Một số biến thể của điều kiện FOB và CIF trong thương mại quốc tế

Một số biến thể của điều kiện FOB trong thương mại quốc tế

FOB là điều kiện cơ sở giao hàng phổ biến được áp dụng trong phương thức vận tải đường biển. Tuy nhiên, bên cạnh điều kiện FOB được quy định theo Incoterms 2010 và các phiên bản trước đây của Incoterms do Phòng Thương mại Quốc tế ICC ban hành, trong thực tiễn hoạt động buôn bán quốc tế, FOB có một số biến dạng nhất định, doanh nghiệp nên biết cách dùng các biến dạng này nhằm hạn chế rủi ro về vi phạm nghĩa vụ hợp đồng cũng như tránh trả phí hai lần, cụ thể như sau:

+ FOB điều kiện tàu chợ (FOB berth terms): tiền cước tàu chợ đã bao gồm cả chi phí bốc hàng và chi phí dỡ hàng nên người bán không phải trả chi phí bốc hàng.
Lưu ý: Điều kiện này được áp dụng trong các giao dịch mà người mua thuê tàu chợ và trong cước phí đã bao gồm cả chi phí bốc, dỡ hàng hóa. Người bán không phải thực hiện việc bốc hàng.

+ FOB chở tới đích (FOB shipment to destination): bên cạnh các nghĩa vụ như FOB trong Incoterms, người bán có thêm nghĩa vụ thuê tàu để chở hàng đến cảng đích, theo sự ủy thác của người mua và chi phí do người mua chịu.
Lưu ý: Áp dụng trong trường hợp người bán có thuận lợi và kinh nghiệm hơn trong việc thuê tàu. Để bảo đảm quyền lợi của người mua, trong hợp đồng mua bán nếu quy định điều kiện này, người mua cần thêm điều khoản quy định cụ thể về nghĩa vụ thuê tàu của bên bán, tiêu chuẩn của tàu về kỹ thuật để đảm bảo an toàn hàng hải - tránh việc người bán tham rẻ thuê tàu chất lượng không đảm bảo.

+ FOB san hàng (FOB trimmed) hoặc FOB xếp hàng (FOB stowed): Sau khi xếp hàng lên tàu, người bán có thêm nghĩa vụ xếp hàng (hàng đóng trong container hoặc trong bao kiện) hoặc san cào hàng hóa trên tàu (hàng rời như một số quặng, than đá,…). Chi phí xếp hàng hoặc san cào hàng hóa do người bán chịu. Mọi rủi ro liên quan tới hàng hóa chuyển từ người bán sang người mua sau khi người bán hoàn thành việc xếp hàng hoặc san cào hàng hóa.
Lưu ý: Doanh nghiệp lưu ý trong trường hợp này rủi ro chuyển giao muộn hơn so với FOB thông thường. Áp dụng trong các trường hợp người bán sau khi bốc hàng lên tàu sẽ thực hiện luôn việc sắp xếp hàng hóa trên tàu, không có sự phân chia riêng biệt giữa chi phí bốc hàng và chi phí sắp xếp hàng hóa.

+ FOB dưới cần cẩu (FOB under tackle): rủi ro và tổn thất về hàng hóa được chuyển từ người bán sang người mua kể từ khi móc cẩu móc vào hàng để đưa hàng lên tàu tại cảng đi.
Lưu ý: Doanh nghiệp lưu ý trong trường hợp này, rủi ro chuyển giao sớm hơn so với FOB thông thường trong Incoterms 2010.

Bên cạnh những biến thể trên đây, Hoa Kỳ còn có những quy định rất riêng liên quan tới điều kiện FOB (trong “Định nghĩa sửa đổi về ngoại thương của Mỹ năm 1941”).

Theo đó, FOB do Hoa Kỳ quy định có nhiều nội dung rất khác so với Incoterms 2010. Vì vậy, khi làm việc với thương nhân Mỹ, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam cũng cần tìm hiểu thêm về tập quán FOB theo quy định riêng của Hoa Kỳ để thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, tránh vi phạm hợp đồng.

Một số biến thể của điều kiện CIF trong thương mại quốc tế

Bên cạnh điều kiện CIF được quy định cụ thể và chi tiết trong Incoterms 2010, trong mua bán hàng hóa quốc tế, thực tiễn mua bán quốc tế đã phát sinh thêm một số biến thể của CIF – các doanh nghiệp nên lưu ý các điều kiện này để đảm bảo thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trong hợp đồng nếu phía đối tác có yêu cầu dẫn chiếu tới các biến thể này trong hợp đồng mua bán:

+ CIF hàng nổi (CIF afloat): hàng hóa là đối tượng của hợp đồng đã ở trên tàu (trên đường đi) từ trước khi hợp đồng được ký kết.
Lưu ý: Áp dụng trong các hợp đồng mua đi bán lại nhiều lần, thường sử dụng bằng việc ký hậu vận đơn (B/L theo lệnh) hoặc trao tay (B/L vô danh)

