Những cái van bị vỡ

olakun89

Thành viên
Nó chỉ là một cái van nhỏ thôi.

Theo sự tính toán cá nhân của tôi – hay nói cách khác, là tôi đoán – thì chắc chỉ hết tổng cộng khoảng 40 giây để tôi đi từ cái ghế trong phòng tới chỗ cái van ở vườn trước, mở nắp ra, khóa van, đóng nắp lại và quay về ghế ngồi. Thực tế, có lẽ tôi gõ một câu về việc chỉnh lại cái van đó còn tốn nhiều thời gian hơn là thực sự làm nó.

Thế mà tôi không làm.

Sự tình là thế này: hồi tôi mới vào trung học, với tư cách là “đàn ông” trong nhà, tôi tự nhận rằng từ giờ mình sẽ giải quyết mọi việc liên quan đến máy móc, công cụ…, nói tóm lại là những việc mà đàn ông thường nên làm. Cho nên việc chỉnh các thể loại van nước tất nhiên thuộc phận sự của tôi.

Cả cái van nước ngoài vườn trước cũng thế.

Không phải là không ai nhắc tôi làm. Thành phố đã có thông báo, nhắc tất cả mọi hộ gia đình rằng đủ loại bệnh tật khủng khiếp có thể là hậu quả của việc chúng tôi không chịu tắt cái van đó. Đấy là tôi suy ra, chứ còn lời cảnh báo thực ra là liên quan đến khả năng những dòng chảy từ sông suối có thể chảy vào vườn và nhiều mạch nước ngầm có thể phun lên qua những cái lỗ ở các đường ống nước bị vỡ.

Mẹ tôi cũng nhắc tôi – vài lần liền, theo như tôi nhớ. Mỗi cuộc nói chuyện đó đều bắt đầu như thế này:

“Này, con đã khóa cái van ở hệ thống ống tưới nước nhà mình chưa?” – Mẹ sẽ hỏi bằng giọng rất dịu dàng, mặc dù tôi tin rằng mẹ đã biết câu trả lời cho câu hỏi đó.

“À, con biết rồi” – Tôi sẽ nói giữa những lần nhai bỏng ngô – “Con biết là phải làm thế”.

“Mẹ nghĩ sẽ tốt hơn nếu con làm trước khi có vấn đề gì xảy ra” – Mẹ nói thêm.

“Con biết rồi” – Tôi lại đáp, và với cái miệng đầy bỏng ngô thì câu đó chỉ nghe như tiếng ậm ừ. Rồi tôi nuốt hết chỗ bỏng và nói thêm một cách chân thành: “Con đã bảo mẹ không phải lo mà, đấy là việc của con, mai con làm – con hứa đấy”.

Vấn đề chỉ là tôi vẫn không làm.

Không phải là tôi lười đâu. Chỉ là trong suy nghĩ của tôi thì chẳng có gì phải vội lắm vì thời tiết vẫn đang rất tốt, chắc chẳng có việc gì xảy ra cả. Và vào những dịp hiếm hoi khi tôi thực sự nghĩ đến việc đi khóa van, thì tôi lại thấy chẳng việc gì phải làm ngay vì chẳng có lý do nào để phải cuống lên hết. Tôi tự bảo mình rằng nếu trời bỗng nhiên mưa bão thì tôi có thể chạy ù ngay ra ngoài vườn và khóa van, thế là xong.

Dù gì đi nữa, cũng chỉ tốn khoảng 40 giây để làm xong thôi mà.

Và đấy lại là một việc đơn giản đến mức ngay cả tôi cũng không thể làm hỏng chuyện được.

Chỉ có điều, tôi đã làm hỏng chuyện – bằng cách không làm gì cả.

Và bây giờ chúng tôi đang trả giá, với một vài cái van của hệ thống ống tưới nước bị nứt, một khu vườn và tầng hầm ngập nước và có thể mấy bức tường cũng đã bị hư hại phần nào vì nước ướt sũng cả. Cho đến khi việc sửa chữa hệ thống tưới nước và tầng hầm được hoàn thành, thì việc tôi không-hành-động đã khiến mẹ tôi tốn vài trăm đôla, đấy là chưa kể sự bất tiện đối với cả gia đình và khuôn mặt hết sức nhăn nhó của mẹ - mà tôi biết rằng mẹ đã phải cố kiềm chế lắm mới không nói ra câu mà tôi rất xứng đáng được nghe “Mẹ đã bảo rồi mà!”.

Một trong những bài học lớn nhất mà cuộc sống dạy tất cả chúng ta là sự trì hoãn không đơn giản là chậm trễ một hành động hay một quyết định. Không-làm-gì-cả, thực chất, lại là có làm một hành động. Nếu có một việc phải làm hay một quyết định phải đưa ra, thì chọn cách trì hoãn tức là chọn chuỗi hành động sẽ đem lại những hậu quả và những tác động riêng.

“Trong một khoảnh khắc quyết định” – Cố Tổng thống Theodore Roosevelt từng nói – “thì điều tồi tệ nhất bạn có thể làm chính là không làm gì cả”.

Hay theo ngôn ngữ bất hủ của Mae West, diễn viên kiêm kịch tác gia: “Người chần chừ chính là người cuối cùng”.

Và có thể là người phải trả tiền cho những cái van bị hỏng và những tầng hầm bị ngập.
 

Tin tuyển dụng mới nhất

Thống kê MXH

Tổng số chủ đề
34,577
Số bình luận
528,089
Tổng số thành viên
351,573
Thành viên mới nhất
Minhthu02
Back
Bên trên