Chiến lược mua bán và sáp nhập các ngân hàng thương mại tại Việt Nam

haiduytran

Thành viên tích cực
ThS. ĐỖ khắc Hưởng
TCTC Online - Chỉ số Hirfendahl-Hirschman (HHI) giúp nhận biết được mức độ cạnh tranh hoàn hảo hay độc quyền cao của hệ thống ngân hàng. Chỉ số tập trung (Concentration ratio - CR) đánh giá mức độ tập trung thị phần liệu có rơi vào một nhóm các ngân hàng không. Thông qua hai chỉ số, bài báo điểm lại thị phần hoạt động của các ngân hàng và gợi mở chiều hướng mua bán và sáp nhập giữa các ngân hàng hiện nay.

Chỉ số HHI được Bộ Tư pháp Mỹ sử dụng để đánh giá mức độ tập trung và xu hướng mua bán - sáp nhập (M&A) giữa các ngân hàng đồng thời là cơ sở để đánh giá mức độ độc quyền hay độc quyền nhóm của một số ngân hàng. Chỉ số HHI là tổng bình phương thị phần của mỗi ngân hàng trong toàn hệ thống ngân hàng. Chỉ số HHI nhỏ hơn mức 1.500 thể hiện mức độ cạnh tranh gay gắt giữa các định chế tài chính, nếu nằm trong khoảng 1.500 đến 2.000 thì mức độ cạnh tranh vừa phải, và vượt mức 2.500 thì thị phần tập trung cao ở một số ngân hàng và có yếu tố độc quyền nhóm.

Chỉ số mức độ tập trung thị phần nhóm (CR) là tổng thị phần của một nhóm ngân hàng có thị phần lớn nhất. Nếu chỉ số CR có giá trị lớn hơn 80% thì số lượng các định chế tài chính được lựa chọn sẽ chiếm thị phần lớn của thị trường. Thông thường thì chỉ số CR được tính dựa trên số lượng định chế tài chính từ 3 tổ chức trở lên tùy thuộc vào quy mô thị trường và số lượng ngân hàng hoạt động.

Đánh giá mức độ cạnh tranh giữa các tổ chức tài chính ở Việt Nam

Cạnh tranh giữa các ngân hàng này càng trở nên gay gắt, đặc biệt là kể từ khi 5 ngân hàng nước ngoài (NH được phép hoạt động đầy đủ chức năng như một ngân hàng trong nước. Sự tham gia của các ngân hàng nước ngoài này đã cho thấy xu hướng cạnh tranh có sự thay đổi giữa các ngân hàng về huy động vốn, tín dụng, dịch vụ ngân hàng và kinh doanh ngoại tệ. Nếu thị phần huy động vốn và tín dụng vẫn tập trung vào các ngân hàng trong nước thì thị phần kinh doanh dịch vụ ngân hàng và kinh doanh ngoại tệ đã có các ngân hàng nước ngoài đứng ở vị trí cao hơn nhiều so với một số ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP).

Mức độ tập trung thị phần huy động vốn

Chỉ số HHI về huy động vốn của các ngân hàng giảm dần qua các năm và có giá trị nhỏ hơn nhiều mức 1500 cho thấy mức độ cạnh tranh cao giữa các ngân hàng trong huy động vốn. Yếu tố lịch sử về thời gian hoạt động và mạng lưới huy động đã không thể phát huy tối đa lợi thế giúp các NHTMNN ổn định thị phần. Thị phần huy động vốn của các NHTMNN đã thu hẹp lại từ 49,4% trong năm 2009 xuống còn 42,9% trong năm 2011. Tuy nhiên, thị phần huy động vốn của 8 NHTMCP chủ lực chưa mở rộng đáng kể so với mức giảm của các NHTMNN. Điều này ngụ ý rằng các ngân hàng có quy mô nhỏ hơn cũng đã mở rộng thị phần huy động vốn, và như vậy mức độ cạnh tranh về huy động vốn ngày càng sôi động.

