Những hệ lụy sau “cuộc đua” lãi suất huy động VND

hungviet

Founder
ThS. Trịnh Thanh Huyền
Trường Đào tạo & PTNNL
Ngày 5/11/2010, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) quyết định điều chỉnh tăng lãi suất (LS) cơ bản lên 9% sau 10 tháng duy trì ở 8% đã mở đầu cho “cuộc đua” LS huy động vốn VND nửa đầu năm 2011. Bởi sau đó, mức LS được các Ngân hàng thương mại (NHTM) liên tục điều chỉnh tăng dần, thậm chí lên tới 18%/năm vào tháng cuối cùng của năm 2010. Đến quý II năm 2011, “cuộc đua” đã bị đẩy lên cao và quyết liệt hơn cả khi chỉ số CPI tăng liên tiếp những tháng đầu năm. Chỉ sau 5 tháng, CPI đã tăng tới 12% - vượt quá xa chỉ tiêu 7% cho cả năm 2011. Dường như bức tranh “LS cao năm 2008” đang được vẽ lại.

Năm 2008, nhiều người lo lắng khi mức LS huy động lên tới 18%/năm và nghịch lý LS đã nảy sinh với mức LS tiết kiệm được niêm yết như nhau cho mọi kỳ hạn, từ 1 tháng đến 12 tháng, ở hầu khắp các NHTM, từ Nhà nước đến cổ phần. Nhưng đến nay, không chỉ “lo lắng” mà đã trở thành nỗi sợ hãi đối với cả các nhà quản lý, các chủ doanh nghiệp (DN), các nhà kinh tế và đặc biệt là các nhà ngân hàng khi nghịch lý LS lại tái diễn và mức LS huy động “thỏa thuận ngầm” có thể đã lên tới 20%/năm dành cho những khoản tiền tỷ(i).

Rõ ràng, đây là một “cuộc đua” hoàn toàn không mong muốn không chỉ đối với các DN mà đối với cả hệ thống ngân hàng và cả nền kinh tế nói chung. Tuy nhiên, bài viết này không phân tích mức độ hợp lý của chính sách LS cũng như mức LS mà chỉ xem xét những hệ lụy đằng sau “cuộc đua” LS này.

Những hệ lụy đối với NHTM
Là loại hình DN đặc thù, đi vay để cho vay nên những biến động của LS luôn tác động trực diện, liên tục tới mọi hoạt động thường nhật của các NHTM, nhất là hoạt động huy động vốn và hoạt động cho vay - những hoạt động tạo ra nguồn thu chủ yếu của hầu khắp các NHTM Việt nam hiện nay.

* Đối với huy động vốn
LS tăng liên tục thời gian qua đã gây khó khăn rất lớn cho các NHTM, đặc biệt là các ngân hàng quy mô nhỏ, trong việc huy động vốn. Khả năng tiếp cận vốn từ NHNN và từ thị trường liên ngân hàng khó khăn khi NHNN liên tục tăng các loại LS thị trường mở, tái cấp vốn, tái chiết khấu (từ tháng 11/2010 đến nay, LS tái cấp vốn đã tăng 6 lần và LS chiết khấu cũng tăng 3 lần), buộc các NHTM phải tìm đến nguồn vốn từ khu vực dân cư. Tình trạng nhân viên ngân hàng gọi điện thoại trực tiếp cho khách hàng gửi tiền tiếp thị những khoản LS cao để khách hàng rút tiền từ nơi này sang nơi khác đã không còn là hiếm. Thậm chí, một NHTM nước ngoài đã cử các PG (các cô gái tiếp thị) xuống phố quảng bá cho chương trình huy động vốn mà người gửi tiền được hưởng LS không kỳ hạn cao tới 10 lần thông thường với một số điều kiện nhất định(ii).

