Tâm sự của một người thất nghiệp

rocky_karate

Chuyên Gia Ngân Hàng
Nhật ký, ngày...tháng...năm

Đã nhiều đêm của nhiều ngày từ khi nhận tấm bằng tốt nghiệp đại học, tôi khắc khoải. Tôi sống trong niềm khắc khoải, thường tự vấn về cuộc đời, về ý nghĩa của cuộc sống, về công danh sự nghiệp với những tranh đấu cố vươn lên nắm lấy quyền lực, ngồi trên một vị trí nào đó cao hơn người khác. Tôi không biết thực sự tôi cần gì: một cuộc sống đầy toan tính, tham vọng phải đạt được bằng mọi giá hay những ngày tháng yên bình, được làm những gì mình thích, hàng ngày không phải nghe những lời khó chịu, không nói những câu trái lòng, không phải làm những gì lương tâm không cho phép?! Cuộc sống đó không có những thấp thỏm, phập phồng lo lắng khi đứng trước kẻ thế lực, không đầy hậm hực trước những gì mình nghĩ là của mình nhưng người khác đoạt mất.

Tôi nhớ lắm những ngày tháng êm ái của tuổi thơ tôi, một tuổi thơ không đến nỗi cơ cực, tuy cũng thiếu thốn, cũng nghèo như những đứa trẻ khác trong khu tập thể của một cơ quan nhà nước ở một thị trấn nhỏ. Thị trấn với hai dãy nhà xiêu vẹo bám trên con phố nhỏ khấp khểnh đá. Hai hàng xà cừ điểm xuyết vài cây bàng già tạo cho con phố dáng vẻ u u trầm mặc. Những đêm hè không điện cả dãy phố leo lét ánh đèn, con đường vắng tanh, chỉ xào xạc gió lùa qua kẽ lá. Ngày ấy lũ chúng tôi gần chục đứa trẻ cùng lứa cùng trường mặc quần đùi chạy các xó xỉnh nhặt mảnh trai, túi bóng đổi kẹo kéo, đào giun câu cá cờ, câu tôm. Chiều chiều cả lũ ào ra chợ nhặt lá bánh về phơi khô, tranh nhau từng gốc mía chẻ ra hít lại, bã làm củi.

Tôi lại nhớ những năm học đại học, rời xa thị trấn nhỏ bé lên "kinh kỳ" miền đất hứa. Lần đầu tiên lên thành phố, những nhà, những xe, những cô gái chân dài...choáng ngợp trong con mắt ngỡ ngàng của chàng thanh niên quê mùa. Bạn bè lên học cũng thay đổi từng ngày. Ngay cả tôi cũng thay đổi mà không biết, chỉ chợt nhận ra ánh mắt lạ lẫm, ngỡ ngàng của một ai đó mỗi lần về phố huyện.

Những ngày tháng ấy vẫn đầy ắp ngây thơ và thơ mộng. Tôi đi giữa bạn bè cùng vui bên họ. Có rất nhiều bạn mới, nhưng những người bạn từ thuở thơ ấu vẫn như có sợi dây vô hình níu nhau lại. Chúng tôi gặp nhau có khi chốc lát có khi cả một vài ngày ở cùng nhau, có lúc không đủ mặt, nhưng rất vui. Năm thứ nhất, thứ hai đại học chậm chạp trôi đi trong niềm mong mỏi đến ngày ra trường con đường sự nghiệp trải dài trước mắt. Cho đến năm thứ 3 và cả năm thứ 4 nữa vẫn còn thơ mộng lắm. Cuộc sống sinh viên, lại là sinh viên nhà quê lúc đó đâu có gì để giành giật đua tranh. Tất nhiên cũng một vài lần hơi ngỡ ngàng và đau xót trước sự trở mặt của một hai người bạn, nhưng chuyện chóng qua. Tuổi trẻ dễ quên, dễ tha thứ.

Ngày ra trường, cầm mảnh bằng tốt nghiệp loại giỏi trên tay thầm tự hào học cũng không đến nỗi nào. Lòng chứa chan những ước mơ, hy vọng, hoài bão to tát nhưng bấy giờ được xem là giản dị, đương nhiên: mình phải có một công việc phù hợp, phải làm lên một cái gì đó không chỉ cho riêng mình, gia đình mình, mà cho cả đất nước, xã hội. Có những con mắt thành phố tỉnh táo bươn đi kiếm việc từ trước đó. Bạn bè con cái gia đình thế giá thì chưa ra trường đã có một công việc đợi sẵn. Sinh viên nhà quê ở lại thành phố với hoài bão cống hiến hết mình giờ bươn đi kiếm việc.

Những ngày đầu bước chân chim sáo vác hồ sơ đến các cơ quan mình lựa chọn, Càng về sau bước chân càng nặng nề tỷ lệ nghịch với đám hồ sơ đang vơi dần. Nhưng những cánh cửa vẫn đóng im ỉm trước mắt. Thời gian nặng nề trôi qua, 1 năm rồi 2 năm đằng đẵng lê bước trên hè phố, chiếc xe đạp không nhớ rõ đã bao lần thay nốp, đổi săm, nhưng công việc, một công việc đơn giản đúng với sở trường, đúng với bằng cấp của mình ôi chao là khó.

