàng nước này.
“Ai làm người đó chịu”
Để có lợi nhuận hàng ngàn tỷ đồng của những năm gần đây, các ngân hàng đã có thời kỳ bùng nổ cho vay với điều kiện vay dễ dàng. Thậm chí để giúp khách hàng vay được nhiều hơn, nhiều nhân viên tín dụng sẵn sàng “hỗ trợ” nâng giá trị tài sản đảm bảo. Những khoản vay đó nay được xếp vào nợ xấu cùng với đó yêu cầu trích lập DPRR kéo tụt lợi nhuận của các ngân hàng.
Theo ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm UBKTQH, chúng ta đang định hướng theo kinh tế thị trường, vậy ai gây ra nợ xấu thì người đó phải chịu trách nhiệm. Do đó, trước hết, phải lấy tài sản của ngân hàng ra để xử lý nợ xấu. Đây là điều khó khăn nhất với các ông chủ ngân hàng khi phải tự xử lý nợ xấu.
Lãnh đạo các ngân hàng chịu sức ép lớn từ các cổ đông trong việc đảm bảo hiệu quả kinh doanh nên không có động lực xử lý nợ xấu. Nếu các ngân hàng phân loại, trích lập đầy đủ với nợ xấu, chấp nhận mục tiêu lợi nhuân ngắn hạn bị ảnh hưởng thì dù tỷ lệ nợ xấu 8,6% tổng dư nợ thì hoạt động tín dụng của ngân hàng cũng sẽ không ảnh hưởng nhiều.
Bởi lẽ với các doanh nghiệp đã có nợ xấu thì cho dù có chuyển nợ xấu đi, theo nguyên tắc các ngân hàng cũng sẽ không cho vay tiếp bởi lịch sử tín dụng đã bị nợ xấu. Phải sau khoảng thời gian đủ lâu việc xét duyệt tín dụng mới được mở lại với các doanh nghiệp này. Còn với các doanh nghiệp tốt, dự án khả thi thì thời điểm hiện tại chắc chắn sẽ được các ngân hàng rào đón trước sau với lãi suất ngắn hạn hợp lý.
Với tổng vốn tự có của NHTM Nhà nước và NHTMCP theo báo cáo của NHNN đến 30/04/2012 khoảng 311 ngàn tỷ và hơn 67 ngàn tỷ đồng trích dự phòng rủi ro thì bản thân các NHTM đủ sức bù đắp hết 202 ngàn ty khoản nợ xấu do chính họ gây ra. Thật không hợp lý nếu như tiền thuế của người dân lại được dùng để xử lý nợ xấu tại các NHTMCP trước cả ông chủ ngân hàng.
Vấn đề NHNN cần có chế tài phạt mạnh mẽ hơn, không chỉ với ngân hàng mà với cả các cá nhân lãnh đạo, buộc các NHTM phải tự xử lý nợ xấu của mình trước. Ngân hàng nào sau khi sử dụng hết nguồn vốn nhưng vẫn không bù đắp được, ví dụ như HBB, thì phải chấp nhận bị kiểm soát đặc biệt, sáp nhập. Một chương trình mua nợ xấu sẽ phù hợp với những ngân hàng này hơn là 1 công ty mua bán nợ.
Với cơ chế xử lý trên nguyên tắc thị trường, quy định kiểm soát nợ xấu chặt chẽ hơn, NHNN mới có thể hy vọng tạo ra nền tảng để xây dựng hệ thống các NHTM an toàn, hiệu quả. Nếu không, nợ xấu sẽ sớm trở lại với các ngân hàng cho dù toàn bộ khoản nợ xấu đã được chuyển sang AMC.
Thanh Hải
Theo TTVN
Chỉnh sửa lần cuối bởi người điều hành: