Cô Rebecca là người thầy khiến tôi nhớ rất lâu. Nữ giáo sư người Canada dạy tôi môn marketing. Cách đây 13 năm, ở môn học của cô, tôi đã nộp bài tập muộn năm phút sau khi cô vào lớp.
Cô không nói gì, chỉ đặt riêng bài của tôi sang một bên. Kết quả bài thi đến vào hôm sau. Cô ghi rất rõ điểm số của tôi là bao nhiêu và trừ 50% vì lý do “nộp muộn năm phút.”
Tôi đã cảm thấy bức xúc và bất công lắm. Tôi bị muộn năm phút là do máy in hết mực.
Giải thích với cô không được, tôi gặp thầy phó viện trưởng Borne Braun để trình bày. Thầy là một người rất hiền, quan tâm hết mực đến sinh viên. Tôi tự tin nghĩ mình có lý do chính đáng và sẽ thuyết phục được thầy. Thầy hỏi rằng cô có quy định về giờ nộp bài không, tôi nói cô đã bảo tất cả sinh viên phải để bài trên bàn giáo viên trước khi cô vào lớp ngày hôm đó.
“Thật đáng tiếc vì em đã làm bài rất tốt, nhưng nếu thầy can thiệp vào trường hợp này sẽ thêm một người nữa đáng bị trừ điểm, chính là thầy”, thầy Borne nói, “Vì người quyết định cao nhất và cuối cùng là cô giáo môn đó”.
Rời phòng thầy, lòng tôi vẫn có phần không thích cô giáo. Cho đến gần một năm sau, một anh bạn người Hàn Quốc vượt đèn đỏ trong thành phố Vancouver. Trong xe có tôi và một bạn người Canada nữa. Cảnh sát dừng xe chúng tôi lại. Anh Hàn Quốc hỏi anh Canada: “Tôi đưa tiền cho cảnh sát được không?” - “Cứ tự nhiên, nếu mày muốn từ một tội thành hai tội, mà tội cộng thêm kia có thể khiến mày không còn cơ hội ở lại nước này”, anh bạn Canada trả lời.
Lúc đó, bỗng tôi thấy xấu hổ với chính mình vì đã “tấm tức” với cô giáo tôi. Tôi thầm cảm ơn cô vì một bài học làm người quan trọng: Sự tuân thủ với các quy tắc, luật lệ.
Đến bây giờ, từng trải qua nhiều môi trường làm việc, từ Mỹ sang Singapore, tôi thực sự cảm nhận rất rõ ý nghĩa và sức mạnh của sự tuân thủ.
Tôi hiểu được rằng, tính tuân thủ chỉ được nuôi dưỡng khi người ta nhận ra, nếu không tuân thủ luật lệ, quy định, cam kết, các nguyên tắc, trong công việc hay ở đâu, dù thành văn hay bất thành văn... thì người đó không nhận được điều mình muốn, khó mà đạt mục đích vững bền, thậm chí gây hại.
Rộng hơn phạm vi cá nhân, khi nhiều người phớt lờ, không duy trì nghiêm túc những quy định chung, thì sự vô nguyên tắc và thói quen luồn lách, làm sai trái sẽ sinh sôi nảy nở. Nó gây thiệt hại cho cộng đồng đó, đất nước đó.
Nếu cô giáo ngày ấy đã nhượng bộ riêng tôi thì không chỉ tôi mà những bạn khác cũng sẽ còn phá lệ của trường. Nếu thầy phó viện trưởng đã gặp cô để xin châm chước cho tôi thì không chỉ cô Rebecca mà nhiều cô giáo khác cũng sẽ bớt đáng kính đi trước sinh viên.
Văn hóa tuân thủ của trường tôi nói riêng và của một tổ chức, một xã hội bất kỳ sẽ sứt mẻ thay vì được vun vén bằng những hành vi nhỏ nhưng được cân nhắc nghiêm túc của mỗi cá nhân hàng ngày.
Một số vụ án lớn đã và đang được xét xử những ngày này, những cựu lãnh đạo đã bị truy tố về tội “cố ý làm lộ bí mật nhà nước”, lỗi “buông lỏng quản lý để xảy ra nhiều vi phạm”, hay các sai phạm mua bán nhà đất công sản. Ví dụ, chỉ riêng một cá nhân đã bị cáo buộc mua được 38 xe ô tô bằng tiền riêng và bằng cách nào đó đăng ký được biển công vụ rồi thế chấp, cho thuê, sử dụng trái quy định. Hay cũng một cá nhân, có thể lợi dụng danh nghĩa doanh nghiệp quân đội làm kinh tế quốc phòng để qua mặt các cơ quan chức năng, làm giả hợp đồng... để lợi mình, hại nhà nước, cũng là lấy đi quyền lợi của người dân.
Sẽ có ý kiến cho rằng, chúng ta chưa có hệ thống quy trình và quy phạm thật tốt để ngăn chặn những điều trên. Vì một cơ chế được xây dựng tốt là hệ thống liên tục được trám các lỗ hổng để ngăn cản được gần như tối đa rủi ro đến từ phía con người. Trám lỗ hổng đôi khi chỉ là sự nhắc nhở, sự giám sát của một người với một người khác để mỗi cá nhân hiểu ra họ không có cơ hội để bước qua nguyên tắc lợi ích. Bởi rủi ro đạo đức là loại rủi ro luôn khó lường nhất. Làm sao ta dám tin vào sự tuân thủ tự nguyện của một con người với các quy tắc của tổ chức, quốc gia, khi mà ta không bao giờ biết có gì đang được toan tính trong đầu họ. Ta cũng không thể bắt họ tuyệt đối tin rằng tôn trọng cam kết là một phần của lòng tự trọng cá nhân.
Ý kiến này rõ ràng không sai, nhưng đứng trên quan điểm quản trị, sẽ không có một hệ thống và quy trình nào hoàn hảo. Vì vậy, tính tuân thủ của con người là sự bổ sung cần thiết cho sự hoàn hảo của một cơ chế, một hệ thống và các quy trình cụ thể.
Quay lại câu chuyện về cách cô Rebecca đã dạy tôi và học trò khác, liệu ta có học được gì từ cách họ luôn luôn can đảm nói không với một việc nhỏ, dũng cảm nhìn nhận một hành vi tưởng như vô hại của người bên cạnh như là cơ hội để hoàn thiện hệ giá trị chung. Và họ hiểu, phần thưởng là một tương lai - nơi nhiều người không phải trông chờ vào sự tận tụy và liêm chính mong manh ở từng cá nhân cụ thể.
Nguyễn Dương
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc