Trần lãi suất cho vay: Chỉ là hình thức?

hoangtungduy

Thành viên
Thông tư 14/2012 của NHNN áp trần lãi suất cho vay đối với 4 lĩnh vực: nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp phụ trợ có hiệu lực từ đầu tháng 5; song hiệu quả mà nó mang lại cho doanh nghiệp trong vòng hơn một tháng qua chỉ có thể gói gọn trong một từ: thất vọng!

Tác dụng của trần lãi suất huy động (sau một thời gian dài có hiệu lực) đối với lãi suất cho vay là con số 0 tròn trĩnh. Lập luận của NHNN cho rằng, áp trần và giảm dần lãi suất huy động là cơ sở để giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, tình trạng doanh nghiệp kêu ca, bức xúc về lãi vay cao ngất ngưởng không những giảm bớt mà ngày càng dày đặc; nhiều chuyên gia cũng lên báo “phê” NHNN “ chặn đầu vào”, “ buông đầu ra” thực chất là cứu thanh khoản ngân hàng mà bỏ bê doanh nghiệp đang chết dần vì lãi vay.Trong bối cảnh ấy, Thông tư 14/2012 của NHNN ra đời, áp trần lãi suất cho vay đối với 4 lĩnh vực kể trên bằng Lãi suất tiền gửi đối đa cộng (+) 3% như một hành động “sửa” muộn màng.Nhưng có vẻ, NHNN chẳng mặn mà gì với đứa con đẻ này của mình…4 lĩnh vực được ưu tiên kể trên chiếm gần 90% số doanh nghiệp đang hoạt động, tức là phạm vi điều chỉnh của Thông tư 14 rất rộng. Nhưng tại sao số doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn giá rẻ được báo chí phản ánh lại đếm trên đầu ngón tay? Mà số chủ doanh nghiệp kêu ca không có mức lãi suất “trong mơ” đó lại nhiều không đếm xuể? Hàng loạt các ngân hàng cũng có động tác giảm lãi suất đầu ra, công bố các gói tín dụng giá rẻ bất ngờ… nhưng thực chất đến với doanh nghiệp lại chẳng thấy đâu.Hẳn chúng ta còn nhớ, khi trần lãi suất huy động ra đời và có tình trạng các ngân hàng “lách luật”, đi đêm với khách hàng; thì NHNN đã ban hành Chỉ thị 02 yêu cầu các tổ chức tín dụng nghiêm chỉnh chấp hành trần lãi suất huy động, đồng thời có những chế tài mạnh tay xử lý nếu có trường hợp vi phạm. Không dọa suông, HB Bank là trường hợp đầu tiên bị NHNN xử lý khi vượt trần- bị ngừng mở chi nhánh, phòng giao dịch, đặt máy ATM trong vòng 1 năm kể từ 20/11/2011; không những thế, NHNN còn tuyên bố sẽ xử lý hình sự nếu xuất hiện tình trạng vi phạm nghiêm trọng. Trần lãi suất huy động nhờ vậy mới được các ngân hàng chấp hành nghiêm, và mang lại hiệu quả tích cực đối với quá trình giải quyết thanh khoản, phục vụ cho mục tiêu trước mắt là chống đổ vỡ và sau đó là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.Nhưng hiện nay, khi Thông tư 14 ra đời, nó đã được NHNN đối xử như thế nào? Có trường hợp nào bị phát hiện vi phạm chưa? Có chế tài nào xử lý khi vi phạm hay chưa? Có một trường hợp điển hình nào bị xử lý để răn đe các ngân hàng hay chưa?...
Chỉ là hình thức?
Tất cả các câu hỏi trên thực ra là vô ích, bởi việc xác định hành vi vi phạm chẳng khác nào “bắc thang lên trời” khi chính Thông tư 14 nêu rõ “Khách hàng vay vốn… là các khách hàng có đủ điều kiện vay vốn theo quy định của NHNN…” và đặc biệt là “được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá là có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh”. Chỉ vài dòng này trong Thông tư 14 cũng đủ để các doanh nghiệp tự hiểu và phải nhủ mình tiếp tục… kiên trì chờ đợi.
Như vậy, việc ban hành Thông tư 14 bề ngoài là xoa dịu, hỗ trợ nhưng thực chất bên trong là “một lần nữa, chạm vào những nỗi đau” của các doanh nghiệp. Nên không hề ngạc nhiên, trần lãi suất cho vay cùng một số biện pháp khác như: liên tiếp giảm trần lãi suất huy động, giãn nợ cho doanh nghiệp…vv được coi là những hành động bề nổi cho việc giải cứu doanh nghiệp.
Trong một buổi trao đổi, tiến sỹ Hoàng Văn Quỳnh (Trưởng bộ môn Thị trường chứng khoán và kinh doanh chứng khoán, Học viện Tài Chính) cũng nhận định: Thành công của NHNN chỉ là giải quyết vấn đề thanh khoản, tránh đổ vỡ cho hệ thống ngân hàng; còn mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp trong thời kỳ khó khăn hiện nay thì vẫn đang bị bỏ ngỏ.
Trong một diễn biến mới nhất,cùng với Thông tư 19 giảm mạnh trần lãi suất huy động xuống còn 9%, NHNN cũng đã ban hành Thông tư 20 sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 14, theo đó giảm trần lãi suất cho vay xuống còn 13%.
Động thái này của NHNN khá bất ngờ bởi biên độ giảm mạnh 2% trần lãi suất huy động nằm ngoài dự đoán. Phải chăng lần giảm lãi suất lần này của NHNN thực sự là vì mục tiêu cứu doanh nghiệp, chứ không phải “mượn danh cứu doanh nghiệp” như những lần khác?
Dù rất thất vọng về những gì đã qua, nhưng người viết vẫn hy vọng vào lần giảm lãi suất này của NHNN thực sự mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp, nhất là các Ngân hàng thương mại lớn đều công bố giảm rất sâu lãi suất cho vay đối với cả những lĩnh vực bất động sản và tiêu dùng.
Tuy nhiên, hy vọng đó không phải, tuyệt đối không phải là một lời thỉnh cầu. Bởi quan hệ ngân hàng-doanh nghiệp trong nền kinh tế rất đặc biệt, mà báo chí từng dùng một câu rất đắt để mô tả:
“ Trạng chết, chúa cũng băng hà!”
Đoàn Xuân Thạo (Vietstock)
FFN
 
Back
Bên trên