(HOT) Làm sao để thi vào Unilever (chương trình UFLP - Management Trainee)?

Bước chân vô đại học, ngay từ năm nhất đã nghe mấy anh chị năm trên nhồi não về các chương trình MT, đầy đủ là Management Trainee (Quản Trị Viên Tập Sự), sau họ mới đổi tên thành Nhà Lãnh Đạo Tương Lai (UFLP). Làm trong các công ty này với vị trí UFLP thì bạn sẽ được trải nghiệm nhiều, được training, được đi đây đi đó và tất nhiên, lương béo bở, cái này chắc ai cũng biết, cũng mê (đặc biệt là sinh viên). Các chương trình này hầu hết các công ty đa quốc gia lớn tầm cỡ đều tổ chức mỗi năm nhầm tuyển chọn nhân tài, có năng khiếu, có tố chất lãnh đạo để về làm việc với họ. Chẳng hạn như năm 2014 ngành Marketing, mình có thi cho Nestle, Unilever, P&G, Prudential, Massan (bên mảng Kế toán - Tài chính, Big 4 cũng có tuyển dụng ầm ầm các chương trình như thế này)... Mắc cười cái là, có lẽ duyên mình chưa tới số ĐẬU, toàn rớt vòng cuối thôi, nhọ nhất là thi Unilever 2 lần, một cho mảng Marketing, một cho mảng Sale, đều fail ở vòng cuối. :’(Nay viết ra, tâm sự kinh nghiệm thất bại, để giúp cho bạn sinh viên/ những ai chuẩn bị thi có được sự chuẩn bị tốt nhất và không đậu… hụt như mình.

12741988_1567672690190512_2173425176509376819_n.jpg

Cần chuẩn bị những gì?


4 năm sinh viên, hãy chuẩn bị ngay từ lúc mới vào trường bạn nhé!

Đầu tiên là kỹ năng tiếng Anh, vì các vòng thi ở các công ty đa quốc gia đều diễn ra bằng English 100%. Nghe nói đọc viết, chém gió phản biện, thuyết trình các kiểu đều đòi hỏi tiếng Anh. Nên ngay từ Bây Giờ (năm 1 thì sướng, còn tận 4 năm; năm 3 năm 4 thì càng phải cố gắng nhiều hơn) bạn cần tập cho mình tiếp xúc với tiếng Anh, rèn luyện 4 kỹ năng để tự tin mà thi. Vì nhiều bạn bè của mình có 4 năm sinh viên giỏi lắm, thành tích nhiều, kỹ năng tốt, CV đẹp lung linh nhưng tiếc là không phỏng vấn và thuyết trình bằng tiếng Anh được nên họ đành thôi…

Theo kinh nghiệm chinh chiến của mình, tiếng Anh không nhất thiết có bằng cấp, chỉ cần bạn giao tiếp tốt (cũng không cần phải quá xuất sắc), khá tí là ok, vì họ quan trọng tố chất con người nhất, còn tiếng Anh có thể rèn luyện sau. Và tất nhiên, nếu có sẵn đó thì là một lợi thế MẠNH khi thi!

Thứ hai là điểm số trung bình, > 7.0 là chấp nhận được, 7.5 tốt, > 8.0 quá ngon lành. Mình nghĩ, ở môi trường ĐH, chỉ cần xác định rõ mục tiêu, và siêng một tí thì mức điểm trên là hoàn toàn nằm trong tầm tay của bạn.

Thứ ba là TRẢI NGHIỆM ĐI LÀM THÊM. Ít nhất bạn cần thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy rằng bạn là một ứng viên năng động, đã thực tập hoặc đi làm thêm ở chuyên môn của mình đang học, có ít nhất những kỹ năng nền tảng, hiểu biết căn bản về ngành mình học. Ví dụ: Tường học Quản trị Marketing, thi vào Unilever mảng Marketing. Tường đã đi làm thêm từ năm nhất, cái gì liên quan đến Marketing đều làm, quản lý fanpage, in poster, viết bài, tổ chức hội thảo..., blah blah. Tóm lại là dấn thân, ra trường đời càng nhiều và càng sớm thì càng tốt. Trong thời sinh viên đừng chỉ đi học ở ĐH không thôi, hãy tham gia CLB hoặc đi làm thêm! Cân bằng cả hai, vì ra trường nói thẳng với các bạn sinh viên là:

“Bằng ĐH chỉ là tấm vé để bạn qua vòng gửi xe thôi”

Tường ra trường tự tin là vì có tiếng Anh giỏi và đã đi làm thêm hơn 3 công ty, làm sai và bị chửi hoài nên học được nhiều :D. Khi ra trường rất tự tin điền vào CV những thành tựu mình từng trải nghiệm.

Thứ tư: Có được cái này càng ưu thế, đó là làm công tác xã hội. Họ cần con người có tấm lòng tốt và năng động. Làm được gì, giúp ai, ở đâu, bao nhiêu người… đo lường cụ thể bằng con số, ghi ra hết.

Bí quyết để tránh “ĐẬU HỤT” ?

Vòng 1: Nộp CV


12718261_1567672823523832_7225655059916568470_n.jpg

Nộp CV kiểu công ty đa quốc gia, bạn nên nộp đúng 1 trang A4 là tốt nhất, sạch sẽ, gọn gàng, đúng trọng tâm chuyên môn của mình, có con số hẳn hoi, hình CV phải sáng sủa, tươi tắn, kiểm tra chính tả chỉn chu, cấm sai một chữ. CV nộp file pdf tuyệt đối không nộp file word để tránh chuyện khác hệ điều hành các kiểu khiến nhà tuyển dụng không mở được file. Phần Reference nên có người uy tín càng tốt. Viết động từ nên dùng thể quá khứ (CV tiếng Anh). Đặc biệt là có con số (100h gọi điện thoại cho khách hàng, bán hàng doanh số 20 triệu...)

Bạn biết đấy, hơn 2000 CV gởi về ứng tuyển, nên họ sẽ vứt rác CV của bạn nếu sai chính tả hoặc hình thức cẩu thả ngay và luôn. CV chẳng khác gì một cái tờ giấy bán hàng, bán thân, cẩn chuẩn đẹp nhé! Mình tốn 3 ngày đầu tư đó! Ra một cái form chuẩn, nộp công ty nào cũng đậu, chỉ cần sửa vài thông tin để phù hợp.

Vòng 2: Thi Aptitude Test

12244527_1567673160190465_3307598253336113192_o.jpg

Riêng Unilever là cho thi online tại nhà, họ sẽ cho bạn đăng nhập, đúng một thời gian nhất định, bạn phải trả lời hết các câu hỏi trắc nghiệm (bằng tiếng Anh 100%): thi logic, hình học, tính toán… Bạn có thể tham khảo tại link https://youtu.be/to2wlWouivQ.

Lời khuyên của mình là ngày làm bài test nên chọn một nơi có mạng internet mạnh, tốt, đi vệ sinh trước, có một cái máy tính casio, tỉnh táo, làm hết sức tập trung, phòng kín, nói trước với mọi người đừng làm phiền mình. Thực sự nó không khó lắm đâu (trừ khi bạn lo lắng quá). Có thể mời thêm bạn bè giỏi để hỗ trợ =))

Cái này mình nghĩ ai run lắm mới thi hụt, vì đa số bạn bè mình đều qua tuốt luốt vòng này. Khó ở đây là việc canh thời gian, nhiều bạn vì lo tập trung câu khó mà điền không kịp các câu dễ hoặc quên điền trắc nghiệm các câu mình không biết, bỏ trống uống lắm, nhớ điền hết dù không biết.

Vòng 3: Initial Interview (Phỏng vấn sơ bộ)

Khoảng 1 tuần sau, nếu như bạn đậu, bạn sẽ nhận được email mời phỏng vấn, rớt là sau 2 tuần không có thông tin gì phản hồi và có thư cảm ơn. Đây là thư đậu phỏng vấn, cũng thú vị chứ nhỉ?