Do sản phẩm chưa đa dạng và thị trường tài chính còn sơ khai nên các ngân hàng thường sử dụng công cụ giá – lãi suất huy động – lôi kéo khách hàng để ổn định nguồn tiền gửi. Trước khi có quy định trần lãi suất huy động VND 14%, giữa năm 2011, một số ngân hàng đã đẩy lãi suất huy động lên tới 18%, tuy nhiên, sau đó trần lãi suất huy động VND được quy định để kéo lãi suất thị trường xuống mức hợp lý nhưng một số ngân hàng vẫn cạnh tranh để thu hút khách hàng với mức lãi suất cao hơn mức trần quy định. Sự cạnh tranh với kiểu bất bình đẳng như thế này đã có tác động không nhỏ đến sự dịch chuyển luồng tiền gửi của dân cư giữa các ngân hàng. Kết quả, thị phần huy động vốn đã được phân phối lại rõ rệt.

Thị phần huy động của các NHTMNN bị thu hẹp dưới sự canh tranh khốc liệt của các NHTMCP. Một số NHTMCP đã phát triển nhanh chóng mạng lưới huy động và có các chính sách marketing hiệu quả để thúc đẩy thị phần huy động vốn tiệm cận với thị phần của NHTMNN.

Huy động vốn là đầu vào để ngân hàng có khả năng đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư, sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế. Nguồn vốn ổn định giúp các ngân hàng có lợi thế trong cạnh tranh hơn. Ngân hàng không phải sử dụng nguồn vốn trên thị trường liên ngân hàng để cấp tín dụng cho khách hàng, do vậy sẽ giảm thiểu rủi ro thanh khoản khi nguồn vốn trên thị trường liên ngân hàng không ổn định và kỳ hạn thấp.

Mất khả năng thanh khoản có thể dẫn đến sự sụp đổ của ngân hàng. Ví dụ về Ngân hàng Đệ Nhất, Ngân hàng Sài Gòn và Ngân hàng Việt Nam Tín Nghĩa – ba ngân hàng này đã mất khả năng thanh khoản kéo dài khi bong bóng bất động sản bị sẹp do đầu tư quá mức và chính sách tín dụng thắt chặt, đã phải hợp nhất và đặt dưới sự kiểm soát của BIDV - cho thấy việc mở rộng thị phần huy động vốn luôn là bài toán của các NHTM. Sử dụng linh hoạt công cụ giá (lãi suất) hay các chương trình khuyến mãi hấp dẫn cũng không thể tạo ra sự tăng trưởng đột biến và các NHTMCP vẫn khó có thể phân bổ lại thị phần huy động vốn một sớm một chiều. Giải pháp tối ưu có lợi từ yếu tố cộng sinh để gia tăng thị phần huy động vốn chính là thực hiện chiến lược M&A với ngân hàng khác. Nguyên tắc này thể hiện thị phần huy động vốn của 2 ngân hàng sau sáp nhập sẽ lớn hơn tổng thị phần huy động riêng lẻ của mỗi ngân hàng.

Mức độ tập trung thị phần tín dụng

Chỉ số HHI về tín dụng phản ánh không có sự độc quyền nhóm, thay vào đó là mức độ cạnh tranh tăng lên giữa các ngân hàng. Nếu thị phần huy động vốn của các NHTMCP không quá khác biệt so với thị phần của các NHTMNN thì thị phần tín dụng giữa hai khối ngân hàng này thể hiện rất rõ lợi thế cạnh tranh giữa hai khối. Các NHTMNN chiếm thị phần tín dụng cao nhờ có mạng lưới rộng, phủ khắp các tỉnh kinh tế trọng điểm. Cho vay các dự án kinh tế trọng điểm của Nhà nước hay có mối quan hệ chặt chẽ với các tập đoàn kinh tế là những nhân tố xác định sự khác biệt về thị phần tín dụng. Ngân hàng ACB, Sacombank và Eximbank là những ngân hàng quy mô nhất của khối NHTMCP và mạng lưới phủ rộng nhưng thị phần tín dụng chưa bằng một nửa thị phần của VCB – ngân hàng có mạng lưới ít nhất so với các NHTMNN khác. Các NHTMCP không có nhiều lợi thế như vậy, nên tín dụng tập trung nhiều vào khách hàng là cá nhân, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, do vậy đẩy nhanh việc mở rộng thị phần tín dụng sẽ rất khó.

