Cơ chế xử lý nợ xấu: Nhìn từ yêu cầu thực tế

haiduytran

Thành viên tích cực
Theo các chuyên gia phân tích, nợ xấu tại Việt Nam hiện nay được ví như "cục máu đông" trong nền kinh tế. Một số phương án xử lý nợ xấu đã được đề xuất trước yêu cầu cấp thiết là phải xử lý nhanh chóng trở ngại này để khơi thông dòng vốn tín dụng, hỗ trợ cho doanh nghiệp, giúp nền kinh tế tăng trưởng ổn định.


No%20xau_0407.jpg

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Mức độ cấp thiết của vấn đề


Để đạt được những mục tiêu đề ra như ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, từ đầu năm 2012 đến nay, Chính phủ đã và đang triển khai quyết liệt thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế với ba trọng tâm lớn bao gồm tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu thị trường tài chính và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên để tháo gỡ khó khăn trước mắt cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, cần tập trung giải quyết nợ xấu của hệ thống ngân hàng, nhằm giúp các doanh nghiệp có thể tiếp cận dễ dàng hơn với nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng.

Một thực tế cho thấy, nợ xấu của Việt Nam có xu hướng gia tăng khá mạnh. Theo số liệu công bố trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đối với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vào ngày 21/8/2012: nếu tính về tốc độ tăng trưởng của nợ xấu so với năm trước đó năm 2008 tăng 74%, năm 2009 tăng khoảng 27%, năm 2010 tăng 41%, năm 2011 tăng 64%, đến 6 tháng đầu năm 2012 tăng 47%. Như vậy tốc độ tăng trưởng nợ xấu trung bình trong 4 năm (2008-2011) đứng ở mức 51,5%/năm, lớn hơn nhiều tốc độ tăng trưởng tín dụng trong cùng thời gian là 24,86% (theo số liệu từ 2008-2011 của Ngân hàng Nhà nước).

Theo thông cáo báo chí của NHNN, nợ xấu của các tổ chức tín dụng đến ngày 31/5/2012 là 111.723 tỷ đồng, tương ứng 4,47% tổng dư nợ. Tuy nhiên trong hai phiên trả lời trước Quốc hội khóa XIII, Thống đốc NHNN cũng công nhận số liệu nợ xấu trong toàn hệ thống có thể từ 8,6% đến 10%. Điều này là phù hợp với công bố của thanh tra NHNN khi đưa ra con số nợ xấu là 8,6% tính tới ngày 31/3/2012 (và có thể còn cao hơn nữa khi mà số nợ xấu này mới chỉ được lấy từ 90,1% tổng dư nợ tín dụng của 57 tổ chức tín dụng), với 40% trong số đó là nợ nhóm 5 – nợ có khả năng mất vốn. Sự khác nhau giữa số liệu trong báo cáo và từ kết quả thanh tra, theo giải thích từ phía NHNN là do các ngân hàng đã phân loại và ghi nhận nợ trong báo cáo gửi NHNN thấp hơn so với thực tế, nhằm giảm chi phí trong việc trích lập dự phòng rủi ro. Còn theo ước tính về nợ xấu của một số chuyên gia kinh tế, nợ xấu của Việt Nam cuối năm 2011 ở mức khoảng từ 7% đến 14%.

Như vậy, theo số liệu chính thức và các ước tính khác nhau thì tỷ lệ nợ xấu của Việt Nam dao động khoảng từ 8% - 14%. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu nếu xét ở trường hợp cao nhất là 14% vẫn còn thấp hơn so với một số nước trong khu vực như Thái Lan (47,7%), Indonesia (32%) giai đoạn khủng hoảng 1997, Trung Quốc (40%) giai đoạn 1995-1996. Theo kinh nghiệm quốc tế cho thấy nếu đánh giá nợ xấu ở mức độ vừa phải, chưa trở thành mối đe dọa cho các hoạt động kinh tế thì nên để thị trường tự giải quyết vấn đề, tức là thông qua các nghiệp vụ, hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, khi nợ xấu ở quy mô lớn vượt khỏi tầm kiểm soát của một số định chế tài chính, đe dọa đến đến an toàn hệ thống tài chính hoặc ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh tế thì cần phải có vai trò của Nhà nước để giải quyết vấn đề. Đối với Việt Nam là cần xác định nguyên nhân, tính chất và phạm vi của nợ xấu để có chính sách xử lý phù hợp.

