7 kinh nghiệm giúp bạn Vay mua nhà thuận lợi

Theo kinh nghiệm của chuyên viên tư vấn tài chính, trước khi vay tiền mua nhà, bạn cần chuẩn bị sẵn tiền bạc và sự hiểu biết để dự liệu được mọi tình huống. Tính sai hay quá liều lĩnh có thể dẫn đến những hệ quả hoặc rắc rối cho cuộc sống về sau.
Kiểm tra kỹ nguồn tài chính

Bạn có thể phải cần đến bà con, người thân cho vay mượn hoặc vay vốn ngân hàng khi không đủ trả tiền mua nhà. Tuy nhiên, người vay phải kiểm tra sự chắc chắn của những khoản vay mượn này vì trước khi quyết định mua nhà, bạn phải nhận được sự đảm bảo ban đầu về nguồn tài chính. Người vay nên tránh rơi vào hoàn cảnh đặt cọc tiền nhưng không đủ tiền thanh toán tiếp theo.
Cẩn thận khi thoả thuận

Nhà đất là tài sản có giá trị rất lớn vì vậy việc mua bán, giao dịch phải cẩn thận. Nếu nhờ người môi giới, sàn giao dịch địa ốc, hay bạn bè người thân trợ giúp cho việc mua nhà bạn cần phải xem liệu họ có năng lực, trách nhiệm để làm được việc đó không. Mọi thoả thuận đều phải rõ ràng và được ghi lại chi tiết, không dựa thoả thuận miệng.
Kiểm tra chất lượng

Bạn không nên mua nhà nếu không chắc chắn về chất lượng của nó. Vì vậy người mua cần người có chuyên môn kiểm tra đánh giá kỹ trước khi quyết định đặt cọc. Để biết căn nhà có phù hợp với lối sống, bạn tìm hiểu về cộng đồng dân cư trong khu vực, ghé thăm căn nhà vào những thời điểm khác nhau trong ngày để kiểm tra tiếng ồn, lưu lượng xe qua lại hoặc có bị ngập nước vào mùa mưa hay không…
Tư vấn chuyên môn
Ngoài ra, nếu có điều kiện, bạn có thể thuê luật sư để tư vấn về quyền sở hữu cũng như các thủ tục pháp lý trong quá trình làm thủ tục mua nhà… Bên cạnh đó, người mua phải có thời gian đọc, nghiên cứu kỹ hợp đồng mua bán nhà đất, hỏi chuyên gia tư vấn các điều bạn chưa thông suốt trong quá trình làm thủ tục. Khi vay vốn ngân hàng, bạn yêu cầu nhân viên ngân hàng tư vấn để nắm rõ các điều khoản quan trọng của hợp đồng vay vốn.
Tham khảo nhiều thông tin

Trước khi quyết định vay, bạn có thể so sánh lãi suất, mức, thời hạn cho vay… của một số ngân hàng khác nhau. Khách hàng nên đọc một số tài liệu về vay mua nhà qua sách, báo, Internet. Trang bị một số kiến thức căn bản giúp bạn hiểu rõ hơn hoàn cảnh tài chính và khả năng mua nhà để đưa ra những quyết định hợp lý.
Biết giới hạn

Bạn cần phải giới hạn mức độ tối đa mà khả năng tài chính và trả nợ của bạn cho phép trong mức an toàn. Nếu không tính toán kỹ, mua một ngôi nhà có giá trị quá lớn, sau khi trả số tiền hàng tháng cho ngân hàng, phần ngân sách gia đình còn lại phải tằn tiện thậm chí thiếu trước hụt sau. Đặc biệt, trong trường hợp bất trắc (thất nghiệp, đau ốm, tai nạn…) bạn khó chống đỡ.
Trước khi vay, bạn xem mình có khả năng chỉ trả được bao nhiêu, lên kế hoạch thanh toán trong tương lai và cân nhắc điều chỉnh giữa thu nhập và nhu cầu tài chính sắp tới, cũng như cần lưu ý cả sự thay đổi lãi suất. Người mua cần đảm bảo các khoản tiết kiệm cá nhân đủ chi trả khoản thanh toán, chi phí liên quan khác như chi phí cho giấy tờ pháp lý, thuế trước bạ, khoản phí bảo hiểm và định giá tài sản liên quan tới việc mua nhà…
Chuẩn bị hồ sơ

