Cách tốt nhất để cướp một ngân hàng là sở hữu nó

Tin Zuẩn Không?

Super Moderator
Super Mod

Những vụ cướp ngân hàng của một băng nhóm bên ngoài cũng không thể so bì với thiệt hại từ những mánh khóe xảo quyệt của chính những người bên trong ngân hàng đó. Đây cũng là lời cảnh báo của cuốn sách "Cách tốt nhất để cướp một ngân hàng là sở hữu nó" (The Best Way to Rob a Bank is to Own One) của GS. William Black.​

Vụ sụp đổ của hệ thống tiết kiệm và cho vay tại Mỹ vào thập niên 90​

Khi đại án Vạn Thịnh Phát được phơi bày trong thời gian qua, cách thức rút ruột ngân hàng cùng với những tình tiết của vụ án khiến người đọc nhớ lại cuốn sách nổi tiếng “The Best Way to Rob a Bank is to Own One” của GS. William Black.

GS. William Black là một chuyên gia tên tuổi lớn trong những năm 90 và từng giữ các vị trí chuyên gia và quản lý trong lĩnh vực thanh tra và pháp chế tại nhiều cơ quan liên bang của Chính phủ Mỹ, trong đó có Ủy ban Ngân hàng liên bang cho vay nhà ở và Công ty Bảo hiểm Tiết kiệm và Cho vay Liên bang.

Việc từng kinh qua nhiều vị trí khác nhau trong nhiều cơ quan liên bang của Chính phủ Mỹ đã cho GS. William Black cái nhìn sâu hơn về vụ sụp đổ hệ thống định chế tài chính tiết kiệm và cho vay tại Mỹ cuối những năm 90 của thế kỷ 20. Vụ khủng hoảng này đã có trên 10,000 hồ sơ truy tố và hơn 1,000 người bị kết án hình sự và bị tù giam.

Nội dung chính của cuốn sách xoay quanh khái niệm điều khiển gian lận (Control Fraud) và cách thức thao túng của những người nội bộ ngân hàng để mang lại lợi ích cho riêng họ.

Trong cuốn sách, GS. William Black đã khái quát được mẫu số chung về sự sụp đổ tệ hại của một ngân hàng hoặc hàng loạt ngân hàng tại Mỹ và những nơi khác trên thế giới.

Trên thực tế, việc thao túng gian lận thường bắt nguồn từ những người ở các vị trí cao trong doanh nghiệp như Tổng Giám đốc hay Chủ tịch HĐQT. Họ có thể cấu kết với những người khác trong ban điều hành hoặc người ngoài để thao túng mọi thứ. Từ đó, chính họ trở thành nhóm lợi ích nội bộ có khả năng thao túng một ngân hàng hoặc một nhóm ngân hàng cùng có chung lợi ích. Trong cuốn sách, GS. Black gọi nhóm người này là những siêu thú chuyên săn mồi tài chính.

Ông cũng làm rõ những cách thức rút ruột ngân hàng qua những khoản cho vay khống mà thời nay gọi là những khoản vay láo (Liar Loans). Để hợp thức hóa những khoản vay khống dạng này, nhóm lợi ích nội bộ đã dàn dựng một hệ thống sổ sách được cơ cấu theo cách điều khiển gian lận kế toán (Accounting Control Fraud) để lách luật và qua mặt các nơi có chức năng giám sát và thanh tra. Cuối cùng, nhóm điều khiển gian lận này thường ẩn núp dưới bóng một chính sách kinh tế nào đó và được những chính khách hoặc giới chức nào đó che chắn bằng các thủ thuật gọi là “che đậy từ trên”.

Liên quan đến những khoản vay khống, tác giả cuốn sách đưa ra 2 nhận định thú vị. GS. William Black cho rằng để tổ chức và thực hiện được những kế hoạch rút ruột, những kẻ cầm đầu phải là những người có sức ảnh hưởng lớn và có khả năng thao túng mọi người chung quanh. Thứ hai là những nhóm gian lận này thường dàn dựng các dự án rất nhanh, những khoản tiền lớn và rất lớn, rút tiền rất nhanh và họ cũng thường cấu kết với những ngân hàng khác để tạo nhiều đợt sóng với những khoản vay láo khác.

Để hợp thức hóa những khoản vay láo và “tô vẽ” các khoản lợi nhuận không có thật, các nhóm lợi ích này phải sử dụng các hành vi gian lận kế toán. Họ cũng cấu kết với các công ty kiểm toán độc lập bên ngoài để thực hiện những khoản vay láo.

Bằng các cách thức này, những người nội bộ dần dần rút ruột chính ngân hàng để mang lại lợi ích khổng lồ cho chính họ, nhưng đánh đổi lại là hậu quả khôn lường cho cả nền kinh tế.​

Cho đến câu chuyện Vạn Thịnh Phát của bà Trương Mỹ Lan​

Câu chuyện đã xảy ra từ cách đây gần 40 năm dường như tái diễn lại ở Việt Nam. Những cách thức mà GS. Black đề cập tới trong cuốn sách có nhiều nội dung tương tự với cách thức chiếm đoạt hơn 304 ngàn tỷ đồng của bà Trương Mỹ Lan – người đứng đầu Tập đoàn Vạn Thịnh Phát – thông qua thao túng ngân hàng SCB.
Mọi chuyện khởi đầu từ trước năm 2012, khi bà Lan bắt đầu tìm cách thâu tóm quyền lực tại Ngân hàng SCB.

Tại thời điểm đó, bà Trương Mỹ Lan đã bắt đầu gom cổ phần tại ba ngân hàng gồm Ngân hàng Sài Gòn (cũ), Ngân hàng Đệ Nhất, Ngân hàng Tín Nghĩa. Sau đó, 3 ngân hàng này hợp nhất thành Ngân hàng Sài Gòn (SCB).

Với tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu ban đầu 85% và sau này tăng lên 91%, bà Trương Mỹ Lan nắm quyền tuyệt đối ở Ngân hàng SCB. Bà Lan không nắm cổ phần trực tiếp mà nhờ người đứng tên hộ cho số cổ phần tại SCB.

Để thao túng ngân hàng, bà Lan đưa nhiều người thân tín, được tin tưởng vào các vị trí chủ chốt của ngân hàng như HĐQT, ban Tổng giám đốc, giám đốc chi nhánh lớn, Ban Kiểm soát… và trả lương cao từ 200-500 triệu đồng/tháng. Trong phần hồ sơ lãnh đạo, SCB cũng đưa ra các thông tin tương đối sơ sài.

Cùng với đó, bà Trương Mỹ Lan thành lập hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát có hơn 1,000 doanh nghiệp chia làm bốn nhóm chính có quan hệ chặt chẽ với nhau gồm nhóm định chế tài chính, nhóm công ty có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, nhóm các công ty “ma’’ tại Việt Nam và cuối cùng là mạng lưới công ty tại nước ngoài.

Bà Trương Mỹ Lan xây dựng mạng lưới nhiều công ty vỏ bọc, tại các vùng lãnh thổ, quốc gia “thiên đường thuế’’ phục vụ hoạt động kinh doanh, đầu tư. Bà Lan còn sử dụng danh nghĩa nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam và có nhiệm vụ quản lý nguồn vốn, tài sản của gia đình bà Lan ở nước ngoài.

Tiếp đó, bà Lan dùng quyền hạn của mình để chỉ đạo các cá nhân ở Ngân hàng SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát triển khai hoạt động rút tiền dưới hình thức giải ngân cho các hồ sơ vay khống, lấy số tiền đặc biệt lớn phục vụ cho mục đích cá nhân của mình.

Vì đều là các khoản vay khống, do vậy, khi không trả được nợ, bà Lan cùng các bị can tiếp tục tạo ra các khoản vay khống, số tiền chiếm đoạt ngày càng nhiều, số tiền thiệt hại ngày càng lớn.

Các hồ sơ cho vay này thực chất không phải là hồ sơ vay vốn theo quy định của pháp luật. Thực chất, trong các hồ sơ vay vốn, các pháp nhân, cá nhân đều do nhóm Vạn Thịnh Phát lập ra; phương án vay vốn khống vì tiền giải ngân không thực hiện đúng như phương án mà chỉ để phục vụ cho các mục đích của Trương Mỹ Lan.

Các tài sản đảm bảo đưa vào chỉ là phương thức thủ đoạn, vi phạm trình tự thủ tục đăng ký tài sản đảm bảo, về giá trị và tính pháp lý, vi phạm các quy định... nhằm hợp thức việc rút tiền của Ngân hàng SCB.

Nhờ thao túng và giấu kín thông tin, người dân hoàn toàn không hiểu được thiệt hại từ các động thái này. Mãi đến gần đây, khi mọi chuyện được điều tra kỹ càng, người dân vỡ lẽ trước thiệt hại mà bà Lan gây ra.

Theo kết luận điều tra gần đây, bà Lan bị quy kết phải chịu trách nhiệm về 304,000 tỷ đồng chiếm đoạt, 129,000 tỷ đồng gây thiệt hại từ hành vi tham ô tài sản và 64,000 tỷ đồng gây thiệt hại từ hành vi vi phạm quy định cho vay.

Tuy nhiên, kết quả điều tra cho thấy lũy kế 10 năm (2012-2022) hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát đã được Ngân hàng SCB cho vay đến hơn 1 triệu tỷ đồng. Trong thời kỳ bà Trương Mỹ Lan thao túng, từ ngày 01/01/2012 đến ngày 07/10/2022, Ngân hàng SCB đã cho vay, giải ngân cho 1,366 khách hàng (gồm: 710 cá nhân, 656 tổ chức).
Chỉ riêng phần chiếm đoạt 304,000 tỷ đồng đã là một con số khổng lồ. Đặt lên bàn cân, con số này tương đương với 6% GDP Việt Nam.

Đối với Việt Nam như hiện nay, hệ thống ngân hàng có vai trò và vị thế rất quan trọng. Chính vì vậy, bất cứ một sai phạm và vi phạm nào mang tính hệ thống và cấu kết của một ngân hàng sẽ gây ra một hậu quả khó lường cho cả nền kinh tế.

Vương Đông
FILI

 

Tin tuyển dụng mới nhất

Thống kê MXH

Tổng số chủ đề
34,577
Số bình luận
528,086
Tổng số thành viên
351,483
Thành viên mới nhất
mokatamtamcz
Back
Bên trên