Vai trò của xếp hạng tín dụng trong việc lựa chọn doanh nghiệp để cho vay

  • Bắt đầu Bắt đầu cocghe266
  • Ngày bắt đầu Ngày bắt đầu

cocghe266

Administrator
Thời gian qua, hoạt động xếp hạng tín dụng doanh nghiệp tại Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC) của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã khẳng định được vai trò, vị trí, tầm quan trọng trong việc cung cấp thông tin, là chìa khóa và công cụ đắc lực không thể thiếu đối với các ngân hàng và các nhà đầu tư trong việc tiếp cận các nguồn lực của xã hội cho phát triển.

Theo kinh nghiệm quốc tế, chỉ những doanh nghiệp hoạt động tốt, được đánh giá, xếp hạng từ mức an toàn trở lên mới được sử dụng các nguồn lực của xã hội để tổ chức sản xuất kinh doanh. Đối với một nước đang phát triển như Việt Nam với tiềm lực kinh tế còn rất hạn chế, không thể giao các nguồn lực quí giá này cho những doanh nghiệp yếu kém, dễ gây lãng phí, thất thoát và gây thiệt hại cho nền kinh tế, thậm chí có thể kéo lùi tốc độ tăng trưởng kinh tế. Trên thực tế, nước ta đã một đôi lần phải trả giá khi giao nguồn vốn đầu tư cho một số doanh nghiệp yếu kém như Vinashin, Vinalines.

Trong quá trình phát triển kinh tế, nhiều phương pháp lựa chọn được một “doanh nghiệp xứng đáng” để cho vay và đầu tư đã được hình thành và áp dụng. Trong đó, phương pháp dựa vào kết quả xếp hạng tín dụng là tiêu chí cơ bản hàng đầu và ngày càng được sử dụng rộng rãi, không chỉ đối với doanh nghiệp sản xuất, mà cả các định chế tài chính và nền kinh tế. Do vậy, kết quả xếp hạng tín dụng (XHTD) do các hãng định mức tín nhiệm hàng đầu trên thế giới đưa ra được coi là hàn thử biểu nhạy cảm về thực tế và triển vọng đối với mọi nền kinh tế.

Thật vậy, năm 1996, trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á 1997, nhà báo Thomas Friedman đã nói trên đài truyền hình Hoa Kỳ: “Theo tôi, hiện nay trên thế giới có 2 siêu cường, đó là nước Mỹ và Cơ quan Xếp hạng tín dụng Moody’s. Nước Mỹ có thể hủy diệt bạn bằng bom đạn, còn Moody’s có thể hủy diệt bạn bằng cách hạ mức tín nhiệm của bạn. Và tôi tin rằng, khó có thể biết được ai là người mạnh hơn.” Phát biểu của Friedman đã gây bất ngờ trong dư luận, nhiều người không tin vào vai trò mạnh mẽ như vậy của XHTD.

Tuy nhiên, sau 15 năm, thực tế đã chỉ ra XHTD thực sự “mạnh” hơn cả nước Mỹ, khi Moody’s hạ mức tín nhiệm của trái phiếu chính phủ Mỹ vào năm 2011. Đến đây, chúng ta buộc phải nhận thức rằng đã đến lúc cần phải coi trọng XHTD trong hoạt động ngân hàng tại Việt Nam.


“Theo tôi, hiện nay trên thế giới có 2 siêu cường, đó là nước Mỹ và Cơ quan Xếp hạng tín dụng Moody’s." - nhà báo Thomas Friedman