Ngày tháng trôi qua với bánh mì khô, mì tôm, cơm niêu và cá nục, đành tạm bợ bằng những việc phổ thông may mắn kiếm được. Tối tối lê bước về căn nhà trọ tối tăm hầm hập nóng mùa hè, ẩm mốc, lạnh lẽo mùa đông. Mặt trời chưa khi nào soi tỏ đến những căn nhà ổ chuột ấy. Thời gian vẫn lặng lẽ trôi mang theo những hy vọng, những ước mơ, hoài bão.

Và rồi cuối cùng mối đứa một phương. Thời gian và dòng chảy của cuộc sống đủ bào mòn hay cuốn trôi đi những toan tính, dự định. Đành phải chấp nhận những gì không mong muốn. Đứa Bắc tiến kiếm việc, tiếp tục những ngày tha hương nơi đất mới. Đứa về miền Trung lũ lụt quanh năm. Đứa về quê làm ông giáo. Vẫn còn có đứa quyết gan ở lại Sài Gòn. Dòng đời cứ mải miết chảy.

Này ước mơ, này dự định tốt đẹp và nghĩa hiệp của một thời sinh viên. Tất cả như những bông hoa vừa hé nở gặp phải trận sương muối. Thời gian xa quá. Bạn bè không mấy khi còn gặp lại. Có lúc buồn quá, nhớ nhau tay mân mê điện thoại rồi lại đặt xuống. Gọi nhau làm gì? Biết nói gì? Tất cả đang mải miết sống. Gặp nhau để làm gỉ? Nhìn thấy nhau thêm buồn, lại phải nhớ ngày xưa với ước mơ, hoài bão, nhìn lại mình buồn mang mang, đêm trở mình khó ngủ day dứt tự vấn lòng. Gặp nhau làm gì, không gặp vẫn nghe ngóng về nhau. Thấy mừng vì đứa này ổn định, đứa kia thành đạt, lại chua xót vì có đưa thêm một lần thất bại.

Một thoáng mà đã 30 tuổi, cái tuổi mà Khổng Tử nói "Tam thập nhi lập". Có đứa lấy vợ lấy chồng, xây dựng một gia đình từ những mảnh đời vất vả ghép lại, nương tưa nhau vượt lên thăng trầm. Ấy là hạnh phúc. Hạnh phúc mong manh nhưng quý báu, là chỗ để được vui, buồn, giận, được vùi đầu sau một ngày mệt nhọc, được nâng đỡ những phút giây ngã lòng. Gia đình là bến đỗ của tâm hồn.

Thế nhưng vẫn có đứa con trai, đứa con gái tất tả trên con đường vạn dặm, chưa tìm cho mình được chỗ nghỉ chân. Ngày, mỗi ngày cứ thế qua đi với sáng, trưa, chiều, tối. Ngày làm quần quật, tối về nhả nhớt nhai cho xong bữa, đêm ngủ vùi, giấc ngủ nặng nề nhưng cần thết cho một ngày mai, cũng như công việc nặng nhọc của ngày mai cần thết cho giấc ngủ đêm không mộng mị.

Vậy phải chăng đó là số phận? Vốn dĩ tôi không duy tâm nhưng cuôc sống dẫn tôi đến những điều không thể dùng lý trí suy xét. Ai đó đã nói với tôi: số phận là sự vận động của quy luật khách quan trong mối tương tác với sự vận động chủ quan của mỗi người. Nếu hai sự vận động ấy hài hoà, khớp hợp với nhau thì số phận người đó tốt đẹp. Còn ngược lại, ai không tìm ra quy luật vận động của xã hội để điều chỉnh mình là thất bại. Tôi không biết lũ trẻ chúng tôi trước ngưỡng cửa cuộc đời trong thời buổi tranh tối tranh sáng mấy người tìm ra quy luật khắc nghiệt của cuộc sống để vươn lên thành người thành đạt thăng tiến trong cuộc sống. Thật đau xót khi nghĩ về những người bạn của ta, có những người đánh đổi quá nhiều để đạt được cái điều mà con người ta vẫn ao ước, là tiền bạc, là địa vị. Tôi lại nhớ thầy tôi, một vị giáo sư đầu ngành, trong buổi chia tay đã căn dặn học trò trước khi ra trường: để tồn tại, các em phải có "chất trơ".

Cho đến giờ, mặc dù tôi đã có một nghề nghiệp, một vị trí mà vài người nào khác không có tôi có lẽ cũng ao ước nhưng tôi vẫn thấy mình thất bại. Tôi không phải một vĩ nhân, cũng không phải một hiền sĩ, không phải một người lãng mạn, không phải người luôn sống trong các giấc mơ, nhưng vẫn còn đó những ước mơ, hoài bão của một thời khiến lòng tôi day dứt.!

Trần Dũng

 
Chỉnh sửa lần cuối bởi người điều hành:
Back
Bên trên