Lại rộ lừa đảo mua sắm trực tuyến

Tin Zuẩn Không?

Super Moderator
Super Mod
Cùng với sự bùng nổ của thương mại điện tử, các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên kênh bán hàng này ngày càng gia tăng, nhất là vào mùa cao điểm mua sắm cuối năm.

Kịch bản quen thuộc của đối tượng lừa đảo là đưa ra quyền lợi hấp dẫn như mua hàng không mất phí, hưởng hoa hồng cao, hỗ trợ đổi trả đơn hàng...​

Mua máy tính bảng, nhận điện thoại cũ

Đầu tháng 7-2023, chị A.L - luật sư, 28 tuổi, làm việc tại quận 1, TP HCM - chia sẻ trên trang cá nhân chuyện chị đặt mua online một máy tính bảng nhưng món hàng nhận được là chiếc điện thoại cũ.

Trước đó, chị vào một app (ứng dụng) mua sắm, chọn sản phẩm máy tính bảng với nhãn hiệu giống chiếc đã từng dùng và được nhân viên cửa hàng gọi điện thoại tư vấn rất chuyên nghiệp. Mở app mua sắm để kiểm tra, chị mới biết đơn hàng của mình không được cập nhật thông tin vận chuyển nên không thể ấn nút trả hàng, hoàn tiền. Kiểm tra túi đựng hàng, chị thấy 2 vận đơn khác nhau - một của app mua sắm và một của đơn vị vận chuyển. Sau khi biết vận đơn trên app là giả, còn vận đơn của đơn vị vận chuyển mới là thật, chị A.L đã gửi email khiếu nại tới đơn vị vận chuyển và được hoàn tiền.

Số người biết cách bảo vệ quyền lợi của mình khi rơi vào bẫy lừa như chị A.L không nhiều. Cuối tháng 9-2023, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an tỉnh Long An bắt giữ Hồ Bửu Hoàng Dũng (trú huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) vì hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Dũng đã lập các tài khoản mạng xã hội, đăng tải clip, hình ảnh về các loại đồ gỗ để rao bán sản phẩm. Tuy nhiên, khách hàng sau khi chuyển khoản thì không nhận được hàng và bị chặn cuộc gọi, tin nhắn. Bằng thủ đoạn này, từ tháng 8-2022 đến khi bị bắt, Dũng đã chiếm đoạt hơn 6 tỉ đồng của hơn 3.000 người.
Lại rộ lừa đảo mua sắm trực tuyến - Ảnh 1.

Lừa đảo trực tuyến ngày càng nở rộ trong bối cảnh thương mại điện tử bùng nổ Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Ở TP HCM, chị T.H (ngụ quận Tân Phú) được một tài khoản Facebook lấy danh nghĩa là nhân viên Công ty CP Tiki Thương Gia mời chào tham gia chương trình tặng nồi cơm điện miễn phí. Nhóm lừa đảo yêu cầu chị chuyển 1 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng để thực hiện nhiệm vụ đặt hàng trên một gian hàng trực tuyến, sau đó sẽ được nhận cả tiền vốn lẫn hoa hồng. Thực hiện nhiệm vụ nhiều lần nhưng chị T.H không được trả lại tiền, thậm chí còn bị dọa nếu dừng lại sẽ mất hết số tiền đã chuyển trước đó. Nhận thấy đây là hành vi lừa đảo, chị T.H đã tố giác với cơ quan chức năng.

Cũng với kịch bản trên, chị V.T (trú tỉnh Đắk Nông) bị một đối tượng không rõ danh tính mời chào tham gia chương trình tặng quà 0 đồng từ một thương hiệu thời trang có gian hàng trên sàn thương mại điện tử. Để tham gia chương trình, chị phải chuyển tiền vào một tài khoản ngân hàng. Thấy quyền lợi tốt, chị đã tham gia nhưng sau nhiều lần chuyển với số tiền ngày càng tăng mà không được hoàn tiền, chị mới biết mình đã trúng bẫy.​

Liên tục cảnh báo

Đại diện các sàn thương mại điện tử xác nhận thời gian gần đây nhận được nhiều thông tin liên quan một số nhóm đối tượng lợi dụng thương hiệu của sàn để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Bên cạnh việc hợp tác với cơ quan chức năng để cung cấp thông tin, điều tra về các nhóm đối tượng này, các sàn còn thường xuyên thông báo, cảnh báo khách hàng những thủ đoạn lừa đảo.

