Đạo luật FATCA: Thách thức cho các ngân hàng

haiduytran

Thành viên tích cực
2c1252ff7f000001002a158e0a6babda

Các ngân hàng và tổ chức tài chính trên khắp thế giới đang gấp rút chuẩn bị cho việc thực thi các hướng dẫn cụ thể của Đạo luật FATCA.

Được thông qua vào năm 2010, Đạo luật FATCA (tiếng Anh là Foreign Account Tax Compliance Act – FATCA, tạm dịch là Đạo luật về việc tuân thủ thuế đối với các chủ tài khoản nước ngoài) nhằm ngăn ngừa và phát hiện các hành vi trốn thuế của các đối tượng nộp thuế Mỹ ở nước ngoài.

Để thực hiện việc này, FATCA chứa đựng các quy định phức tạp và toàn diện có ảnh hưởng đến hầu hết mọi tổ chức tài chính trên thế giới. Các ngân hàng, quỹ và các tổ chức khác không tuân thủ FATCA có thể bị buộc phải rời khỏi thị trường tài chính Mỹ, hoặc không được đầu tư vào các tài sản của Mỹ.

Một số người cho rằng, FATCA là “một thảm họa tiềm tàng”, trong khi những người khác lại tin rằng, việc tuân thủ FATCA có thể là cơ hội để họ thể hiện tính minh bạch, tính cạnh tranh cũng như mức độ tập trung mạnh mẽ của họ vào hoạt động quản trị doanh nghiệp.

Hình thức trấn áp hành động trốn thuế của những đối tượng Mỹ ở nước ngoài đang thay đổi một cách nhanh chóng, khi các cơ quan hữu trách chuyển sang thực hiện FATCA, thông qua các hiệp định song phương giữa các quốc gia, thay vì chỉ áp dụng một luật chung cho tất cả các tổ chức tài chính.

Đạo luật FATCA ảnh hưởng đến các tổ chức tài chính tại Việt Nam như thế nào?

Với việc ban hành FATCA, các tổ chức tài chính nước ngoài (Foreign Financial Institution - FFI) đều phải soát xét các chủ tài khoản và các nhà đầu tư của mình để xác định xem tài khoản của họ có phải là “tài khoản Mỹ” không. Ngoài ra, các FFI sẽ phải lựa chọn giữa việc sẽ ký một thỏa thuận với Sở Thuế vụ Mỹ (IRS), xác định và báo cáo lên IRS các thông tin trực tiếp và gián tiếp về các chủ tài khoản Mỹ, hay chịu áp mức thuế khấu trừ 30% đối với tất cả các khoản thu nhập trực tiếp hay gián tiếp từ Mỹ.

Cần lưu ý rằng, IRS không thiết kế FATCA như một phương tiện thu thuế, mà chủ yếu nhằm buộc các FFI trên khắp thế giới phải báo cáo về các chủ tài khoản Mỹ của mình. Do đó, tác động đối với các quy trình nghiệp vụ ngân hàng về việc trích xuất các thông tin cần thiết để báo cáo lên IRS, xác định các chủ tài khoản Mỹ hiện hữu, nhận biết các khách hàng mới, là rất lớn. Một FFI tuân thủ cũng cần phải làm rất nhiều việc tương tự để thực hiện các quy định về báo cáo hàng năm cho IRS.

Các ngân hàng Việt Nam đã sẵn sàng?

Sau khi ban hành lần đầu tiên Dự thảo Thi hành FATCA vào tháng 2/2012, IRS đã cố gắng nhằm giảm bớt gánh nặng của yêu cầu tuân thủ FATCA cho các tổ chức tài chính bằng cách đưa ra mô hình Dự thảo Thỏa thuận liên chính phủ (IGA) vào ngày 26/7/2012.

Có hai dạng mô hình IGA, đó là dạng mô hình tương hỗ và dạng mô hình không tương hỗ. Dạng mô hình tương hỗ cho phép các FFI báo cáo lên cơ quan chính phủ của nước sở tại trước, sau đó báo cáo lên IRS.

Dạng mô hình không tương hỗ cho phép các FFI báo cáo trực tiếp lên IRS. Điều này tôn trọng các đạo luật về quyền riêng tư tại nước ngoài. Khi một IGA được ký, các tổ chức tài chính tại nước tham gia IGA đó sẽ bị chi phối bởi luật pháp nước sở tại, do đó, nước tham gia ký kết IGA sẽ cần xây dựng luật tương hỗ áp dụng trong nội bộ nước sở tại. Các quốc gia lớn, như Anh, Pháp, Italia, Tây Ban Nha và Đức đã đồng ý với nguyên tắc FATCA và đang thực hiện việc ký kết thỏa thuận với Mỹ, vì FATCA được coi là một cơ hội mới với các nước này. Chính phủ Anh và Mỹ đã chính thức ký IGA tương hỗ song phương. Chính phủ Anh dự định sẽ bắt đầu áp dụng luật mới về FATCA vào đầu năm 2013.

Bộ Tài chính Mỹ đang tiến hành đàm phán với ít nhất 40 quốc gia về thỏa thuận chia sẻ thông tin thuế theo FATCA. Gần đây, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OCED) đã tuyên bố rằng, Tổ chức này hoan nghênh sự hợp tác giữa Mỹ và các nước tiên phong tuân thủ FATCA. Trên thực tế, OCED đã bày tỏ ý định hợp tác chặt chẽ với các quốc gia và các bên quan tâm nhằm thiết kế một mô hình chung cho hoạt động trao đổi thông tin tự động. Sự hợp tác này bao gồm việc xây dựng các chuẩn mực báo cáo và soát xét đặc biệt đối với các tổ chức tài chính.

Tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Nhật Bản đã bắt đầu đàm phán với Mỹ về IGA và các quốc gia, vùng lãnh thổ phát triển khác (như Australia, Hồng Kông, Singapore và Hàn Quốc) cũng đang xem xét việc ký kết một thỏa thuận IGA với Mỹ. IGA mang lại lợi ích đáng kể cho các tổ chức tài chính với việc giảm bớt yêu cầu về báo cáo và đảm bảo bảo mật thông tin cá nhân, song IGA chỉ áp dụng với các quốc gia có hiệp định tránh đánh thuế hai lần (DTA) với Mỹ. Việt Nam và Mỹ hiện chưa ký kết DTA. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ cũng đã tuyên bố rằng, các quốc gia chưa ký kết DTA với Mỹ sẽ sớm được đề xuất một hình thức thỏa thuận tương tự như các nước đã ký DTA với Mỹ. Một khuyến nghị đối với Việt Nam là Tổng cục Thuế của Việt Nam (thuộc Bộ Tài chính) nên bắt đầu đối thoại với Mỹ để giải quyết các xung đột tiềm tàng giữa đạo luật FATCA và luật Việt Nam. Bằng cách tuyên bố ý định của Việt Nam về tuân thủ FATCA, Việt Nam có thể tự quảng bá là một quốc gia hấp dẫn đầu tư về môi trường pháp lý, với sự chủ động, minh bạch và tính cạnh tranh, đồng thời bảo vệ quyền lợi của tất cả các nhà đầu tư.

25% FFI đang chuẩn bị cho việc tuân thủ FATCA

Mặc dù IRS đã gia hạn đến ngày 1/1/2014 mới là thời điểm có hiệu lực đối với việc trở thành một FFI tuân thủ, các ngân hàng, các công ty quản lý quỹ, các công ty bảo hiểm trên thế giới cũng bắt đầu khởi động việc thực hiện FATCA để trở thành tổ chức tuân thủ và ký thỏa thuận FFI trong tháng 12/2013, trước thời hạn của IRS.

Các tổ chức tài chính tuân thủ FATCA có thể đạt được lợi thế cạnh tranh thông qua quan hệ khách hàng được củng cố và năng lực huy động vốn. Các ngân hàng và các tổ chức tài chính thận trọng sẽ dành đủ thời gian cần thiết để thiết lập các nguyên tắc kinh doanh và năng lực công nghệ thông tin nhằm tuân thủ FATCA.

Một khảo sát mới đây của KPMG về “Khả năng sẵn sàng tuân thủ FATCA của các tổ chức tài chính” chỉ ra rằng, 25% các tổ chức tài chính đã khởi động các chương trình tuân thủ FATCA. 25% đối tượng khảo sát khác cho rằng, họ sẽ không thể tuân thủ thời hạn quy định và 36% cho biết, họ không chắc rằng có thể đáp ứng thời hạn hay không, mặc dù việc không tuân thủ FATCA sẽ mang đến những rủi ro tiềm tàng về thương mại và danh tiếng.

Không còn nghi ngờ gì nữa FATCA thực sự là một thách thức đối với các tổ chức tài chính; 54% các đối tượng được khảo sát đồng ý với quan điểm này. Hơn nữa, các đối tượng khảo sát cho biết, thách thức lớn nhất trong các yêu cầu tuân thủ FATCA chính là công tác báo cáo và cập nhật dữ liệu, quan trọng hơn là công tác xác minh tài khoản khách hàng và chế độ khấu trừ thuế.

Nhiều ngân hàng nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam đã bắt đầu các dự án tuân thủ FATCA toàn cầu. Mặc dù nhiệm vụ của họ có phạm vi rộng hơn, nhưng các quy trình và yêu cầu đều giống nhau. Bất kể việc các cơ quan quản lý của Việt Nam có đưa ra ý kiến về FATCA hay không, hoặc đưa ra ý kiến vào thời điểm nào, thì các tổ chức tài chính trong nước đều sẽ chịu ảnh hưởng của FATCA từ ngày 1/1/2014. Điều này có nghĩa rằng, các ngân hàng và tổ chức tài chính tại Việt Nam nên thực hiện đánh giá sơ bộ về khả năng tuân thủ FATCA của mình và vạch ra những điều chỉnh cần thiết đối với các quy trình và hệ thống hiện tại. Các ngân hàng, tổ chức tài chính cần phải hành động ngay từ bây giờ để bảo vệ quyền lợi của chính mình
Lê Thị Kiều Nga (*) Stephen Punch (**)

(*) Thành viên điều hành Bộ phận Thuế và Hỗ trợ doanh nghiệp, Công ty TNHH KPMG
(**) Giám đốc Tư vấn Quản lý rủi ro, Công ty TNHH KPMG
Để biết thêm chi tiết, xin vui lòng liên hệ với bà Lê Thị Kiều Nga nkle@kpmg.com.vn và ông Stephen Punch, tại địa chỉ spunch@kpmg.com.vn.
Quan điểm mà tác giả bày tỏ tại đây không nhất thiết phản ánh quan điểm và ý kiến của KPMG
(baodautu.vn)
 

Tin tuyển dụng mới nhất

Thống kê MXH

Tổng số chủ đề
34,577
Số bình luận
528,084
Tổng số thành viên
351,478
Thành viên mới nhất
vnzlvnvn60
Back
Bên trên