Sử dụng CSTT nhằm hạ LSCV_ Vì sao không đặt luôn trần lãi suất tiền vay?

  • Bắt đầu Bắt đầu hoaiacc74
  • Ngày bắt đầu Ngày bắt đầu

hoaiacc74

Thành viên tích cực
Việc khống chế trần lãi suất tiền vay không phù hợp với thực tế vì "khẩu vị" rủi ro của từng ngân hàng cũng như mức độ rủi ro từng nhóm khách hàng, lĩnh vực giải ngân là khác nhau.
Hôm 6/3 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước công bố: giảm lãi suất điều hành và trần lãi suất tiền gửi thêm 1% trong vài ngày tới để hạ lãi suât tiền vay. Như vậy, lãi suất cơ bản, tái chiết khấu, tái cấp vốn và trần lãi suất tiền gửi sẽ lần lượt quay về: 8% - 12% - 14% và 13%/năm.


Động thái này dẫn đến câu hỏi: tại sao Ngân hàng Nhà nước không đặt luôn trần lãi suất tiền vay?


Dư vốn, lãi vay sẽ giảm


Trả lời câu hỏi này, một Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói: “Tất cả những động thái mà Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện đều nhằm tạo ra nguồn vốn dồi dào cho các tổ chức tín dụng để họ hạ lãi suất tiền vay”, khi thiết lập lại sự ổn định thanh khoản cho hệ thống thông qua nới rộng quy mô và kỳ hạn giao dịch trên OMO; tái cấp vốn kịp thời, vừa đủ cho 9 ngân hàng thương mại yếu kém trong diện kiểm soát đặc biệt để họ thực hiện nghĩa vụ chi trả và cùng đó, khoanh vùng hoạt động để họ không gây nhiễu thị trường.


Do vậy, vị Phó thống đốc nói trên cho rằng, việc đặt trần lãi suất tiền vay là không thể và không cần thiết. Bởi lẽ, khi dư vốn, kết hợp với kỳ vọng lạm phát đang xuống thì lãi suất tiền vay phải xuống. Mặt khác, việc khống chế trần lãi suất tiền vay không phù hợp với thực tế vì "khẩu vị" rủi ro của từng ngân hàng cũng như mức độ rủi ro từng nhóm khách hàng, lĩnh vực giải ngân là khác nhau, nên không thể áp đặt một trần lãi suất tiền vay như nhau.


Ngay sau khi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước công bố sẽ giảm lãi suất điều hành và trần lãi suất tiền gửi thêm 1%, ông Nguyễn Văn Hoàn, Phó tổng giám đốc OceanBank cho biết: từ 7/3, ngân hàng này áp dụng chương trình cho vay các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, lâm, ngư, diêm nghiệp với mức lãi suất giảm từ 2% - 3%/năm so với lãi suất các món tín dụng thông thường. Trước đó, OceanBank mới ký hợp đồng tín dụng trị giá 500 tỷ đồng, lãi suất 17,5%/năm cho một doanh nghiệp ở Tp.HCM.


Một ngân hàng khác là ABBank cho biết, trong ngày 7/3 trở đi, ngân hàng này giảm 1,5% lãi suất tiền vay ngay sau khi giải ngân đối với sản xuất kinh doanh trả góp, bổ sung vốn lưu động. Song song, ABBank cũng áp dụng chính sách cho vay linh hoạt hơn với hạn mức tối đa 80% so với giá trị đảm bảo với thời hạn tới 120 tháng.


Tuy nhiên, đối với lãi suất tiền gửi, theo cập nhật của người viết, hiện chưa có một ngân hàng nào công bố giảm. Rất có thể họ đang tranh thủ “vợt” thêm 1% lãi suất đối với các món tiền gửi hiện chưa phải giảm trần xuống 13% mà Ngân hàng Nhà nước sẽ có quyết định chính thức trong vài ngày tới?


Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, biểu hiện lãi suất liên ngân hàng trên thị trường vẫn cao khoảng 18% - 20%/năm chủ yếu từ nhóm ngân hàng yếu kém, do họ không thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ trả nợ cho chủ nợ nên phải chịu lãi suất phạt.


