Tiền đang chảy đi đâu?

phuong1290

Super Moderator
Super Mod
Nghịch lý trên thị trường tiền tệ

Hiện nay trên thị trường tình trạng lách trần huy động để thu hút vốn không chỉ diễn ra ở một số ngân hàng thương mại (NHTM) năng lực tài chính kém, thuộc diện sắp xếp lại, mà còn diễn ra cả ở NHTM thuộc “nhóm 1” (theo sắp xếp của Ngân hàng Nhà nước). Chín tháng đầu năm huy động vốn của các ngân hàng tăng 11,7%, cho vay chỉ tăng 2,52% so với 31/12/2011. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã yêu cầu các NHTM đưa lãi suất các khoản cho vay cũ xuống dưới 15%, nhưng cho đến nay vẫn không ít doanh nghiệp (DN) vay vốn tại các ngân hàng cổ phần nhỏ vẫn phải chịu lãi suất 16% -18%/năm.

DN thiếu vốn, nhưng không tiếp cận được, ngân hàng thừa vốn, nhưng khó cho vay cũng không còn là hiện tượng đơn lẻ của từng ngân hàng. Vậy, đâu là nguyên nhân của nghịch lý này?

Thứ nhất, nhìn từ hiện tượng lách trần lãi suất huy động cho các kỳ hạn ngắn gồm cả nội tệ và ngoại tệ, trong khi tín dụng đang tăng chậm đã cho thấy thiếu thanh khoản là nguyên nhân cơ bản của một số NHTM. Có thể chỉ ra vài lý do dẫn đến thiếu thanh khoản như: nợ xấu tăng cao, khả năng thu hồi nợ xấu rất thấp; trong khi một lượng vốn không nhỏ được dùng để cho vay mới trả nợ cũ (đảo nợ). Vì thế hoạt động cho vay vẫn diễn ra, nhưng tín dụng không có tăng trưởng hoặc tăng trưởng rất thấp. Mặt khác, không ít các ngân hàng lách trần huy động là các ngân hàng không có điều kiện vay trên thị trường liên ngân hàng (do không có tài sản bảo đảm) hay thị trường mở (do không có giấy tờ có giá ). Do vậy, để đáp ứng nhu cầu thanh khoản, các ngân hàng không có cách nào khác là phải lách trần lãi suất huy động.

Thứ hai, những hoạt động thâu tóm, mua bán, sáp nhập, các công ty sân sau, sở hữu chéo trong ngân hàng... đã và đang tạo ra những vòng luẩn quẩn của dòng tiền. Khi nợ xấu ngày càng lớn, khả năng thu hồi thấp, với hoạt động cơ cấu lại nợ, thì danh giới giữa cơ cấu lại và cho vay mới để trả nợ cũ rất mong manh...tiền lại có chỗ để đọng lại. Nhìn vào chỉ tiêu tổng phương tiện thanh toán (M2 ) của 9 tháng đầu năm tăng 12,21%, nhưng tín dụng (như đã đề cập ở trên) chỉ tăng 2,5%, trong khi chứng khoán cũng không phải là kênh được các ngân hàng quan tâm kể từ khi có văn bản hạn chế cho vay chứng khoán của NHNN; Bất động sản cũng đóng băng một lượng vốn không nhỏ của ngân hàng, nhưng chủ yếu dưới dạng thế chấp cho khoản vay, vay tiêu dùng không được xem là kênh ưu tiên trong thời gian qua.

Như vậy, câu hỏi tiền đang ở đâu phần nào được thấy rõ. Nếu không nhanh chóng ngăn chặn dòng tiền lòng vòng trong ngân hàng qua các hoạt động thâu tóm, sáp nhập, mua bán, vay mượn của các Công ty/DN có quan hệ thân thiết với ngân hàng... thì nợ xấu sẽ ngày một phình to và càng khó xác định, lãi suất sẽ tiếp tục bị đẩy lên cao, DN sản xuất kinh doanh càng khó tiếp cận được vốn.

