Nợ xấu ngân hàng: Con số mà biết nói năng…

  • Bắt đầu Bắt đầu phuong1290
  • Ngày bắt đầu Ngày bắt đầu

phuong1290

Super Moderator
Super Mod
Sự hoảng hốt liên tiếp được ném vào đám đông. Giá như con số mà biết nói năng, nhiều người đỡ phải giật mình.

Hồi tháng 4/2012, tổng giám đốc một doanh nghiệp tại Tp.HCM có gửi thư hỏi: “Tình hình vĩ mô có vẻ xấu vậy em? Nợ xấu ngân hàng tăng như vậy, có nguồn nào để tham khảo cho chính xác không?”.

Theo chủ quan, người viết trấn an rằng nợ xấu hệ thống hiện chỉ khoảng 3,4% “thôi”. Sự trấn an này gặp phản biện: “Mới rồi Fitch nói là hơn 12% thì sao?”. Vênh lớn như vậy do theo chuẩn quốc tế hoặc nội địa.

Thế rồi, chiều 7/6/2012, giải trình trước Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đưa ra con số nợ xấu tới 10%. Công chúng xôn xao.

Nguyên văn Thống đốc Bình nói như sau: “Về nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, theo số liệu của nhiều bên đánh giá khác nhau, nhưng số liệu đánh giá của Ngân hàng Nhà nước nợ xấu của ngân hàng tính chung trong toàn hệ thống tăng từ 6% toàn hệ thống đến mức 10% toàn hệ thống. Với nợ xấu lớn như vậy làm cho chi phí vốn các ngân hàng thương mại phải gánh 10% nợ xấu cho nên chi phí vốn thực tế của các ngân hàng vẫn còn cao”.



Lần đầu tiên con số 6% và 10% nợ xấu ngân hàng được đưa ra chính thức, chính nguồn như vậy. Ngay sau đó, có ý kiến bình luận rằng Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã dũng cảm đưa ra con số đó, nhìn thẳng vào sự thực.

Còn với công chúng, sự thực nên được hiểu như thế nào? Các con số 3,2% đầu năm và 3,6% tại thời điểm Ngân hàng Nhà nước tổ chức họp báo và đưa ra (ngày 11/4/2012) cũng thực thì sao?

Một sự hốt hoảng được ném vào đám đông, cho đến nay chưa có một sự giải thích chính thức nào. Nhưng có thể ngầm hiểu, sự chênh lệch rất lớn đó đều có chung một sự thực: là một, chỉ khác về sự phân loại hay theo tiêu chuẩn đánh giá của quốc tế hay của Việt Nam mà thôi. Nhưng Ngân hàng Nhà nước chưa nêu cụ thể sự khác biệt về các chuẩn đó, và tại sao vừa mới nói theo chuẩn này nay lại theo chuẩn khác. Và tóm lại, nên theo chuẩn nào?

Chưa hết, cũng tại diễn đàn Quốc hội kỳ họp vừa qua, trả lời chất vấn bằng văn bản, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết: tính đến ngày 30/4/2012, nợ xấu của toàn hệ thống tổ chức tín dụng khoảng 108,6 nghìn tỷ đồng, tăng 28,18 nghìn tỷ đồng (35%) với tốc độ tăng trung bình 8,6%/tháng, cao hơn so với mức tăng bình quân cùng kỳ năm trước.

Với dữ liệu trên, tính theo tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế đến tháng 4/2012, lượng nợ xấu trên chiếm khoảng 4,15%. Lại thêm một con số nữa, và lần này chắc là phân loại theo chuẩn Việt Nam.

Là một, nhưng có hai cách thể hiện. Nhưng mỗi cách có thể mang một hàm ý khác nhau.

Thứ nhất, nếu theo chuẩn quốc tế, nợ xấu của hệ thống ngân hàng ở khoảng 10%, là rất lớn khiến các nhà băng nặng gánh thêm chi phí và khó giảm lãi suất được nhanh và mạnh như mong muốn (dù cách nói này vấp phải phản ứng của dư luận, rằng người vay đang phải gánh một phần chi phí cho nợ xấu cho ngân hàng?).

Thứ hai, cũng là một cách nói, theo chuẩn Việt Nam, nợ xấu chỉ khoảng hơn 4%, vẫn yên tâm vì trong tầm kiểm soát (?).

Sử dụng cách nói nào tùy thuộc vào mục đích của người nói, gắn với tình huống cụ thể. Với thị trường, nên chăng thống nhất một cách cho dễ hiểu, đỡ phải hoảng hốt.

Chưa hết, những ngày này các dòng chảy thông tin lại xôn xao con số về dư nợ cho vay bất động sản.

Đầu tuần này, một số báo dẫn nguồn báo cáo của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, nêu: tính đến cuối năm 2011, tổng dư nợ cho vay bất động sản là 348.000 tỷ đồng.

Thêm một sự hoảng hốt ném vào đám đông. Bởi lẽ, cuối năm 2011 con số mà các cơ quan chức năng đưa ra chỉ quanh mức 200.000 tỷ đồng.

Hay một tham khảo khác, cũng tại buổi họp báo ngày 11/4/2012, dữ liệu được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đưa ra là: dư nợ cho vay lĩnh vực không khuyến khích cuối tháng 12/2011 chiếm tỷ trọng trên 11%. Theo đó, một tính toán tương đối cho thấy, con số dư nợ ở lĩnh vực này là khoảng 275.000 tỷ đồng, trừ đi phần dư nợ cho vay chứng khoán cũng nằm trong rổ không khuyến khích (chiếm khoảng 3% tổng dư nợ), thì số còn lại khoảng 200.000 tỷ đồng; trừ đi phần của tín dụng tiêu dùng nữa, chênh lệch không lớn.

Thế nhưng, khi so với con số 348.000 tỷ đồng dư nợ cho vay bất động sản cuối năm 2011 dẫn nguồn báo cáo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia thì đã có một sự chênh lệch quá lớn.

Ở đây, con số biết nói và nói lên nhiều điều. Giả sử 348.000 tỷ đồng dư nợ bất động sản cuối 2011 là thực, nó đã chiếm tới gần 14% tổng dư nợ của toàn hệ thống. Câu chuyện liên quan ở tình huống này là giới hạn tỷ trọng tín dụng phi sản xuất 16% cuối năm 2011 liệu có được thực hiện nghiêm và chính xác hay không?

Hay sự thiếu thống nhất, nhiễu số liệu như những tình huống trên dễ dẫn đến nghi ngại về tính xác thực, mà phía sau đó là phản ứng của thị trường, có thể là cả lợi ích của các nhà đầu tư.

Như vừa mời đây thôi, có nhà đầu tư nào bị ngã ngửa khi chỉ sau vài tháng thông tin nợ xấu của Ngân hàng Nhà Hà Nội (Habubank) từ 4,69% vọt lên 16,06%, và khi sự thực lộ ra họ không kịp trở tay?

Minh Đức
Theo VnEconomy
 
Agribank Tuyển Dụng 2024

Tin tuyển dụng mới nhất

Thống kê MXH

Tổng số chủ đề
34,586
Số bình luận
528,101
Tổng số thành viên
352,689
Thành viên mới nhất
aviciimerch
Back
Bên trên