Từ Bangkok nhớ Hà Nội

onedirection

Thành viên mới
[h=2]Đừng làm thế với Hà Nội, với Sài Gòn, đừng xây một tòa nhà cao tầng rồi úp lên một mái đình cổ hay một mái nhà bát giác. Điều đó sẽ là một thảm họa cho kiến trúc hiện đại bạn ạ, kiểu như là tân cổ giao duyên, nhìn không chịu nổi...[/h] Bạn thân mến,
Thế là tớ xa Hà Nội được 2 tuần rồi, thời gian dài nhất mà tớ từng sống không phải ở Việt Nam. Bangkok lúc nào cũng là mùa hè bạn ạ, hôm tớ bay Hà Nội đang trong những ngày gió mùa đông bắc cuối cùng của mùa đông, buổi sáng hôm ấy tớ và bạn còn ngồi uống cà phê bên Hồ Trúc Bạch ngắm mưa dăng dăng mặt hồ và nói rằng mưa ở Quế Lâm cũng chỉ đẹp đến thế này thôi.
Tớ biết bây giờ thời tiết ở Hà Nội cũng như Bangkok, nóng lắm đúng không. Trưa nay ở giữa một thủ đô xa lạ tớ bỗng nghe thấy tiếng ve kêu, ban đầu chỉ là tiếng kêu nhỏ và rời rạc, chắc của một vài chú ve thôi, rồi bỗng nhiên cả một bản hợp xướng ve bỗng bùng lên, râm ram râm ran không ngớt. Tó bỗng nhớ Hà Nội đến cồn cào bạn ạ. Và tớ lẩm nhẩm hát “Trưa nay qua đường phố quen/ Gặp những tiếng ve đầu tiên/ Chợt nghe tâm hồn xao xuyến/ Điệp khúc tiếng ve triền miên…”
Hà Nội có quá nhiều thứ để báo hiệu mùa hè sang bạn nhỉ, cả hình ảnh và âm thanh thật sống động, bắt đầu bằng tiếng ve râm ran quanh Hồ Hoàn Kiếm, sau đó là phượng đốt lửa rực rỡ một góc trời rồi lại được hoa tím bằng lăng làm dịu đi giữa buổi trưa oi bức. Ôi tớ nhớ Hà Nội vô cùng, lúc này đây các bà các cô các chị các em và tất nhiên cả bạn nữa sẽ bịt mặt kín mít và chân tay thì không hở một khoảng da nếu đi ngoài đường. Tớ vẫn đùa bạn là luôn xuất hiện với một hình ảnh thật không đẹp mắt nhưng sao bây giờ lại thấy nhớ thấy thương.
Có nhớ lần tớ và bạn tranh cãi vào đầu mùa hè năm ấy, khi mà chúng ta chuẩn bị chia tay thời kỳ áo trắng cắp sách đến trường không? Là vì sao những chú ve cam chịu nằm dưới đất lạnh 20 năm để đợi đến mùa hè chui lên lột xác và cất lên bài ca kết thúc cuộc đời không? Lúc đó tớ cứ khăng khăng nói rằng đấy chỉ là vòng sinh học của đời ve thôi, đến năm đến tháng thì ve cứ tự chui lên kêu ầm ầm rồi kết thúc cuộc đời.
Bạn nhăn mặt nhăn mũi mói hết sức sách vở rằng tớ duy lý quá, ve kêu còn nhiều ý nghĩa khác chứ. Như hàng năm ve vẫn kêu bạn chưa cảm nhận thấy điều gì, chỉ sung sướng vì mùa hè đã đến, được nghỉ hè, được đi chơi và không … phải học bài, nhưng năm nay ve kêu khiến cho lòng bạn xao xuyến, thế là sắp phải chia tay thầy cô, chia tay mái trường, chia tay bạn bè mỗi người một mối quan tâm và ve thật tâm lý biết bao khi tấu lên khúc nhạc hoà ca như chia sẻ với bạn, bạn lại còn hát nữa chứ “Tạm xa mái trường thân thương/ Tạm xa bạn bè thân thương/ Tạm xa những lối đi quen thuộc/ Tiếng trống khi tan trường và thầy cô mến thương”.
