Một số suy nghĩ bước đầu về tác động của chính sách tiền tệ đến nền kinh tế

Black

Verified Banker
Hiện nay, hoạt động của doanh nghiệp đang có rất nhiều khó khăn và các nguyên nhân, giải pháp về lĩnh vực tiền tệ, hoạt động ngân hàng lại được bàn đến nhiều nhất. Nhiều đề xuất được đưa ra và đã có định hướng cần phải đánh giá tác động của chính sách tiền tệ đến nền kinh tế thời gian qua cũng như hiện nay. Bài viết xin được trao đổi một số suy nghĩ bước đầu về chủ đề này.

Từ năm 2008 đến nay, kinh tế thế giới và kinh tế trong nước diễn biến hết sức phức tạp. Cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ bắt nguồn từ khủng hoảng tín dụng thứ cấp tại Mỹ xảy ra từ nửa cuối năm 2008 tác động đến kinh tế toàn cầu, cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Giá cả các mặt hàng chủ chốt trên thị trường thế giới: dầu thô, lương thực, thực phẩm, vàng,.... biến động khó lường. Tình hình đó tác động trực tiếp, nhiều mặt đến diễn biến kinh tế vĩ mô trong nước, nên đòi hỏi điều hành chính sách tiền tệ cũng cần có những thận trọng, chặt chẽ nhưng cũng phải chủ động và linh hoạt, thích ứng kịp thời với những diễn biến nhanh của thị trường.

Từ đầu quý IV năm 2010 đến đầu năm 2012, chính sách tiền tệ đã được điều hành theo hướng nói trên. Bên cạnh các loại lãi suất điều hành của NHNN được điều chỉnh tăng cao, thì một số chính sách khác cũng được thực thi, như hạn mức tăng trưởng tín dụng nói chung và giới hạn tỷ lệ dư nợ cho vay phi sản xuất trong tổng đư nợ, trực tiếp là chứng khoán và bất động sản được đưa ra áp dụng.

Các biện pháp khác về tỷ giá, quản lý ngoại tệ, thị trường vàng cũng được thực thi, hỗ trợ hiệu quả cho thực hiện mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ. Đến nay nhìn nhận lại những tác động của điều hành chính sách tiền tệ đến kinh tế vĩ mô có thể thấy rõ ở những điểm chính sau:

Một là,
lạm phát được kiềm chế có hiệu quả, song vẫn đảm bảo được tăng trưởng kinh tế ở mức khá. Năm 2011, chỉ số CPI là 18,15%, còn GDP tăng 5,85%; 5 tháng đầu năm 2012 CPI tăng 2,78%, trong quý I năm 2012, tăng trưởng kinh tế ở mức 4%, sang quý II năm 2012 dự báo 4,5%.. Bên cạnh đó, thị trường vàng và ngoại tệ ổn định, năm 2011 nếu như giá vàng tăng 24,09% thì 5 tháng đầu năm 2012 lại giảm tới 2,71%. Tỷ giá USD/VND năm 2011 tăng 2,24% nhưng 5 tháng đầu năm 2012 chỉ tăng có 0,06%. Việc kiềm chế lạm phát có hiệu quả, ổn định giá trị đồng Việt Nam có tác động tốt đến ổn định thị trường vàng và ngoại tệ. Đến lượt nó, kiểm soát và ổn định thị trường vàng, ngoại tệ, có tác động tích cực đến kiềm chế lạm phát. Đành rằng có một nhân tố khách quan đó là giá vàng quốc tế giảm và ổn định tạo tiền đề cho ổn định giá vàng trong nước. Song với những biện pháp kiên quyết và phù hợp thì nhân tố chủ quan về cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể của NHNN đóng vai trò rất quan trọng. Việc điều hành chính sách tiền tệ tạo khoảng cách chênh lệch khá xa giữa lãi suất tiền gửi ngoại tệ và tiền gửi nội tệ: Trần lãi suất tiền gửi USD là 2%/năm so với trần lãi suất VND 14%, 13%, 12%, 11% và 9%/năm, đã tạo ra động lực kinh tế thực sự góp phần thúc đẩy cho sự lựa chọn của đông đảo người dân chuyển đổi từ USD sang gửi tiết kiệm VND. Đồng thời với việc mở rộng diện dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ đối với các TCTD, cùng với những sửa đổi, bổ sung về cơ chế, chính sách quản lý ngoại hối, điều hành tỷ giá, đã tạo sự thay đổi lớn về quan hệ cung cầu ngoại tệ trên thị trường, tác động tích cực đến cả xuất khẩu, nhập khẩu, vay nợ nước ngoài. Không những vậy, còn tạo điều kiện cho NHNN từ cuối năm 2011 đến nay mua thêm được 9 tỷ USD bổ sung cho quỹ dự trữ ngoại hối của Nhà nước. Hơn thế nữa, việc điều hành còn giúp hạn chế tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế. Nếu như các năm: 2008, 2009, 2010 và năm 2011, tỷ giá không ổn định (năm 2009 tăng tới 10,7% và năm 2010 tăng 9,68%) thì từ quý IV năm 2011 đến nay tỷ giá ổn định, lòng tin vào Đồng Việt Nam tăng thêm. Trước đó, các tổ chức quốc tế lo lắng, nhưng hiện tại đưa mức đánh giá tín nhiệm Đồng Việt Nam duy trì ở mức B+, dự trữ ngoại hối của Việt Nam cũng tăng lên. Cán cân tổng thể thanh toán quốc tế quý I/2012 thặng dư 5 tỷ USD, quý II dự báo mặc dù không đạt được như quý I nhưng vẫn có đà thặng dư.

