Khi con gái là 'công chúa nhỏ' trong mắt bố

phuong1290

Super Moderator
Super Mod
Mỗi tối, Hoa, sinh viên 19 tuổi quê Thanh Hóa, đều được bố gọi điện hỏi thăm hôm nay ăn học gì, có chuyện nào vui. Một mụn trứng cá nổi trên mặt, con cũng được ông dặn: “Đừng nặn con à! Nhớ mai mua củ nghệ mà bôi!”.

Hoa là chị cả trong một gia đình có 3 người con, 2 em đều là trai. Từ nhỏ Hoa đã cảm nhận được tình yêu bố dành cho mình. “Có bánh kẹo, đồ ăn ngon nào bố đều chia cho mình trước với phần ngon, phần nhiều rồi mới để lại cho hai em. Bố cũng chẳng bao giờ nặng lời hay đánh mắng mình”, cô kể.

Ở quê việc đồng áng vất vả, Hoa cũng không bao giờ phải ra đồng. Bố để cô ở nhà quét dọn, nấu cơm. Thời gian Hoa ra trường huyện học, cuối tuần nào bố đều xuống đón con về.

[TABLE="width: 1, align: center"]
[TR]
[TD][/TD]
[/TR]
[TR]
[TD="class: Image, align: center"]Không hiếm những ông bố chăm con gái từ những cái nhỏ nhặt nhất. Ảnh: flickr.com.[/TD]
[/TR]
[/TABLE]
“Nhớ lúc nhà em chưa có xe máy, không điện thoại, trời thì mưa ầm ầm, đường đất lầy lội, thế mà bố cũng xuống đón em về. Bố bảo sợ em một mình buồn nên phải dậy sớm để đi. Em thương bố, hai bánh xe nặng kịt đất, bố vẫn cố đèo em. Lúc lên dốc cũng để em ngồi nguyên trên xe rồi đẩy lên”, Hoa kể.

Ngày Hoa đậu đại học, lần đầu tiên cô thấy bố mình sung sướng chảy nước mắt. Ông lại gần cứ vỗ vỗ nhẹ vào vai cô. Đến lúc con ra thủ đô nhập học, ông cũng bịn rịn không muốn về. Cô chia sẻ: “Bố gửi gắm em cho người quen, dặn dò tất cả mọi việc từ ăn uống, đi lại. Những ngày đầu em chưa quen đường, hôm nào bố cũng gọi điện nhờ người chở em đi học, một tuần sau mới cho em tự đi xe đạp”.

“Trước lúc về bố còn sực nhớ ra 'bệnh con gái' mỗi tháng thường khiến em đau bụng. Bố gửi chị họ một trăm nghìn đồng rồi dặn kỹ lưỡng mua Cao ích mẫu, một loại dạng viên, một loại dạng nước đốc thúc em uống”, Hoa kể thêm. Về đến quê, ông bố "vĩ đại" không quên gọi điện ra bảo cô con gái rượu bẻ đi chiếc sim cũ để đám trai làng không thể liên lạc được với cô.

Hoa cũng không rõ tại sao bố thương mình nhiều như vậy. Cô chỉ biết ở quê người ta hay nói "ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng". Bố muốn cô học thật tốt, làm gương cho các em noi theo.

Đến tận bây giờ khi đã trưởng thành, tự lập và chuẩn bị kết hôn, chị Thủy (25 tuổi, Hà Nội) cũng vẫn là “công chúa bé nhỏ” trong mắt bố.

“Bố mẹ tôi có một tình yêu đẹp, hai người rất yêu nhau. Kết quả là 3 anh của tôi lần lượt ra đời. Bố rất thương các anh nhưng tận sâu thẳm trong lòng ông vẫn muốn có một cô con gái xinh đẹp như mẹ, để ông nâng niu, chiều chuộng, mua sắm cho nhiều quần áo mới”, Thủy kể.

