Tuyên bố Thực hành của ICC về Ghi chú “On Board”

tnhquyen

Thành viên
Nhân tiện đọc bài đã đăng "B/L với tập quán ngân hàng tiêu chuẩn quốc tế số 681", tôi muốn đưa lên bài viết ý kiến của ICC về On board notation nhưng vì tôi không thể viết bài trong chuyên mục "Chứng từ thương mại trong TTQT" nên đành viết lên đây, Ad thấy không phù hợp có thể dịch chuyển sang.
.
Nguồn: Blog Mr. Old Man _ Nguyễn Hữu Đức

.
Khi nào chứng từ vận tải cần phải thể hiện một ghi chú đã xếp hàng lên tàu (ghi chú on board) và ghi chú on board được thể hiện như thế nào mới đúng với quy định của UCP và tập quán ngành vận tải là vấn đề khiến các chuyên gia tốn nhiều giấy mực nhưng dường như vẫn chưa đến hồi kết. Nhiều câu hỏi liên quan đến chủ đề “on board” vẫn được liên tục gửi đến Ủy ban Ngân hàng Phòng Thương mại Quốc tế (ICC) mặc dù ICC cũng đã nhiều lần đưa ra ý kiến trả lời tại các Ý kiến chính thức R.648 (TA.635rev), R.644 (TA.665rev), R.645 (TA.667rev), TA.679, R.641 (TA.650rev), R.642 (TA.642rev) và TA.682. Có thể một phần vì những ý kiến này chỉ nhằm trả lời các câu hỏi liên quan đến một số tình huống cụ thể nào đó, một phần không phải tất cả những người thực hành kiểm tra chứng từ đều có điều kiện tiếp cận được các ý kiến này nên xem ra những khúc mắc liên quan đến vấn đề này sẽ vẫn còn tồn tại nếu như ICC không có một văn bản hướng dẫn rõ ràng và đầy đủ hơn.

Nhằm mục đích giúp người thụ hưởng trong việc chỉ thị các nhà vận chuyển và các công ty giao nhận thực hiện các yêu cầu liên quan đến ghi chú on board, hướng dẫn cho các nhà vận chuyển và các công ty giao nhận về việc khi nào thì chứng từ vận tải cần phải thể hiện một ghi chú on board và các chi tiết của ghi chú, và hướng dẫn các ngân hàng trong việc giải thích và áp dụng đúng quy định của UCP liên quan đến các ghi chú on board đối với vận đơn đường biển, giấy gửi hàng đường biển và vận đơn theo hợp đồng thuê tàu, và đối với các chứng từ vận tải đa phương thức, khi chặng vận chuyển đầu tiên (theo yêu cầu của LC) là bằng đường biển, Nhóm dự thảo đã hoàn tất bản thảo cuối cùng Văn bản số 470/1128 – Tuyên bố Thực hành của ICC về các yêu cầu đối với một ghi chú on board liên quan đến chứng từ vận tải được xuất trình để kiểm tra theo các điều 19, 20, 21 và 22 của UCP 600. Bản dự thảo này sẽ được ICC để thông qua trong kỳ họp tới. Người viết bài này có may mắn nhận được bản thảo cuối cùng của Nhóm dự thảo , do vậy, xin được chia sẻ với bạn đọc quan tâm những nội dung chính văn bản này.