Thống đốc cũng cho biết thêm, quy mô giao dịch của cả thị trường liên ngân hàng hiện ở mức rất nhỏ, Ngân hàng Nhà nước thừa sức can thiệp ngay lập tức. Tuy nhiên, giải quyết vấn đề nợ đồng lần trên liên ngân hàng còn phải tính tới thiết lập lề lối làm ăn chuyên nghiệp giữa các tổ chức tín dụng với nhau: bất kể ai, đã vay mượn thì phải có tài sản đảm bảo!


Một mặt trận khác mà Ngân hàng Nhà nước đã thành công là ổn định được thị trường ngoại tệ, để những tổ chức, cá nhân tích cực bán ngoại tệ cho ngân hàng thương mại, từ đó, Ngân hàng Nhà nước tích cực mua vào và tạo thêm nguồn để các tổ chức tín dụng hoạt động. Tất nhiên, đề phòng lạm phát, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện rất nhịp nhàng quá trình bơm - hút tiền.


Xác lập niềm tin


Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, câu chuyện ổn định lãi suất phải đặt trong mối tương quan với sự đồng bộ thực hiện của chính sách từ kiểm soát giá cả, khôi phục năng lực sản xuất, kiềm chế nhập siêu, ổn định thị trường tiền tệ đến ổn định tỷ giá…, nhưng nổi lên trong đó vẫn là xác lập niềm tin cho thị trường.


Theo ông, thành công của Chính phủ trong năm 2011 chính là kiên quyết và triệt để thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết 11: kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội được lượng hóa thành những chỉ tiêu cụ thể.


Đối với trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước, nhà điều hành đã từng bước hiện thực hóa những tuyên bố của mình như: từ 7/9/2011 đến hết năm 2011, điều chỉnh tỷ giá không quá 1%; đưa mặt bằng lãi suất tiền vay xuống 17% - 19%/năm; điều chỉnh tỷ giá cả năm 2012 không quá 3%. Với những cam kết đó, thị trường đã yên tâm và đặt niềm tin vào mục tiêu điều hành của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.


Vị Phó thống đốc nói trên cho biết thêm dự trữ ngoại hối từ đầu năm đến nay tăng thêm 20% Từ đầu năm đến nay, những tổ chức và cá nhân ít găm giữ và bán nhiều hơn cho ngân hàng thương mại, từ đó, ngân hàng thương mại bán lại cho Ngân hàng Nhà nước, làm tăng dự trữ ngoại hối và ổn định được giá trị đồng tiền, góp phần kiềm chế lạm phát.


Tuy nhiên, hiện đang xuất hiện luồng ý kiến: động thái hạ lãi suất cho thấy Chính phủ đang nới lỏng tiền tệ và nếu không cẩn trọng, sẽ kích hoạt lạm phát trở lại, nhất là khi việc kiểm soát lạm phát được cho là chưa bền vững do các nhân tố bất ổn vẫn hiện hữu như: tăng giá xăng dầu, điện trong nước; kinh tế thế giới chưa có dấu hiệu hồi phục rõ ràng; bất ổn ở Trung Đông…


Và nếu lạm phát trở lại, niềm tin vào chính sách có thể bị lung lay và tình hình trở nên khó khăn hơn.


Mặc dù trong đợt hạ lãi suất này, mức giảm chỉ 1% nhưng theo các chuyên gia, trong năm 2011 và đầu 2012, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã tốn rất nhiều công sức để xác lập niềm tin, từ đó tạo nên những kết quả tích cực như hiện nay. Nhưng, nếu vì sức ép giảm lãi suất của doanh nghiệp, tăng trưởng thấp, thất nghiệp gia tăng mà bỏ qua sự kiên trì nhằm thực hiện mục đích dài hạn là tái cơ cấu nền kinh tế thì có thể, sẽ mất nhiều năm nữa, chính sách vẫn đi sau và chưa thể đóng vai trò định hướng hoạt động cho cả nền kinh tế.


Theo Nguyễn Hoài
Vneconomy
 
Back
Bên trên