+ CIF lên bờ (CIF landed): bên cạnh những nghĩa vụ như điều kiện CIF thông thường, người bán còn có thêm nghĩa vụ tiến hành việc dỡ hàng lên bờ tại cảng dỡ. Chi phí dỡ hàng cũng do người bán chịu.
Lưu ý: người bán tiến hành dỡ hàng nhưng rủi ro về hàng hóa vẫn chuyển từ khi hàng được bốc lên tàu tại cảng đi, người mua vẫn chịu rủi ro trong quá trình người bán dỡ hàng. Nếu phát sinh việc phải tiến hành lõng hàng thì chi phí lõng hàng cũng do người bán chịu – các chi phí này đều sẽ được người bán cộng vào giá bán. Áp dụng trong những trường hợp khi người mua không có điều kiện để thực hiện việc dỡ hàng.

+ CIF cộng lệ phí và cộng lãi (CIF c & i): giá hàng là giá CIF cộng thêm khoản lệ phí ngân hàng và khoản lãi ước tính cho việc chiết khấu hối phiếu.
+ CIF cộng hoa hồng (CIF & c): giá hàng là giá CIF cộng thêm hoa hồng phải trả cho thương nhân trung gian ở nước xuất khẩu.
+ CIF cộng hối đoái: giá hàng là giá CIF cộng thêm một khoản tiền liên quan đến việc chuyển đổi đồng tiền của nước nhập khẩu sang đồng tiền của nước xuất khẩu.
Lưu ý: “hối đoái” ở đây có thể hiểu theo hai nghĩa:
Phí đổi tiền của ngân hàng;
Khoản tiền để bù đắp cho người xuất khẩu những thiệt hại có thể xảy ra do biến động tỷ giá giữa hai đồng tiền
Do đó, nếu hợp đồng có ghi điều kiện này thì các bên phải giải thích cụ thể về cách hiểu.
Lưu ý: điều kiện này được áp dụng khi người bán muốn nhận được tiền sớm bằng cách chiết khấu hối phiếu tại ngân hàng. Khi chiết khấu, người bán sẽ giữ nguyên được khoản tiền hàng.

+ CIF cộng bảo hiểm chiến tranh (CIF & W): giá hàng là giá CIF cộng thêm phí bảo hiểm chiến tranh mà người bán mua theo yêu cầu của người mua.
Lưu ý: chỉ áp dụng khi người mua nhận thấy có rủi ro liên quan đến an ninh, chiến tranh trên tuyến đường hành trình hàng hải của lô hàng.
+ CIF FO (CIF free out): theo điều kiện này, người mua phải chịu mọi chi phí liên quan tới việc dỡ hàng ở cảng đến.
+ CIF FIO (CIF free in and out): CIF mà người bán không phải chịu chi phí bốc, dỡ hàng.
+ CIF điều kiện tàu chợ (CIF berth terms): chi phí bốc dỡ hàng đã được tính trong cước phí và được cộng vào giá bán, người mua không phải tra chi phí dỡ hàng tại cảng đến.
Lưu ý: trong những trường hợp chi phí bốc, dỡ hàng hóa đã được cộng vào cước phí – người mua cần lưu ý để tránh trả tiền hai lần. Các điều kiện này áp dụng trong các trường hợp mà người chuyên chở đã tính chi phí bốc, dỡ vào cước phí.
+ CIF lên bờ đã nộp thuế (CIF landed duty paid): giá hàng là giá CIF cộng thêm chi phí dỡ hàng lên bờ và tiền thuế nhập khẩu.
Lưu ý: trong trường hợp này, người bán chịu chi phí dỡ hàng và đóng thuế nhập khẩu.

+ CIF dưới cần cẩu (CIF under ship’s tackle): rủi ro đối với hàng hóa được chuyển từ người bán sang người mua kể từ khi cần cẩu móc vào hàng để đưa lên tàu tại cảng bốc hàng
Lưu ý: trường hợp này rủi ro không phải chuyển khi hàng “on board” mà chuyển sớm hơn so với CIF theo Incoterms 2010.

Những biến thể nêu ra trên đây phát sinh từ thực tiễn hoạt động mua bán xuất nhập khẩu và chưa được cụ thể hóa trong Incoterms. Vì vậy, khi đối tác nước ngoài muốn dẫn chiếu những điều kiện này vào hợp đồng mua bán, doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý để có thể làm rõ vấn đề nghĩa vụ, thời điểm chuyển giao rủi ro cũng như các nội dung liên quan tới chi phí bốc, dỡ hàng hóa,… để đảm bảo an toàn pháp lý, lợi nhuận cũng như tuân thủ nghĩa vụ hợp đồng.

Nguồn: thanhai.wordpress.com
 

Tin tuyển dụng mới nhất

Thống kê MXH

Tổng số chủ đề
34,574
Số bình luận
528,077
Tổng số thành viên
351,232
Thành viên mới nhất
xo88s
Back
Bên trên