Vận đơn đường biển và sự cần thiết phải có một ghi chú "on board"
Các quy định của UCP và ISBP
Trong quá trình sửa đổi UCP 600 giữa Nhóm Dự thảo và các thành viên của Ủy ban Vận tải ICC đã có những cuộc trao đổi và các bên đi đến thống nhất rằng vận đơn đường biển là một chứng từ vận tải giao hàng từ cảng xếp hàng (Port of Loading) đến cảng dỡ hàng (Port of Discharge) và UCP phải phản ánh được điều đó. Ấn bản ICC số 680 “Bình luận UCP 600” có nói đến Điều 20 như sau: “Điều này áp dụng khi LC yêu cầu xuất trình một vận đơn vận chuyển bằng đường biển từ cảng này đến cảng khác.” Ngoài ra, ISBP 681 đoạn 91 và 92 có nêu: “Nếu LC yêu cầu xuất trình một vận đơn (“hàng hải” (marine), “đường biển” (ocean) hoặc “từ cảng đến cảng” (port-to-port) hoặc tương tự) chỉ giao hàng bằng đường biển, thì áp dụng Điều 20 UCP 600.” Và “Để phù hợp với Điều 20 UCP 600, vận đơn phải thể hiện giao hàng từ cảng đến cảng nhưng không nhất thiết phải có tiêu đề là “vận đơn hàng hải”, “vận đơn đường biển” hoặc “vận đơn từ cảng đến cảng” hoặc tương tự như thế.”
Những rắc rối chính liên quan đến các ghi chú on board phát sinh khi vận đơn đường biển ghi rõ nơi nhận hàng (Place of Receipt) và/hoặc chi tiết về phương tiện vận chuyển chặng đầu (Pre-carriage) và nơi nhận hàng đó thì lại khác với cảng xếp hàng quy định trong LC, do đó, câu hỏi đặt ra là có cần thiết hay không phải có một ghi chú on board thể hiện tên con tàu và cảng xếp hàng, ngay cả khi những chi tiết giống nhau được ghi rõ ở các trường liên quan của vận đơn đường biển. Việc UCP 600 không sử dụng lại những từ ngữ của Điều 23 (a) (ii) UCP 500: “Nếu vận đơn ghi nơi nhận hàng khác với cảng xếp hàng, thì ghi chú on board cũng phải bao gồm cảng xếp hàng quy định trong LC và tên của con tàu mà hàng hóa được xếp lên, ngay cả khi hàng hóa đã xếp lên con tàu đích danh trên vận đơn. Quy định này cũng áp dụng bất kỳ khi nào việc xếp hàng lên con tàu được thể hiện bằng từ ngữ diễn đạt được in sẵn trên vận đơn” đã dẫn đến sự hiểu nhầm rằng quy định tại Điều 23 (a) (ii) UCP 500 không còn được áp dụng.
Cho dù không sử dụng lại những từ ngữ thể hiện tại Điều 23 (a) (ii) UCP 500, việc sửa đổi UCP 600 không có ý định làm thay đổi quy định này của UCP 500. Quy đinh tại Điều 20 (a) (ii) UCP 600 “ghi rõ rằng hàng hóa đã được đã xếp lên con tàu đích danh tại cảng xếp hàng quy định trong LC” đòi hỏi người kiểm tra chứng từ phải được thỏa mãn rằng ghi chú on board có liên quan đến hàng hóa đã xếp lên con tàu đích danh chứ không phải bằng bất kỳ phương tiện vận chuyển nào khác ở chặng đầu (giữa nơi nhận hàng và cảng xếp hàng).
Cần lưu ý rằng cũng thường xảy ra trường hợp hợp đồng vận chuyển ký giữa nhà vận chuyển và người giao hàng không đúng với các yêu cầu về giao hàng được quy định trong LC. Người giao hàng có thể ký hợp đồng nhận hàng tại một điểm nội địa để giao đến cảng xếp hàng và xếp lên tàu, nhưng LC lại chỉ yêu cầu giao hàng từ cảng đến cảng. Như vậy vận đơn đường biển có thể thể hiện nơi nhận hàng khác với cảng xếp hàng, và khi vận đơn đường biển có một ghi chú on board có ghi ngày, hoặc khi vận đơn được in sẵn “đã xếp hàng lên tàu trong điều kiện tốt…” (shipped on board in apparent good order and condition…) người kiểm tra chứng từ cũng phải xác định xem thử ghi chú on board đó có ghi rõ rằng hàng hóa đã được xếp lên con tàu đích danh tại cảng xếp hàng quy định trong LC hay không.