Đại diện Công ty TNHH Tiki (sàn thương mại điện tử tiki.vn) khẳng định công ty không tổ chức bất kỳ chương trình thực hiện nhiệm vụ mua hàng nhận hoa hồng hay phần thưởng lũy tiến nào; không có bất kỳ sự liên quan nào đến những tổ chức hay cá nhân lừa đảo. "Tiki chỉ bán hàng và thực hiện các khuyến mãi duy nhất qua trang web www.tiki.vn và app Tiki.vn. Nhân viên công ty không liên hệ ngẫu nhiên với người mua hàng qua Zalo, Telegram... Các thông tin về chương trình khuyến mãi, trò chơi tương tác chỉ được tổ chức duy nhất tại Fanpage chính thức của Tiki (https://www.facebook.com/tiki.vn)" - đại diện Tiki cho biết.

Tương tự, đại diện Lazada cũng cho hay đã ghi nhận phản ánh về tình trạng cá nhân mạo danh Lazada và nhà bán hàng của Lazada liên lạc với khách hàng bằng số điện thoại cá nhân hay qua các app không chính thống để dụ khách chuyển tiền hoặc chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách.

"Trên website lazada.vn, công ty thường xuyên khuyến cáo các hành vi mạo danh, lừa đảo để cảnh báo khách hàng. Công ty cũng khuyến cáo khách hàng không nên cung cấp, trao đổi thông tin cá nhân qua tin nhắn, cuộc gọi, đường link có nguồn gốc không rõ ràng; không chi trả bất kỳ khoản tiền nào ngoài tiền mua hàng; không nên nhận quà không rõ nguồn gốc hoặc truy cập đường link/website nào khác ngoài Lazada" - đại diện Lazada thông tin.

Sàn thương mại điện tử Shopee cũng đăng tải nội dung hướng dẫn mua sắm an toàn, cảnh báo hình thức lừa đảo phổ biến tại Trung tâm Hỗ trợ Shopee VN. Tại Shopee, các đơn hàng chỉ được thanh toán cho người bán sau khi người mua xác nhận đơn hàng đã được giao trong tình trạng tốt.

Người mua được đồng kiểm đối với những đơn được phép đồng kiểm ngay tại thời điểm nhận hàng từ đơn vị vận chuyển và được trả hàng hoàn toàn miễn phí. Người mua hàng có thể yêu cầu trả hàng, hoàn tiền trong trường hợp đã thanh toán nhưng không nhận được sản phẩm, hàng nhận được không đúng mô tả, người bán giao sai hàng...
Cần tìm hiểu kỹ thông tin người bán
Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương khuyến cáo người tiêu dùng chỉ nên mua hàng tại những website đã đăng ký hoặc thông báo với bộ.
Nếu mua hàng qua mạng xã hội, cần tìm hiểu kỹ đánh giá của những người mua trước, tìm hiểu kỹ thông tin về người bán, xem xét nguồn gốc rõ ràng. Lưu ý, với mặt hàng thuốc, không nên mua ở những Fanpage không có thông tin người bán và không có địa chỉ rõ ràng, khi hỏi thông tin thì cố tình giấu địa chỉ bán hàng, chỉ nhận đặt hàng qua tin nhắn (inbox), không có cửa hàng cụ thể.​
 

Tin tuyển dụng mới nhất

Thống kê MXH

Tổng số chủ đề
34,577
Số bình luận
528,086
Tổng số thành viên
351,484
Thành viên mới nhất
Steely Dan Merc
Back
Bên trên