Phân tích những nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng nợ xấu gia tăng mạnh có thể thấy: Thứ nhất, Việt Nam có quá trình tăng trưởng tín dụng khá mạnh, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng bình quân giai đoạn 2008 – 2011 xấp xỉ 25%. Thứ hai, cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính thế giới 2007 - 2008 cũng như sự kéo dài của khủng hoảng nợ công của khu vực châu Âu đã tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế của Việt Nam, đồng thời với đó là sự sụt giảm của thị trường chứng khoán, sự đóng băng của thị trường bất động sản. Thứ ba, công tác quản trị rủi ro còn hạn chế và chưa được coi trọng.

Thứ tư, cơ chế chính sách chưa bắt kịp được với những diễn biến của thị trường, cùng với đó công tác thanh tra giám sát còn nhiều bất cập, dẫn đến việc các ngân hàng không tuân thủ các quy định một cách nghiêm túc, thậm chí lách luật.

Ngoài ra, yếu tố hàng tồn kho tăng cao của các doanh nghiệp cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến cho doanh nghiệp không có khả năng trả nợ, gây nên nợ xấu ngân hàng.

Cơ chế xử lý nợ xấu


Qua kinh nghiệm quốc tế cho thấy, có nhiều kịch bản cho xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng. Thông thường mục tiêu cấp thiết và ngắn hạn trước mắt là xử lý nợ xấu hiện tại đồng thời ngăn ngừa, hạn chế nợ xấu mới phát sinh, và mục tiêu về lâu dài là thúc đẩy tái cơ cấu hệ thống ngân hàng để đảm bảo tính hiệu quả và kỷ luật. Đối với Việt Nam, cơ chế xử lý nợ xấu nên được thực hiện thông qua các bước sau:

Thứ nhất, về mặt tổng thể, Nhà nước cần ổn định và củng cố tình hình kinh vĩ mô, tạo điều kiện và môi trường kinh doanh thuận lợi để các doanh nghiệp có điều kiện phục hồi sản xuất kinh doanh, qua đó có thể tăng khả năng trả nợ cho ngân hàng. Chính phủ nên tiếp tục nghiên cứu ban hành thêm một số chính sách ưu đãi qua thuế, phí hay đưa ra chương trình kích cầu tiêu dùng. Các doanh nghiệp cũng cần chủ động giải phóng hàng tồn kho bằng cách cắt giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, tích cực tìm kiếm khách hàng trong và ngoài nước.

Thứ hai, nên để các ngân hàng thương mại tự xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường. Các công ty quản lý tài sản (AMC) của các ngân hàng hiện nay có điều kiện thuận lợi nhất định khi xử lý nợ xấu vì hiểu rõ thông tin của cả chủ nợ lẫn con nợ. Đồng thời các ngân hàng có thể tiến hành một số biện pháp tái cơ cấu nợ như giãn thời hạn trả nợ, xóa nợ lãi hay một phần nợ gốc cho doanh nghiệp, hoặc chuyển đổi nợ thành cổ phần. Vấn đề cơ bản là ngân hàng chủ yếu sẽ phải dựa trên dự phòng rủi ro và các nguồn vốn tự có của mình để xử lý nợ xấu.

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có khoảng 27-30 AMC đăng ký hoạt động, trong đó chỉ có một số ít các AMC thực sự đang vận hành. Các doanh nghiệp này chủ yếu hoạt động trực thuộc các ngân hàng thương mại theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (ngân hàng mẹ góp vốn 100%). Các AMC được thành lập với mục đích chính như: chuyên nghiệp hóa hoạt động quản lý, xử lý nợ của toàn hệ thống ngân hàng mẹ; xử lý nợ xấu nhanh chóng, hiệu quả thông qua việc cơ cấu lại nợ tồn đọng, xử lý nợ thông qua các biện pháp giãn nợ, miễn giảm lãi suất, chuyển đổi nợ thành vốn góp; phát triển các hoạt động mua bán nợ; quản lý kinh doanh tài sản; bảo toàn và phát triển vốn.

Các AMC của ngân hàng thương mại đã đạt được thành công bước đầu trong việc xử lý nợ đồng thời có những bước triển khai các lĩnh vực mới như mua bán nợ ngoài hệ thống, tư vấn xử lý nợ, định giá, đấu giá các khoản nợ và tài sản. Tuy nhiên, hoạt động của các AMC vẫn còn hạn chế, hầu như chỉ trong phạm vi hoạt động của ngân hàng mẹ. Ngoài ra, do nguồn nhân lực còn thiếu và chưa có nhiều kinh nghiệm, cũng như hạn chế về nguồn vốn nên hoạt động của các AMC thuộc các ngân hàng thương mại vẫn chưa thực sự hiệu quả đối với các mục đích nêu trên. Bên cạnh đó, khi các AMC thuộc ngân hàng thương mại tiến hành mua bán, quản lý các tài sản nợ xấu của ngân hàng mẹ thì các khoản nợ xấu này vẫn tồn tại trong nội bộ của ngân hàng mà không được loại bỏ hoàn toàn ra khỏi cân đối kế toán hợp nhất của ngân hàng. Điều này có thể ảnh hưởng đến các tỷ lệ an toàn của ngân hàng.