Để mở rộng thị phần tín dụng, các NHTMNN thường cạnh tranh với nhau để lôi kéo khách hàng là tổng công ty lớn của nhà nước hay các doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn, trong khi các NHTMCP cạnh tranh để giành giật các công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân và ngân hàng bán lẻ. Như vậy, làn sóng sáp nhập sẽ là sự mở rộng cơ học thị phần tín dụng nhanh nhất giúp ngân hàng nâng cao quyền lực cạnh tranh. Hơn nữa, mức độ cạnh tranh giữa các khối sẽ đan chéo nhau khi mà nhiều doanh nghiệp nhà nước hoạt động không hiệu quả và nợ xấu tăng lên, các NHTMNN sẽ phải chuyển dịch nâng cơ cấu tín dụng của khu vực khách hàng cá nhân, doanh nghiệp nhỏ, vừa để đảm bảo hoạt động kinh doanh hiệu quả, vừa mở rộng cơ hội trên sân chơi khu vực ngân hàng bán lẻ.

Mức độ tập trung thị phần trong dịch vụ ngân hàng

Dịch vụ ngân hàng là lĩnh vực cạnh tranh ngày càng sôi động hơn mảng huy động vốn và tín dụng bởi sự đa dạng về nhóm khách hàng, nhu cầu, và mức thu nhập. Mục tiêu trở thành tập đoàn tài chính bán lẻ hàng đầu Việt Nam trong tương lai gần khiến nhiều ngân hàng đầu tư công nghệ hiện đại, đa dạng hoá sản phẩm và nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm chiếm lĩnh thị phần tài chính cá nhân. Đó là lý do khiến áp lực cạnh tranh về dịch vụ tài chính bán lẻ ngày một nóng lên và giải thích phần nào tại sao thị phần doanh thu thuần từ dịch vụ bán lẻ của các ngân hàng không chênh lệch quá nhiều mặc dù khác nhau về quy mô vốn, công nghệ, mạng lưới.

70% thị phần toàn hệ thống chủ yếu tập trung vào nhóm NHTMNN và một số NHTMCP như: Techcombank, Sacombank, Quân đội, ACB và Eximbank; chỉ có duy nhất một ngân hàng nước ngoài – HSBC là đứng vào nhóm 10 ngân hàng có thị phần lớn nhất. Thị phần doanh thu thuần năm 2011 từ dịch vụ ngân hàng của Techcombank tương đương với thị phần của Agribank và Vietinbank, trong khi thị phần của Sacombank và ACB bám rất sát sau đó. Điều này thể hiện sự cạnh tranh quyết liệt của các ngân hàng trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ. Thu nhập thuần từ lĩnh vực dịch vụ ngân hàng tăng lên và đóng góp tỷ trọng lớn đến tổng thu nhập thuần của ngân hàng sẽ là nền tảng phát triển bền vững cho ngân hàng đó, đặc biệt là môi trường cạnh tranh gay gắt về huy động vốn và tín dụng càng làm thu hẹp chênh lệch lãi suất huy động và cho vay, dẫn đến thu nhập thuần từ lãi giảm xuống.

Đặc điểm nổi bật của các ngân hàng trong mảng kinh doanh dịch vụ là ngân hàng nước ngoài thực sự là đối thủ cạnh tranh của các ngân hàng trong nước. Thị phần doanh thu dịch vụ năm 2011 của ngân hàng HSBC còn vượt qua nhiều NHTMCP như ACB, MB và Eximbank, mặc dù ngân hàng này không có nhiều lợi thế về quy mô hoạt động như các ngân hàng trong nước. Ngoài các NHTM trong nước, HSBC gần đây nổi lên như một đối thủ nặng ký trong mảng hoạt động dịch vụ. Đây thực sự là “Ngân hàng toàn cầu, Am hiểu địa phương”, có tiềm lực tài chính mạnh, thâm nhập rất sâu vào thị trường Việt Nam theo một chiến lược toàn diện.

