Ứng dụng mô thức thành công trong tuyển dụng - Phần 1

ỨNG DỤNG MÔ THỨC THÀNH CÔNG TRONG TUYỂN DỤNG – PHẦN 1

Chào các bạn, trong thời kỳ khó khăn trong xin việc hiện nay, tôi biết được có rất nhiều bạn cảm thấy nản chí khi trong tình cảnh “Nộp thì nhiều mà chẳng đỗ được bao nhiêu”, nhiều bạn đã mất đi niềm tin vào chính bản thân mình không biết mình là ai và mình có thể làm gì? Qua bài viết dưới đây, tôi mong muốn sẽ tiếp thêm động lực cho các bạn để có thể vượt qua được các kỳ tuyển dụng trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Bài viết bao gồm 2 phần

  • Phần 1: Tôi sẽ chia sẻ những nguyên lý chung về mô thức thành công tuyệt đỉnh mà tôi thu thập được trong các cuốn sách của Adam Khoo và từ cuộc sống
  • Phần 2: Tôi sẽ chia sẻ kỹ hơn về những gì mình đã ứng dụng trong quá trình tuyển dụng của bản thân.
1. Mô thức thành công là gì?
Có thể, bạn đã đọc cuốn sách “Làm chủ tư duy, thay đổi vẫn mệnh” của tác giả Adam Khoo, với bản dịch tiếng Việt của anh Trần Đăng Khoa (dịch giả nổi tiếng với cuốn sách Tôi tài giỏi, bạn cũng thế - một hiện tượng sách giao dục ở Việt Nam). Mô thức thành công mà tôi muốn nói đến chính là một chương của cuốn sách này.
Mô thức thành công bao gồm 2 yếu tố nền tảng và 4 bước cơ bản.

1.1 Hai yếu tố nền tảng

1.1.1 Hệ thống niềm tin

Niềm tin là yếu tố quan trọng đầu tiên bạn cần phải có, nếu mất đi niềm tin, bạn sẽ mất đi tất cả. Nếu như tiềm năng của bạn là một bể nước lớn thì niềm tin chính là cái vòi nước. Nếu duy trì một niềm tin tiêu cực, bạn đang khóa vòi nước và không thể giải phóng được tiềm năng của bản thân. Ngược lại, nếu bạn có một niềm tin tích cực, thì bạn đang mở vòi nước và giải phóng tiềm năng của mình.
Tôi rất thích một câu nói trong cuốn sách “Tôi tài giỏi, bạn cũng thế” là: “Tôi không cần biết niềm tin của mình đúng hay sai, tôi chỉ cần biết với niềm tin đó có giúp tôi phát triển được hay không”.
Vì vậy, hãy luôn duy trì cho mình một niềm tin tích cực các bạn nhé.

1.1.2 Giá trị sống

Giá trị sống là nút bấm điều khiển cảm xúc và điều khiển hành vi của bạn. Giá trị sống là những gì bạn hướng đến trong cuộc sống. Có rất nhiều người nghĩ rằng giá trị sống của họ là gia đình, sự nghiệp, sự tự do,... Tất cả đó đều ảnh hưởng đến những gì bạn làm sau này. Nếu giá trị sống của bạn mâu thuẫn với những gì nằm trong 4 bước cơ bản bên dưới, bạn khó có thể thành công.
Vì vậy, hãy lựa chọn cho mình một giá trị sống đúng đắn. Tôi sẽ trình bày thêm ở phần 2 của bài viết này.

1.2 Bốn bước cơ bản
1.2.1 Bước 1: Xác định mục tiêu rõ ràng

Rất nhiều người không biết mục tiêu của mình là gì, kể cả trong ngắn hạn. Họ rất hay có những mục tiêu chung chung như tôi muốn giàu có hơn, tôi muốn thành công hơn trong cuộc sống, tôi muốn có điểm số cao hơn,... Nếu mục tiêu của bạn không rõ ràng như vậy thì bạn chẳng bao giờ làm được việc gì cả, thậm chí bạn có chẳng muốn xắn tay áo để bắt đầu công việc. Đối với tôi, tôi thấy phương pháp xác định mục tiêu kiểu SMART rất phù hợp đối với các mục tiêu trong ngắn hạn.

Mục tiêu SMART được viết tắt bởi 5 từ là

  • Specific: Mục tiêu phải cụ thể, rõ ràng và dễ hiểu: Ví dụ: Tôi phấn đấu đạt được 3 điểm 9 trong kỳ thi đại học khối A hay Tôi sẽ thi đỗ vào Vietinbank vị trí chuyên viên quan hệ khách hàng FDI,...
  • Measurable: Mục tiêu phải đo đếm được. Bạn phải có sự đo lường cho mục tiêu của mình. Ví dụ, mục tiêu của bạn là thi đỗ đại học, hãy đo lường nó bằng số điểm của mình, bởi vì nó sẽ ảnh hưởng đến chiến lược của bạn sau này. Chiến lược học tập để dành 3 điểm 9 khác hoàn toàn với chiến lược dành được 3 điểm 5.
  • Attainable: Có thể đạt được bằng sức của mình. Điều này có nghĩa rằng, bạn cần phải biết mình đang ở đâu để đặt ra mục tiêu phù hợp. Ví dụ, bạn cần hái một quả táo trên cây (không dùng thêm dụng cụ nào khác, không trèo cây), bạn không thể nào hái được quả táo cách mặt đất 3 mét thôi, vì vậy, hãy biết lượng sức mình.
  • Relevant: Liên quan đến tầm nhìn chung. Điều này có nghĩa rằng, bạn cần xác định mục tiêu trong dài hạn của bạn là gì. Các mục tiêu trong ngắn hạn này phục vụ được gì cho mục tiêu dài hạn của bạn. Điều này rất quan trọng, nếu không có mục tiêu dài hạn, bạn có thể rơi vào tình trạng thấy khó khăn là né tránh, việc này giống như bạn đang đi, thấy khó đi bạn rẽ sang phải, rồi lại rẽ phải,... cuối cùng, bạn quay trở về điểm xuất phát ban đầu.
  • Time-bound: Có xác định thời gian. Mục tiêu mà không có các thời hạn (deadline) thì chẳng bao giờ bạn có động lực để làm cả. Tôi nhớ lại hồi đi học, đến gần ngày thi, ai nấy đều “cong đuôi” lên để học, thậm chí là học thâu đêm suốt sáng. Đúng là các deadline tạo ra một áp lực ghê gớm giúp ta hoàn thành công việc của mình.