Thứ ba, bên cạnh việc để các ngân hàng tự xử lý, cũng cần có sự tham gia từ phía Nhà nước trong quá trình giải quyết nợ xấu để nợ xấu có thể được giải quyết một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn. Sự tham gia của Nhà nước có thể dưới nhiều hình thức khác nhau. Ngân hàng Nhà nước có thể thông qua nghiệp vụ tái cấp vốn hay cung cấp thanh khoản để tạo cơ chế cho các ngân hàng có điều kiện cơ cấu lại danh mục tài sản và bù đắp tổn thất trong kinh doanh. Khuyến khích các ngân hàng hàng tiến hành mua bán, sáp nhập lẫn nhau nhằm cải thiện tình hình.

Một số thiết chế Nhà nước hiện nay vốn có trách nhiệm cũng như kinh nghiệm trong lĩnh vực xử lý nợ và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) có thể đóng một vai trò quan trọng trong xử lý nợ xấu, đặc biệt khi mà lượng nợ của các DNNN chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nợ xấu.

Sự tham gia này được đặt trong bối cảnh chúng ta đang tiến hành song song các đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, tái cơ cấu DNNN. Đối với cả hệ thống ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần đều tiến hành xử lý nợ xấu thông qua nhiều biện pháp khác nhau, trong đó có đề cập đến vai trò xử lý nợ của Công ty Mua bán nợ (DATC). Đối với đề án tái cơ cấu DNNN với mục tiêu chính là nâng cao tính hiệu quả của DNNN, trong nhiều giải pháp thì giải pháp phát triển thị trường mua bán nợ DN nhằm tái cơ cấu lại vốn cho các DNNN và hoàn thiện mô hình hoạt động Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và DATC được đánh giá là một giải pháp khá cơ bản.

Do vậy, cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và tái cơ cấu DNNN thì mới có thể xử lý hiệu quả vấn đề này. Sự kết hợp này cần cụ thể hóa ở mức độ cơ quan chuyên trách và tận dụng những định chế sẵn có hiện nay. Cần phân định rõ vai trò và cụ thể hóa cơ chế phối hợp cho các định chế như DATC với vai trò xử lý nợ cho DNNN, SCIC với vai trò đại diện cho phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp và Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam (DIV) với vai trò bảo vệ người gửi tiền, có quyền tham gia vào quá trình xử lý đối với những ngân hàng gặp khó khăn. Sự kết hợp của các định chế sẵn có sẽ giúp tập trung nguồn lực quốc gia cả về tài chính và con người trong xử lý nợ xấu.

Nợ xấu có thể coi là một tất yếu trong quá trình kinh doanh của các tổ chức tín dụng, vấn đề của các tổ chức này là hạn chế ở mức tối đa và để nợ xấu ở mức có thể quản lý và giải quyết được. Muốn như vậy, cần phải cải cách cơ bản cơ cấu, hoạt động, quản trị của các ngân hàng và tổ chức tín dụng và quá trình xử lý nợ xấu cần trở thành một hợp phần trong tổng thể tái cơ cấu hệ thống ngân hàng cũng như tái cơ cấu nền kinh tế nói chung.

Tài liệu tham khảo: 1. Một số yếu kém trong hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam (TS. Quách Mạnh Hào, TS. Đinh Thị Thanh Vân, 2012); 2. Báo cáo kinh tế trong nước và nước ngoài 9 tháng đầu năm 2012 – Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính; 3. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với Thống đốc NHNN vào ngày 21/8/2012 (bản tổng hợp thảo luận tại hội trường); 4. Những vấn đề cần chú ý trong việc xử lý nợ xấu tại Việt Nam (Đào Thị Hồ Hương); 5. Tài liệu Hội thảo Khoa học “Cơ chế xử lý nợ: Xu hướng thế giới và Thực tiễn Việt Nam”.

ThS. Vũ Thị Phương Hoa, ThS. Lê Phương Ninh

Bài đăng Tạp chí Tài chính số 11-2012
 
Back
Bên trên