CEO trong vòng xoáy đi - ở

phuong1290

Super Moderator
Super Mod
Giới ngân hàng đang rất quan tâm đến chuyện nhiều tổng giám đốc (CEO) và nhân sự cấp cao của các ngân hàng thay đổi nhiệm sở.

Ban lãnh đạo mới của Sacombank ra mắt đại hội đồng cổ đông tại kỳ họp cuối tháng 5-2012, trong đó có nhiều gương mặt mới so với nhiệm kỳ trước. Ảnh: Thanh Tao.
Biển động

Tin ông Nguyễn Đức Vinh, CEO Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), sau 12 năm gắn bó và đã để lại nhiều dấu ấn với sự trưởng thành của ngân hàng này, từ tháng 7 sẽ sang làm CEO của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), rất được dư luận chú ý. Còn CEO của VPBank hiện nay, ông Nguyễn Hưng, dự tính sang làm CEO Tienphongbank sau khi cơ cấu cổ đông lớn đã thay đổi.

Tốt nghiệp MBA ở Pháp, từng nhận học bổng Fulbright du học ở Mỹ, trong những năm gắn bó với Techcombank ông Vinh đã mở ra nhiều sản phẩm mới, nâng cấp chất lượng dịch vụ của ngân hàng, gầy dựng được đội ngũ lãnh đạo cấp cao và cấp trung được giới ngân hàng coi là giỏi, có trách nhiệm và gắn bó lâu dài.

Chuyện trời không yên, biển không lặng ở giới quản lý ngân hàng những năm qua đã diễn ra khá thường xuyên và gần đây đã trở thành biển động. Từ đầu năm đến nay, trong gần 40 ngân hàng thương mại có đến một nửa thay các thành viên chủ chốt trong HĐQT, CEO và hầu hết có thay đổi trong thành viên ban điều hành. Ngay cả Agribank (Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam), ngân hàng quốc doanh có quy mô lớn nhất, từ giữa năm 2011 tới nay chưa có CEO, sau khi cả chủ tịch HĐQT và CEO đều được điều chuyển công tác khác vì để xảy ra quá nhiều sai phạm.

Trước Tết Nguyên đán, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Hàng hải (Mari-time Bank), cũng là người đã gắn bó hơn 12 năm ở đây, ông Nguyễn Đình Tùng, còn chúc Tết nhân viên vui vẻ. Sau Tết, ông đã ngồi vào vị trí quyền CEO Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB).

Còn ở Maritime Bank, từ 24-5, CEO người Ấn Độ Atul Malik đã trở thành CEO người nước ngoài đầu tiên của ngân hàng (trước đó Techcombank và Ngân hàng TMCP Phát triển Mê Kông - MDB cũng có CEO người nước ngoài). Mari-time Bank còn có một đội ngũ các giám đốc người nước ngoài đang điều hành các khối, bộ phận.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) sau cuộc họp đại hội đồng cổ đông (26-5) vừa qua đã chứng kiến việc ông Phan Huy Khang (từng là CEO Ngân hàng TMCP Phương Nam - Southern Bank) chính thức ngồi vào ghế CEO từ ngày 1-6, thay thế ông Trần Xuân Huy. Trước đó, vào cuối tháng 4, cổ đông lớn nhất của Southern Bank, ông Trầm Bê, đã chính thức từ nhiệm chức Phó chủ tịch HĐQT để sang HĐQT của Sacombank. Một dàn cán bộ cao cấp của Phương Nam và Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) đã và đang “đổ bộ” qua Sacombank, còn hàng loạt cán bộ Sacombank thì đang đi khỏi ngân hàng này...

