6 loại sai sót thường gặp trong kiểm toán BCTC năm 2011

ancaothang

Thành viên
VACPA tổng hợp có 6 loại sai sót thường gặp như sau:

1. Tên gọi Báo cáo kiểm toán đã được đặt bằng nhiều tên khác nhau:
Quy định:
Đoạn 11 – VSA 700: Báo cáo kiểm toán phải có tiêu đề rõ ràng và thích hợp để phân biệt với báo cáo do người khác lập. Báo cáo kiểm toán được phép sử dụng tiêu đề "Báo cáo kiểm toán", hoặc "Báo cáo kiểm toán về báo cáo tài chính", hoặc "Báo cáo kiểm toán về báo cáo tài chính năm... của Công ty...".
Thực hiện:
Có công ty đã ghi sai tên báo cáo là “Báo cáo của kiểm toán viên” (CPA Vietnam); “Báo cáo kiểm toán hợp nhất” (Thăng Long T.D.K Chi nhánh Miền Nam).
2. Phần mở đầu báo cáo chưa nêu đủ các thành phần của báo cáo tài chính là đối tượng của cuộc kiểm toán và ngày lập, số trang báo cáo tài chính:
Quy định:
Đoạn 16 – VSA 700 đã nêu ví dụ đoạn mở đầu, như sau: "Chúng tôi đã kiểm toán báo cáo tài chính gồm: Bảng cân đối kế toán tại ngày 31/12/X, Báo cáo kết quả kinh doanh, Báo cáo lưu chuyển tiền tệ và thuyết minh báo cáo tài chính năm tài chính kết thúc ngày 31/12/X được lập ngày... của Công ty ABC từ trang... đến trang... kèm theo...”.
Thực hiện:
Có báo cáo kiểm toán không nêu Bản thuyết minh báo cáo tài chính là thành phần của báo cáo tài chính được kiểm toán (1 báo cáo của Công ty Kreston ACA); một số báo cáo kiểm toán không nêu ngày lập báo cáo tài chính được kiểm toán (10 báo cáo của các công ty BDO, Deloitte, KTVN, VAE); không nêu số trang của báo cáo tài chính được kiểm toán đính kèm (5 báo cáo của các công ty Kreston ACA, KPMG ).
3. Báo cáo kiểm toán chưa nêu đầy đủ các công việc đã thực hiện trong cuộc kiểm toán:
Quy định:
Đoạn 19 – VSA 700: Báo cáo kiểm toán phải nêu rõ các công việc đã thực hiện, gồm: (a) Các phương pháp kiểm toán (chọn mẫu, thử nghiệm cơ bản…) những bằng chứng kiểm toán đủ để xác minh được thông tin trong báo cáo tài chính; (b) Đánh giá việc tuân thủ chuẩn mực và chế độ kế toán hiện hành (hoặc được chấp nhận); Các nguyên tắc và phương pháp kế toán được áp dụng để lập báo cáo tài chính; (c) Đánh giá các ước tính kế toán và xét đoán quan trọng đã được Giám đốc (hoặc người đứng đầu) đơn vị được kiểm toán thực hiện khi lập báo cáo tài chính; (d) Đánh giá việc trình bày toàn bộ tình hình tài chính trên các báo cáo tài chính.
Thực hiện:
Có báo cáo không nêu công việc thực hiện gồm “Đánh giá việc tuân thủ chuẩn mực và chế độ kế toán hiện hành (hoặc được chấp nhận)” (3 báo cáo của Deloitte, 1 báo cáo của DTL, 3 báo cáo của E&Y, 3 báo cáo của IFC, 2 báo cáo của Kreston ACA, 4 báo cáo của KPMG, 2 báo cáo của UHY, 1 báo cáo của KTVN).
4. Phần ý kiến kiểm toán chưa đầy đủ theo quy định:
Quy định:
Đoạn 22 – VSA 700: Báo cáo kiểm toán phải nêu rõ ý kiến của kiểm toán viên và công ty kiểm toán về các báo cáo tài chính trên phương diện phản ánh (hoặc trình bày) trung thực và hợp lý trên các khía cạnh trọng yếu, trên phương diện tuân thủ các chuẩn mực và chế độ kế toán hiện hành (hoặc được chấp nhận), và việc tuân thủ các quy định pháp lý có liên quan.