“On board” luôn có nghĩa là đã xếp hàng lên một con tàu đích danh?
Trong khi một số nhà vận chuyển và đại lý của họ quy định miệng rằng họ sẽ không giao vận đơn trừ phi hàng hóa thực tế được xếp lên con tàu đích danh trên vận đơn, thì điều này lại không phải lúc nào cũng được thể hiện rõ ràng trên vận đơn và Điều 14 (a) lại yêu cầu ngân hàng được chỉ định hành động theo sự chỉ định, ngân hàng xác nhận, nếu có, và ngân hàng phát hành phải kiểm tra chứng từ xuất trình để xác định, trên cơ sở chứng từ mà thôi, xem thử các chứng từ thể hiện trên bề mặt của chúng có cấu thành một sự xuất trình phù hợp hay không.
Các ngân hàng có thể bắt gặp những vận đơn đường biển có từ ngữ diễn đạt rõ ràng về nơi mà ghi chú on board sẽ áp dụng.
Một ví dụ như vậy đã được đưa ra trong Ý kiến chính thức của ICC - TA.679. Yêu cầu gửi đến ICC để xin ý kiến đã dẫn lại từ ngữ diễn đạt trong một vận đơn như sau: “Khi nơi nhận hàng là một điểm nội địa và được ghi rõ như vậy trong vận đơn này, thì bất kỳ ghi chú “on board” hoặc “shipped on board” hoặc các từ ngữ có ý nghĩa tương tự trên vận đơn này, sẽ được coi là đã xếp lên xe tải, ô tô ray, máy bay hoặc các phương tiện vận chuyển nội địa khác … từ nơi nhận hàng đến cảng xếp hàng.” Khi được đưa vào đoạn văn bản in sẵn trên vận đơn, việc sử dụng hình thức diễn đạt này thể hiện rõ ràng rằng “shipped on board” hoặc những từ ngữ diễn đạt ý nghĩa tương tự không đồng nghĩa với “đã được xếp lên một con tàu đích danh tại cảng xếp hàng quy định trong LC” (như theo yêu cầu tại Điều 20 (a)(ii)).

Từ ngữ diễn đạt có ý nghĩa tương tự cũng đã được nhìn thấy trên bề mặt các vận đơn khác, chẳng hạn như “Khi ô “nơi nhận hàng” đã được điền thông tin đầy đủ, thì bất kỳ ghi chú trên vận đơn như “on board”, “loaded on board” hoặc các từ ngữ có ý nghĩa tương tự, sẽ được coi như là đã xếp hàng lên phương tiện vận tải thực hiện vận chuyển từ nơi nhận hàng đến cảng xếp hàng.”
Điều này dẫn đến các câu hỏi: có nên yêu cầu người kiểm tra chứng từ kiểm tra đoạn văn in sẵn trên bề mặt vận đơn để xác định xem thử “shipped on board” thực sự có nghĩa là đã xếp lên một con tàu tại cảng xếp hàng hay không và trong trường hợp nào thì có thể mong đợi người kiểm tra chứng từ sẽ áp dụng một ghi chú on board đối với con tàu đích danh và cảng xếp hàng? Người kiểm tra chứng từ phải nhận biết rằng khi xem xét một tuyên bố đã xếp hàng lên tàu in sẵn đã xếp hàng lên tàu trong điều kiện tốt…” từ ngữ diễn đạt đi theo sau xác định ý định và sự áp dụng của lời tuyên bố đó và phải được đọc. Như đã nêu ở trên, nếu từ ngữ diễn đạt thể hiện rằng “on board” có nghĩa là đã xếp hàng lên phương tiện vận chuyển từ nơi nhận hàng đến cảng xếp hàng quy định trong LC, thì người kiểm tra chứng từ phải từ chối chứng từ vì thiếu một ghi chú on board liên quan đến con tàu và cảng xếp hàng.
Dựa vào một vận đơn đường biển không thể hiện từ ngữ diễn đạt với ý nghĩa như trên, Nhóm Dự thảo cho rằng có thể phân biệt sự khác nhau giữa các vận đơn thể hiện nơi nhận hàng và/hoặc phương tiện vận chuyển chặng đầu với các vận đơn chỉ thể hiện nơi nhận hàng mà thôi – cho dù nơi nhận hàng giống với cảng xếp hàng hoặc khác. Nếu vận đơn chỉ thể hiện nơi nhận hàng, mà không đề cập đến phương tiện vận chuyển chặng đầu ở các trường “phương tiện vận chuyển chặng đầu” và “nơi nhận hàng”, thì một ghi chú on board, hoặc từ ngữ diễn đạt có ý nghĩa tương tự được in sẵn có thể được hiểu là áp dụng đối với con tàu đích danh và cảng xếp hàng. Khi nơi nhận hàng và/hoặc phương tiện vận chuyển chặng đầu được thể hiện, thì không chắc rằng ghi chú on board hoặc từ ngữ in sẵn có liên quan đến con tàu đích danh và cảng xếp hàng hay không.