Hợp tác chiến lược trong kinh doanh dịch vụ bán lẻ là một giải pháp được nhiều ngân hàng áp dụng nhằm hạn chế sự lấn át của các ngân hàng có quy mô mạng lưới phủ rộng. Sự hợp tác trong dịch vụ bán lẻ giúp các ngân hàng nhỏ không phải bỏ khối lượng vốn lớn để đầu tư công nghệ hiện đại nhưng vẫn đem lại hiệu quả trong môi trường cạnh tranh ngày càng lớn, nhất là trong bối cảnh doanh thu từ hoạt động tín dụng bị thu hẹp do chênh lệch lãi giữa huy động và cho vay ngày càng bị thu hẹp. Tuy nhiên, nhược điểm của lực cộng hưởng từ hợp tác chiến lược có thể gây hiệu ứng ngược với ngân hàng nhỏ hơn. Thị phần có thể bị thu hẹp do khách hàng cảm nhận được những tiện ích tốt hơn từ các ngân hàng khác trong hợp tác chiến lược.

Mức độ tập trung thị phần trong hoạt động kinh doanh ngoại tệ

Từ năm 2009-2011, chỉ số HHI đều thấp xa so với 1.500 cho thấy mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt trong hoạt động kinh doanh ngoại tệ (KDNT). Vào các thời điểm thị trường ngoại tệ khan hiếm, các doanh nghiệp xuất khẩu có nguồn thu ngoại tệ lớn là đối tượng mà các ngân hàng dùng nhiều hình thức cạnh tranh để có được nguồn ngoại tệ. Các công cụ mà ngân hàng có thể sử dụng rất linh hoạt để đẩy tỷ giá giao ngay vượt qua mức trần quy định của Ngân hàng Nhà nước. Thực hiện ký hai hợp đồng ngoại tệ - giao ngay và có kỳ hạn – sẽ giúp doanh nghiệp bán ngoại tệ với giá cao hơn. Một công cụ khác có thể được các ngân hàng áp dụng đó chính là sử dụng hợp đồng tiền gửi tương đương giá trị với lãi suất đủ bù đắp cho phần tỷ giá vượt trội. Tương tự như vậy, ngân hàng cũng có thể sử dụng chính các phương pháp nêu trên để bán ngoại tệ cho doanh nghiệp với tỷ giá giao ngay vượt trần quy định của NHNN.

Nếu ngoại trừ thị phần của VCB – ngân hàng giàu kinh nghiệm trong hoạt động KDNT và có nguồn vốn tiền đồng phong phú hỗ trợ – thì thị phần doanh thu thuần từ KDNT của các Ngân hàng nước ngoài chiếm ưu thế hơn hai NHTMNN khác là Vietinbank và BIDV. 03 NHTMNN chỉ chiếm khoảng 20% tổng thu nhập thuần KDNT của toàn hệ thống và 7 Ngân hàng nước ngoài chiếm tới 36-40% toàn hệ thống, nhưng tổng tài sản ngoại tệ của 3 ngân hàng này vượt 1,7 lần tổng tài sản ngoại tệ của 7 Ngân hàng nước ngoài. Như vậy, khối Ngân hàng nước ngoài thể hiện thế mạnh, sự linh hoạt và hiệu quả cao trong hoạt động KDNT và một phần hỗ trợ nguồn vốn ngoại tệ của ngân hàng mẹ hay của các chi nhánh hoạt động tại các nước khác nhau. Nếu tính đến các yếu tố lợi thế vốn và mạng lưới của các NHTMNN thì hiệu suất KDNT của các Ngân hàng nước ngoài còn cao hơn nhiều.

