Mong chờ gì từ thông điệp của tân Thống đốc?

mai.qth2710

Moderator
Ngay sau khi chính thức nhậm chức, tân Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã đưa ra thông điệp “gỡ” mối âu lo nhất của doanh nghiệp: hạ lãi suất cho vay.

“Ép uổng” lãi suất


Từ trung tuần tháng 7 một số NHTM đã giảm lãi suất cho vay, nhưng không đáng kể. Theo thống kê của NHNN, trong tháng 7 lãi suất cho vay bằng VND đối với sản xuất kinh doanh đã giảm 0,1 - 0,3%/năm; riêng lãi suất cho vay khu vực phi sản xuất tăng 0,5%/năm; lãi suất cho vay trung bình ở mức 18,64%/năm. 7 tháng tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng 7,57%; riêng tháng 7 còn giảm 0,19% so với tháng trước.

Điều này hoàn toàn dễ hiểu. Vì có vẻ như thời gian qua các NHTM đã thắt tín dụng quá mức. Việc giảm lãi suất cho vay khu vực sản xuất là một mũi tên tuy nhỏ nhưng trúng nhiều đích: một mặt sẽ “trấn an“ dư luận về việc các NHTM trong nửa năm qua đã đạt được mức lợi nhuận hàng ngàn tỷ đồng (dù rằng nếu tính tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu thì hiệu là không cao) trong bối cảnh người dân và các doanh nghiệp thuộc ngành nghề khác đang phải vật lộn với khó khăn để tồn tại. Mặt khác, với nhiều NHTM, “room” tăng trưởng tín dụng còn đến hơn 10%, mà họ đã “trót ” ôm vào lượng vốn với lãi suất khá cao, nên “đẩy ra” sớm ngày nào bớt phần chi phí ngày đó. Giám đốc một NHTMCP lớn trên địa bàn Hà Nội cho biết, những khách hàng thân thiết hiện đang được vay với mức lãi suất 18%/năm và có thể tới đây sẽ còn giảm nữa. Khách hàng muốn vay, ngân hàng cũng muốn cho vay, thế nhưng “chết” một nỗi: lãi suất quá cao! Một cán bộ tín dụng phụ trách mảng khách hàng cá nhân thừa nhận: cho vay bây giờ rất khó. Làm ăn đằng thẳng thì sao chịu nổi mức lãi suất như hiện nay. Những người chấp nhận lãi suất cao nếu không vì vay chỗ này đập nợ chỗ kia thì cũng là làm “đại lý”, đi vay để cho vay nặng lãi.

Lãi suất hiện đang cao, nhưng dự báo qua tháng Ngâu (tháng 7 âm lịch) theo quy luật hàng năm, nhu cầu vay vốn vẫn sẽ tăng cao do doanh nghiệp chuẩn bị phục vụ cho những ngày lễ, tết cuối năm. Thứ hai, vốn huy động của NHTM chủ yếu là ngắn hạn, NHNN lại khống chế tỷ lệ vốn ngắn hạn dùng cho vay trung dài hạn nên các khoản cho vay ra cũng là ngắn hạn. Hơn nữa, để giảm bớt rủi ro và “kịp” đưa tỷ lệ cho vay phi sản xuất về mức 16% vào ngày 31/12, các NHTM chỉ muốn cho vay ngắn hạn. Chương trình “Tiếp vốn kinh doanh, ưu đãi lãi suất” của NHTMCP Á Châu (ACB) là một ví dụ. Tuy ACB giảm lãi suất cho vay đến 1,2%/năm nhưng lại chỉ áp dụng cho cá nhân, hộ gia đình, cho các khoản vay từng lần hoặc hạn mức tín dụng từ 500 triệu đồng trở lên (đối với khu vực TP.HCM và Hà Nội) hoặc từ 300 triệu đồng trở lên đối với các tỉnh/thành phố khác. Như vậy người vay đang chịu thiệt vì lãi suất cao mà thời gian cho vay lại ngắn.