Áp dụng điều nào của UCP 600 để kiểm tra chứng từ vận tải?
Các chứng từ vận tải phải được kiểm tra theo điều quy định mà có thể áp dụng đối với các điều kiện quy định trong LC. Những điều kiện này gồm có: loại chứng từ sẽ được xuất trình và các chi tiết liên quan đến việc giao hàng, ví dụ, các chi tiết thể hiện ở các trường 44A, E, F hoặc B của MT 700, 710 hoặc 720. Các chứng từ vận tải không được kiểm tra theo điều áp dụng đối với loại chứng từ đã được xuất trình. Ví dụ, một MT 700 được phát hành yêu cầu xuất trình một vận đơn đường biển với trường 44E thể hiện là Rotterdam và trường 44F thể hiện là Hong Kong . Chứng từ vận tải xuất trình thể hiện nơi nhận hàng là Paris , cảng xếp hàng là Rotterdam và cảng dỡ hàng là Hong Kong sẽ được kiểm tra theo Điều 20, chứ không phải Điều 19.

Lựa chọn chứng từ vận tải thích hợp

Đây là vấn đề mấu chốt và là vấn đề các ngân hàng nên đặc biệt lưu ý. Lựa chọn chứng từ vận tải phản ánh đúng hành trình và phương tiện vận chuyển thích hợp có thể giúp tránh được nhiều vấn đề.
Kết cấu của UCP 600, đặc biệt là trong việc thay đổi thứ tự sắp xếp các chứng từ vận tải, là nhằm nhấn mạnh rằng hầu hết việc thực hiện giao hàng ngày nay đều có yếu tố của vận tải đa phương thức hay vận tải hỗn hợp và rằng có lẽ những người mở LC nên yêu cầu chứng từ vận tải hỗn hợp hoặc đa phương thức thay vì vận đơn đường biển.
Ngân hàng có thể hướng dẫn khách hàng trong việc lựa chọn chứng từ vận tải phù hợp với việc vận chuyển đang được thực hiện và khi việc vận chuyển có nhiều hơn một phương thức vận chuyển tham gia, thì yêu cầu xuất trình một chứng từ vận tải hỗn hợp hoặc đa phương thức thay vì một vận đơn đường biển. Có thể trợ giúp bằng cách đưa các trường SWIFT 44A, E, F và B vào mẫu giấy đề nghị phát hành LC. Việc người mở LC hoặc ngân hàng phát hành điền đầy đủ thông tin ở những trường này sẽ giúp nhận biết hình thức chứng từ vận tải nào là thích hợp, ví dụ:
Chỉ có trường 44E và F = Vận đơn đường biển, Giấy gửi hàng đường biển, Vận đơn theo hợp đồng thuê tầu hoặc vận đơn hàng không.
Chỉ có trường 44A và B = Chứng từ vận tải hỗn hợp hoặc đa phương thức, Đường bộ, Đường sắt hoặc Đường thủy nội địa hoặc Biên lai bưu điện/Biên lai chuyển phát nhanh.
Có 3 trường bất kỳ trong các trường 44A, E, F hoặc B (hoặc tất cả) = Chứng từ vận tải hỗn hợp hoặc đa phương thức.
Đề xuất đưa các trường này vào mẫu giấy đề nghị phát hành LC cũng giả định trước rằng mẫu đơn cho phép người mở LC lựa chọn từ nhiều loại chứng từ vận tải chứ không phải chỉ từ một vận đơn đường biển hoặc vận đơn hàng không.