Lúc đó tớ cười lăn lộn như một thằng ngố, bảo bạn thật lãng mạn dở hơi, bạn thật duy mỹ, và hãy tỉnh lại đi, nhiều kỳ thi đang ở phía trước kìa. Lúc đó bạn rất tức giận, giẫm chân bình bịch và chắc rằng không hiểu vì sao tớ lại ngốc đến vậy. Lúc này đây, khi mà tớ đang ngồi dưới hàng cây ở một thành phố xa lạ, nghe ve kêu mùa hè ở một thành phố xa lạ tớ thấy hối hận vô cùng. Tớ cứ cười vào tâm trạng con gái của bạn, tớ cứ cười vào nỗi tức giận không thể chia sẻ được với tớ của bạn và quên ngay đi chỉ sau đó một lúc. Tớ nợ bạn một lời xin lỗi dù biết rằng bạn chẳng bao giờ giận tớ lâu, nhất là với một câu chuyện trẻ con như thế. Lúc này đây tớ thấy thấm thía vô cùng câu nói của Gớt: “Mọi lý thuyết đều là màu xám và cây đời mãi mãi xanh tươi”. Tình yêu thật ra bắt đầu từ những điều rất đơn giản đúng không bạn.
Mọi người vẫn nói con gái mà học kiến trúc thì rất vất vả, tớ cũng thấy như thế, nhưng bạn vẫn quyết định theo ngành đó vì bạn yêu thích. Và bây giờ bạn đã bước đầu đạt được thành công với danh hiệu kiến trúc sư. Nhiều khi chủ đề nói chuyện của chúng ta xoay quanh chuyện kiến trúc của Hà Nội, bạn cứ hay ca cẩm và chê trách nhiều với một người không biết gì về kiến trúc như tớ. Bạn bảo rằng bạn thân thiết với tớ vì tớ luôn ngồi nghe bạn nói như chú mèo Kitty dù tớ … chẳng hiểu gì.
Nhưng đôi khi sự việc không hoàn toàn là như vậy, nhờ bạn mà tớ biết thêm được nhiều về ngôn ngữ kiến trúc, các trường phái kiến trúc để bây giờ ngồi viết thư cho bạn đây. Bạn trăn trở nhiều về kiến trúc tương lai của Hà Nội, của Sài Gòn và nhiều thành phố phát triển khác, bạn sợ rằng chỉ khoảng hai chục năm nữa thôi Hà Nội sẽ giống như một thành phố nào đó trên thế giới, có thể là Seoul, có thể là Singapore hay bất kỳ một thành phố phát triển nào khác. Bạn ví dụ cho tớ như Phú Mỹ Hưng trong Sài Gòn hay Ciputra ở ngay Hà Nội đây đã giống như một góc của Singapore...
Tớ hiểu và chia sẻ với bạn nhưng có những điều chúng ta cần bàn thêm với nhau. Tớ đã may mắn được đến một vài thủ đô và thành phố lớn trên thế giới và có thể hình dung ra mẫu số chung của sự phát triển. Làm thế nào để xây dựng một Hà Nội với các tòa nhà cao tầng để ai nhìn thấy cũng biết ngay là Hà Nội - Việt Nam? Điều đó là quá khó khăn, tớ không tán thành việc xây dựng những tòa nhà cao hai ba chục tầng rồi úp lên đó mái nhà Kim Loan Điện rồi bảo đó là kiến trúc Trung Quốc như bên Bắc Kinh đâu nhé.