Khi bắt đầu làm hồ sơ xin vay mua nhà, bạn không đủ giấy tờ, tài liệu, bắt buộc phải đợi bổ sung, do đó chậm trễ thêm tiến trình thủ tục. Bạn cần biết trước mình cần phải có những loại giấy tờ, thủ tục gì theo yêu cầu của ngân hàng như giấy tờ căn nhà, đất dự định mua, giấy thoả thuận hoặc hợp đồng mua bán nhà, giấy đặt cọc, tài liệu chứng minh thu nhập… Để có thể nắm được các thủ tục này, bạn yêu cầu chuyên viên quan hệ khách hàng tư vấn kỹ. Nếu giấy tờ không sẵn sàng và không đầy đủ, việc vay vốn sẽ bị trì hoãn lâu hơn.
 
Vay mua nhà thực sự rất cực nhé. Cực vì....áp lực ghê lắm. Nhưng không vay thì khỏi mua luôn, vì tính mình tiêu pha phá nhà phá cửa, chắc chắn không thể để đủ tiền mới mua được.

Các bạn sinh viên tỉnh không có sự trợ giúp của gia đình, việc đạt được công việc để ổn định cuộc sống và vay tiền mua nhà là cả sự cố gắng vất vả.

+ Dự kiến tổng tiền bạn có đối ứng để ngân hàng cho vay là bao nhiêu? Tiền của gia đình hỗ trợ hay bạn đi vay ngoài? Nếu của bạn thì khỏi nói rồi, đỡ hơn chút. Nếu của người quen thì số tiền đó cho vay trong bao lâu, hàng tháng chi trả lãi/gốc thể nào. Cần rõ ràng trước.
+ Số tiền dự kiến giải ngân từ ngân hàng là bao nhiêu? Vay trong bao lâu (15 năm hay 20 năm), hàng tháng cả gốc + lãi sẽ phải trả là bao nhiêu?
+ Tổng chi phí cơ bản cho cuộc sống sinh hoạt của bạn là bao nhiêu. Càng chi tiết càng tốt.
+ Tổng chi phí phát sinh bất thường: ma chay, hiếu hỉ dự kiến là bao nhiêu, thiếu thì có giật tạm ở đâu được hay không?
+ Bạn có em bé? - Khoản này chi cơ bản cho bé là bao nhiêu+ dự trù ốm đau trung bình trong nhà lúc nào cũng trên dưới 10 triệu không? Nếu có giật tạm được của người quen hay vay thấu chi ngân hàng? phải thật chi tiết.

Cuối cùng: Tổng thu nhập của bạn/hai vợ chồng là bao nhiêu? Khi mua nhà áp lực về tiền khiến bạn nhiều khi chịu áp lực rất lớn trong việc xem xét nhảy việc nhé - sẽ dẫn đến dễ ì, vì sợ công việc mới không đáp ứng được nghỉ việc một cái, hàng tháng lấy tiền đâu mà trả tiền ngân hàng. "Toi" cả quyết tâm thành vĩ nhân của mình đấy ạ :D

Các bạn càng chi tiết, và dự trù càng sát thì áp lực sẽ càng nhỏ đi. Việc cân nhắc mua nhà hay thuê nhà sẽ tốt hơn trong giai đoạn đầu.
Chúc các bạn có sự lựa chọn ưng ý. Nếu cần chia sẻ thêm điều gì về áp lực mua nhà inbox riêng nhé.
 

Tin tuyển dụng mới nhất

Thống kê MXH

Tổng số chủ đề
34,577
Số bình luận
528,089
Tổng số thành viên
351,566
Thành viên mới nhất
nganhuynh130806
Back
Bên trên