Các yêu cầu của UCP 600 (về vận đơn đường biển)
Các quy tắc thích hợp ở Điều 20 là:
Điều 20 (a) (ii):
* ghi rõ rằng hàng hóa đã được xếp lên một con tàu đích danh tại cảng xếp hàng quy định trong LC bằng:
- từ ngữ diễn đạt được in sẵn, hoặc
- một ghi chú on board ghi rõ ngày hàng hóa được xếp lên tàu.
Ngày phát hành vận đơn sẽ được xem là ngày giao hàng trừ phi vận đơn có một ghi chú on board ghi rõ ngày giao hàng, trong trường hợp đó ngày được nêu trong ghi chú on board đó sẽ được coi là ngày giao hàng.
Nếu vận đơn có thể hiện “con tàu dự định” hoặc từ ngữ tương tự có liên quan đến tên con tàu, thì yêu cầu phải có một ghi chú on board ghi rõ ngày giao hàng và tên con tàu thực tế.
Điều 20 (a) (iii):
* ghi rõ giao hàng từ cảng xếp hàng đến cảng dỡ hàng quy định trong LC.
Nếu vận đơn không ghi rõ cảng xếp hàng quy định trong LC là cảng xếp hàng, hoặc nếu nó có ghi từ “dự định” hoặc từ ngữ tương tự liên quan đến cảng xếp hàng, thì yêu cầu phải có một ghi chú on board ghi rõ cảng xếp hàng quy định trong LC, ngày giao hàng và tên con tàu. Quy định này áp dụng ngay cả khi việc xếp hàng lên hoặc giao hàng lên một con tàu đích danh được ghi rõ bằng từ ngữ diễn đạt được in sẵn trên vận đơn.

