Tân Bộ trưởng Tài chính: 'Ưu tiên số một là kiểm soát giá'

mai.qth2710

Moderator
Theo Bộ trưởng Vương Đình Huệ, kiểm soát giá cả là nhiệm vụ quan trọng, nhất là đối với các mặt hàng nhạy cảm như xăng, dầu, điện. Do vậy, cơ quan đầu tiên ông sẽ vào làm việc là Cục Quản lý Giá thuộc Bộ Tài chính.

- Ngồi vào chiếc ghế "nóng" - Bộ trưởng Tài chính trong bối cảnh nền kinh tế hết sức khó khăn, ông lường trước mình sẽ gặp những thách thức nào?

- Nền kinh tế toàn cầu đang có nhiều khó khăn, tất nhiên, thách thức đặt ra sẽ là rất lớn. Nguồn thu ngân sách tới đây sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Chẳng hạn, nguồn thu từ đất, dư địa càng ngày càng giảm đi; thu về xuất khẩu, tài nguyên khoáng sản ngày càng cạn kiệt, Việt Nam đã bắt đầu phải nhập than rồi. Chưa kể, với những nước có thu nhập trung bình thì vốn ODA chảy vào cũng sẽ giảm đi. Tôi cho rằng nguồn thu ngân sách trong thời gian tới sẽ cực kỳ khó khăn.

Thách thức thứ 2 tôi cho rằng đó là vấn đề phân bổ và sử dụng ngân sách. Việc sử dụng sao cho hiệu quả nhất còn quan trọng hơn cả việc tạo ra nguồn thu. Do vậy, chính sách tài chính quốc gia luôn tính đến việc huy động hợp lý mọi nguồn lực của xã hội sao cho hiệu quả chứ không phải chỉ có ngân sách Nhà nước, mới đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế. Nhất là để tạo ra 3 đột phá chiến lược, chúng ta cần tới nguồn ngân sách khổng lồ. Rõ ràng, việc huy động mọi nguồn lực của xã hội, bên cạnh ngân sách Nhà nước rất là quan trọng. Nguyên tắc là thu nhiều hơn thì chúng ta sẽ chi được nhiều hơn.

Thách thức nữa với chúng ta là các vấn đề liên quan đến trái phiếu Chính phủ, nợ công của Việt Nam đã ở mức cao, bên cạnh các vấn đề khác về sử dụng hiệu quả nhất chi tiêu công, giảm dần bội chi ngân sách...

Tôi cho rằng việc quản lý kiểm soát chặt chẽ nợ quốc gia, nợ công, nợ nước ngoài cũng là vấn đề quan trọng để đảm bảo giới hạn an toàn không để rơi vào tình trạng như một số nước châu Âu hiện nay. Bên cạnh đó, việc đổi mới hiệu quả mô hình doanh nghiệp Nhà nước, các tập đoàn, tiếp tục đẩy mạnh công tác cổ phần hóa.... Tất cả những phần việc trên đều là nhiệm vụ của Bộ Tài chính trong thời gian tới.

- Việc đầu tiên ông dự định làm khi đảm nhận cương vị người đứng đầu ngành tài chính là gì?

- Công việc đầu tiên của tôi là rà soát toàn bộ những phần việc của Bộ Tài chính trong việc thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Trước đây, Bộ Tài chính đã làm rất nhiều việc rồi nhưng từ giờ đến cuối năm theo tinh thần của Chính phủ việc kiềm chế lạm phát vẫn cần phải thực hiện quyết liệt.

Tuy nhiên, một trong những ưu tiên đặc biệt của tôi khi đảm nhận cương vị mới sẽ cùng với các đồng chí trong ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ rà soát lại triển khai quyết liệt các nhiệm vụ liên quan đến ngành. Và một trong những cơ quan đầu tiên tôi dự kiến sẽ vào làm việc là Cục Quản lý Giá thuộc Bộ Tài chính.

Kiểm soát giá đang là vấn đề rất quan trọng. Bộ Tài chính và cá nhân tôi rất tán thành với ý kiến chúng ta phải quản lý giá theo cơ chế thị trường. Cơ chế thị trường phải gắn liền với các vấn đề an sinh xã hội, hỗ trợ người nghèo...