12779066_1567673383523776_4536564107400783086_o.jpg

Ngày phỏng vấn cần chuẩn bị:

- Nam quần tây, áo sơ mi, ủi đẹp, sạch sẽ, tóc tai gọn gàng, mang giày tây càng tốt.

- Nữ mặc váy công sở, mình thấy nhiều bạn mặc áo trắng, váy đen, nhìn cực chuyên nghiệp và nữ tính.

Tác phong, hình thức tốt, gây ấn tượng liền. Bạn có biết người ta đánh giá bạn qua 5s đầu tiên, tất cả phỏng đoán từ tiềm thức sẽ đưa ra dựa trên nét mặt, cử chỉ cơ thể và ngoại hình của ban đấy, nên hãy tươm tất và chỉn chu :)

Đến trước ít nhất 10p để bình tĩnh ngồi đợi, họ sẽ lần lượt mời bạn vào theo trình tự, có thể đem theo cuốn sách đọc vì có thể đợi lâu. Thực ra Unilever sẽ thuê Agency về nhân sự làm phỏng vấn nên chưa có nhân viên của U nào sẽ phỏng vấn bạn đâu. Lần đó mình thi họ có sẵn các câu hỏi phỏng vấn viết trong một bảng A4, hỏi câu nào, họ đánh dấu câu đó vào, cho điểm, có checklist hẳn hỏi và cũng có thêm nhận xét cá nhân của người phỏng vấn trực tiếp. Có bạn sẽ phỏng vấn lâu ơi là lâu, có bạn sẽ phỏng vấn nhanh lắm. Lâu hay mau không nói lên điều gì bạn nhé! Việc bạn đậu là do bạn đúng và đủ tiêu chí 80% + 20% có cảm tình, tố chất phù hợp và văn hóa tương thích.

Mình được hẹn vào buổi chiều, đến vào lúc 16h kém 10p, ngồi đợi đến 17h mới được phỏng vấn, lòng cũng phập phồng mong chờ. Mình là thí sinh phỏng vấn cuối cùng, cái anh phỏng vấn mình cũng có vẻ vội về với gia đình hoặc đói bụng nên hỏi nhanh gọn lẹ. Các câu hỏi “phỏng vấn phổ biến” bạn có thể search trên google nhé!
  1. Hãy giới thiệu về bản thân bạn?
  2. Tại sao bạn lại muốn trở thành UFLP?
  3. Điểm mạnh, điểm yếu của bạn là gì?
  4. Tại sao bạn lại chọn Marketing? (nếu bạn apply vô lĩnh vực khác thì sẽ hỏi tại sao lại là nhân sự, tài chính …)
  5. Hãy kể về những thành tựu của bạn khi đi làm thêm, trên trường, từ thiện?
  6. Tại sao chúng tôi phải chọn bạn mà không chọn những ứng viên khác?
  7. Bạn biết gì về chương trình UFLP và bạn sẽ làm gì nếu như bạn đậu UFLP?
  8. Bạn có câu hỏi gì cho chúng tôi ?
  9. Mục tiêu của bạn (1 năm, 3 năm tới) là gì?
  10. Tại sao bạn quit job A, B, C (dựa trên CV của bạn họ sẽ tra hỏi)?
Đại loại các câu hỏi này bạn chỉ cần search keyword “Common Interview Questions” là có hết nhé! Hãy chuẩn bị kỹ, tập trả lời trước tại nhà là tốt nhất, nhưng đừng học thuộc như cái máy ghi âm. Phải nói tự nhiên, chỉ cần biết đại ý trong đầu là được. Phỏng vấn có cả tiếng Anh và tiếng Việt, nếu tiếng Anh của bạn chưa giỏi lắm, trả lời vài câu xong xin nói bằng tiếng Việt, họ sẽ đồng ý.Phỏng vấn xong bạn nhớ nói cảm ơn và xin email của người phỏng vấn. Nếu họ đồng ý thì về gửi email cảm ơn cho họ, còn nếu không cho cũng không sao.Bạn cũng đừng kỳ vọng nhiều, về cứ bình tĩnh sống, học, vui chơi, mình biết có nhiều bạn nộp một lần mấy chương trình tương tự của các công ty khác để back up (like me :p ) nên thua keo này ta bày keo khác, tất cả cũng chỉ là trải nghiệm, vòng 3 vẫn còn cạnh tranh cao lắm, nói thật là tính hên xui đó bạn! Cao thủ ở khắp nơi, nhưng hãy làm và nỗ lực hết mình có thể. Đừng quá hồi hộp và lo lắng mong chờ kết quả nhé!