Từ ngữ diễn đạt được lựa chọn từ Ấn bản ICC số 680 “Bình luận UCP 600”
Bình luận UCP 600 Các trang 89-92
Điều 20
Điều này áp dụng khi LC yêu cầu xuất trình một vận đơn vận chuyển bằng đường biển từ cảng này đến một cảng khác.
Khi một vận đơn đường biển thực hiện giao hàng từ cảng đến cảng, từ ngữ diễn đạt tại Điều 23 (a) (ii) được hiểu là nhằm khuyến khích xuất trình một chứng từ bao hàm cả việc vận chuyển hàng hóa chặng đầu từ nơi nhận hàng đến cảng xếp hàng. Từ ngữ diễn đạt tại điều này là: “Nếu vận đơn ghi rõ một nơi nhận hàng hoặc nhận để chở khác với cảng xếp hàng, thì ghi chú on board cũng phải ghi rõ cảng xếp hàng quy định trong LC và tên con tàu mà hàng hóa đã được xếp lên, ngay cả khi hàng hóa đã được xếp lên con tàu được nêu đích danh trong vận đơn. Quy định này cũng áp dụng ngay cả khi việc xếp hàng hoặc giao hàng lên một con tàu đích danh được ghi rõ bằng từ ngữ diễn đạt được in sẵn trên vận đơn.”
Khi chặng vận chuyển đầu là bằng đường bộ, đường sắt hay bằng đường không và dự tính có giao hàng bằng đường biển, các bên phải bảo đảm rằng LC cho phép xuất trình một chứng từ vận tải mà sẽ được kiểm tra theo Điều 19 UCP 600.
Nhóm Dự thảo nhận thấy rằng chừng nào UCP 600 còn chuyển tải hàm ý rằng vận đơn là một chứng từ từ cảng đến cảng, thì vẫn sẽ có trường hợp hãng tàu hoặc đại lý của hãng tàu sẽ tham chiếu đến một nơi nhận hàng hoặc nhận để chở khác với cảng xếp hàng. Nhằm bao hàm cả tình huống khả dĩ này, nội dung của Điều 20 (a) (ii) quy định: “ghi rõ rằng hàng hóa đã được xếp lên một con tàu đích danh tại cảng xếp hàng quy định trong LC bằng:” Điểm nhấn mạnh trong điều kiện này là người kiểm tra chứng từ phải có khả năng xác định được rằng vận đơn đã thể hiện tuyên bố đã xếp hàng lên tàu (bằng từ ngữ diễn đạt được in sẵn hoặc bằng một ghi chú riêng) có liên quan đến việc xếp hàng lên con tàu đích danh tại cảng xếp hàng quy định trong LC chứ không phải xếp hàng lên bất kỳ phương tiện vận chuyển hàng hóa chặng đầu giữa nơi nhận hàng hoặc nhận để chở và cảng xếp hàng. Trừ phi vận đơn thể hiện rõ ràng rằng tuyên bố đã xếp lên tàu áp dụng đối với con tàu và cảng xếp hàng, vận đơn sẽ yêu cầu, như trường hợp trong UCP 500, một ghi chú on board ghi rõ cảng xếp hàng và tên con tàu, ngay cả khi hàng hóa được xếp lên con tàu được nêu đích danh trong vận đơn.
Điều 20 (a) (iii) quy định rằng nếu một vận đơn không thể hiện cảng xếp hàng quy định trong LC là cảng xếp hàng, nó phải có một ghi chú on board thể hiện cảng xếp hàng quy định trong LC, ngày giao hàng và tên con tàu.
Những tiêu chí này cũng áp dụng nếu vận đơn thể hiện từ “dự định” hoặc từ ngữ diễn đạt ý nghĩa tương tự.
Một ví dụ về tình huống khi vận đơn không ghi rõ cảng xếp hàng quy định trong LC là cảng xếp hàng thường là khi cảng xếp hàng quy định trong LC được ghi là nơi nhận hàng, còn ở trường “cảng xếp hàng” lại thể hiện tên cảng nơi chuyển tải sẽ xảy ra. LC yêu cầu giao hàng từ Rotterdam đến Hong Kong . Điều 20 (a) (iii) yêu cầu vận đơn phải thể hiện giao hàng từ cảng xếp hàng đến cảng dỡ hàng quy định trong LC.

Vận đơn thể hiện:
Pre-carriage: Moon Lagoon
Place of Receipt: Rotterdam
Ocean Vessel: Sun Lagoon
Port of Loading : Dubai
Port of Discharge : Hong Kong
Theo Điều 20 (a) (iii), vận đơn sẽ yêu cầu một ghi chú on board ghi rõ con tàu Moon Lagoon, cảng xếp hàng Rotterdam và ngày xếp hàng lên tàu.