Đừng làm thế với Hà Nội, với Sài Gòn, đừng xây một tòa nhà cao tầng rồi úp lên một mái đình cổ hay một mái nhà bát giác. Điều đó sẽ là một thảm họa cho kiến trúc hiện đại bạn ạ, kiểu như là tân cổ giao duyên, nhìn không chịu nổi. Nhưng biết đâu đấy, cái gì cũng cần phải có độ lùi thời gian bạn nhỉ, như cách đây 100 năm nhìn Nhà Hát lớn, Nhà thờ Đức Bà hay các tòa biệt thự kiểu Pháp chắc cũng thấy nghịch mắt lắm. Rồi tất cả đã trở thành những di sản quan trọng góp phần tạo nên hình dáng của Hà Nội, của Sài Gòn, của Đà Lạt, của Sapa…. Điều này dễ nhận thấy ở khắp mọi nơi trên thế giới, riêng châu Á thôi, như khu Tô Giới của Thượng Hải hay kiến trúc Bồ Đào Nha ở Malacca, Malaysia… Liệu tớ có quá mâu thuẫn không?
Tính dân tộc, tính địa phương ở trong các thành phố cao tầng chắc chắn sẽ có bạn ạ, nhưng đơn giản nhất chúng ta nên có những tòa nhà, những tòa tháp, những công trình kiến trúc điển hình để ai nhìn thấy cũng có thể nhận ra nhận ra. Xa xôi như nhìn thấy cầu Cổng Vàng (Golden Gate Bridge) người ta biết là San Francisco, nhìn Tháp Effel người ta biết là Paris hay gần gũi như nhìn Tháp truyền hình Đông phương minh châu người ta biết Thượng Hải, nhìn Tháp đôi Petronat người ta biết đó là Kuala Lumpur…
Đôi khi cũng không cần đến các công trình lớn bạn ạ, nhỏ như bức tượng Nàng tiên cá ở Copenhagen hay tượng Sư tử biển ở Singapore cũng thành điểm nhấn rồi. Tớ đang mơ ước sau này người ta sẽ làm được khu Thủ Thiêm trong Sài Gòn đẹp hơn cả Phố Đông Thượng Hải để lấy lại danh hiệu Hòn Ngọc Viễn Đông, rồi quy hoạch Hà Nội với nhiều hoài bão.
Tớ tin, với những kiến trúc sư và những nhà hoạch định chính sách có nhiều hoài bão và nhiệt tình như bạn chúng ta chắc chắn sẽ làm được. Bạn nhớ nhé, Thượng Hải chỉ mất có 20 năm để được mệnh danh là Paris Phương Đông. Và khi đọc những dòng này bạn lại đang trăn trở về tương lai kiến trúc của thủ đô đúng không, tớ tán thành với bạn về việc vươn lên những tầm cao hơn là dàn trải ra bề rộng, mình cứ học đông học tây làm gì, gần gũi như Singapore cũng là một hình mẫu về sự phát triển, mảnh đất nhỏ xíu mà có quá nhiều bài học. Bạn đừng có phản biện kiểu AQ như mọi khi trêu tớ nhé, rằng họ muốn mở rộng còn không được mình có đất tội gì mà không phình rộng ra.
Tớ vừa mới chạy vào trú mưa dưới một tòa nhà kiểu Thái bạn ạ, Bangkok đang là mùa mưa, như Sài Gòn tự nhiên trời làm mưa trêu ghẹo mọi người, mưa ở đây cũng qua nhanh như một cơn mưa rào mùa hạ Hà Nội. Tớ lại nhớ Hà Nội vô cùng, giờ này đường Thanh Niên đang tấp nập dòng người đi hóng mát lắm đây. Hẹn bạn nhé, một tuần nữa thôi tớ sẽ về, đi chơi cùng bạn dọc đường Kim Mã xem hoa bằng lăng nở, đi dạo Hồ Gươm và hóng mát ở Hồ Tây, lúc đấy tớ sẽ nói xin lỗi bạn vì ngày xưa không công nhận tiếng ve mùa hè có nhiều ý nghĩa như thế, và chỉ sau đấy ít ngày thôi bạn cũng sẽ phải mời tớ đến nhà để uống ly nước sấu đầu mùa đấy nhé.
Hà Nội có quá nhiều thứ để khi đi xa người ta phải nhớ về, đơn giản như cơn mưa rào mùa hạ trong tiếng ve kêu.
Phạm Thành Vương
 
Back
Bên trên