Vòng 4: Assessment Centre (Tập họp lại, làm việc và đánh giá toàn diện nguyên ngày)

Vòng cuối, đánh giá toàn diện, vô được vòng này là bạn khá lắm rồi đấy! Không phải tự khen mình mà nói thiệt vì đi thi vòng này nhìn các ứng viên xung quanh ai cũng sáng sủa, thông minh và lanh lợi. Hỏi thăm nói chuyện đều thấy họ rất năng động và có thành tựu rõ ràng, tiếng Anh và kỹ năng thuyết trình thì > 80% trong đây là chém như gió!

12671788_1567675680190213_882337226524486723_o.jpg

Các bạn nên làm quen với Receptionist để hỏi về văn hóa và môi trường Unilever. Đó là một lợi thế! Anh Receptionist đó rất dễ thương, tử tế, biết nhiều ngôn ngữ. Ảnh chia sẻ:

“Thực ra làm trong ấy lương tính ra là hợp lý so với các công ty đa quốc gia khác chứ không cao cũng không thấp, mức độ cạnh tranh rất cao, sale thì vô chỉ có hơn target của các sale manager đã ra đi, tinh thần làm việc nghiêm túc, sử dụng chất xám liên tục. Năm nào chả vậy, đa số các bạn miền Bắc đậu là chính, vì tụi nó lanh lắm! Vô thi thì nó chém gió như vũ bão, thi ở đâu không biết nhưng thi ở U thì rất cần thể hiện, eager một tí, đặc biệt mảng Marketing!”

Mà công nhận anh ấy nói đúng, lúc thi mình thấy mấy bạn miền Bắc siêu lanh lợi, cái gì chứ nói và giao tiếp thì cứ như cùng một lò được huấn luyện, sắc sảo lắm. Mấy bạn miền Nam thì hiền hơn thấy rõ, nhưng đều là dân thông minh chứ không phải dạng vừa đâu. Các thí sinh được chia thành nhiều team.

Mỗi team mười mấy người, phát casestudy về Marketing và mảng Customer Service (mặc dù mình thi Marketing nhưng họ cho làm cả hai để test xem hợp bên nào; bạn đăng ký mảng nào, làm cái đó trước). Đề có số liệu, chart, hoàn cảnh cụ thể (1 đề tiếng Anh và 1 đề tiếng Việt). Bản tiếng Việt được dịch không sát, chỉ đúng khoảng 80-90%, bạn nào đọc được tiếng Anh thì bám sát đề hơn, nắm ý sâu hơn. Mình phải lên plan hành động trong một tờ A1, để viết lên, thể hiện ý tưởng. Thấy ai làm cũng dư thời gian. Sau đó, từng cá nhân được kêu vào present, khá lâu.

Khi vào present sẽ có 2 manager về Marketing của Unilever ngồi chất vấn bạn, “em nghĩ gì? tại sao? số liệu này như thế nào? insight là gì? rủi ro? back up plan? v..v…” Họ sẽ phản biện và hỏi tại sao bạn chọn những con số và ý tưởng này. Được trình bày bằng tiếng Việt.

12734276_1567676340190147_4817313456900831887_n.jpg

Tóm lại, để qua vòng này thực ra cần kiến thức căn bản về mảng mình thi và khả năng lập luận. Họ không cần bạn đúng, họ cần bạn có logic là ok! Bạn giải thích hoặc đưa ra bất cứ thứ gì, đều cần lý do tại sao, ý tưởng càng sáng tạo càng tốt nhưng phải có lập luận chặt chẽ.

Tường thấy rõ họ quan tâm mình có bản lĩnh, có tự tin, có kiến thức nền, đầu óc có sáng tạo và biết cách lập luận không? Vô lâu hay ra nhanh thì cũng chưa nói lên điều gì.