Thực hiện:
Một số báo cáo kiểm toán chỉ đưa ý kiến về tính tuân thủ của báo cáo tài chính đối với chuẩn mực và chế độ kế toán Việt Nam (1 báo cáo của A&C, 1 báo cáo của E&Y, 1 báo cáo của PwC, 4 báo cáo của Thăng Long T.D.K) hoặc nêu dưới dạng “phù hợp … và các quy định hiện hành khác về kế toán tại Việt Nam" (1 báo cáo của IFC, 2 báo cáo của Kreston ACA, 2 báo cáo của UHY, 1 báo cáo của VAE) /hoặc “phù hợp … cũng như các quy định khác về kế toán có liên quan” (1 báo cáo của VAE). Các báo cáo trên không nêu ý kiến về tính tuân thủ đối với các quy định pháp lý có liên quan là không bảo đảm trách nhiệm soát xét việc tuân thủ các quy định pháp lý có liên quan đến thông tin tài chính đã kiểm toán.
5. Ý kiến kiểm toán dạng chấp nhận từng phần chưa đầy đủ và chưa phù hợp theo quy định:
Quy định:
Đoạn 43 – VSA 700: Mỗi khi kiểm toán viên đưa ra ý kiến không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần (ý kiến chấp nhận từng phần, ý kiến từ chối, hoặc ý kiến không chấp nhận) thì phải mô tả rõ ràng trong báo cáo kiểm toán tất cả những lý do chủ yếu dẫn đến ý kiến đó và định lượng, nếu được, những ảnh hưởng đến báo cáo tài chính.
Đoạn 46 – VSA 700: Phạm vi công việc kiểm toán bị giới hạn có thể do hoàn cảnh thực tế (Ví dụ: Kế hoạch kiểm toán không cho phép kiểm toán viên tham gia kiểm kê hàng tồn kho). Giới hạn cũng có thể do các tài liệu kế toán không đầy đủ, hoặc là do kiểm toán viên không thể thực hiện các thủ tục kiểm toán cần thiết. Trong trường hợp này, kiểm toán viên phải cố gắng thực hiện các thủ tục kiểm toán thay thế để có thể thu thập được đầy đủ bằng chứng thích hợp để làm cơ sở cho ý kiến chấp nhận toàn phần.
Thực hiện:
Có báo cáo kiểm toán chỉ mô tả vấn đề theo thực tế phát sinh chưa nêu rõ ràng và định lượng những ảnh hưởng nếu có của vấn đề ngoại trừ đến các chỉ tiêu có liên quan trên báo cáo tài chính được kiểm toán (Báo cáo kiểm toán của BDO về báo cáo tài chính năm 2011 của Công ty Cổ phần Tư vấn – Thương mại – Dịch vụ địa ốc Hoàng Quân và các công ty con) hoặc chưa nêu rõ ràng, cụ thể ý kiến của kiểm toán viên đối với từng vấn đề được mô tả (Báo cáo kiểm toán của Chi nhánh Miền Nam Công ty Thăng Long T.D.K về báo cáo tài chính năm 2011 của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển nhà đất COTEC và các công ty con).
Có báo cáo kiểm toán dạng hạn chế phạm vi do kiểm toán viên chưa nhận được đầy đủ thư đối chiếu, xác nhận số dư các khoản nợ phải thu, phải trả, tuy nhiên lại chưa nêu rõ việc kiểm toán viên có áp dụng các thủ tục kiểm toán thay thế hay không, trước khi đưa ra ý kiến kiểm toán (Báo cáo kiểm toán của DFK về báo cáo tài chính năm 2011 của Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn Đồng Nai).
Có báo cáo kiểm toán dạng chấp nhận từng phần lại có đoạn lưu ý trình bày nhiều vấn đề, nếu tổng hợp các vấn đề lại có thể ảnh hưởng trọng yếu đến báo cáo tài chính và trong đoạn lưu ý còn trình bày thêm một lần nữa ý kiến kiểm toán viên về một số vấn đề khác ngoài nhận xét đã nêu trong phần “Ý kiến của kiểm toán viên” (Báo cáo kiểm toán của Việt Anh về báo cáo tài chính năm 2011 của Công ty Cổ phần Sivico).

6. Ý kiến kiểm toán dạng chấp nhận toàn phần có đoạn lưu ý chưa rõ ràng theo quy định:
Quy định:
Đoạn 37 – VSA 700: Ý kiến chấp nhận toàn phần còn được áp dụng cho cả trường hợp báo cáo kiểm toán có một đoạn nhận xét để làm sáng tỏ một số yếu tố ảnh hưởng không trọng yếu đến báo cáo tài chính, nhưng không ảnh hưởng đến báo cáo kiểm toán..
Thực hiện:
Một số báo cáo kiểm toán chấp nhận toàn phần có đoạn lưu ý mô tả nội dung vấn đề cần lưu ý chưa rõ ràng, gây khó hiểu cho người đọc hoặc tham chiếu luôn đến Bản thuyết minh báo cáo tài chính (Báo cáo kiểm toán của AASC về báo cáo tài chính năm 2011 của Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Sông Đà; Báo cáo kiểm toán của Dloitte về báo cáo tài chính năm 2011 của Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam và Công ty Cổ phần Vận tải biển Vinaship; Báo cáo kiểm toán của VAE về báo cáo tài chính năm 2011 của Công ty Cổ phần Chứng khoán Tràng An, Báo cáo kiểm toán của CPA Hà Nội về báo cáo tài chính năm 2011 của Công ty Cổ phần Thuốc thú y TW1 ).
* * *
 

Tin tuyển dụng mới nhất

Thống kê MXH

Tổng số chủ đề
34,577
Số bình luận
528,084
Tổng số thành viên
351,446
Thành viên mới nhất
leeyuutyio46
Back
Bên trên