Mỗi tháng tốn 3 triệu thuê, mãi cũng không thành nhà mình, vợ chồng liền đi vay ngân hàng mua nhà, và kết quả...

  • Bắt đầu Bắt đầu emcocghe
  • Ngày bắt đầu Ngày bắt đầu

emcocghe

Super Moderator
Super Mod
Mỗi tháng tốn 3 triệu thuê, mãi cũng không thành nhà mình, vợ chồng liền đi vay ngân hàng mua nhà, và kết quả...

Nói về ngân hàng, cho đến hôm nay, lúc nào tôi cũng nghĩ đến cụm từ "Đồng hành cùng phát triển". Rõ ràng là như thế, ngay từ đồng lương đầu tiên mà tôi nhận được, cho đến những tài sản mà tôi tích lũy được… đều có liên quan đến Ngân hàng.



Năm 2003, trúng tuyển vào Đại học Ngoại ngữ Tin học TP.HCM, tôi háo hức khăn gói vào Sài Gòn nhập học. Nơi ở đầu tiên là một căn phòng trọ trên lầu 1, phòng thứ 4, không có cửa sổ, sàn nhà lót simily trên lớp ván gỗ chứ không phải sàn đúc. Căn phòng nóng và bí thật kinh khủng. Gió và ánh sáng mặt trời như một thứ xa xỉ phẩm chỉ dành cho giới nhà giàu. Sau đó, tôi cũng có vài lần chuyển sang thuê phòng trọ khác nhưng cũng không khá khẩm hơn. Hình như cái thời đó, nhà Sài Gòn toàn xây lầu bằng gỗ hay sao ấy. Mà cũng không phải vậy, chắc do mình chỉ chăm chăm kiếm mấy cái nhà như thế để thuê, giá rẻ hơn nhà đúc.

Rồi thì bao vất vả, khổ cực của thời sinh viên cũng dần trôi qua. Năm 2007 tôi ra trường và lấy chồng sau vài tháng đi làm. Lần này chúng tôi chuyển sang thuê nguyên căn - một ngôi nhà nhỏ, trong con hẻm nhỏ, nhà mát mẻ hơn nhiều.

Thời đó, ngân hàng còn mới mẻ, ai mà biết rằng chỉ vài trăm ngàn cũng có thể gửi tiết kiệm, rồi được gửi tích góp hàng tháng nữa chứ. Nhờ ông xã làm nhân viên ngân hàng nên tôi sớm tiếp cận dịch vụ ngân hàng. Món tiền gửi tiết kiệm đầu tiên của hai vợ chồng là 2 triệu đồng, gửi tích lũy hàng tháng.

Sau hai năm, cả gốc và lãi được hơn 50 triệu, cộng thêm các khoản tiền thưởng Tết, tiết kiệm hàng tháng, gia tài của hai vợ chồng cũng được 160 triệu đồng.

Biết khi nào mới tiết kiệm đủ tiền mua nhà Sài Gòn. Rồi chưa kể giá nhà thì cứ đi lên mãi. Có tiết kiệm mãi cũng không theo kịp giá nhà… Đừng mơ mộng mua nhà Sài Gòn. Nhưng "anh xã" nhà tôi đã bảo "mua thôi chứ mơ gì". Ảnh nói ngân hàng cho vay tới 70% giá trị căn nhà, thế chấp bằng cái nhà mới mua luôn, chỉ cần thu nhập đủ trả góp hàng tháng. Cũng nói thêm là thời đó chưa có điện thoại thông minh, báo chí, mạng xã hội chưa phát triển nên những thông tin này không nhiều người biết, không phải ai cũng mạnh dạn nghĩ tới chuyện vay ngân hàng mua nhà rồi trả góp.


Quay lại chuyện mua nhà, kiểu "cưới vợ là phải cưới liền tay", cứ cuối tuần là vợ chồng tôi lại đi kiếm nhà để mua. Biết là khả năng tài chính có hạn nên hai vợ chồng lựa chọn xem nhà ở vùng ven Sài Gòn như Quận 12, Hóc Môn, Bình Tân… Coi mãi thì cũng ưng được căn nhà ở gần Metro quận 12, diện tích 4x12, một lầu đúc giả, giá 710 triệu, trả giá giảm còn 700. Ngân hàng đồng ý cho vay 480 triệu, tiền tiết kiệm có 160 triệu, còn thiếu 80 triệu thì hỏi mượn thêm người thân, bạn bè. Thế là mua được nhà, trở thành dân "xì phố" sau 6 năm ở trọ.