Kết luận
Nhóm Dự thảo kết luận như sau:
Vận đơn đường biển
(a) khi vận đơn thể hiện nơi nhận hàng giống với cảng xếp hàng, ví dụ, nơi nhận hàng là Rotterdam CY và cảng xếp hàng là Rotterdam NHƯNG KHÔNG thể hiện phương tiện vận chuyển chặng đầu (hoặc ở trường “phương tiện vận chuyển chặng đầu” hoặc ở trường “nơi nhận hàng”), thì:
(i) nếu vận đơn được in sẵn “đã xếp hàng lên tàu” (shipped on board), thì ngày phát hành sẽ được coi là ngày giao hàng và không yêu cầu phải có thêm ghi chú on board.
(ii) nếu vận đơn được in sẵn “nhận để xếp”(received for shipment), thì yêu cầu phải có một ghi chú xếp hàng lên tàu có ghi ngày và ngày thể hiện ở ghi chú đó sẽ được coi là ngày giao hàng.
(b) khi vận đơn thể hiện nơi nhận hàng khác với cảng xếp hàng, tức là, nơi nhận hàng là Amsterdam và cảng xếp hàng là Rotterdam NHƯNG KHÔNG thể hiện phương tiện vận chuyển chặng đầu (hoặc ở trường “phương tiện vận chuyển chặng đầu” hoặc ở trường “nơi nhận hàng”) thì:
(i) nếu vận đơn được in sẵn “đã xếp hàng lên tàu”, thì ngày phát hành sẽ được coi là ngày giao hàng và không yêu cầu phải có thêm ghi chú on board.
(ii) nếu vận đơn được in sẵn “nhận để xếp”, thì yêu cầu phải có một ghi chú xếp hàng lên tàu có ghi ngày và ngày thể hiện ở ghi chú đó sẽ được coi là ngày giao hàng.
(c) khi vận đơn thể hiện nơi nhận hàng khác với cảng xếp hàng, tức là, nơi nhận hàng là Amsterdam và cảng xếp hàng là Rotterdam VÀ có thể hiện phương tiện vận chuyển chặng đầu (hoặc ở trường “phương tiện vận chuyển chặng đầu” hoặc ở trường “nơi nhận hàng”) thì:
(i) nếu vận đơn được in sẵn “đã xếp hàng lên tàu”, thì yêu cầu phải có một ghi chú xếp hàng lên tàu có ghi ngày thể hiện tên con tàu và cảng xếp hàng. Ngày của ghi chú đó sẽ được coi là ngày giao hàng.
(ii) nếu vận đơn được in sẵn “nhận để xếp”, thì yêu cầu phải có một ghi chú xếp hàng lên tàu có ghi ngày thể hiện tên con tàu và cảng xếp hàng. Ngày của ghi chú đó sẽ được coi là ngày giao hàng.
Căn cứ theo Tuyên bố Thực hành này, kết luận đưa ra tại Ý kiến R.644 sẽ được thay thế bằng kết luận tại mục (b) ở trên.
Biểu đồ trên đây giải thích các yêu cầu đối với một ghi chú on board liên quan đến nội dung dữ liệu của vận đơn đường biển có thể được xuất trình.
Giấy gửi hàng đường biển
Như vận đơn đường biển
Các chứng từ vận tải hỗn hợp hoặc đa phương thức
Phù hợp với Ý kiến ICC R.641, khi LC có yêu cầu một ghi chú on board thì yêu cầu vận đơn phải thể hiện một ghi chú on board có ghi ngày. Ghi chú on board cũng được yêu cầu khi LC yêu cầu giao hàng được thực hiện từ một cảng đến nơi đến cuối cùng, tức là chặng đầu tiên của hành trình, theo yêu cầu của LC, là bằng đường biển. Nếu chứng từ vận tải hỗn hợp hoặc đa phương thức thể hiện nơi nhận hàng khác với nơi nhận hàng quy định trong LC, và nơi quy định trong LC là một cảng, thì ghi chú on board có ghi ngày sẽ yêu cầu bổ sung thêm tên tàu và cảng xếp hàng trừ phi chứng từ vận tải thể hiện rằng ghi chú on board hoặc từ ngữ diễn đạt đã xếp hàng lên tàu được in sẵn áp dụng đối với con tàu đích danh và cảng xếp hàng.
Vận đơn theo hợp đồng thuê tàu
Nội dung của biểu đồ sẽ áp dụng khi vận đơn ghi rõ rằng nó phụ thuộc vào một hợp đồng thuê tàu (vận đơn theo hợp đồng thuê tàu).
Tài liệu tham khảo:
Document 470/1128 On Board Paper: ICC Statement of Practice - Requirements for an on board notation in respect of a transport document presented for examination under articles 19, 20, 21 or 22 of UCP 600
.
Trên đây là bài viết của NHĐ về ý kiến của ICC về on board notation, trước đây tôi có một bản tóm tắt rất ngắn gọn và dễ hiểu cho trade financer nhưng tiếc là hiện tại tìm hoài không ra nên tôi đăng lên bài viết của NHĐ, hơi dài nhưng rất hữu ích cho các bạn đang làm TTQT.
 

Tin tuyển dụng mới nhất

Thống kê MXH

Tổng số chủ đề
34,577
Số bình luận
528,088
Tổng số thành viên
351,506
Thành viên mới nhất
youhuihuodong22
Back
Bên trên