Trưa mọi người được ngồi ăn với nhau và được nhân viên nhân sự của U dẫn đi tham quan khắp nơi. Ngắn gọn là, công ty to, đẹp, sang chảnh. Có phòng gym, trái cây để ăn các kiểu, sướng khỏi nói rồi.

12771742_1567676566856791_9008679703480646220_o.jpg

Chiều, sau khi tham quan các bạn được tụ họp lại, chia thành 4 nhóm, mỗi nhóm cỡ 5-8 người ngẫu nhiên. Các bạn sẽ đóng vai là các thành viên, các manager trong một công ty, mỗi bạn được phát tài liệu, bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt. Yêu cầu là hãy đọc các lịch sử hình thành, các số liệu kinh doanh (doanh thu, lợi nhuận, các con số trong tài chính doanh nghiệp, đội ngũ nhân lực, tình hình chung công hai công ty, sản phẩm kinh doanh…) bao gồm một công ty lớn và hai công ty nhỏ, và sau đó mình cùng phản biện với nhau là “có nên mua lại công ty nhỏ hay không, nếu mua, mua cái nào? Nên hay không nên, tại sao?”. Cần đưa ra quyết định của bạn, ý kiến có logic và đây là teamwork nên nhóm cần đưa ra ý kiến chung, chốt lại.

Họ sẽ không để cho từng người xung phong mà họ sẽ để cho ngẫu nhiên tự phát, đúng số thời gian đó, cứ như buổi họp, sẽ cùng nhau thảo luận. Các nhóm khác mình không rõ chứ nhóm mình được cái là ai cũng biết lắng nghe, nhưng không khí cảm xúc chung là khá căng vì ai cũng muốn có cơ hội thể hiện nhưng cũng vừa muốn lắng nghe. Có nhiều bạn có lập luận rất hay, đưa ra giả định mua lại sẽ ra sao và không mua lại sẽ ra sao.

12743825_1567678610189920_4152270086691987353_n.jpg

Nhóm mình cũng có hai phe quyết định trái ngược, càng về sau khi gần hết giờ, thì khả năng lắng nghe càng giảm, nhiều bạn giành quyền nói, bạn nào có khả năng nói tiếng Anh tốt lưu loát và ý tưởng nhiều thì càng bung ra hết cỡ. 30s cuối, có lẽ hơi giống cái chợ, rất nhiều ý kiến quan điểm khác nhau và vẫn chưa chốt được quyết định cuối cùng! Hết giờ.

Điều đặc biệt là để thi tốt vòng này, bạn cần khả năng lập luận, hiểu biết chuyên môn và quản trị kinh doanh và chuyên ngành mình đang học. Hơn thế nữa là khả năng diễn đạt, trôi chảy, cảm xúc mạnh mẽ, quyết đoán và KỸ NĂNG SPEAKING ENGLISH của mình phải tốt, tự tin ở vòng này. Thực sự vô đây ai cũng có kiến thức nền và lập luận tốt rồi, hơn nhau ở chỗ là tiếng Anh, vì mình thấy ai cũng logic và nói có ý hay nhưng có những người tiếng Anh kém diễn đạt không được thì lại bị ức chế bung không hết được suy nghĩ của mình qua ngôn ngữ.

Các vòng trước, U còn thông cảm về ngoại ngữ nhưng vô vòng này ai GIỎI TOÀN DIỆN và PHÙ HỢP thì mới được chọn. Bản thân mình thấy có một bạn nam (sau này bạn ấy đậu) lớn hơn mình một tuổi, lập luận tốt và tiếng Anh tốt nói trôi chảy, có thêm một bạn nữ ở Bắc vô thi, nói tiếng Anh như gió! 2 bạn ấy rất tự tin, thái độ tốt, kiến thức chuyên môn có, nên đậu.