Phân tích này chỉ rõ nguy cơ lấn át đang tăng lên của các ngân hàng nước ngoài trong hoạt động KDNT. Mặc dù các NHTMNN vẫn giữ được thị phần nhưng sự lớn mạnh của các ngân hàng nước ngoài cho thấy xu hướng cạnh tranh khốc liệt hơn. Lợi thế độc quyền trong KDNT sẽ bị biến mất, thay vào đó lợi thế cạnh tranh được xây dựng từ sự đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ và đem lại lợi ích tổng thể cho khách hàng. Thị phần thu nhập thuần từ hoạt động KDNT của các ngân hàng nước ngoài trong bảng 8 là cảnh báo tới các NHTMCP cũng như các NHTMNN. Dựa trên lợi thế về trình độ, kinh nghiệm trong lĩnh vực KDNT và sự hỗ trợ vốn ngoại tệ của ngân hàng mẹ, ngân hàng nước ngoài sẽ tăng cường năng lực cạnh tranh cao hơn. Trong tương lai gần nếu các NHTMCP không chú trọng phát triển nghiệp vụ này thì hậu quả có thể là các NHTMCP sẽ mất sân chơi cho mảng hoạt động này đồng thời mất đi lợi thế sử dụng ngoại tệ là một trong những công cụ cạnh tranh hữu hiệu nhất cho nhóm khách hàng có nhu cầu nhập khẩu trong điều kiện thị trường ngoại tệ khan hiếm.

Xu hướng M&A giữa các tổ chức tài chính

Mức độ cạnh tranh gay gắt giữa các ngân hàng về huy động vốn, tín dụng, dịch vụ ngân hàng và KDNT đã tạo ra làn sóng các ngân hàng tìm kiếm đối tác M&A nhằm củng cố thị phần và gia tăng quyền lực trên thị trường. Theo lô-gic thì các ngân hàng lớn sẽ thôn tín dần các ngân hàng nhỏ để tạo ra lợi thế cộng sinh. Nếu không có mục tiêu chiến lược M&A các ngân hàng sẽ linh hoạt sử dụng mọi hình thức cạnh tranh để giành giật khách hàng và củng cố thị phần trên mọi mảng hoạt động. Tại Việt Nam đã có những dấu hiệu M&A các ngân hàng theo nhiều hướng.

VCB đã tìm được đối tác chiến lược, ngân hàng Mizuho của Nhật, để bán 15% cổ phần, tương đương giá bán là 576 triệu USD, nhằm nâng cao năng lực tài chính và tạo ra những bước đột phá trong quản trị điều hành và quản trị rủi ro. Trong chiến lược củng cố thị phần và nâng cao năng lực cạnh tranh theo phương thức này cũng có Vietinbank đồng hành. Vietinbak đang xúc tiến tìm đối tác chiến lược để bán 15% cổ phần. Mục đích tìm đối tác chiến lược của Vietinbank cũng nhằm nâng cao tiềm lực tài chính, giúp ngân hàng mở rộng kinh doanh ở các thị trường tài chính nước ngoài và hướng đến hoạt động theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế.

Không giống như VCB và Vietinbank, các NHTMCP âm thầm thực hiện chiến lược M&A để thực hiện mục tiêu gia tăng thị phần và nâng cao năng lực cạnh tranh. Việc thâu tóm NHTMCP Nhà Hà Nội (HBB) của NHTMCP Sài Gòn-Hà Nội (SHB) đã được Ngân hàng Nhà nước chấp nhận là mục tiêu của SHB nhằm tăng quy mô vốn điều lệ và tổng tài sản. Nếu thị phần riêng lẻ về huy động vốn của HBB và SHB năm 2011 tương ứng là 0,8% và 1,7% thì lợi ích cộng sinh từ hoạt động M&A sẽ giúp ngân hàng SHB sau sáp nhập có thị phần huy động vốn lớn hơn 2,5% vào cuối năm 2012 (có thể sẽ vượt qua thị phần của nhiều ngân hàng trong nhóm G-12). Tương tự, thị phần tín dụng sau sáp nhập của 2 ngân hàng này có thể vượt qua ít nhất 3 ngân hàng trong nhóm G-12. Tính đến cuối năm 2011, thị phần tín dụng của SHB là 1,2% và HBB là 0,7%. Hoạt động M&A của SHB không chỉ giúp ngân hàng mở rộng mạng lưới khách hàng và mạng lưới giao dịch có sẵn của HBB mà còn giúp SHB sau sáp nhập vươn lên trên nhiều ngân hàng trong nhóm G-12 với lợi thế về vốn chủ sở hữu, tổng tài sản, năng lực tài chính đồng thời tạo ra được quyền lực cạnh tranh cao hơn.