Thời gian qua, hoạt động xếp hạng tín dụng doanh nghiệp tại Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC) của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã khẳng định được vai trò, vị trí, tầm quan trọng trong việc cung cấp thông tin, là chìa khóa và công cụ đắc lực không thể thiếu đối với các ngân hàng và các nhà đầu tư trong việc tiếp cận các nguồn lực của xã hội cho phát triển. Thông qua đó, CIC đóng góp tích cực vào nhiệm vụ quản lý của NHNN cũng như bảo đảm hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả, phát triển bền vững hệ thống ngân hàng. Những thành tựu của CIC đã được Ban Lãnh đạo NHNN, các vụ, cục, đơn vị thuộc NHNN, các chi nhánh NHNN, các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp và các cơ quan liên quan đánh giá cao. Đặc biệt, trong Báo cáo đánh giá môi trường kinh doanh năm 2011 do Ngân hàng Thế giới (WB) và Công ty Tài chính quốc tế (IFC) công bố đã xếp hạng Việt Nam đứng thứ 78 trong tổng số 183 nền kinh tế thế giới về mức độ thuận lợi trong môi trường kinh doanh, tăng 10 bậc so với năm 2010. Điểm nhấn trong Báo cáo này là, WB tiếp tục đánh giá hoạt động thông tin tín dụng Việt Nam có bước cải thiện, minh bạch hơn, tăng cường bảo vệ quyền lợi của khách hàng vay vốn và tính đầy đủ của thông tin tín dụng đã góp phần nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng.

Trong mô hình kinh tế giản đơn, doanh nghiệp là một pháp nhân được sử dụng các nguồn lực xã hội (vốn, lao động, đất đai, tài nguyên, tri thức, thông tin) để tổ chức sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho xã hội, nhưng không phải cứ là doanh nghiệp thì được vay vốn tín dụng. Có những thời điểm, các cơ quan truyền thông, báo chí phản ánh hiện tượng doanh nghiệp khó tiếp cận tín dụng và cho rằng, ngân hàng cửa quyền, thích thì cho vay. Điều này, cần phải hiểu thật khoa học, đúng đắn, vì tính hữu hạn của nguồn vốn và yêu cầu bảo toàn nguồn vốn, chỉ những doanh nghiệp đạt các chỉ số an toàn an toàn mới được sử dụng nguồn vốn tín dụng vì sự phát triển của đất nước.

Với tư cách là trung gian tài chính, chức năng chính của các ngân hàng thương mại là huy động vốn và cho vay lại. Thông qua các ngân hàng thương mại, nguồn tài chính nhàn rỗi trong xã hội được khơi thông, khai thác, tập trung đưa vào lưu thông, đến tay các doanh nghiệp cần vốn và xứng đáng được sử dụng nguồn vốn này. Từ nguồn tài chính đó, doanh nghiệp có điều kiện để kết hợp khai thác các nguồn lực khác một cách hiệu quả, tạo ra hàng hóa, dịch vụ cho xã hội. Vì thế, nguồn tài chính này cần được tuần hoàn một cách thông suốt từ ngân hàng đến doanh nghiệp trong hoạt động cho vay và hoàn trả vốn vay. Nếu doanh nghiệp yếu kém, kinh doanh thua lỗ, không có khả năng trả nợ ngân hàng thì sẽ gây ách tắc quá trình chu chuyển vốn, đôi khi vấn đề sẽ trở nên nghiêm trọng khi rủi ro xảy ra theo tính dây chuyền và có thể dẫn đến hiệu ứng domino, gây thảm họa cho nền kinh tế.

Như vậy, quản trị rủi ro tín dụng không phải là nhiệm vụ riêng của các cơ quan quản lý và từng ngân hàng thương mại, mà xuất phát từ yêu cầu phát triển bền vững của nền kinh tế quốc dân. Điều này đòi hỏi các cán bộ tín dụng và quản lý ngân hàng phải nhận thức rõ hơn về sứ mệnh cao cả của mình với đất nước, phải công tâm, thật sự khách quan và minh bạch trong nghiệp vụ tín dụng, không để những tính toán ích kỷ cá nhân chi phối, dễ dẫn đến những sai lầm đáng tiếc. Đặc biệt, phải chú ý khai thác sử dụng tốt thông tin xếp hạng tín dụng từ CIC để đối chiếu với kết quả XHTD nội bộ trong quá trình cấp tín dụng và quản trị rủi ro tín dụng.

