Ra trường không có kinh nghiệm là lỗi của sinh viên?

Thời gian qua, có nhiều ý kiến cho rằng đòi hỏi kinh nghiệm trong tuyển dụng với sinh viên mới ra trường là không hợp lý: Kỹ sư IT mới ra trường phải có kinh nghiệm - 'đòi hỏi tuyển dụng vô lý', 'Đòi hỏi kinh nghiệm vô lý khi xin việc', Xin việc 'trẻ đòi kinh nghiệm, già chê hết thời'... Thế nhưng kinh nghiệm có phải thứ mà sinh viên vừa tốt nghiệp không thể có được ngay?

1700532420698.png

Làm việc hay học việc? Sự tranh cãi về yêu cầu kinh nghiệm

Đồng cảm với quan điểm của doanh nghiệp về việc đặt yêu cầu về kinh nghiệm, độc giả Hai nhấn mạnh rằng: “Doanh nghiệp là nơi để làm việc và kiếm lương, không phải là nơi để đào tạo nghề. Vì vậy, việc đòi hỏi tuyển dụng người có kinh nghiệm là điều hợp lý; họ đang tuyển dụng người làm việc, không phải người học nghề. Tại mỗi công ty, nhân viên đều nhận lương và thực hiện công việc được giao. Nếu một nhân viên mới không biết gì, làm thế nào có thể tham gia ngay vào công việc? Đặc biệt ở các công ty tư nhân, không có ai nhận lương để dạy nhân viên mới. Họ phải tự lo lắng về công việc của mình.

Hiện nay, một số sinh viên năm 3, 4 đã đi làm thêm ở các công ty rất nhiều rồi. Dù lương ít, chỉ đủ tiền xăng xe, nhưng họ chấp nhận như vậy để lấy kinh nghiệm và khi ra trường có thể làm việc luôn. Còn lại, một số sinh viên rất lười, chỉ thích chơi nên khi ra trường không biết gì, kinh nghiệm không có thì làm việc thế nào?”.

Đồng quan điểm, bạn đọc Leauhoang cho rằng sinh viên cần tích lũy kinh nghiệm ngay trên ghế nhà trường: “Từ năm hai Đại học, tôi cùng rất nhiều bạn bè đã ra công trường bê vữa, bốc gạch rồi, phần vì để kiếm thêm, phần vì tò mò yêu thích ngành học, muốn trải nghiệm thực tế. Ai trong ngành kiến trúc cũng sẽ hiểu khối lượng đồ án cho sinh viên ám ảnh đến thế nào, nhưng không bao giờ thiếu chỗ cho việc làm thêm.

Đến lúc chính thức ra khỏi trường đại học, chúng tôi đã có hơn hai năm kinh nghiệm làm việc ở hai công ty khác nhau và Portfolio thừa để dùng bằng tốt nghiệp làm lót chuột. Thậm chí, trong công ty trước mà tôi làm có một em không đi học cao đẳng, đại học gì cả, nhưng đi làm từ năm 18 tuổi. 5 năm sau, em ngồi chung mâm các Senior, trong khi các bạn cùng trang lứa còn chưa tốt nghiệp. Chưa bao giờ tôi hiểu được phàn nàn về việc yêu cầu kinh nghiệm của các sinh viên mới ra trường hiện nay. Rất nhiều em được ăn học nhưng có cái tôi lớn gấp nhiều lần năng lực và thiếu sự tôn trọng, tử tế với ngành mình làm”.
“Kinh nghiệm chính là các dự án, đồ án môn học trong quá trình học, kinh nghiệm thực tập… Tôi thấy nhiều bạn sinh viên khi đi học không quan tâm việc này, thậm chí có bạn đi thực tập chỉ để xin giấy chứng nhận thực tập, còn thời gian thực tập lại tranh thủ đi làm thêm kiếm tiền. Do đó, lời khuyên của tôi là các bạn nên tham gia và làm các dự án đồ án môn học trong trường một cách thực chất. Còn thời gian thực tập nên tập trung thực hiện task công ty giao thật tốt, thậm chí tìm hiểu và xin các task mình muốn làm trong tương lai từ người hướng dẫn thực tập trong công ty”, độc giả Google nói thêm.​

Đòi hỏi kinh nghiệm với sinh viên mới ra trường không hề vô lý

Chỉ ra sai lầm của sinh viên khi không tích lũy kinh nghiệm trước khi ra trường, bạn đọc Tieunho bình luận: “Nhiều bạn cứ cắm cúi học xong ra trường đòi mức lương cao và chỗ phải mau thăng tiến, không chịu là thực tập sinh hay cố gắng học hỏi thêm để đi làm trước khi ra trường. Tôi cũng thấy vài bạn IT chưa ra trường, đi làm cho một công ty khởi nghiệp vì không cần bằng cấp mà chỉ cần chịu khó, tư duy cũng như chịu áp lực khi làm và lương vừa đủ. Nhưng bù lại họ có cơ hội học kinh nghiệm, cũng như bổ sung kiến thức thực tế để ra trường không quá bỡ ngỡ môi trường doanh nghiệp. Với nhiều bạn có điều kiện, việc này là phí thời gian, nhưng nếu chỉ tập trung kiến thức và ra trường đòi phải lương cao, chỗ tốt thì giống như ‘mò kim đáy bể’, ngoại trừ một số bạn thật sự xuất sắc”.

Nhấn mạnh trách nhiệm của sinh viên khi tự trang bị kinh nghiệm cho bản thân từ sớm, độc giả Tamduc chia sẻ: “Đúng là nếu sinh viên mà học xong không có kinh nghiệm thì thuộc dạng lười, không chịu học hỏi, làm thêm vì luôn có đủ công việc từ đơn giản tới khó để làm thêm và tích lũy kinh nghiệm. Nếu công ty đòi hỏi có kinh nghiệm với sinh viên mới ra trường thì chẳng có gì là quá đáng cả. Còn nếu bạn không có kinh nghiệm thì liệu có học được gì cho ra hồn không mà người ta dám nhận vào làm?”.

Lấy dẫn chứng từ các nền giáo dục phát triển, bạn đọc Jack nguyen kết lại: “Tại Canada, sinh viên khi học luôn được khuyến khích làm thêm và tự mỗi người học cũng phải tìm cách tham gia các công việc có liên quan đến chuyên môn của mình để tích lũy kinh nghiệm. Và các sinh viên này sau khi tốt nghiệp luôn có cơ hội có việc làm cao hơn các bạn khác. Du học sinh Việt khi sang Canada học rất yếu khoản này. Họ ‘học’ tốt nhưng ‘hành’ lại kém nên sau khi học xong rất khó khăn để cạnh tranh trên thị trường lao động. Tôi nghĩ các em sinh viên dù ở đâu cũng nên phải thay đổi tư duy này. Học là phải có hành, và thực hành ngay trong thời gian học”.

>>> Xem thêm: Phỏng vấn trong tháng 11/2023 - Chailease Tuyển Dụng vị trí Quan Hệ Khách Hàng Doanh Nghiệp

— HR Insider —
Theo Vietnamworks
 
Back
Bên trên