12779023_1567680003523114_3366378073048409307_o.jpg

Ở vòng thi này thì có nhiều Manager và các nhân viên ở mảng nhân sự của Unilever cùng quan sát, vòng này là căng nhất và là vòng quyết định mình có đậu hay không nên rất thú vị và có áp lực. Nghe kể nhiều bạn vì muốn đậu, muốn thể hiện mạnh nên tranh dành cơ hội được nói. Nhưng thực ra theo kinh nghiệm của mình người ta cũng đánh giá kỹ năng làm việc của bạn đó, cần biết lắng nghe, nói đủ, vừa phải, và nói câu nào chắc câu đó thì sẽ đậu, chứ đừng dành nói, dành thể hiện nhiều quá và không lắng nghe đồng nghiệp là fail chắc.

Sau khi màn thảo luận, phản biện kết thúc, các manager và phòng nhân sự cùng nhau họp, các ứng viên được relax với nhau và cùng đợi kết quả, bạn nào bạn nấy cũng hỏi thăm nhau, bên bạn đề gì, làm tốt không ..bla… bla…

Khi công bố kết quả, phải nói rất hồi hộp, chia mỗi nhóm thành hai bên. Đầu tiên chị mời những bạn có tên sau bước lên (giống nextop model :))), các bạn vui lòng theo anh A. Các bạn đứng đây thì gặp chị.

Họ dẫn nhóm bước lên ra một phòng khác và công bố kết quả riêng cho từng người, mình được dắt ra một góc riêng, nhìn cái mặt của người dắt là biết mình fail rồi vì người đó đang cố tỏ vẻ đồng cảm :)). Họ feedback cho mình fail là vì khả năng tiếng Anh của mình chưa tốt, kiến thức nền và marketing chưa đủ. Họ mời mình tham dự năm sau và tiếp tục rèn luyện phấn đấu thêm, họ cũng rất trân trọng thời gian mình đến đây. Họ cũng offer cho mình thi CDF (chương trình thi làm Sale Sup, cũng khá hot, khi nào có dịp mình sẽ viết thêm về cái này) và được tuyển thẳng qua vòng CV và Apptitude test, nếu như thi CDF.

Lúc đó Tường thi rớt ở vòng cuối nói thật là do tiếng Anh của mình còn chưa đủ master mình chỉ có thể giao tiếp cuộc sống thông thường, đọc tài liệu, nhưng khi cần phản biện nhanh, với kiến thức chuyên môn cao, đòi hỏi khả năng phản xạ tốt và từ vựng chuyên môn, lúc đó mình chưa đủ tầm.

Rớt mình buồn lắm chứ, hụt hẫng nhưng giờ đây nghĩ lại thấy cũng rất thú vị, học được nhiều thứ và đó là trải nghiệm tuyệt vời. Về nhà tiếp tục đi, tiếp tục tìm một chỗ phù hợp với chính mình và rèn luyện thêm, qua các vòng thi đó, mình tự tin hơn rất nhiều, có động lực quyết tâm để học hỏi và làm việc nhiều hơn, biết được mình còn thiếu cái gì, cần cải thiện và bổ sung những kỹ năng, kiến thức gì. Cảm thấy trải nghiệm ấy rất giá trị cho chính mình. Cảm ơn Unilever đã tạo ra một sân chơi để thời sinh viên của mình thêm hoành tráng và đầy màu sắc.

Cũng nhờ những trải nghiệm này mà Tường có thêm động lực để học tiếng Anh điên cuồng. Mừng thay, nhờ áp dụng đúng những nguyên tắc của các chuyên gia ngôn ngữ nên càng học lại càng say mê, thích thú chứ không gò bó như trước, lại không hề tốn kèm đồng bạc nào.

Tường tin các bạn đọc đến những dòng này sẽ có thêm kinh nghiệm đi phỏng vấn, thi thố, không chỉ là ở Unilever mà ở bất kỳ các công ty nào khác, đặc biệt là các chương trình về tuyển dụng lãnh đạo nghề nghiệp ở các công ty đa quốc gia, 80% là giống nhau.

Chúc các bạn có được những trải nghiệm tuyệt vời ở thời sinh viên và đạt được dream job của chính mình.


Tác giả: Trần Trinh Tường
 
Back
Bên trên