Việc điều hành giá cả, nhất là với những mặt hàng như điện, xăng dầu cần phải dựa trên yếu tố minh bạch chi phí và giá thành. Hiện nay, tôi biết dư luận cũng đặt rất nhiều câu hỏi liên quan đến chuyện lỗ lãi của Tổng công ty Xăng dầu VN (Petrolimex). Do đó, một trong những công việc tôi ưu tiên là làm việc với Cục Quản lý Giá Bộ Tài chính, rà soát lại các số liệu về giá điện, giá xăng cũng như kiểm soát giá một số mặt hàng khác rất quan trọng như thuốc chữa bệnh, giá lương thực, thóc lúa...

- Lâu nay, chỉ thấy doanh nghiệp xăng dầu kêu lỗ để tăng giá bán, các thông tin đưa ra cũng mang tính một chiều. Tới đây, Bộ Tài chính có kế hoạch công khai các khoản chi phí thực tế?

- Như tôi đã nói ở trên, một trong những ưu tiên của tôi là sẽ làm việc với các cơ quan quản lý về giá thuộc Bộ Tài chính để làm rõ câu chuyện của Petrolimex cũng như giá thành, chi phí, lãi lỗ của điện lực.

Tôi nói ví dụ, đối với mặt hàng điện, hiện nay, chúng tôi đã có kết quả kiểm toán, đã chốt được số liệu của năm 2010. Chúng tôi đang yêu cầu kiểm soát tiếp tục số liệu của năm 2011. Theo tôi hằng năm, chúng ta sẽ phải kiểm soát kỹ chi phí giá thành của các doanh nghiệp đang kinh doanh những mặt hàng nhạy cảm như điện, xăng dầu.

Kiểm toán Nhà nước cũng đang kiểm toán việc trích lập và sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu. Khi kiểm toán chắc chắn sẽ động tới doanh thu, chi phí của các doanh nghiệp kinh doanh mặt này. Khi đó, số liệu sẽ minh bạch ra. Với những kinh nghiệm tôi có được trong thời gian tham gia lĩnh vực kiểm toán thì thì chắc chắn tới đây chuyện giá cả, lỗ lãi sẽ đảm bảo tính minh bạch hơn.

- Đối với mặt hàng điện, EVN đang kêu lỗ trong 6 tháng đầu năm lên tới 3.500 tỷ đồng, điều này cho thấy sức ép tăng giá đang đến gần, Bộ trưởng có bình luận gì?

- Đối với điện, hiện nay chúng tôi đã có kết quả kiểm toán EVN. Kiểm toán đang yêu cầu cung cấp số liệu để đánh giá doanh thu, chi phí lợi nhuận. Theo tôi từ nay đến cuối năm, áp lực tăng giá điện, nói chính xác hơn là áp lực tăng giá cao đối với điện đã giảm bớt. Nguyên nhân quan trọng là năm nay nước về hồ sớm. Nhiều tổ máy sản xuất điện đã đi vào hoạt động. Chúng ta mua được điện với giá rẻ. Vì vậy, mức độ dự báo lỗ của điện theo đó cũng sẽ giảm bớt.

- Năm 2012 sẽ có nhiều mặt hàng quan trọng sẽ được "thả" giá theo cơ chế thị trường. Điều này liệu có tạo ra áp lực lớn cho nền kinh tế, thưa ông?

- Xăng chúng ta đã điều hành theo thị trường từ năm 2009 rồi. Tôi cho rằng, mấu chốt vấn đề nằm ở chỗ cần làm rõ tính minh bạch về lỗ lãi của doanh nghiệp.

Theo tôi, doanh nghiệp kêu lỗ thì cũng cần làm rõ khái niệm lỗ ở đây là gì. Vì giá bán lẻ xăng dầu được xây dựng trên cơ sở giá định hướng, giá cơ sở. Giá cơ sở được tính toán bao gồm giá CIF, cộng với thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, nhân với tỷ giá, sau đó cộng với chi phí lưu thông xăng dầu. Sau đó, doanh nghiệp được cộng thêm lãi định mức 300 đồng một lít, cộng thêm quỹ bình ổn giá với mức cao nhất 500 đồng và một số khoản phụ phí khác.