Tuần đầu tiên về nhà mới, hai vợ chồng lâng lâng cái cảm giác sung sướng. Ôi, ở đây có gió và có nắng. Vét hết tiền mua nhà rồi nên hai vợ chồng hạn chế sắm sửa mới, chỉ tha đồ từ nhà trọ về. Tiền nợ ngân hàng thì cứ trả góp hàng tháng, đều đặn hàng tháng mất một đầu lương, còn một đầu lương để tiêu xài và tiết tiệm chút đỉnh. Tiền mượn người thân, bạn bè thì trả vào các dịp cuối năm từ nguồn tiền thưởng Tết, tiền tiết kiệm trong năm. Nhờ phải trả nợ hàng tháng, tinh thần tiết kiệm của hai vợ chồng cao hơn, hạn chế mua sắm những thứ chưa thật sự cần thiết, ưu tiên ăn cơm nhà. Và đặc biệt sướng tai khi nghe ông xã tôi nói "Hồi xưa mỗi tháng tốn 3 triệu thuê nhà, thuê mãi cũng đâu thành nhà mình. Bây mỗi tháng góp ngân hàng hơn 6 triệu, góp xong thành nhà của mình".

Nói tiếp về tiện ích ngân hàng. Mỗi ngày hai vợ chồng đóng cửa đi làm, đâu có ai ở nhà mà đóng tiền điện, nước, truyền hình cáp… thế là đăng ký để ngân hàng tự động cắt tài khoản trả hết. Có tháng cưới hỏi, tiệc tùng nhiều quá, thiếu tiền thì rút mượn thẻ tín dụng xài tạm (cái Thẻ tín dụng Family không tính phí rút tiền mặt, chỉ trả lãi thôi).

Đến năm 2014, tức là sau 6 năm, vợ chồng tôi đã trả hết nợ cho "căn nhà màu tím". Và mái ấm lúc đó đã đầy đủ tiện nghi. Đầu tiên là mua máy giặt, rồi đổi ti vi cũ sang LCD lớn, tủ lạnh, bộ bàn phòng khách, giường tủ gỗ cho phòng ngủ, máy lạnh… tất cả đều là loại tốt và mua dần dần từng thứ một, mua trả góp lãi suất 0% qua thẻ tín dụng.

Hết nợ, thế là chúng tôi lại bắt đầu gửi tiết kiệm tự động mỗi tháng 6 triệu đồng, rồi dần dần có món tiền nhiều hơn lại gửi tiết kiệm online, vẫn ủy thác để ngân hàng tự động thanh toán tất các hóa đơn điện, nước… vẫn sử dụng chiếc Thẻ tín dụng để cà thẻ mọi nơi có POS, QR pay, mua hàng online...mua trước trả sau, lại được tích điểm đổi quà.

Sang năm 2016, ông xã tôi quyết định vay mua nhà mới khi mới có trong tay 200 triệu. Căn nhà mới tại quận Gò Vấp, rộng hơn nhà cũ, giá 1,8 tỷ. Tôi nói ngân hàng nào mà cho anh vay tới 1,6 tỷ. Ông xã nói "Mình thế chấp nhà mới mua và nhà cũ thì như ngân hàng của anh đang làm là Sacombank cho vay luôn 1,8 tỷ đó. Vấn đề là trả nợ nổi không thôi. Mình vay 1,6 tỷ góp 25 năm thì mỗi tháng mình trả khoảng 14 triệu. Mình có thêm nguồn thu nhập là cho thuê căn nhà cũ khoảng 4 triệu, cũng đỡ lo". Vậy là chúng tôi có thêm "căn nhà màu tím" thứ hai.

Qua năm 2018, giá căn nhà Gò Vấp lên tới 2,8 tỷ. Lúc này tôi mới cảm nhận sâu sắc, ngân hàng thật tuyệt vời, nhờ họ mà mình mua được căn nhà này. Hai năm trước, nếu không vay mua thì bây giờ không thể mua nổi, hai năm không thể kiếm đâu ra 1 tỷ đồng. Cũng nhờ ông xã là dân trong nghề nên gia đình tôi sớm tiếp cận các dịch vụ của ngân hàng, mạnh dạn gửi tiết kiệm từ con số nhỏ nhất, mạnh dạn vay vốn ngân hàng để mua nhà, mạnh dạn sử dụng các dịch vụ tiện ích của ngân hàng để phục vụ cho cuộc sống thêm tiện nghi.

Tác giả dự thi: Trần Văn Thông
Theo Trí thức trẻ

Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc
 
Back
Bên trên