Khi Thủy chào đời, bố cô đã nhảy lên vì sung sướng, miệng liên tục lẩm nhẩm: “Tôi đã có con gái rồi, có con gái rồi” - kỷ niệm mà mỗi khi người thân nhắc lại đều làm Thủy đỏ mặt. Năm 2 tuổi cô bị ngã khỏi võng người tím tái, bố đã ôm chặt con gái khóc nức. Từ đó, các anh Thủy được giao thêm một việc là thay phiên nhau coi sóc em. Thủy bước vào tuổi dậy thì, cũng chính bố nhắc mẹ cô tìm mua các loại sách, tâm sự với con gái nhiều hơn.

"Lần có người yêu, bố động viên tôi dẫn bạn về nhà. Câu đầu tiên bố hỏi bạn trai tôi là 'Anh biết gì về con gái tôi', rồi ra vẻ mặt hình sự lắm. Chưa đợi anh ấy trả lời, bố đã hỏi dồn dập 'anh biết con tôi thích ăn gì, thích màu gì, ước mơ của nó là gì không', 'anh biết nó bị dị ứng, không ăn canh hến, canh cua không', 'anh có đủ tự tin chăm sóc nó không'... Tôi vừa đỏ mặt, vừa thích thú. Bố lúc nào cũng thể hiện tình yêu với tôi như thế đó", Thủy cười.

Theo chuyên gia tâm lý Thanh Tâm - Tổng đài 1088 những trường hợp bố yêu thương con gái, chăm con hơn cả mẹ không phải hiếm. Đứng trên cơ sở khoa học, chuyên gia này giải thích thông thường con trai sẽ thân mẹ, con gái thân cha hơn.

"Về phương diện tình cảm có rất nhiều lý do khiến cha thương con gái. Với trường hợp đầu tiên, người cha thấy con gái yếu đuối, cần được bảo vệ. Quan trọng là bóng dáng người mẹ có vẻ mờ nhạt, cho nên chính ông bố là người bù lại những thiếu thốn về tính cảm cho con", chuyên gia tâm lý Thanh Tâm phân tích.

Với trường hợp thứ hai, có thể đó là con gái út nên ông bố muốn nâng niu, chiều chuộng, xem con như hạt ngọc, cần được những người đàn ông trong gia đình bảo vệ. "Không cứ gì phụ nữ mới chăm con, làm việc nhà tốt. Thực tế có rất nhiều ông bố chăm con rất tốt khi người vợ bận rộn mà không bị xem là 'núp váy đàn bà', họ vẫn được xã hội tôn trọng", chuyên gia của tổng đài 1088 nói.

Còn theo chuyên gia Trần Thị Hồng Hà - Trung tâm tư vấn tâm lý thuộc Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam, bà không đồng tình với quan điểm con gái thân cha, con trai thân mẹ.

"Tùy từng trường hợp cụ thể, ví dụ người con gái đó ngoan, nghe lời hay sức khỏe ốm, yếu đuối, ít được mẹ quan tâm... thì ông bố sẽ bù lại những thiếu thốn về tình cảm cho con", bà Hà nói.

Theo chuyên gia này, thực ra xu hướng ông bố dạy con trai, con gái theo những cách khác nhau có vẻ phổ biến hơn. Với con trai, các ông bố thường muốn nghiêm khắc, để chúng trở thành những người đàn ông mạnh mẽ. Với con gái, các ông bố thường nhẹ nhàng nuôi dưỡng để chúng trở thành những người phụ nữ đoan trang, thùy mị.


Phan Dương
VnExpress
 
Con gái bao giờ cũng được bố cưng chiều hơn, thương hơn mà :)
Con trai thì hồi bé gần mẹ hơn nhưng khi lớn lên thì con gái lại thương mẹ nhiều hơn. Hiếm thấy con trai ngồi nhổ tóc sâu cho mẹ lắm :)
 
Back
Bên trên