Cách thức điều hành của chúng ta lâu nay là khi giá định hướng này cao hơn giá bán lẻ trong nước do yếu tố khách quan như giá thế giới tăng, khi đó có các biện pháp như giảm thuế, ngừng trích lập quỹ hoặc tăng giá được áp dụng. Còn khi giá cơ sở hơn giá bán lẻ nguyên nhân xuất phát từ việc doanh nghiệp tăng chi phí bán hàng, thì cái này doanh nghiệp phải chịu. Tương tự khi giá cơ sở thấp hơn giá bán lẻ do yếu tố như giá thế giới giảm khi đó cần điều chỉnh giá bán lẻ xuống.

Như vậy, nói lỗ ở đây là chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán lẻ chứ không phải là doanh nghiệp lỗ, bởi họ đã có lợi nhuận định mức ở trong giá là 300 đồng mỗi lít rồi. Nếu không minh bạch cái này ra sẽ rất khó trong quản lý. Tôi sẽ yêu cầu Cục Quản lý Giá báo cáo kỹ hơn về vấn đề này.

- Liên quan đến vấn đề chi tiêu công, theo Bộ trưởng, lĩnh vực nào, các khoản chi nào, chúng ta sẽ ưu tiên thắt chặt?

- Việc cắt giảm chi tiêu công Chính phủ đã triển khai từ đầu năm rồi. Chúng ta cũng đã điều chỉnh tỷ tiêu tăng trưởng, giảm GDP. Giảm GDP tức là giảm tổng cầu, đây là cái lớn nhất. Chấp nhận giảm tổng cầu là chấp nhận giảm đầu tư công nên trong báo cáo của Chính phủ đã nêu con số này là 86.000 tỷ đồng.

Thứ hai chúng ta đã tiết kiệm 10% chi thường xuyên đối với các bộ, ngành. Tới đây các gói miễn giảm được Bộ Tài chính trình Quốc hội thông qua cũng là biện pháp của chính sách tài khóa.

- Thưa Bộ trưởng, việc thắt chặt tiền tệ khiến doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp lớn khó khăn trong việc tiếp cận vốn. Tới đây khi tham mưu cho Chính phủ, Bộ Tài chính sẽ giải quyết vấn đề về vốn cho doanh nghiệp như thế nào?

- Tư tưởng chung của chúng ta là điều hành vẫn quyết liệt, kiên trì thực hiện Nghị quyết 11. Nếu chúng ta lơ là, buông lỏng là lạm phát quay trở lại ngay. Tuy nhiên về chỉ tiêu tín dụng 20% chúng ta nên cơ cấu lại, không cào bằng, công trình, dự án của doanh nghiệp nào có hiệu quả sẽ tiếp tục phải cho vay.

Ngoài ra, cũng cần có tín hiệu để giảm lãi suất huy động tiến tới giảm lãi suất cho vay. Tôi cho rằng cũng phải thận trọng xem xét lại vấn đề lãi suất. Hiện nay, các doanh nghiệp rất khó tiếp cận vốn, tiếp cận vốn rồi không biết kinh doanh cái gì để ra lãi mà trả vốn.

Chúng ta cũng phải thông cảm cho các ngân hàng thương mại, họ đã phải huy động vốn với lãi suất cao. Với điều kiện lạm phát hiện nay, việc giảm ngay lãi suất huy động để giảm lãi suất vay cũng khó. Chưa kể, hoạt động ngân hàng rủi ro cao nên chúng ta cũng cần thông cảm.

Tuy nhiên, mặt khác các tổ chức tín dụng cũng phải chia sẻ với đất nước với doanh nghiệp. Hiện nay đã có một số yếu tố tích cực có thể xem xét việc giảm lãi suất, ví dụ lãi suất liên ngân hàng, trái phiếu chính phủ đã giảm... Ngoài ra, cũng cần xem xét nghiêm túc, rà soát lại chi phí ngân hàng. Chỉ cần tiết kiệm chút thôi cũng giảm bớt được lãi suất cho vay, giảm được áp lực cho doanh nghiệp.

Hồng Anh - Việt Anh​
 
Agribank Tuyển Dụng 2024

Tin tuyển dụng mới nhất

Thống kê MXH

Tổng số chủ đề
34,586
Số bình luận
528,101
Tổng số thành viên
352,696
Thành viên mới nhất
go99kcouytin
Back
Bên trên