Sợ tăng giá, lao động trốn khỏi thành phố

  • Bắt đầu Bắt đầu cungvi
  • Ngày bắt đầu Ngày bắt đầu

cungvi

Verified Banker
Lương không đủ chi phí sinh hoạt; ăn uống kham khổ; làm việc thêm giờ nhiều; tiền thuê nhà và chi phí sinh hoạt, giá cả thực phẩm tăng... khiến không ít lao động ở các KCN bỏ thành phố về quê chờ cơ hội khác.
Về quê tạm nghỉ chờ thời
Từ sau Tết, khu trọ dành riêng cho công nhân ngoại tỉnh ở xóm 7 Định Công, Hoàng Mai Hà Nội vắng hoe. Mãi 7h tối mới thấy bóng dáng hai cô công nhân mặc áo đồng phục xí nghiệp May 40 dắt xe vào cổng.
Nguyễn Thị Huyền, quê ở Thanh Oai, Hà Nội nói: "Họ về quê từ trong tết và không ra nữa chị ạ. Tháng lương trên dưới hai triệu, chi tiêu tiết kiệm lắm cũng vẫn khó mà đủ được. Từ trong tết, mọi người ở xóm trọ đã nhờ người ở quê tìm việc làm ở nhà để tết về không ra Hà Nội làm nữa".
Huyền cho biết thêm, dưới cô còn có hai em trai đang tuổi đi học mà việc làm ở quê cũng không có nên cô vẫn cố gắng đi làm, miễn sao đủ nuôi thân không phải phiền đến bố mẹ. Huyền kể: "Cô bạn trọ cùng em vừa kiếm được việc làm ở cơ sở sản xuất bao bì tại khu công nghiệp Phố Nối, bạn ấy gọi cho em nói lương 2 triệu nhưng thuê nhà rất rẻ và thực phẩm ở đó cũng rẻ hơn ở đây, em đang tính nếu được thì chuyển về đó".
Cuối dãy trọ, chị Trịnh Thị Lan, công nhân xí nghiệp Chế biến đồ gỗ xuất khẩu ở Lạc Long Quân, Tây Hồ, Hà Nội cho biết, đã xin nghỉ việc từ tết và không quay lại xí nghiệp nữa do lương quá thấp, 1,8 triệu, công việc lại nặng nhọc và không có bảo hiểm. Hiện tại, mỗi tháng, chị gái Lan làm trong Bình Dương gửi cho Lan 500.000 đồng, bố mẹ cho 500.000 đồng để Lan đi kiếm việc làm mới. "Nếu hết tháng này không kiếm được việc gì khá hơn, em sẽ về quê phụ mẹ làm mây tre đan, tháng cũng được chừng hơn 1 triệu mà lại không mất tiền thuê nhà hay ăn uống gì đắt đỏ".
ResizedImage480280-21392-image012_1332757513.jpg
Nguyễn Mạnh Cường ở Vũ Thư, Thái Bình đã quyết định ở lại quê nhà sau gần 3 năm làm công nhân tại khu công nghiệp Nội Bài, Hà Nội. Cường kể: "Do làm công việc bốc vác vận chuyển hàng hóa nặng nhọc nên một tháng lương em được 3 triệu đồng. Trừ chi phí thuê nhà, ăn và điện nước, tháng em cũng để ra được hai đến 3 trăm nghìn. Như vậy, mỗi năm em để ra chưa được 5 triệu. Ngoài 30 rồi em vẫn chưa dám lấy vợ vì không có gì nuôi con". Cường cho biết, về quê vẫn chưa có việc làm nhưng ở đây đang có nhiều doanh nghiệp xây nhà xưởng nên có thể có nhiều hy vọng tìm việc làm.
Công ty Dịch vụ mỹ nghệ Việt - Á cho hay: "Mức lương trung bình của từ 2,5 đến 3 triệu song vẫn không giữ chân công nhân. Nhiều người đã về quê tìm công việc gần nhà".
Trong khi đó, dù nhiều doanh nghiệp về tận quê tuyển công nhân song chị Hà Thị Mai (Phổ Yên, Thái Nguyên) vẫn nhất quyết thất nghiệp ở nhà. Chị chia sẻ: "Tôi đã từng hai lần làm công nhân ở khu công nghiệp Khai Quang, Vĩnh Phúc song đều phải bỏ về vì lao động qua sức, lương thường xuyên trả chậm lại còn hay bị phạt". Hiện tại, chị Mai phụ giúp mẹ buôn bán hoa quả vặt tại chợ gần nhà và chờ đợi một cơ hội mới khi có nhiều DN về quê mở xưởng.