Hai là,
triển khai thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, NHNN tăng cao các loại lãi suất chủ đạo, khống chế hạn mức tín dụng,... Đông đảo dư luận, kể cả các nhà nghiên cứu, nhiều chuyên gia,... cũng cho rằng nhiều doanh nghiệp sẽ hết sức khó khăn, nhất là các doanh nghiệp sử dụng chủ yếu bằng vốn vay ngân hàng, doanh nghiệp đầu cơ, quản trị điều hành yếu, chiến lược kinh doanh không phù hợp. Đã có không ít doanh nghiệp bị giải thể, ngừng hoạt động trong năm 2011 và 5 tháng đầu năm 2012, đó cũng là quy luật bình thường của sự phát triển, của sự chuyển động trong nền kinh tế. Tác động này là điều đã được dự báo trước.

Ba là,
triển khai thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, Thống đốc NHNN đã tuyên bố và đông đảo dư luận đồng tình đó là sẽ làm giảm tổng cầu trong nền kinh tế. Tác động của chính sách tiền tệ thường có độ trễ nhất định, thông thường từ 6 tháng đến 1 năm. Vì vậy đến nay do tác động của chính sách tiền tệ chặt chẽ, do tác động của chính sách tài khóa thắt chặt, cắt giảm đầu tư công, khủng hoảng tài chính tại Mỹ và khủng hoảng nợ công tại châu Âu... cùng một số yếu tố khác, nên lượng hàng tồn kho của doanh nghiệp tăng lên là diễn biến tất yếu. Chính bản thân doanh nghiệp cần chủ động dự báo trước tác động này để có kế hoạch sản xuất và tiêu thụ phù hợp. Bốn là chính sách tiền tệ tác động đến điều chỉnh cơ cấu nền kinh tế. Cùng với lãi suất, tỷ trọng dư nợ cho vay đối với lĩnh vực phi sản xuất trong tổng dư nợ của mỗi TCTD được giảm xuống còn 22% cuối tháng 6-2011 và 16% cuối năm 2011, nhất là lĩnh vực bất động sản, chứng khoán. Nhờ đó, đã hạn chế được các doanh nghiệp đầu cơ vào lĩnh vực bất động sản, chứng khoán. Đây là sự điều chỉnh có tác động tích cực đối với nền kinh tế. Sự điều chỉnh này còn tác động đến lĩnh vực có liên quan, như sắt thép, xi măng,....Các mặt hàng này tồn kho tăng có nguyên nhân chính là các doanh nghiệp đầu tư quá lớn, chạy đua cạnh tranh mở rộng và xây dựng nhà máy. Do đó, sự tác động của chính sách tiền tệ theo hướng nói trên là phù hợp theo mục tiêu của chính sách. Bên cạnh đó, trong điều hành chính sách tiền tệ, vốn đầu tư được khuyến khích cho vay lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp bổ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nhiều lao động. Việc điều hành hướng dòng vốn tín dụng ngân hàng tập trung cho các lĩnh vực này không chỉ ở việc giới hạn trần lãi suất cho vay tối đa Đồng Việt Nam ở các mức: 15%/năm, 14,5%/năm, 13%/năm mà còn ở việc sử dụng các công cụ trong điều hành chính sách tiền tệ, như mở rộng cho vay tái cấp vốn, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các Tổ chức tín dụng cho vay nông nghiệp – nông thôn. Các NHTM đưa ra các chương trình ưu tiên lãi suất và vốn cho lĩnh vực sản xuất và thu mua hàng xuất khẩu,...