Cùng với các chiến dịch quảng cáo rầm rộ với những giải thưởng trị giá lên tới hàng tỷ đồng, các NHTM phải huy động vốn với mức LS thực tế cao hơn LS niêm yết theo trần quy định. Rõ ràng “bệnh khát vốn” của các ngân hàng đã trở nên “trầm kha” và đang lây lan trên diện rộng một cách không mong muốn. Vấn đề nằm ở chỗ, họ buộc phải tăng LS lên dù biết đây không phải là “liều thuốc” hiệu quả thực sự vì “tác dụng phụ” của nó rất lớn nhưng lại mang lại hiệu quả tức thì và cục bộ. Có những ngân hàng mà từ đầu năm đến nay đã bị khách hàng rút tới cả chục nghìn tỷ đồng, mà lý do chính là đem gửi ở ngân hàng khác có LS cao hơn(iii).

Mang lại hiệu quả nhất thời cho một số ngân hàng nhưng trên bình diện cả hệ thống, nó thực sự chưa đủ mạnh để kéo thêm vốn vào. Theo báo cáo của NHNN, tốc độ tăng huy động vốn của các tổ chức tín dụng đến 23/5/2011 chỉ tăng 1,48% (trong đó huy động ngoại tệ tăng 18,84% còn huy động bằng VND giảm tới 2,75%). Riêng trong tháng 4 - thời điểm LS huy động tăng đột biến - số dư tiền gửi đã giảm tới 1,09%, tổng phương tiện thanh toán giảm 0,72% so với tháng 3/2011.

Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới lượng huy động, tình trạng “phá trần” LS ở mọi kỳ hạn, mọi đối tượng và mọi ngân hàng đang khiến cho rủi ro tăng lên nhưng các ngân hàng vẫn rất khó huy động được nguồn vốn dài hạn. Cơ chế LS bậc thang theo thời hạn gửi, theo số tiền gửi nhằm khuyến khích khách hàng gửi tiền dài hạn đã không có chỗ để phát huy tác dụng, có chăng là các khách hàng hiện đang cố gắng “gom” đủ tiền để hưởng LS thưởng, và chính điều này đã cổ súy cho tình trạng giành giật khách của nhau. Không những thế, tình trạng này còn tạo nên “lỗ hổng” bởi hệ thống hạch toán kế toán phải biến dạng để “bao” cho được những phát sinh, những chi phí không nằm trong mức 14%. Hậu quả là không chỉ khiến hệ thống ngân hàng méo mó, không minh bạch mà còn dẫn tới sự suy giảm niềm tin vào chính sách.

* Đối với hoạt động cho vay
LS huy động VND tăng cao khiến LS cho vay không chỉ giữ ở mức 20- 23%/năm như thống kê từ NHNN mà có thể đã vượt cao hơn. LS cho vay cao làm các ngân hàng ở vào thế tiến thoái lưỡng nan bởi các DN sản xuất cần vốn thì lại khó tiếp cận vì LS cho vay quá cao, còn các hoạt động chịu được mức LS cao đó lại hầu hết là đầu tư ngắn hạn, phi sản xuất, nhưng đây cũng là đối tượng mà các NHTM phải giảm tỷ trọng cho vay theo Chỉ thị 01(iv).
“Cuộc đua” ngầm về LS đẩy nguồn vốn huy động chạy quẩn trong hệ thống, kéo LS cho vay leo thang khiến DN thiệt hại và phải hạn chế sản xuất kinh doanh (SXKD) nên có thể dẫn tới hậu quả cuối cùng là nợ xấu gia tăng, dẫn đến rủi ro cho NHTM đó nói riêng và cả hệ thống ngân hàng nói chung.
Tính đến cuối tháng 3/2011, nợ xấu toàn hệ thống tăng cao so với cuối năm 2010. Đặc biệt, nợ nhóm 3 tăng khoảng 38%, nợ nhóm 4 tăng gần 30%, nợ nhóm 5 tăng 12%(v). Đây là mối lo không mới nhưng không bao giờ cũ đối với ngân hàng.

