Sáp nhập các ngân hàng nhỏ không phải là giải pháp

  • Bắt đầu Bắt đầu banker
  • Ngày bắt đầu Ngày bắt đầu

banker

Administrator
Câu chuyện “gom” các ngân hàng nhỏ thành những ngân hàng đủ mạnh trong thời điểm này nhận được nhiều sự quan tâm của giới chuyên gia và người hiểu lĩnh vực tài chính.

Nhưng, sáp nhập ngân hàng nhỏ có tránh được rủi ro cho hệ thống ngân hàng, hay cần một giải pháp nào khác?

Ông Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, chưa hẳn việc sáp nhập ngân hàng nhỏ là ổn. Mà việc sáp nhập hay không phải là vấn đề tự nguyện.

Nhỏ không phải yếu!
Thưa ông, nhiều người cho nếu các ngân hàng nhỏ vẫn tiếp tục không đáp ứng đủ vốn điều lệ lên mức 3.000 tỷ trong năm nay, thì nên để các ngân hàng này sáp nhập cho “cứng cáp”. Ông đánh giá thế nào về vốn của các ngân hàng nhỏ trong nước?
Theo tôi, các ngân hàng được gọi là nhỏ (có vốn điều lệ dưới 3.000 tỷ) ở Việt Nam, nếu so với các ngân hàng được gọi là nhỏ ở Mỹ, thì vẫn lớn hơn rất nhiều. Hiện nay, mức vốn trung bình của các ngân hàng nhỏ ở Việt Nam là trên 2.000 tỷ (tương đương với 100 triệu USD) và mức vốn này là khá lớn nếu so với hệ thống ngân hàng trên thế giới nói chung.
Riêng về việc sáp nhập ngân hàng nhỏ cho “cứng cáp” thì tôi không nghĩ thế. Vì nếu là quy định của ngân hàng nhà nước, thì quy định đó phải dựa trên tiêu chí nào?

Thông thường phải dựa trên tiêu chí về tỷ lệ an toàn vốn để yêu cầu sáp nhập, nhưng nói thẳng ra, tỉ lệ an toàn vốn của các ngân hàng nhỏ hiện nay cao hơn các ngân hàng lớn rất nhiều. Trong khi các ngân hàng nhỏ có tỉ lệ an toàn vốn khoảng 30% thì các ngân hàng lớn chỉ khoảng 6%, 7% vì các ngân hàng nhỏ chưa mở rộng tín dụng.
Vậy theo ông, có nên sáp nhập các ngân hàng nhỏ hay không, và số vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng sẽ ảnh hưởng thế nào đến thanh khoản cũng như hoạt động của hệ thống ngân hàng?
Tôi cho rằng, việc sáp nhập hay không phải để các ngân hàng tự nguyện. Cũng giống như “hôn nhân”, nếu tự nguyện thì mới dễ giải quyết các vấn đề còn ép buộc sẽ khó thành công. Về phía các ngân hàng nhỏ, nếu họ thấy không quản lý nổi, có lợi trong sáp nhập thì họ sẽ sáp nhập thôi.
Trên phương diện phân tích các cơn khủng hoảng tài chính, chúng ta đều thấy rằng, nguyên nhân của khủng hoảng tài chính đều do các ngân hàng lớn gây ra chứ không phải ngân hàng nhỏ.

Nhận diện một ngân hàng tốt hay xấu, tôi không quan tâm đến vốn điều lệ phải trên 3.000 tỷ đồng, vì bản thân số vốn này không đánh giá được hoạt động của ngân hàng. Ví như người đang có 1 triệu đồng và sử dụng đồng vốn đó hiệu quả nhưng chưa chắc khi nắm 100 triệu đồng lại biết làm cho 100 triệu đồng đó “nảy nở” tốt như khi nắm một triệu đồng.

Vấn đề là ở quy mô và cách quản trị của mỗi ngân hàng chứ không nói đến đồng vốn của ngân hàng đó, vì cơ bản hiện nay, các ngân hàng nhỏ của Việt Nam cũng có số vốn khá ổn (từ 2.000 – 3.000 tỷ đồng).
Không riêng ngân hàng nhỏ mà hệ thống ngân hàng đều đang rất thiếu thanh khoản. Giải pháp nào để vừa cứu ngân hàng vừa giảm được lãi suất thưa ông? - Thanh khoản chỉ là số vốn trong thời điểm hiện tại của các ngân hàng nhỏ. Bởi vì, đa phần các ngân hàng này đều cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vay, cho vay bất động sản. Mà cho vay bất động sản thường mất thời gian dài, muốn thu hồi vốn phải cho vay đến cùng, trong khi nguồn huy động không dồi dào thì họ phải vay của dân.

Tôi nghĩ, Ngân hàng Nhà nước có thể giải quyết khó khăn này, để vừa “cứu” thanh khoản cho hệ thống ngân hàng vừa ổn định lãi suất. Bằng cách Ngân hàng Nhà nước nâng lãi suất tái chiết khấu lên, nếu ngân hàng không huy động được vốn thì cho vay.
Đối với các ngân hàng nhỏ thì cho vay bằng cầm cố, thế chấp các hợp đồng tín dụng hoặc cho vay bằng cầm cố vốn điều lệ. Trong thời hạn nhất định, nếu không trả được, Ngân hàng Nhà Nước có quyền bán các ngân hàng đó.

Như vậy, ngân hàng nào hoạt động yếu quá tất sẽ bị loại, ngân hàng hoạt động tốt lại kịp thời được cứu thanh khoản. Bản chất của Ngân hàng Trung ương là làm hai việc: Giữ không cho lạm phát gia tăng và giám sát không để thanh khoản của hệ thống có vấn đề, không làm hoảng loạn thị trường tài chính.
Xin cảm ơn ông!
Theo Mỹ Dung
Đất Việt
 
Back
Bên trên