Chị thật thà: "Tôi đã gần 30 tuổi song vẫn chưa có công ăn việc làm nên rất khó lấy chồng. Tuy vậy, tôi cũng không muốn đi làm với mức lương quá hẻo mà chi phí đời sống lại cao. Vậy nên tạm thời chịu thất nghiệp để đợi một cơ hội mới".
Tìm việc gần nhà
Sau 2 năm làm việc ở một công ty may thuộc khu vực Hạ Đình (Thanh Xuân, Hà Nội), Nguyễn Thị Thanh Thúy (An Lưu, Kinh Môn, Hải Dương) về quê với hai bàn tay trắng dù mức lương của cô ở mức 2.200.000 đồng/tháng. Thúy cho biết: Mức lương của em mới tạm đủ tiêu. Ngoài tiền sinh hoạt, cho mẹ được 500 nghìn là vừa hết.
Tuy nhiên, đây là câu chuyện của Thúy từ 3 năm trước. Năm 2010, khi một số công ty may mặc lớn mở tại khu vực Phú Thái (Hải Dương), Thúy đã chuyển về quê làm cho công ty Nam Tài gần nhà. Hơn 3 năm làm việc, Thúy không chỉ mua được cho mình một chiếc xe máy mới mà còn hùn với mẹ để chuẩn bị mở một cửa hàng tạp hóa.
Thúy cho biết: Về quê, công ty mới chỉ cách nhà chừng 5 cây nên ngày ngày đi về cũng thuận tiện. Gần nhà, có điều kiện làm thêm nên một tháng em được 3.500.000 đồng. Không hơn với công ty ở Hà Nội bao nhiêu nhưng chi phí chỉ bằng một nửa lại được ăn cơm no và sạch cùng gia đình, ở nhà rộng rãi, không còn gì bằng.
Cả gia đình lên Hà Nội kiếm sống, anh Hoàng Đình Trường (Hải Hưng, Hải Hậu, Nam Định) làm ở công ty may tại Gia Lâm. Anh đã phải tìm một ngôi nhà cách công ty gần 20 cây số để giảm chi phí. Tuy nhiên, lương hai vợ chồng chừng 6 triệu, nuôi thêm một đứa trẻ thì tháng nào cũng thiếu.
Anh kể: Một dịp về thăm nhà thấy gần nhà xây dựng nhà máy may mừng quá. Ngay sau đó, tôi và vợ cùng nộp hồ sơ xin việc ở quê. Về nhà, thoải mái hẳn, con cái có nhà trẻ xã trông chỉ hơn trăm nghìn đồng một tháng, tiền nhà không mất lại được nhờ bố mẹ. Anh Trường vui mừng cho biết thêm: Ở Nam Định, lương cũng chừng 6 triệu, nhưng 2 năm, chịu khó làm thêm, tiết kiệm hai vợ chồng đã để dành được gần 100 triệu. Tháng 8 năm nay, vợ chồng tôi sẽ xây nhà mới.
Nếu trước đây, nhiều người dân Quảng Ngãi phải di cư vào phía Nam tới các khu công nghiệp, khu chế xuất ở Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai... thì khi nhà máy lọc dầu và hàng loạt các công ty khác về Quảng Ngãi đầu tư thì hàng loạt dân địa phương chuyển hướng về quê.
Liên đoàn lao động thành phố Hồ Chí Minh cho biết: "Hiện tượng người lao động chuyển từ thành phố Hồ Chí Minh về quê làm việc là khá phổ biến, nhất là ở các địa phương đang phát triển công nghiệp. Phần lớn lao động phổ thông ở thành phố có thu nhập thấp rất khó xoay xở khi các chi phí sinh hoạt đắt đỏ nên họ trở về làm việc ở những nhà máy tại quê nhà để có thể tiết kiệm chi phí".
 
Back
Bên trên