Vì thế, đặt vấn đề có xảy ra cuộc đua lãi suất như những năm trước không? Dễ dàng thấy rằng nếu không có những biện pháp hữu hiệu xử lý những bất ổn trong nội tại của một số ngân hàng yếu kém, buộc các NHTM thừa thanh khoản cũng phải lao vào cuộc đua, nếu không muốn mất khách hàng tiền gửi.

Ứng xử thế nào là hợp lý

Biện pháp mà NHNN đã thực hiện trong thời gian qua là hạ lãi suất tiền gửi và tiền vay. Những đợt hạ lãi suất dồn dập của NHNN (chỉ trong vòng 5 tháng giảm trần lãi suất tiền gửi ngắn và trung hạn từ 14%/năm xuống 12%; 11% và 9%/năm để kéo lãi suất vay từ mức 18 - 20%/năm xuống còn dưới 15%/năm) là chủ trương đúng, nhưng dường như không mang lại nhiều tác dụng như mong muốn, khi các DN vẫn không thể hấp thụ được vốn. Khối lượng hàng tồn kho với giá cao cùng với nợ xấu hiện hữu tại NHTM ngày một gia tăng, nếu không được giải quyết thì chắc chắn dòng tín dụng còn bị ứ đọng và hy vọng phục hồi nền kinh tế càng trở nên chậm chạp. Hoạt động cho vay ở NHTM vẫn cầm chừng, hoặc chỉ tập trung thu hồi nợ xấu. Như vậy, rõ ràng hạ lãi suất cho vay xuống là cần thiết, nhưng không phải là vấn đề cốt lõi trong việc xử lý tình trạng nghẽn mạch tín dụng của nền kinh tế. Mấu chốt hiện nay là phải giải quyết nợ xấu, giảm mạnh hàng tồn kho và phải tăng được tổng cầu.

Thứ nhất, để giải quyết nợ xấu và hàng tồn kho, trước hết là trách nhiệm của NHTM và DN và phải bằng nhiều biện pháp (bằng việc xử lý từ dự phòng rủi ro, từ việc quản trị chặt chẽ khoản vay, để không tiếp tục làm phát sinh nợ xấu mới, cơ cấu lại nợ cũng là giải pháp mà các ngân hàng đã và đang làm) cần nhanh chóng hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho ra đời thị trường mua bán nợ, với sự tham gia của các chủ thể mua bán nợ, cùng sự hỗ trợ của các chuyên gia am hiểu về nghiệp vụ này.

Còn giải quyết hàng tồn kho, biện pháp quan trọng là giảm giá, đưa hàng đến người tiêu dùng để kích cầu tiêu dùng. Vì thế một sự phối hợp đồng bộ có hiệu quả trong việc xử lý nợ xấu và hàng tồn kho của ngân hàng và DN cũng là cách để gỡ nút nghẽn về vốn của nền kinh tế.

Thứ hai, cần rà soát, nhanh chóng xử lý những bất ổn trong nội tại của một số ngân hàng, giám sát được dòng tiền luân chuyển trong nội bộ ngân hàng. Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản làm hệ thống ngân hàng luôn bất ổn, và tích tụ rủi ro hệ thống lớn. Khi giám sát được dòng vốn ra khỏi vòng luẩn quẩn bởi một số ngân hàng, thì điểm nghẽn về vốn sẽ được khắc phục, việc tiếp cận vốn của DN sẽ dễ dàng hơn, việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng hướng tới sự phát triển bền vững mới đạt được./.

PGS.TS. Nguyễn Thị Mùi
VietinBank
 
Theo Thống đốc thì lý do tăng trưởng tín dụng thấp (tính đến ngày 30.6, tín dụng chỉ tăng khoảng 3,36% so với cuối năm 2011; trước đó, báo chí đưa tin tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 9 mới đạt 2,35%) là do các ngân hàng đã mua vào tới 183 nghìn tỷ giá trị trái phiếu Chính phủ! :)
 
Back
Bên trên