Càng nhiều kỹ năng càng dễ xin việc

phuong1290

Super Moderator
Super Mod
Làm thế nào để dễ xin được việc làm, nhà tuyển dụng có chú trọng bằng cấp không, làm sao để không run khi đi phỏng vấn?... Đó là những câu hỏi được các sinh viên của Trường ĐH Nông lâm TP.HCM nêu ra trong buổi tọa đàm tại Ngày hội việc làm hôm 25-5.


Sinh viên Trường ĐH Nông lâm TP.HCM điền thông tin cá nhân trước khi nộp hồ sơ tuyển dụng tại Ngày hội việc làm 2013 - Ảnh: Như Hùng

Trước “một mớ” băn khoăn của sinh viên, ông Huỳnh Thanh Vạn - giám đốc Công ty gỗ Đông Hòa - rút cây viết trong túi ra và hỏi: “Đố các bạn cây viết dùng để làm gì?”. Nhiều câu trả lời khác nhau: dùng để viết, dùng để... gãi lưng, dùng để chơi trò quay tay...

Nhiều kỹ năng dễ kiếm việc

Và ông Vạn “rất cảm ơn các bạn vì đã cho tôi biết cây viết có thể làm được nhiều việc như thế”. Ông nói với các bạn trẻ: với các bạn cũng thế, nếu có được nhiều kỹ năng thì cơ hội việc làm của các bạn sẽ nhiều hơn.

Một sinh viên năm 2 đặt câu hỏi: làm sao để... bớt run khi đi phỏng vấn, ông Hà Huy Cường - giám đốc vùng của Techcombank - chia sẻ: “Ngày xưa tôi cũng như các anh chị, là dân ở tỉnh lên, khi vào trường tôi cũng chưa có kinh nghiệm gì nên lúc nói chuyện với ai đó và đứng trước đám đông thì tôi rất run. Tôi tham gia rất nhiều các hoạt động Đoàn, Hội của trường và từ đó ngày càng tự tin hơn”. Ông Lê Văn Tơ - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty BĐS Kim Tơ - chia sẻ thêm: hãy tập đứng trước gương và nhìn vào đó cười để rèn sự tự tin. “Khi vào phòng, hãy nở nụ cười với người phỏng vấn. Không nên xem buổi phỏng vấn như một buổi trả bài. Phải nhớ: trả lời cũng là một kỹ năng”.

Nhiều sinh viên khác băn khoăn “vì sao nhiều người có bằng khá giỏi, có kỹ năng mềm nhưng vẫn không xin được việc làm?”. Ông Huỳnh Thanh Vạn cho rằng nên biết những kỹ năng mềm, kỹ năng chuyên môn của bản thân đáp ứng được ở vị trí tuyển dụng nào. Mặt khác, “thái độ của người đi xin việc rất quan trọng, nhiều khi bạn có nhiều kỹ năng nhưng thái độ không tốt thì cũng có khả năng bị đánh rớt”. Theo ông Vạn, hồ sơ xin việc làm sao phải cho đẹp trong mắt người tuyển dụng và phải ghi đầy đủ thông tin, sắp xếp theo thứ tự để nhà tuyển dụng thấy bạn tỉ mỉ, chu đáo.

Ông Hà Huy Cường cũng cho rằng nhà tuyển dụng thường quan tâm vào các vấn đề bằng cấp, thái độ của người ứng tuyển, khả năng phản xạ với các tình huống, kinh nghiệm làm việc... “Dĩ nhiên, không ai mới ra trường mà có kinh nghiệm, nhưng kinh nghiệm ở đây còn là việc bạn có tham gia các câu lạc bộ đội nhóm hay không, có đi làm thêm bên ngoài hay không...” - ông Cường nói.

Bằng cấp không còn là số 1

Bạn Ngô Ngọc Duy - sinh viên năm cuối ngành cảnh quan môi trường, vừa dự buổi phỏng vấn - chia sẻ tại ngày hội: “Một doanh nghiệp tỏ vẻ hài lòng khi biết mình đi làm thêm rất nhiều và có nhiều kỹ năng mềm như thuyết trình, hoạt náo... Tuy nhiên họ không hài lòng khi nhìn bảng điểm vì học lực mình chỉ trung bình, tiếng Anh không thạo lắm...”.

Ông Huỳnh Thanh Vạn đã mời Duy thể hiện các kỹ năng mà Duy nói mình có. Duy đã làm hài lòng các khách mời. Tuy nhiên ông Vạn cho biết lý do mà Duy bị từ chối: “Bạn đã sai về vấn đề tác phong: bạn đi dép, mặc quần jean, áo thun nên đã tạo ấn tượng ban đầu không tốt. Chiều nay bạn thay đổi trang phục và đến hẹn phỏng vấn lại đi”. Và với một người nhiều kỹ năng như Duy, ông Vạn nhắn: không tìm được việc thì cứ đến chỗ tôi.

Một vấn đề khác được nhiều sinh viên đặt ra đó là nhà tuyển dụng có quan tâm nhiều đến thương hiệu của trường đào tạo không. Ông Hà Huy Cường cho biết đó không phải là tất cả. “Tôi từng học chuyên ngành kinh tế Trường ĐH Nông lâm, nói về thương hiệu thì làm sao bằng học kinh tế của Trường ĐH kinh tế TP.HCM, nhưng giờ tôi vẫn giữ vị trí cao đó thôi. Tôi nghĩ bằng cấp do trường nào đào tạo không quan trọng bởi hiện nay nội dung đào tạo gần như giống nhau. Các bạn hãy tự tin với ngành nghề của mình! Quan trọng nhất là năng lực của các bạn đối với công việc như thế nào”, ông nói.

Có phải “không nhậu không làm được việc”?

Tại tọa đàm nhiều bạn sinh viên cho rằng nếu làm sale, kinh doanh... mà không biết nhậu thì khó được tuyển dụng và khó thành công trong công việc, có đúng không?

Câu trả lời là “nhậu không phải là tất cả”. Ông Hà Huy Cường cho biết: “Trước kia có tuần tôi nhậu cả tuần, nhưng giờ có tuần tôi không nhậu buổi nào nhưng khách hàng vẫn đến với tôi. Như vậy, quan trọng là chúng ta giao tiếp như thế nào thôi”. Ông Lê Văn Tơ chia sẻ thêm: “Chúng ta có nhiều cách để từ chối nhậu và thuyết phục người khác không ép mình nhậu ví như: thay vì bị ép uống thì chúng ta chuyển hướng sang kể những câu chuyện vui để cho không khí buổi tiệc vui vẻ hơn...”.

LÊ QUANG PHƯƠNG
Tuổi trẻ
 

Tin tuyển dụng mới nhất

Thống kê MXH

Tổng số chủ đề
34,577
Số bình luận
528,089
Tổng số thành viên
351,605
Thành viên mới nhất
Dương bkstaff
Back
Bên trên