hoabinh_dhv
Verified Banker
Thông tin này được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước công bố trong phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội về đề án tái cấu trúc nền kinh tế chiều 8/6.
Là bộ trưởng đầu tiên tham gia phát biểu tại phiên thảo luận Quốc hội ngày 8/6, Thống đốc Nguyễn Văn Bình tập trung chia sẻ thông tin của ngành mình, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình
Ý tưởng đầu tiên về tái cấu trúc ngân hàng được Thống đốc Bình chia sẻ với các đại biểu Quốc hội từ kỳ họp cuối năm ngoái. Khi đó, ông cho biết có 8 ngân hàng quy mô nhỏ và hoạt động chưa lành mạnh, buộc phải tái cơ cấu, chiếm 5% toàn hệ thống. Ít thời gian sau phiên họp này, Thống đốc cũng công khai lộ trình tái cơ cấu, với mục tiêu hoàn tất những bước xử lý đầu tiên với 8 ngân hàng này ngay trong quý I/2012.
Trên thực tế, ngoài 3 ngân hàng đã hợp nhất cuối năm ngoái và một số đơn vị tự nguyện xin hợp nhất, sáp nhập với nhau, Ngân hàng Nhà nước chưa công bố xử lý thêm trường hợp nào.
Trao đổi tại hội trường chiều 8/6, ông Bình cho biết, các ngân hàng cần tái cấu trúc được phân thành 2 nhóm, nhóm cần xử lý trong ngắn hạn và trong trung - dài hạn. Nhóm cần xử lý trong ngắn hạn cũng được phân thành 2, một là phải tái cấu trúc do tài chính yếu kém và hai là các ngân hàng muốn tự nguyện hợp nhất, sáp nhập để nâng cao năng lực tài chính và quy mô hoạt động.
Với nhóm yếu kém cần xử lý ngay, Thống đốc Bình cho biết có 9 ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước đã hoàn tất thanh tra toàn diện cả 9 ngân hàng, mời kiểm toán độc lập vào cuộc, tạo tiền đề cho những bước xử lý tiếp theo.
"Phương án xử lý 9 ngân hàng đã có. Tuần qua, thường trực Chính phủ đã thông qua phương án xử lý 2 trong số này. Ngân hàng Nhà nước đang xúc tiến các công việc nhằm đảm bảo cả 9 đề án sẽ được thông qua trong tháng 6", người đứng đầu ngành ngân hàng cam kết.
Ngân hàng Nhà nước khuyến khích 9 ngân hàng này tự xây dựng phương án cho riêng mình, chừng nào họ không thể tự xử lý thì Ngân hàng Nhà nước mới vào cuộc và đưa ra giải pháp. Ông Bình cho biết, thực tế cả 9 ngân hàng đều đã có phương án cho mình, một là mời nhà đầu tư mới hoặc hai là tìm đối tác trong hệ thống để kịp thời hợp nhất, sáp nhập.
Theo Vnexpress