Một nhiệm kỳ của CEO thông thường 4-5 năm, nhưng điểm lại năm năm qua, hơn một nửa các ngân hàng cứ 1-2 năm lại thay CEO một lần. TienPhong Bank trong vòng hai năm có ba CEO, LienvietPostBank thay ba CEO trong vòng bốn năm... “Ngoài các nguyên nhân như đổi chủ sở hữu, cơ cấu lại tổ chức, đặc biệt còn do xu hướng hợp nhất các ngân hàng đang diễn ra mạnh mẽ, nhiều lãnh đạo từ cấp phó tổng giám đốc trở lên ở nhiều ngân hàng đã chuyển sang làm việc cho các ngân hàng khác khi biết sẽ có sự thay đổi lớn về nhân sự cao cấp ở ngân hàng mình sau khi sáp nhập”, bà Vân Anh, Giám đốc Navigos Search, bộ phận tìm kiếm nhân sự cao cấp cho các tổ chức, nhận định.

“Chúng tôi cần cơ hội làm nghề”

Còn những người trong cuộc, họ nghĩ gì? Ông Nguyễn Đình Tùng chia sẻ, sự có mặt của ba CEO người nước ngoài hiện nay là một ví dụ cho thấy sự thiếu về số lượng và đẳng cấp của CEO Việt Nam, vì thuê CEO nước ngoài rất tốn kém. Nhìn chung, ông thấy đa số CEO ngân hàng Việt Nam chưa thể hiện rõ vai trò trong nghề. Ở nhiều ngân hàng, CEO ít nhiều vẫn mang tính hình thức chứ thực ra các quyết định quan trọng vẫn ở HĐQT.

Đã nhiều năm giữ vị trí quản lý cấp trung và cấp cao trong các ngân hàng, ông Tùng cho rằng, hầu hết các cuộc đi - ở không phải từ lý do lớn nhất là thu nhập. Điều quan trọng nhất chính là cơ hội được làm nghề, là chất lượng công việc, là quan hệ làm việc giữa ban điều hành ngân hàng với các ông chủ (HĐQT) và rất nhiều yếu tố kỹ thuật trong văn hóa của bộ máy có phù hợp với mình.

Làm thế nào CEO biết ngân hàng nào có phù hợp với mình hay không? Ông Tùng nói rằng có thể “đọc” qua cách ngân hàng đó làm việc và ra quyết định trong quá khứ, nhìn danh mục đầu tư, chất lượng tín dụng và tài sản, và danh sách khách hàng. “Với tôi, một tổ chức có tài sản và cách làm ăn sạch sẽ, nhỏ nhưng có định hướng, có nền tảng và kỷ luật, có sự phân cấp phân quyền giữa CEO với HĐQT một cách rõ ràng là quan trọng hơn cả”, ông Tùng chia sẻ. Và thực sự không dễ kiếm được những ngân hàng “sạch sẽ”.

Một điều quan trọng khác với CEO là cấu trúc hài hòa trong nội bộ HĐQT, và HĐQT phải tạo một khoảng trời riêng cho CEO. Tất nhiên, sự hài hòa này không dễ có. “Mọi chuyện rất khác ở một ngân hàng mà quyền lực tập trung vào một nhóm cổ đông lớn với một ngân hàng có các nhóm cổ đông cân bằng về quyền lực và tiếng nói, kinh nghiệm và ‘văn hóa làm chủ’ ngân hàng. Không phải HĐQT nào cũng vì giá trị lâu dài của ngân hàng và cổ đông, cương quyết không ưu tiên một công ty con nào của một nhóm thiểu số”, một CEO khác cho biết. Đó là lý do thị trường vẫn chứng kiến các cuộc ra đi liên tục của CEO như hệ quả của mối quan hệ bất cân xứng đó.

CEO từng trải của Eximbank, ông Trương Văn Phước, cho rằng các ông chủ ngân hàng tư nhân đang đối mặt với sức ép cạnh tranh nên yêu cầu đối với CEO cũng cao hơn. “CEO đóng vai trò như đầu bếp trong tiệm ăn, phải chịu trách nhiệm về chất lượng món ăn, hay thuyết phục ông chủ về món mới và kéo khách hàng đến đông hơn, doanh thu lớn hơn. Nhưng cần thỏa thuận rất rõ ràng nếu thực khách ngộ độc thì trách nhiệm ông chủ đến đâu, của CEO đến đâu”, ông Phước nói.