Tác động tới khu vực DN
Những biến động của LS trên thị trường sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới lợi nhuận của DN. Thực tế hiện nay ở Việt Nam, các DN tăng nhanh về số lượng, nhưng tỷ lệ vốn chủ sở hữu còn thấp. Trong khi các kênh huy động vốn từ bạn bè, gia đình, người thân, từ những mối quan hệ quen biết là rất hạn chế; khả năng huy động vốn trên thị trường cũng rất khó mà DN lại “khát” vốn nên con đường quen thuộc mà 74,47% DN lựa chọn vẫn là tìm đến ngân hàng. Bởi vốn huy động chủ yếu là đi vay ngân hàng, chi phí sản xuất của các DN sẽ tăng đáng kể khi LS tăng.
Với mức LS cho vay cao của NHTM như hiện nay thì DN phải đạt mức lãi cao hơn nữa trong điều kiện thị trường khó khăn hiện nay. Bởi vậy đã có DN phải tạm ngưng các kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất, thậm chí đình trệ SXKD.
Là khách hàng của các ngân hàng nên các DN có tồn tại thì ngân hàng mới tồn tại được, do vậy, các ngân hàng vẫn đang rất nỗ lực để hợp tác với DN để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy SXKD, góp phần vực dậy nền kinh tế sau khủng hoảng.

Tác động đến cả nền kinh tế
Năm 2011, kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng được dự báo là còn rất nhiều khó khăn, thách thức phải đương đầu. Kiềm chế lạm phát là mục tiêu hàng đầu mà Chính phủ đưa ra mà chính sách tiền tệ là một trong những công cụ quan trọng để điều tiết. Để bảo đảm cho LS thực dương thì phải tăng LS. Song với tốc độ lạm phát 5 tháng đầu năm 2011 đã lên tới 12% so với tháng 12/2010, mức LS sẽ phải tăng đến bao giờ mới “vượt được lạm phát”. Nếu xét về số lần điều chỉnh LS cơ bản thì trong cả năm 2010, NHNN chỉ điều chỉnh duy nhất 1 lần (tăng từ 8% lên 9% vào 5/11/2010) - ít hơn rất nhiều so với 8 lần điều chỉnh trong năm 2008. Mức LS cơ bản đó vẫn được duy trì cho đến thời điểm hiện nay mặc dù LS thị trường biến động. Không điều chỉnh LS cơ bản nhưng từ đầu năm 2011 đến nay NHNN liên tục điều chỉnh LS chiết khấu và LS tái cấp vốn.

Lãi suất cơ bản, chiết khấu và tái cấp vốn. Nguồn: website của NHNN

Không những thế, LS tăng trong điều kiện các thị trường khác liên tục có những biến động lớn: giá vàng và giá các nguyên liệu đầu vào tăng liên tục với tốc độ chóng mặt; chỉ số chứng khoán liên tục phá đáy, sẽ khiến khả năng cạnh tranh của nền kinh tế nói chung bị giảm sút.

Cả từ phía khách quan lẫn chủ quan đều cho thấy, để thực hiện có hiệu quả chính sách kiềm chế lạm phát, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa chính sách tài chính và chính sách tiền tệ. Lãi suất cao, thanh khoản yếu và nợ xấu gia tăng đang là gánh nặng quá lớn đối với hệ thống ngân hàng. Không thể đặt thêm gánh nặng lên vai chính sách tiền tệ và hệ thống ngân hàng, đồng hành với những nỗ lực từ phía ngân hàng, cần và rất cần những quyết sách từ phía Chính phủ và những linh hoạt tự cứu mình của khu vực DN bằng những nguồn lực tài chính khác ngoài nguồn vốn tín dụng. Chỉ có như vậy, nền kinh tế Việt Nam mới có thể đạt được những mục tiêu đề ra cho năm 2011 đầy khó khăn này./.

Nguồn: VietinBank
 
haizzz giá mà bài này có sớm hơn:(...em mới làm thuyết trình về tình trạng lãi suất nhảy múa trong thời gian gần đây T.T
 

Tin tuyển dụng mới nhất

Thống kê MXH

Tổng số chủ đề
34,577
Số bình luận
528,088
Tổng số thành viên
351,542
Thành viên mới nhất
combat84merch
Back
Bên trên