1.2.2 Bước 2: Xác định một chiến lược hợp lý

Khi ta đã có sẵn một mục tiêu SMART, hãy xác định một chiến lược thật cụ thể các việc phải làm để ta có thể hoàn thành được mục tiêu đó. Chiến lược ở đây bao gồm các việc bạn phải làm trong ngắn hạn và trong dài hạn. Điều này rất quan trọng trong tuyển dụng, nó sẽ xác định bạn cần phải đọc những tài liệu gì, rèn luyện các kỹ năng viết CV, phỏng vấn ra sao,..
Sau khi có chiến lược cụ thể, hãy đưa ra thời gian biểu hằng ngày cho các công việc đó.

1.2.3 Bước 3: Hành động kiên định

Hành động kiên định là bạn tuân thủ tuyệt đối thời gian biểu và khối lượng công việc bạn định lượng ra hằng ngày. Đôi khi, bạn cảm thấy bản thân lười biếng, mệt mỏi và không muốn làm một việc gì cả, nhưng hãy biết hướng đến mục tiêu của mình để hoàn thành phần công việc mình đặt ra. Ví dụ, bạn xác định được chiến lược là phải tập thể dục hằng ngày bắt đầu từ lúc 5h sáng, nhưng rất khó để chui ra khỏi cái chăn ấm trong những ngày mùa đông, những ngày mưa phùn, điều này cần một nghị lực đáng kể của bản thân.
Để hành động kiên định, đặc biệt là những lúc bạn cảm thấy tuyệt vọng và lười biếng, bạn cần

  • Nhìn lại mục tiêu của mình
  • Nghĩ về những hình ảnh tiêu cực nếu mình không đạt được mục tiêu.
  • Nghĩ về những hình ảnh tích cực nếu mình đạt được mục tiêu
Sau đó, hãy thực hiện những việc phải làm. Đôi khi, bạn không thực hiện được hết 100% khối lượng công việc bạn đề ra, song, thành công đôi khi không chỉ là đạt được điều mình mong muốn, có thể bạn chỉ đạt đến gần hơn với mục tiêu của mình. Nhưng theo tôi, nếu bạn hoàn thành được từ 80%-90% khối lượng công việc mình đặt ra đó đã là một thành công lớn rồi

1.2.3 Biến thất bại thành cơ hội

Sau khi hành động kiên định một thời gian, có thể ta sẽ không đạt được điều mình mong muốn, đó là thất bại. Nhiều người khi thất bại thì tuyệt vọng, than thân trách phận, đổ lỗi cho người khác,... nhưng họ lại không biết sửa đổi chiến lược của mình để có thể thử lại và thành công hơn trong lần sau.
Nhiều bạn ngụy biện rằng “Thất bại là mẹ của thành công”, nên có cảm giác “hơi hài lòng” với thật bại nhưng theo tôi, thất bại chỉ có ý nghĩa khi ta nỗ lực hết mình. Nếu bạn không nỗ lực, đương nhiên bạn sẽ thất bại và khi đó, lời ngụy biện thường thấy là “thất bại là mẹ của thành công cơ mà, lần sau chắc chắn tôi sẽ thành công”
Để thất bại là mẹ của thành công, bạn cần

  • Nỗ lực hết mình (ở trong bước hành động kiên định), hoàn thành hết các công việc bạn đã xác định phải làm
  • Nếu không đạt được những điều như ý muốn, bạn cần xem xét lại tại sao mình lại thất bại và mình có thể làm gì tốt hơn trong tương lai, sau đó, quay trở lại xem xét chiến lược và sửa đổi chiến lược phù hợp.
Nếu bạn thành công, thật là tuyệt vời, khi đó, hãy củng cố niềm tin và củng cố mục tiêu của mình đặc biệt là mục tiêu dài hạn.
 
2. Nguồn tài liệu tham khảo
- Cuốn sách Tôi tài giỏi, bạn cũng thế (bản PDF)d http://vuontoithanhcong.vn/index.ph...oad-miễn-phí-ebook-tôi-tài-giỏi-bạn-cũng-thế/
- Cuốn sách làm chủ tư duy thay đổi vận mệnh – Bản tiếng việt: http://vuontoithanhcong.vn/index.ph...n-phí-ebook-làm-chủ-tư-duy-thay-đổi-vận-mệnh/
- Cuốn sách làm chủ tư duy, thay đổi vận mệnh – Bản tiếng Anh
http://www.humg.edu.vn/daukhi/index.php?option=com_fireboard&func=view&id=719&catid=57
Gửi các bạn tham khảo một số cuốn sách tham khảo của chủ đề mình viết nhé.
 
Back
Bên trên