Đối tác chiến lược toàn diện Việt - Mỹ là ở cấp quan hệ nào?

BCGV

Administrator
1694397813267.png
Chiều 10-9, trong chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Việt Nam, lãnh đạo hai nước đã nhất trí nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ lên Đối tác chiến lược toàn diện. Như vậy quan hệ hai nước đã được nâng cấp từ "Đối tác toàn diện" - bỏ qua cấp độ "Đối tác chiến lược" - lên thẳng cấp độ "Đối tác chiến lược toàn diện".

Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với những nước nào?

Tính đến tháng 9-2023, Việt Nam đã xây dựng và nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện với những nước sau:

- 5 đối tác chiến lược toàn diện: Trung Quốc (nâng cấp quan hệ năm 2008), Nga (năm 2012), Ấn Độ (2016), Hàn Quốc (2022), Mỹ (2023).

Tháng 6-2008, nhân chuyến thăm chính thức Trung Quốc, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh và Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã ra Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc nhằm thiết lập "quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện" trên cơ sở phương châm 16 chữ "láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai" và tinh thần 4 tốt "láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt".

- Hơn 10 đối tác chiến lược gồm: Nhật Bản, Tây Ban Nha (năm 2009); Anh (2010); Đức (2011); Ý, Thái Lan, Indonesia, Singapore và Pháp (2013); Malaysia và Philippines (2015); Úc (2018); New Zealand (2020).

Ngoài ra, Việt Nam có quan hệ đối tác toàn diện với hơn 10 nước: Chile, Brazil và Venezuela (năm 2007); Argentina (2010); Mỹ, Đan Mạch (2013); Myanmar và Canada (2017); Hungary (2018); Brunei và Hà Lan (2019)...

Cấp cao nhất trong hệ thống thứ bậc đối tác ngoại giao của Việt Nam

Trong bài viết "Về khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược của Việt Nam hiện nay" đăng trên Tạp chí Cộng Sản, tác giả Nguyễn Thị Thìn (Học viện Ngoại giao) chỉ ra quan hệ đối tác chiến lược đầu tiên xuất hiện vào năm 1992 (giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ) và số lượng quan hệ này ngày càng gia tăng.

Quan hệ đối tác chiến lược là một dạng thức quan hệ có tầm quan trọng lớn và có tính chiến lược, dài hạn giữa các quốc gia với nhau hoặc giữa quốc gia với tổ chức quốc tế. Một số nhà nghiên cứu cho rằng đây là mô hình liên kết mới trong quan hệ quốc tế, trở nên thịnh hành kể từ sau Chiến tranh lạnh.

Do tính chất đa phương và đa dạng hóa trong quan hệ quốc tế, quan hệ đối tác chiến lược được thể hiện dưới các hình thức như: đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược có lựa chọn theo từng lĩnh vực...

Chẳng hạn ngoài quan hệ đối tác chiến lược và đối tác chiến lược toàn diện với các nước như trên, Việt Nam cũng có quan hệ Đối tác chiến lược về ứng phó biến đổi khí hậu và quản lý nước với Hà Lan, đưa quan hệ hợp tác song phương trong lĩnh vực này lên tầm cao nhất.

Trong quan hệ đối tác chiến lược, các bên tham gia đều có nhu cầu tăng cường hợp tác, coi trọng và chú ý hơn tới lợi ích chiến lược của nhau, có hợp tác sâu rộng, gắn kết về lợi ích và hướng tới lòng tin chiến lược.

Trong khi đó, với quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, các bên xác định gắn bó lợi ích lâu dài, hỗ trợ lẫn nhau và thúc đẩy sự hợp tác sâu rộng và toàn diện trên mọi lĩnh vực mà các bên cùng có lợi, từ thương mại, đầu tư cho tới công nghệ, năng lượng... Đồng thời, các bên xây dựng sự tin tưởng lẫn nhau ở cấp chiến lược.

Trên chuyên trang bình luận Fulcrum.sg, tiến sĩ Lê Hồng Hiệp (Viện ISEAS - Yusof Ishak Singapore) cho biết đối tác chiến lược toàn diện là cấp cao nhất trong hệ thống thứ bậc đối tác ngoại giao của Việt Nam. Việt Nam thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với các nước được coi là có tầm quan trọng lớn đối với an ninh, thịnh vượng và vị thế quốc tế của mình.
 

Tin tuyển dụng mới nhất

Thống kê MXH

Tổng số chủ đề
34,577
Số bình luận
528,086
Tổng số thành viên
351,484
Thành viên mới nhất
Steely Dan Merc
Back
Bên trên