Cũng từ thực tế điều hành chính sách thời gian qua, cần thấy rằng lạm phát ở nước ta là do nhiều yếu tố khác nhau, chứ không phải riêng vấn đề tiền tệ:

Một là,
trong các năm 2010 - 2011 diễn biến của thị trường thế giới rất phức tạp, giá dầu thô và các loại nguyên nhiên, vật liệu tăng cao,... làm tăng chi phí đầu vào, làm tăng giá thành của sản phẩm. Như vậy từ góc độ này có thể thấy, lạm phát cao ở nước ta có nguyên nhân do thị trường quốc tế ( nhập khẩu lạm phát), do lạm phát chi phí đẩy, do cầu kéo.

Hai là,
giá vàng thế giới tăng mạnh, tới trên 64% năm 2009 và hơn 30% năm 2010, giá vàng trong nước cũng biến động cùng chiều, tác động rất lớn đến tâm lý người dân, tạo sức ép lớn về ổn định tiền tệ và tỷ giá.

Ba là,
về chính sách tài khóa: Thâm hụt ngân sách cao, sử dụng ngân sách còn nhiều vấn đề đặt ra, đầu tư công kém hiệu quả.

Bốn là,
việc quản lý thị trường bất động sản bị buông lỏng. Các dự án xây dựng sân bay, bến cảng, khu công nghiệp, khu đô thị, khu kinh tế, dự án nhà ở,... được thi nhau triển khai ở các được phương,... đã “hút” một lượng vốn tín dụng ngân hàng không nhỏ. Vốn tín dụng ngân hàng đang phát sinh nợ đọng, nợ xấu trong lĩnh vực này tăng lên.

Năm là,
chính sách thương mại để tình trạng thâm hụt cán cân xuất nhập khẩu ở mức độ lớn và kéo dài, tạo sức ép lên tỷ giá và điều hành chính sách tiền tệ. Bên cạnh đó việc quản lý các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước có nhiều yếu kém, điển hình là Vinashin, Vinalines,... vốn sử dụng kém hiệu quả và thất thoát, đang làm phát sinh nhiều khoản nợ xấu đối với các NHTM. Cũng từ việc phân tích nguyên nhân lạm phát không phải duy nhất và bao giờ cũng chỉ tập trung vào chính sách tiền tệ, nên thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát cần xác định mức độ phù hợp. Việc sử dụng quá nhiều biện pháp và công cụ để thắt chặt tiền tệ cũng cần được cân nhắc kỹ lưỡng để không tác động tiêu cực đến thị trường tiền tệ và ảnh hưởng đến hoạt động của các NHTM.

PGS.TS. Nguyễn Đắc Hưng
 

Tin tuyển dụng mới nhất

Thống kê MXH

Tổng số chủ đề
34,577
Số bình luận
528,084
Tổng số thành viên
351,481
Thành viên mới nhất
Linkin Park Mer
Back
Bên trên