Bên cạnh hệ thống ngân hàng, thị trường chứng khoán cũng là một kênh thu hút vốn phục vụ cho sản xuất kinh doanh thông qua các công ty đại chúng, một kênh huy động vốn trực tiếp và mang tính xã hội cao. Để sử dụng nguồn vốn này có hiệu quả, đòi hỏi các công ty niêm yết phải là doanh nghiệp hoạt động tốt, thông tin minh bạch. Nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, một số nước Châu Âu có quy định rất chặt chẽ, chỉ những công ty được xếp hạng tín dụng đạt mức an toàn trở lên mới được tham gia niêm yết. Vì vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam cần chú trọng đến việc khai thác sử dụng kết quả xếp hạng tín dụng để bổ sung thông tin định hướng cho các nhà đầu tư trên thị trường, vì mục tiêu phát triển an toàn và bền vững.

Trong nền kinh tế thị trường, tín dụng thương mại, bán hàng trả chậm, trả sau dựa trên chữ tín giữa các doanh nghiệp rất phổ biến, đây là những phương thức trao đổi nguồn lực ngày càng phổ biến và đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sản xuất phát triển. Tuy nhiên, việc doanh nghiệp cung ứng trao các nguồn lực của mình cho nhà sản xuất nào để không bị mất mát, để đảm bảo đòi được tiền là rất quan trọng. Trên thực tế, công nợ dây dưa giữa các doanh nghiệp cũng rất nhiều do doanh nghiệp chưa có được các thông tin tin cậy, cần thiết để phòng ngừa rủi ro. Từ giác độ quản lý kinh tế vĩ mô, không nên coi đây là công việc riêng của doanh nghiệp, mà là trách nhiệm của nhà nước trong việc định hướng, dẫn dắt thị trường, tạo điều kiện cho quá trình này được thực hiện thông suốt hơn. Khi giải quyết vấn đề này, các nước phát triển và nhiều nước đang phát triển thường sử dụng công cụ xếp hạng tín dụng doanh nghiệp để đánh giá và lựa chọn những doanh nghiệp xứng đáng, giảm thiểu những rủi ro.

Trên thị trường tài chính, các bên tham gia chủ yếu trong quan hệ tín dụng bao gồm: Người gửi tiền - Doanh nghiệp - Ngân hàng, với sự trung gian của cơ quan xếp hạng tín dụng và trên hết là NHNN và các cơ quan quản lý nhà nước. Bên chủ sở hữu các nguồn lực thuộc về nhân dân, hoặc Nhà nước (cũng là nguồn do nhân dân và doanh nghiệp đóng góp). Các bên đều có tầm quan trọng như nhau, cần hợp tác cùng đi lên vì sự phát triển chung của đất nước. Có thể thấy, sứ mệnh của các bên trong nền kinh tế như sau:

- Ngân hàng: khai thác, tập trung tối đa nguồn lực vốn và trao đúng đối tượng xứng đáng được sử dụng nguồn lực vốn, và sử dụng vốn hiệu quả.

- Doanh nghiệp đủ điều kiện: đối tượng được sử dụng các nguồn lực đó để tổ chức sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.

- Cơ quan XHTD (CIC): cung cấp thông tin xếp hạng tín dụng khách quan, đầy đủ, chính xác, kịp thời, giúp NHNN và các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện tốt vai trò quản lý; giúp các ngân hàng thương mại và các nhà đầu tư lựa chọn đúng đối tượng xứng đáng được sử dụng nguồn lực vốn này một cách hiệu quả.

Tóm lại, trong nền kinh tế thị trường, hoạt động thông tin tín dụng và xếp hạng tín dụng là rất cần thiết, là chìa khóa, là công cụ đắc lực giúp các ngân hàng và các nhà đầu tư đánh giá, lựa chọn những doanh nghiệp xứng đáng để cho vay và đầu tư, hạn chế đầu tư vào các doanh nghiệp yếu kém dễ gây lãng phí, thất thoát nguồn lực.


TS. Nguyễn Hữu Đương
Theo TTVN/SBV
 
Back
Bên trên