Nếu hoạt động M&A của SHB nhằm củng cố thị phần và vượt qua một số ngân hàng phía dưới trong nhóm G-12, thì hoạt động M&A của một vài ngân hàng trong nhóm G-12 sẽ cho chúng ta thấy rõ mục tiêu của họ. Mặc dù chưa chính thức xác nhận nhưng việc các thành viên cao cấp từ ngân hàng Eximbank và NHTMCP Phương Nam đứng trong Hội đồng quản trị của Sacombank cho thấy xu hướng sáp nhập hoặc hợp tác chiến lược giữa các ngân hàng này. Thị phần huy động riêng lẻ của 3 ngân hàng này còn quá nhỏ so với thị phần của các NHTMNN nhưng nếu 3 ngân hàng sáp nhập thì thị phần huy động và tín dụng tại thời điểm năm 2011 tương đương với thị phần của VCB, trong khi thị phần doanh thu dịch vụ ngân hàng chiếm khoảng 10,6%, vượt qua cả 3 trong 4 NHTMNN – VCB, Vietinbank và Agribank.

Như vậy, chỉ số HHI là thông tin hữu ích giúp các nhà quản lý biết được xu hướng cạnh tranh hay độc quyền trong hoạt động của các ngân hàng thương mại. Hoạt động cạnh tranh sẽ nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hoá sản phẩm với mức giá hợp lý; trong khi độc quyền nhóm sẽ đẩy giá lên cao hơn. Hoạt động M&A diễn ra sẽ tăng giá trị của chỉ số HHI, mức độ cạnh tranh sẽ giảm và thay vào đó độc quyền nhóm có thể xuất hiện. Xu hướng M&A giữa các ngân hàng sẽ diễn ra mạnh hơn bởi hoạt động này nhận được sự khuyến khích của Ngân hàng Nhà nước. Các ngân hàng lớn thì muốn bảo vệ thị phần và gia tăng quyền lực thị trường thông qua hoạt động M&A, trong khi đó các ngân hàng có quy mô vừa thì muốn gia tăng thị phần thông qua biện pháp cơ học là hiệu quả nhất. Các NHTMCP cố gắng tìm các ngân hàng nhỏ hơn hoặc các ngân hàng có cùng mục đích, chiến lược để tiến hành thực hiện M&A. Nếu quá trình diễn ra nhanh hơn thì quyền lực thị trường có thể thay đổi dẫn đến cạnh tranh gay gắt hơn và tiến độ cấu trúc ngân hàng được đẩy nhanh.

________________
Tài liệu tham khảo:
1. Jayaratne, J. and Hall, C. (1996) Consolidation and Competition in Second District Banking Markets. Current Issues in Economics anf Finance FRBNY, Vol. 2, No. 8. Pp. 1-6;
2. Berger, A. and Hannan, T. (1989) The Price Concentration Relationship in Banking. Review of Economics and Statistics. 71 (May), pp. 291-99;
3. http:/ebank.vnexpress.net/gl/ebank/tintuc/2012/06/ngan-hang-van-lach-tran-lai-suat/;
4. http:/ebank.vnexpress.net/gl/ebank/tintuc/2012/04/ngan-hang-van-di-dem-lai-suat/;
5. Thời báo ngân hàng, số 101, ngày 25/06/2012.
Bài đăng Tạp chí Tài chính số 8/2012
 
Agribank Tuyển Dụng 2024

Tin tuyển dụng mới nhất

Thống kê MXH

Tổng số chủ đề
34,586
Số bình luận
528,101
Tổng số thành viên
352,687
Thành viên mới nhất
sp247co
Back
Bên trên