Tân quan, tân chính sách?

Ngay sau khi chính thức nhậm chức, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã có tuyên bố làm giới doanh nghiệp yên tâm phần nào: “Chính sách tiền tệ không phải thắt chặt, mà là chặt chẽ để đảm bảo kìm chế lạm phát, nhưng cũng đảm bảo để tăng trưởng kinh tế hợp lý… Từ tháng 9, lãi suất [cho vay] có thể giảm về mức 17-19%/năm và ngay trong tháng 8 sẽ tung ra một loạt các biện pháp kinh tế chứ không còn là các biện pháp hành chính đơn thuần như trước đây”.

Phát ngôn đầu tiên của tân Thống đốc trên kênh truyền hình VTV1 ngay sau ngày nhậm chức đã được các báo, đài, website trong nước đồng loạt đưa lại. Được đào tạo bài bản, học vị tiến sĩ, lại công tác trong ngành ngân hàng từ năm 1986 đến nay, hơn ai hết Thống đốc Bình thấy những vấn đề đã, đang tồn tại và sẽ nảy sinh của ngành ngân hàng. Trước mắt tân Thống đốc sẽ phải giải quyết 4 vấn đề: 1- Lãi suất huy động, cho vay ở mức cao, cạnh tranh không lành mạnh trong huy động vốn; 2- Thanh khoản của các NHTM vẫn khó khăn do tăng trưởng huy động tăng chậm hơn tín dụng; 3- Tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng (theo tính toán của NHNN là 3% nhưng con số thực tế cao hơn nhiều); 4- Thị trường ngoại hối và tỷ giá còn nhiều rủi ro. Bên cạnh đó, vấn đề quản lý thị trường cũng là đề án mà tân Thống đốc phải tiếp tục theo đuổi.

Đã có một thời gian làm Chánh thanh tra NHNN, có thể ông Bình sẽ mạnh tay chấn chỉnh các tổ chức tín dụng trong việc tuân thủ các quy định của NHNN. Đây cũng là một trong những mối quan ngại lớn của ngành ngân hàng. Danh sách những tổ chức tín dụng không đưa tín dụng phi sản xuất trong 6 tháng đầu năm về 22%; không đảm bảo tăng trưởng tín dụng dưới 20% đã có từ lâu. Xử lý những tổ chức này như thế nào sẽ thể hiện mức độ nghiêm khắc của tân Thống đốc. Cán bộ ngân hàng ngày càng trẻ, càng giỏi nhưng cũng có ngày một nhiều hơn những trường hợp cán bộ phạm pháp. Lâu dài hơn, Thống đốc sẽ phải đưa ra được biện pháp để giúp cơ cấu lại ngành ngân hàng. Mà ngân hàng - vốn được xã hội nhìn nhận là ngành “hấp dẫn” - luôn là tâm điểm chú ý của dư luận. Cơ cấu lại nghĩa là sẽ có sự thay đổi lớn, động chạm nhiều…

Các vấn đề của ngành ngân hàng vốn đã “nóng”, giờ nhất cử nhất động của tân Thống đốc sẽ càng được xã hội và đặc biệt là giới kinh doanh, quan tâm nhiều hơn. Ở bất cứ cương vị nào, phàm đã là lãnh đạo, người ta thường muốn ghi dấu ấn bằng những thành quả chung trong lĩnh vực mà mình đảm trách. Phát ngôn đầu tiên của tân Thống đốc đã làm hài lòng giới doanh nghiệp nói chung, nhưng đồng thời cũng tạo thêm lo lắng cho các tổ chức tín dụng - vốn cũng là một loại hình doanh nghiệp. Khởi đầu như vậy cũng là ấn tượng. Nhưng sẽ ấn tượng hơn nếu ông Bình và ê-kíp của mình thực hiện được đúng điều mà ông đã nói trong thời gian tới. Rất nhiều doanh nghiệp đang lao đao, họ khó có thể chờ lâu hơn được nữa.
Nhật Hạ​
 
Back
Bên trên