Ông cũng mong muốn khung pháp lý có thiết chế để các CEO không phải cổ đông lớn trong ngân hàng được bảo hộ làm những điều đúng đắn và có quyền từ chối nếu ông chủ yêu cầu họ làm sai quy định pháp luật (kể cả những điều pháp luật chưa có quy định nhưng CEO thấy đó là việc làm sai), và làm sao để CEO không bị tùy tiện sa thải khi không có sai lầm. Bởi trong ngành ngân hàng, ông cho rằng điều rất quan trọng là “mê tiền nhưng phải có nguyên tắc”.

Còn thiếu nhiều CEO chất lượng cao

Câu chuyện chạy lòng vòng của các CEO giữa các ngân hàng với nhau cho thấy thị trường không có nhiều lựa chọn và tư duy sử dụng CEO cũng chưa thay đổi nhiều.

Theo bà Đàm Bích Thủy, Tổng giám đốc khu vực Việt Nam - Lào - Campuchia của Ngân hàng ANZ, điểm mới trên thị trường nhân sự cấp cao trong lĩnh vực ngân hàng thời gian qua là việc tham gia của các CEO người nước ngoài, song thị trường đang chờ xem hiệu quả của mô hình đó tới đâu. “Môi trường làm việc ở Việt Nam có nhiều điểm khác với nước ngoài nên rất khó để đánh giá thế nào là CEO thành công. Có nhiều trường hợp cho thấy một người có ảnh hưởng ở tổ chức nước ngoài, hoặc ở ngân hàng A nhưng chưa chắc giỏi ở ngân hàng B. Thực tế ở Việt Nam, nhân sự cấp cao cho ngành tài chính theo đúng chuẩn nước ngoài vẫn còn hạn chế”, bà Thủy nói.

“Nhân sự cấp cao của Việt Nam nói chung và ngành ngân hàng nói riêng từ rất nhiều năm nay không đủ đáp ứng nhu cầu cả về số lượng và chất lượng”, theo bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Navigos Search.

Trong khi đó, ông Trương Văn Phước cho rằng số lượng CEO ngân hàng nhiều nhưng rất ít những gương mặt thực sự thành công và để lại dấu ấn. Ông cho rằng sự khắc nghiệt của nghề “buôn tiền” cao hơn so với một số nghề khác và CEO ngân hàng ngày càng cần nhiều kỹ năng khác nhau.

“Bên cạnh kiến thức, kinh nghiệm, năng lực nói chung, tôi cho rằng quan trọng nhất là một CEO phải biết thuyết phục HĐQT. CEO phải có tầm nhìn vượt ra chiếc áo của tổ chức, đôi khi dấn thân và đánh đổi, kiên quyết và cứng rắn để thuyết phục HĐQT và nhân viên cùng đồng lòng với mình”, ông Phước nhận định. “Vài năm gần đây, CEO ngân hàng còn phải có kỹ năng tự xoay xở trong môi trường pháp luật chưa hoàn thiện để tổ chức của mình đi tới đích, thậm chí nhiều khi còn phải biết “vi phạm đúng luật”, biết dự báo chính sách... Nhiều CEO tuy được đào tạo bài bản ở nước ngoài nhưng thiếu kinh nghiệm bươn chải trong những điều kiện ngặt nghèo của thị trường Việt Nam”, ông Phước nói.

Chính vì vậy, giai đoạn kinh tế trầm lắng chính là cơ hội để các CEO tự nâng mình lên. Nếu nguồn nhân sự trong nước không có sự thay đổi cả về chất và lượng trong một vài năm tới, các ông chủ ngân hàng sẽ buộc phải tìm nhân sự nước ngoài như Techcombank hay Mari-time Bank đã làm.



Theo Hồng Phúc - TBKTSG
 

Tin tuyển dụng mới nhất

Thống kê MXH

Tổng số chủ đề
34,574
Số bình luận
528,077
Tổng số thành viên
351,222
Thành viên mới nhất
milfnutlife
Back
Bên trên